Á – Âu Cách Một Cây Cầu

Thể loại: Hồi Ký – Tuỳ Bút
Tác giả : Diễm Trang
  • Lượt đọc : 366
  • Kích thước : 0.54 MB
  • Số trang : 104
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 193
  • Số lượt xem : 1.494
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Á – Âu Cách Một Cây Cầu trên điện thoại
Cuốn sách này đánh dấu một chặng đường phiêu du của Đào Thị Diễm Trang (tên “ở nhà” là Diễm) khi cô đi qua vừa đủ 20 nước trên thế giới. Lúc bạn cầm nó trên tay, có lẽ cô đã kịp trở về từ nước thứ 23.

Nếu chỉ là con số như vậy thì chắc hẳn chưa có gì phi thường, nhất là đối với thế hệ của cô, những người tuổi teen ở năm 2000 thích chi vào du lịch, ẩm thực, khám phá thế giới bằng số tiền mà các thế hệ trước đó tích lũy để tậu xe, xây nhà, cưới hỏi… (Là tôi thấy những nghiên cứu trên thế giới tổng kết như vậy.)

Không chỉ đi. Thế hệ ấy còn thích viết tản văn du lịch. Lúc đầu thường đơn giản đưa ngay lên facebook, cùng với những tấm hình, những video livestream,… chia sẻ cho vòng bạn hữu rằng mình đã “check-in”, đang “enjoy” đâu đó. Đến một ngày nhìn lại thấy giàu có, và quan trọng hơn, nhận ra rằng gia tài tinh thần này không chỉ thuộc về mình và cho mình nữa. Vì thế hệ ấy cũng mê đọc tản văn du lịch. “500 anh em” ào ào vào “like” và “comment”, báo chí nhanh tay đăng lại những bài hay, nhà xuất bản in tuyển tập, các cơ sở du lịch thì an tâm ngồi đợi một số không ít anh em “lây nhiễm” thú xê dịch sẽ lại lên đường và sẽ lại tiếp tục post… Những “entry” du lịch thành một loại tiền tệ của những “bộ tộc” trẻ trung khắp cả thế giới.

Du ký trong khoảng mươi năm nay chưa bao giờ hết “mốt”. Mà ngày càng nhiều trong số đó là của các “nữ hiệp”: Hoàng Yến Anh (Dưới nắng trời châu Âu), Ngô Thị Giáng Uyên (Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương), Nguyễn Phương Mai (Tôi là một con lừa, Con đường Hồi giáo), Nguyễn Phan Quế Mai (Hạt muối rong chơi, Từ tuyết đến mặt trời), Yếm đào lẳng lơ (Gái phượt), Huyền Chíp (Xách ba lô lên và đi), Hiên Bonnie Trần (Vì cuộc đời là những chuyến đi), Quỳnh in Seoul (Seoul đến và yêu), Thủy Trần (Trên dấu chân mình, Thương nhớ Đồng Văn), Đinh Hằng (Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á, Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ), Bùi Mai Hương (Hẹn hò với châu Âu), Camille Thắm Trần (Bỏ nhà đi Paris), Nguyễn Thị Kim Ngân (Rong ruổi Scotland cùng anh, em nhé!, Nào, mình cùng đạp xe đến Paris), Ploy (Bánh bèo phiêu lưu ký), Đoàn Thị Thanh Trà (Ở xứ đàn bà không chạy chợ)…

Trang Hạ đã có lần đặt câu hỏi:

“Hàng nghìn nhà văn nữ đang viết sách du lịch và văn hóa cho độc giả châu Á vẫn luôn là những phụ nữ đáng thèm muốn nhất. Vì sao họ có sức hút lạ lùng ấy, với đàn ông và với độc giả?”.

Và tự trả lời:

“Đó là người phụ nữ cầm máy ảnh đi dọc đường độc hành, vừa thấy cô đơn vừa thấy tự tại. […] Và chỉ có người phụ nữ với những cảm nhận dọc đường đi, tinh tế và lãng mạn, mới làm cho những cuốn sách du lịch không đơn thuần chỉ là quảng cáo một nơi đến. Với tôi, nó nói nhiều hơn về cách sống. […] Đi – chụp ảnh – ghi chép trở thành cách người phụ nữ chinh phục cuộc sống. Họ luôn hạnh phúc, dù đi một mình hay với ai. Và vì thế, người phụ nữ đi là một người phụ nữ luôn đẹp, luôn cuốn hút, luôn có những câu chuyện để kể”1.

1 Trang Hạ: “Đi và viết”. Rãnh ngực và tiệc đêm. NXB Thời đại 2012.

Giọng nữ quyền có thể tìm thấy ở quý cô ngao du, “Lady Walker” – một hình tượng tuyệt vời đích đáng để đối trọng với quý ông đi bộ “Johnnie Walker” của giới mày râu bấy lâu nay. Hay thật chứ!

Thuộc thế hệ trước Diễm, tôi cũng đã kịp tới hầu khắp các nước mà cô qua…, ừ thì thiếu Úc, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại có thêm Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Tây Ban Nha, Luxembourg, Mỹ. Thế mà vẫn bị du ký của cô cuốn hút, sung sướng gặp lại những nơi chốn mình từng thả bước, nghe những kỷ niệm thoang thoảng hay sâu lắng trong lòng bỗng thức dậy mới mẻ khi một lần nữa phiêu du cùng Diễm. Còn nếu đó là nơi chưa bao giờ đến, trót phiêu du cùng Diễm thì muốn book vé bay và sửa soạn va-li, mê đắm những chân trời.

Đôi lúc, muốn thử soi dưới nắng (bắt chước Gorki hay Lỗ Tấn), tìm giữa những dòng chữ, sức hấp dẫn riêng gì, nét duyên riêng gì… rất Diễm?

Dường như có nhiều ở trong giọng kể ngôi thứ nhất của cô. “Tôi mê mẩn nhìn / Tôi lẩm nhẩm hát / Tôi để ý / Tôi quen dần / Tôi nhận ra / Tôi thích nhất / Tôi xiêu lòng / Tôi rớt nước mắt / Tôi choáng váng / Tôi hối hận / Tôi ngẫm / Tôi cảm thấy…” đậm đặc tất cả các bài viết. Không đặt focus ở miêu thuật, khách quan mà chủ yếu biểu hiện, chủ quan. Không bao giờ flat, monotonous, mà luôn sống động, phấn hứng, kịch tích, hài hước trong khi vẫn giữ được tất cả độ tin cậy của sự chân thành, hồn nhiên, dung dị.

Dường như có nhiều ở bản năng nắm bắt được ma lực của collage, bricolage, pastiche. Cô xếp chồng lớp lớp trong lời kể của mình những chất liệu, những nguồn cảm hứng hết sức đa dạng, khi thì tương cận hài hòa, khi thì tương phản mạnh mẽ, khiến chúng âm vang lên những tấu khúc lạ lùng, dung nhập hiện đại với truyền thống, thực tại với mộng tưởng, ta với tha nhân, tâm với vật…, bất ngờ đi về giữa Sydney và Yên Tử, người đàn ông tiểu thương Kapalicarsi và bà Tú Xương buôn bán ở mom sông, bài ca và giọt lệ của đá, bệnh tật và nghệ thuật, những trận đấu bò với khoái cảm từ máu, khinh khí cầu và khát vọng vút bay…

Và, có lẽ nhiều nhất là ở năng lực giàu có mãnh liệt của tâm hồn. Thường chỉ có khoảng năm đến mười ngày của một tour du lịch theo hành trình định sẵn, cô biết rõ sự khắc nghiệt của mỗi khoảnh khắc qua đi là mỗi khoảnh khắc không lấy lại được. Để mở hết cánh cửa cả sáu giác quan, để thâu nhận những cảnh, những người, những truyền thống, những nền văn hóa bằng tất cả tâm hồn nhạy cảm, đằm thắm yêu thương của một công dân quốc tế, biết đối thoại và chung sống. Và dẫu đi muôn phương, cuối cùng trở về, để thấm thía hơn nỗi niềm hoài nhớ nostalgia gắn bó mình với Mẹ, với ngôi nhà, với quê hương, đất nước còn khó nghèo nhưng đầy đặn nghĩa tình.

Diễm không phải một phượt thủ, chỉ thỉnh thoảng thành lữ khách (VIP) của những công ty du lịch. Nghề chính, cô là giảng viên đại học, làm tour guide dẫn các em sinh viên đến những xứ sở văn chương, văn hóa các nước. Chỉ đọc du ký thôi, có thể hình dung những giờ dạy của cô. Phiêu du cùng Diễm bao giờ cũng là một trải nghiệm thi vị.
Tháng 05/ 2018,
GS. TS Phan Thị Thu Hiền
***
Tôi không phải là một phượt thủ. Cách du ngoạn các nước của tôi có thể không hấp dẫn với nhiều người.

Tôi mua một tour du lịch khi phải đến những địa điểm mà tôi không chắc mình rành rẽ về nó. Bạn đồng hành của tôi là những người thân trong gia đình. Không đi một mình, không đến những điểm không an toàn nhưng nếu cần thì tách đoàn trong một thời gian ngắn; tranh thủ thời gian trống của tour để khám phá thêm những điểm tham quan, trải nghiệm ẩm thực hay thử một phương tiện giao thông địa phương là nguyên tắc của tôi.

Không cố tình bắt chước thi hào Tagore thuở bé – nhìn ra cửa sổ khi thầy giáo giảng bài – nhưng tôi cũng mắc cái tật hướng về cửa sổ xe khi hướng dẫn viên đang thao thao bất tuyệt. Điều đó không có nghĩa là tôi lơ đễnh hoặc không tin những gì anh ta hay cô ta đang nói. Tôi có lắng nghe và ghi chú lại những ý hay, những “key word” rồi từ từ tra cứu nếu có hứng thú. Hầu hết thời gian trên đường, tôi nhìn ngắm mọi thứ trước khi thuốc say xe chỉ đạo phải say giấc. Tôi thích nhan đề cuốn sách Phương Đông lướt ngoài cửa sổ của Paul Theroux, có chút gì đó giống hoàn cảnh của mình.

Thế nên, tôi sẽ không bao giờ viết được những công trình du ký dày dặn, công phu và chỉn chu. Những ghi chép của tôi hầu hết là ngẫu hứng và dựa trên “nồng độ” xúc cảm khi tiếp cận thắng cảnh, con người, văn hóa. Tôi nghiệm ra rằng không phải cái gì hoành tráng, lâu đời thì sẽ cho cảm xúc đậm đà và ngược lại. Tôi cũng rút kinh nghiệm là phải ghi chép lại ngay vì để lâu sẽ “nguội”. Cứ viết khi căng tràn cảm xúc. Có những điều thấm vào máu thịt nhưng chẳng thể tròn lời thì tạm “nhân nhượng” chứ không “cố chấp”. Đôi lúc, một vài ấn tượng giữa các lần xê dịch sẽ là những mảnh ghép hoàn hảo để tôi hoàn thành một bài viết mang tính xâu chuỗi, tổng hợp. Hoặc có khi, một chi tiết nào đó ở địa danh này lại giúp tôi có dịp liên tưởng, ngẫm nghĩ đến những yếu tố tương tự ở một địa danh khác.

Những ghi chép của tôi không cân đối và khuyết hẳn hai “người khổng lồ” của châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa. Tôi chưa đến Ấn Độ, dẫu biết vùng đất này tuyệt vời nhưng có lẽ tôi cần có một sự chuẩn bị đầy đủ hơn, về mọi mặt, để có thể tự tin thả mình trôi theo xứ sở của tâm linh lẫn lạc thú, nơi mà chữ “duyên” được xem như khởi nguồn của những tao ngộ. Trung Hoa thì tôi đã trở đi trở lại bốn lần, ở nhiều thành phố khác nhau, nhưng những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực cứ trộn lẫn khiến tôi thấy rối bời khi đặt bút. Nhưng không có nghĩa là tôi sẽ “bỏ qua”. Một ngày không xa, tôi sẽ đi sâu và ngẫm lâu về hai nơi chốn “lớn hết phần người khác” này.

Trong khi đó, tôi lại ý thức rõ sự dạt dào của mình với Trung Đông. Đó là sự phải lòng bất kể lúc nào gặp gỡ và chỉ ngày càng thêm sâu đậm. Tôi có thể mỉm cười hay rơi nước mắt một cách tự nhiên mỗi khi hồi tưởng những giờ phút ở đây. Những đôi mi rợp lá dừa, mùi ngây ngây trên thân lạc đà, mấy tán cây hiếm hoi mà cao kỳ và cơ man sắc màu lộng lẫy, huyền bí của trang sức, vật dụng luôn tràn ngập trong tâm trí tôi. Một kẻ thiên vị đáng được cảm thông hơn là trách cứ, phải không?

Xen kẽ trong những bài viết về các quốc gia Á, Âu là vài bài viết trên những nẻo đường nước Việt. Mỗi khi từ đâu trở về, tôi đều xách xe máy chạy một vòng trung tâm Sài Gòn, uống cà phê, ăn quà vặt. Tôi hiếm khi mua tour trong nước mà tự mình thu xếp chuyến đi. Khách sạn tuyệt vời và thân thiện. Núi đồi, đèo dốc, đồng bằng, sông ngòi, biển cả… duyên dáng, thơ mộng. Thức ăn, với tôi, không nước nào ngon miệng bằng nước mình. Và tôi cứ thế mê đắm.

Tôi ra mắt cuốn sách nhỏ này nhân một dịp đặc biệt với riêng bản thân mình: đi vừa tròn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu và châu Á (Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Bruney, Myanmar, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Dubai – Abu Dhabi, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Ý). 20 bài viết không đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tôi đã đi qua, mà là một con số mang tính chất kỷ niệm. Tôi chọn tựa Á – Âu cách một cây cầu vì tôi quá ấn tượng với chuyện “trượt qua trượt lại” giữa hai châu lục này chỉ với những cây cầu bắc qua eo biển Bosphorus. Thêm nữa, Á và Âu dĩ nhiên khác biệt nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể phân định thật rạch ròi. Chúng tương giao nhau ở nhiều điểm. Và điềm nhiên đọng lại trong trái tim tôi một cách hòa vẹn.

Phần lớn bài viết trong cuốn sách này đã được đăng rải rác trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn từ năm 2014 đến 2017. Chính nhờ thời báo cũng như sự chấp nhận của độc giả mà tôi duy trì được thói quen ghi chép lại những cảm nhận trên hành trình của mình. Xin sâu sắc tri ân những bạn đọc đầu tiên của tôi là cố GS.NGND Trần Thanh Đạm, nữ đạo diễn Việt Linh, nhà báo Võ Huỳnh Thục Đoan, GS.TS Huỳnh Như Phương, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, GS.TS Phan Thị Thu Hiền, PGS.TS Trần Thị Phương Phương, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, PGS.TS Võ Văn Nhơn… Sự chỉ dẫn, góp ý, khích lệ và yêu thương nơi những người thầy – người bạn lớn này đối với các bài viết của tôi đã tạo động lực cầm bút nơi tôi. Xin chân thành cảm ơn nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, biên tập viên Lê Viết Hổ đã “thúc giục” và định hình bản thảo.

Tháng 12/ 2017,

Diễm Trang