Adolf Hitler - Chân Dung Một Trùm Phát Xít

Thể loại: Lịch Sử ;Chính Trị
Tác giả : John Toland
  • Lượt đọc : 1.990
  • Kích thước : 6.24 MB
  • Số trang : 1511
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 1.547
  • Số lượt xem : 6.225
  • Đọc trên điện thoại :
John Toland là tác giả, sử gia người Mỹ. Ông sinh ra tại thành phố La Crosse bang Wisconsin. John Toland tốt nghiệp Đại học Williams, sau đó tham gia học tại Trường Kịch Yale. Không chỉ vậy, ông còn có 6 năm công tác trong lực lượng không quân, ông luôn mong ước sẽ trở thành một kịch tác gia. Nhưng trong những năm đầu cầm bút, ông phải thừa nhận mình thất bại khi đã viết khoảng 25 vở kịch, 6 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn nhưng không một tác phẩm nào bán được. Cuối cùng, vào năm 1954, truyện ngắn đầu tiên của ông được đăng trên tạp chí Magazine. John Toland từng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1971 cho cuốn Mặt trời mọc: Sự suy tàn của Đế chế Nhật 1939 - 1945.

Một trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi của John Toland phải kể đến cuốn Adolf Hitler - Chân dung một trùm phát xít. Đây là một cuốn tiểu sử đồ sộ chi tiết, với 31 chương kể về cuộc đời của một con người đã làm rung chuyển lịch sử thế giới thế kỷ XX - Adolf Hitler. Với những phân tích chi tiết, nghiên cứu suy xét kĩ lưỡng (tham khảo các nguồn tài liệu chưa công bố, phỏng vấn 200 người từng là đồng sự hoặc từng tiếp xúc với Hitler) cùng với cách kể chuyện dễ hiểu, John Toland tái hiện lại khá hoàn hảo, sinh động chân dung trùm phát xít Đức Quốc xã.

Điều gì đã khiến từ một chàng trai đam mê hội họa mặc dù hai lần thi trượt Học viện Mỹ thuật Vienna; từng sống lang thang trong các khu ổ chuột tại Vienna; phải xếp hàng xin cháo thí trước cổng nhà thờ; tá túc trong những ngôi nhà tồi tàn dành cho người vô gia cư, trở thành nhân vật đứng đầu lực lượng đe dọa nền hòa bình thế giới? Vì sao Hitler có mối thâm thù và điên cuồng muốn tiêu diệt người Do Thái? Vì sao vẫn có rất nhiều người Đức khi đó, đặc biệt là thanh niên, vẫn tôn sùng Hitler? Một con người tàn nhẫn như vậy liệu tình yêu có tồn tại trong trái tim ông ta?… Tất cả sẽ được giải đáp trong cuốn sách này.

Trong cuốn sách này độc giả cũng có cơ hội hiểu thêm về những con người, những cá nhân làm nên nỗi ám ảnh lịch sử nhân loại, cũng như diễn biến lịch sử tư tưởng - văn hóa tại quốc gia có tư tưởng quân phiệt chủ nghĩa lâu đời này.

Chân dung một trùm phát xít là tài liệu tham khảo hết sức quý giá với những ai quan tâm muốn tìm hiểu cuộc đời và con người Hitler cũng như về tình hình châu Âu trong thế chiến II.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

***
Hitler rất ít khi nói về gia đình. Nhưng theo một số người bạn thân thiết, ông thú nhận rằng mình không thể hòa hợp được với cha, một người độc tài, trong khi rất kính trọng mẹ, người phụ nữ mềm yếu, dịu dàng. Bà đã luôn chiếm một vị trí thống trị trong cuộc sống của Hitler. Cha mẹ Hitler đều sinh ra ở Waldviertel, miền quê của nước Áo, phía tây bắc thành phố Viên, cách không xa biên giới với Tiệp Khắc. Theo một thành viên trong gia đình Hitler, dòng họ Hitler mang dòng máu Moravi. Hitler là cái tên rất lạ đối với một người Áo và rất có thể nó được phiên âm từ tên của Tiệp Khắc là “Hidlar” hoặc “Hidlareek”. Có rất nhiều tên như vậy đã xuất hiện ở Waldviertel từ năm 1430 và được đổi từ Hydler sang Hytler, sau đó sang Hidler. Năm 1650, một người họ hàng trực tiếp bên mẹ của Adolf Hitler có tên là Georg Hiedler. Những người cháu ông thi thoảng đánh vần tên của họ là “Huttler” và “Hitler”. Thời đó, chính tả là một vấn đề không quan trọng và là việc được chăng hay chớ kiểu như ở Anh thời Shakespeare vậy.

Waldviertel là một vùng có vẻ đẹp bình dị với nhiều đồi núi và rừng cây. Trên những sườn núi phong nhã là những khu rừng thẳng tắp, thi thoảng có những cánh đồng do nhiều thế hệ nông dân cần mẫn, chịu khó vỡ hoang. Cha của Hitler sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1837 tại làng Strones. Bà nội ông khi đó là một phụ nữ quá lứa lỡ thì 42 tuổi tên là Maria Anna Stricklgruber. Làng Strones quá nhỏ, không có chính quyền địa phương, nên cha ông khi sinh ra được đăng ký khai sinh ở Dollersheim với tên là Alois Stricklgruber, là con ngoài giá thú. Chỗ dành để điền tên người cha bị bỏ trống, tạo thành một điều bí ẩn cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Có giả thuyết cho rằng, ông nội Hitler là một người Do Thái giàu có tên là Frankenberger hoặc Frankenreither. Maria Anna là người hầu trong gia đình người Do Thái ở Graz này và người con trai trẻ của gia đình đó đã làm bà có thai.

Khi Alois (tên của cha Hitler được dùng từ đó về sau) lên 5 tuổi, Maria lập gia đình với Johann Georg Hiedler, công nhân một xí nghiệp lưu động đến từ làng Spital gần đó. Nhưng đứa con trai bé nhỏ của bà vẫn tiếp tục sống một cuộc sống gia đình tàn rụi; Maria chết sau khi kết hôn 5 năm và người bố dượng dường như tiếp tục buông trôi số phận. Alois được anh trai của Hiedler là Johann Nepomuk đưa về nuôi dưỡng tại nhà số 36 ở Spital. Ngôi nhà trong trang trại này và ngôi nhà bên cạnh có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của chàng trai trẻ Adolf Hitler, bởi vì, ở đây, trong ngôi làng biệt lập này, Hitler đã tận hưởng nhiều kỳ nghỉ hè thú vị.

Tình hình ở Spital khiến Alois không thể chịu đựng nổi và ở tuổi 13, ông “thắt chặt chiếc ba lô nhỏ bé của mình và trốn chạy khỏi nhà”. Cảnh tưởng cảm động này sau này được con trai ông, Adolf, miêu tả trong tác phẩm “Mein Kampf” (tạm dịch Đời tranh đấu của tôi). “Một quyết định thật liều lĩnh khi ra đi, với chỉ 3 đồng guđơn trong túi, dấn bước vào một nơi hoàn toàn xa lạ”. Ông đến Viên, một nơi rất hấp dẫn đối với tuổi trẻ ưa phiêu lưu. Ở đây, ông bắt đầu học nghề đóng giày, nhưng 5 năm sau khi học nghề này, ông quyết định trở thành “một người sáng giá hơn” nên gia nhập lính biên phòng. Điều này giúp ông trở thành một công chức, cao hơn một bước so với một giáo sĩ. Ông chịu khó học tập, qua được kỳ thi đặc biệt và đến năm 24 tuổi được thăng chức giám sát, một niềm vinh dự hiếm có của một thanh niên đến từ Waldviertel. Các đợt thăng chức định kỳ đều đặn đến với chàng Alois tham vọng, và năm 1875, Alois trở thành thanh tra hải quan chính ở Braunau trên sông Inn, ngay bên kia nước Đức.

Không ai tự hào về những thành công đó hơn người đã nuôi dưỡng Alois khôn lớn, ông Johann Nepomuk Hiedler. Chưa có người nào trong gia đình Hiedler thành đạt được đến vậy. Không có con trai để nối dõi dòng họ Hiedler, và vào một ngày cuối xuân năm 1876, Johann quyết định phải làm một điều gì đó. Ngày 6 tháng Sáu, con rể Johann và 2 người họ hàng khác đã đến thị trấn Weitra. Ở đây, Johann đã chứng thực nhầm trước công chứng viên địa phương rằng mình là “anh trai của Hiedler”. Họ đánh vần tên của ông là “Hitler” và tuyên bố vài lần rằng trước khi ông chết (năm 1857), với sự chứng kiến của họ, ông đã thể hiện mong muốn cuối cùng và không thể thay đổi của mình rằng ông có một đứa con ngoài hôn thú tên là Alois và muốn hợp pháp hóa việc thừa nhận con trai cũng như trao quyền thừa kế cho nó.

Việc thay đổi tên từ Hiedler thành Hitler là một việc làm bất cẩn, nhưng có nhiều khả năng đây là một mánh khoé bịp bợm nhà quê để che đậy vấn đề. Ngay ngày hôm sau, Johann Nepomuk Hiedler cùng 3 người họ hàng của mình đến Dollersheim, nơi Alois đăng ký giấy khai sinh. Sau khi xem xét giấy tờ do 3 người làm chứng ký, cha xứ có tuổi đã chứng thực từ sổ đăng ký kết hôn của xứ đó rằng, người đàn ông có tên là Georg Hiedler thực tế đã cưới một cô gái tên là Schicklgruber năm 1842. Và do vậy ông đồng ý sửa sổ đăng ký khai sinh. Nhưng có lẽ ông đã miễn cưỡng hoặc gian lận khi làm vậy. Mặc dù ông sửa từ “ngoài giá thú” thành “hợp pháp” và gạch bỏ từ “Schicklgruber” trong chỗ dành ghi tên đứa trẻ, nhưng ông lại quên ghi một tên khác vào. Ở chỗ trống cuối cùng, ông ghi những dòng chữ vô cùng khó đọc: “Những người ký tên dưới đây chứng nhận rằng tên ông Georg Hitler được điền ở đây là cha, họ biết rất rõ về người này, và có quan hệ cha con với đứa trẻ Alois theo tuyên bố của mẹ đứa trẻ. Ông ấy mong muốn tên của mình được điền vào sổ đăng ký tên của giáo xứ này”. Cha xứ tự mình ký tên của cả 3 người làm chứng và lần lượt mỗi người trong số họ đánh dấu chữ thập thay cho chữ ký.

Việc sửa đổi sổ đăng ký không được ký tên cũng không được ghi ngày tháng. Vị cha xứ này có lý do để làm trò láu cá này. Cha xứ không chỉ biết rõ mình ghi tên của người cha là “Hitler” chứ không phải là “Hiedler” như trong sổ đăng ký kết hôn, mà còn biết rằng toàn bộ những thủ tục ông làm ở trên là không hợp pháp bởi 2 điểm: người đã chết không thể được công nhận là cha nếu không có những giấy tờ hợp pháp, hơn nữa người mẹ phải chứng thực sự thật.

Còn một yếu tố mập mờ nữa trong vấn đề này đó là chính Alois Schicklgruber cũng muốn chấp nhận một cái tên mới. Tình trạng con ngoài giá thú gây một chút phiền toái cho ông. Ở vùng Hạ Áo đây là tình trạng phổ biến và ở một số huyện vùng xa, tỷ lệ đó, thậm chí lên tới 40%. Những đứa trẻ mang dòng máu của bất kỳ một cộng đồng trang trại và của tất cả những công nhân giàu có nào đều được chào đón. Tuy nhiên, khi đã đạt được một số thành công nhất định, việc thay đổi tên có thể sẽ làm ông lúng túng hơn.

Dù vì bất kỳ động cơ nào đi nữa thì việc Alois đổi tên cũng một phần là do Johann Nepomuk Hiedler xui khiến (ở làng đó người ta xì xào rằng Alois đã bị thuyết phục vì tin rằng Johann Nepomuk Hiedler sẽ thay đổi di chúc, và những lời bàn tán đó đã được khẳng định. Sáu tháng sau khi Hiedler chết, Alois đã mua một trang trại với giá 5 nghìn đồng florin). Dù sao đi nữa thì quyết định lấy tên là Hitler của ông cũng rất quan trọng. Thật khó có thể tưởng tượng được khung cảnh 7 triệu người Đức nghiêm trang hô “Heil Schicklgruber!”

Đối với các cô gái ở Spital, Alois là một chàng trai bảnh bao trong bộ quân phục, đầu cạo trọc, lông mày rậm, bộ ria ghi đông với hai chòm râu dài dữ tợn chờm xuống 2 bên cằm được cạo nhẵn. Ông quá hấp dẫn với các cô gái. Giống như người cha hợp pháp của mình, ông cũng có một đứa con gái ngoài giá thú. Đám cưới với người con gái của viên thanh tra trong ngành độc quyền thuốc lá cũng không kiềm chế được tính phiêu lưu của một chàng trai đa tình. Xét cho cùng, trông bà ốm yếu và già hơn ông đến 14 tuổi.

Một trong những cô gái duyên dáng nhất ở Spital là cháu nội của ông Johann Nepomuk Hiedler, cô gái 16 tuổi dịu dàng, khuôn mặt xinh xắn tên là Klara Polzl. Klara có dáng người mảnh dẻ, cao gần bằng Alois, mái tóc dày nâu đen và nét mặt điềm đạm. Không rõ đó là tình yêu sét đánh hay đơn giản chỉ là muốn tìm cho người vợ già ốm yếu của mình một người hầu tận tụy, Alois cố gắng thuyết phục gia đình Hiedler cho Klara theo ông tới Braunau. Bà được xếp ở cùng với gia đình Hitler tại một nhà trọ, nơi Alois đang dan díu với người phụ bếp tên là Franziska Matzelsberger (khách hàng gọi bà là Fanni).

Tình trạng này quá sức chịu đựng đối với Frau Hitler. Bà rời bỏ Alois và chấp nhận ly thân. Giờ đến lượt Fanni bước vào gia đình Hitler và bà ta tự cho mình là người vợ được công nhận do hôn nhân thực tế hơn là một người tình. Bà luôn ý thức rằng người hầu xinh đẹp có thể quyến rũ Alois đa tình và một trong những hành động đầu tiên của bà ta là đuổi Klara ra khỏi nhà. 2 năm sau, năm 1882, Fanni sinh một cậu con trai và giống như cha mình, cậu cũng là đứa con ngoài giá thú.

Một năm sau, người vợ bị ghẻ lạnh của Hitler chết vì bệnh lao phổi, Alois cưới Fanni. Hôn lễ diễn ra kịp thời, chỉ 2 tháng sau, đứa con thứ 2, Angela được sinh ra. Cuối cùng, Alois cũng có một người con hợp pháp, mặc dù mang thai phi pháp, ông cũng chấp nhận trách nhiệm pháp lý đối với người con trai, mà sau này là Alois Hitler, Jr. Mặc dù được khôi phục danh phận, nhưng Fanni cũng không hạnh phúc hơn và một lần nữa lại có biểu hiện nhiễm bệnh. Giống như người vợ trước của Alois, bà bị bệnh phổi nặng và phải rời Braunau tới một làng có không khí trong lành gần đó. Từ khi bà rời đi, Alois sống cô đơn ở tầng thượng của phòng trọ Pommer với 2 đứa trẻ. Thật hợp lý khi ông tìm kiếm sự giúp đỡ từ cô cháu gái hấp dẫn của mình. Một lần nữa, Klara hay chiều theo ý người khác lại quay về phòng trọ Pommer và lần này bà trở thành người hầu, bảo mẫu và người tình. Người phụ nữ đang mang thai Adolf Hitler lúc đó là một người có trái tim nhân hậu đến nỗi bà cố gắng hết sức để giúp Fanni hồi phục, thăm Fanni thường xuyên. Thật kỳ lạ, Fanni tiếp nhận sự giúp đỡ này của tình địch.

Mùa hè năm 1884, cuộc sống khốn khổ của Fanni kết thúc. Có thể dự đoán được rằng người đàn bà tiếp theo đang chờ đợi bước vào gia đình Hitler là người đàn bà đã mang thai. Alois muốn cưới Klara, bà có thể chăm sóc cho 2 đứa con ông và thực sự ông cũng thích bà. Nhưng Nhà thờ ngăn cấm hôn lễ của họ, vì theo giấy tờ đã được hợp pháp hóa một cách giả mạo, cha đẻ của ông và ông nội của Klara là 2 anh em. Alois khẩn khoản yêu cầu các cha xứ địa phương xin tòa thánh Rome miễn trừ cho trường hợp đặc biệt này. Sau 1 tháng, đề nghị đó được chấp thuận, chắc chắn là vì lý do Klara đang mang thai. Sáng ngày 7 tháng Một năm 1885, thời điểm sớm nhất có thể, Alois và người cháu gái làm lễ kết hôn tại Pommer Inn. Quà cưới là 2 đứa trẻ, Alois, Jr. và Angela và 3 người chứng kiến: Johanna, em gái của Klara và 2 nhân viên hải quan. Người hầu mới đã thu xếp tất cả mọi việc, bà nhiệt tình khuấy động phòng khách và trong suốt lễ cưới, Alois luôn trêu chọc bà vì điều đó. Họ không có tuần trăng mật. Sau bữa cơm đơn giản, Alois trở về trạm hải quan. Sau này Klara bâng khuâng nhớ lại “chồng tôi lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.

Điều đáng chú ý là cuộc sống riêng tư phóng túng của Alois không bao giờ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của ông. Ông vẫn luôn là một quan chức trung thành và có năng lực, được đồng nghiệp và cấp trên quý mến. Ông cố giữ mình để được quý trọng như vậy, mặc dù uy tín của ông ở địa phương không được tốt, những vụ ngoại tình của ông trong một thị trấn nhỏ như vậy chắc chắn trở thành chủ đề bàn tán chung. Trong số những lời đồn đại xấu về ông có lời xì xầm rằng ông đã mua quan tài cho người vợ đầu tiên của mình ngay khi bà vẫn còn sống.

Klara tỏ ra rất năng động trong vai trò “người nội trợ” mới. Bà là một người quản gia mẫu mực và hy sinh tất cả cho Alois, Jr. và Angela, bà coi chúng như con đẻ của mình vậy. Bốn tháng sau ngày cưới, bà sinh một cậu con trai. Hai năm sau, bà sinh một cô con gái và một cậu con trai nữa. Đứa con út chết vài ngày sau khi sinh và không lâu sau cả 2 đứa lớn mắc bệnh bạch hầu và chết. Bi kịch này khiến Klara khó có thể chịu đựng nổi. May thay, bà tìm được lối thoát cho chính mình ở Alois Jr. và Angela, nhưng mối quan hệ của bà với chồng vẫn căng thẳng. Đầu tiên, bà coi Alois như bề trên của mình và con đường từ người hầu đến người tình rồi đến người vợ quá phức tạp đối với một cô gái giản đơn đến từ Spital. Bà vẫn gọi chồng mình là “chú”.

Cái chết của 3 đứa con rõ ràng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của Klara và mãi đến ngày 20 tháng Tư năm 1889, bà mới sinh được đứa con thứ tư. Cậu con thứ tư này 1/4 giống Hitler, 1/4 giống Schicklgruber, 1/4 giống Polzl và 1/4 giống ai không biết. Trong sổ đăng ký tên thánh, tên của cậu là “Adolfus Hitler”. Sau này Klara khẳng định rằng Adolf là một đứa trẻ ốm yếu và bà luôn phải sống trong sợ hãi sẽ mất cậu, nhưng người hầu của họ thì lại nhớ rằng Adolf “là một cậu bé khoẻ mạnh, hoạt bát và phát triển rất tốt”.

Frau Hitler quá yêu mến và chăm sóc cậu con trai, nhưng cũng từ đó mà có thể làm cậu hư. Cuộc sống bình lặng trôi qua ở Pommer Inn. Người cha dành nhiều thời gian cho bạn bè, thú vui, và công việc nuôi ong của mình hơn là thời gian ở nhà, nhưng rõ ràng ông đã bỏ được thói trăng hoa, hoặc ít nhất cũng kín đáo hơn. Người hầu của ông nhớ lại một cách thân mật rằng ông là người “rất nghiêm khắc nhưng dễ chịu”, luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Chẳng hạn như có lần quan chức liêm khiết này thậm chí còn tháo ủng ra chứ không đi làm bẩn nền nhà. Nhưng đối với nhân viên giám sát hải quan mới, Alois Hitler là một người không dễ cảm thông, “ông ấy rất nghiêm khắc, hay đòi hỏi những yêu cầu cao và làm ra vẻ mô phạm, là một người khó gần nhất… Ông ấy luôn tự hào trong bộ quân phục của mình và luôn chụp ảnh trong bộ quân phục đó”.

Khi Adolf lên 3 tuổi 4 tháng, ông được thăng chức và cả gia đình chuyển đến Passau, một thành phố xuôi xuống hạ nguồn sông Inn, bên bờ nước Đức, nơi có cơ quan giám sát hải quan. Sống ở một thành phố của Đức và chơi cùng với những đứa trẻ người Đức đã tạo một vết lằn sâu trong cậu bé Hitler. Tiếng địa phương đặc trưng vùng Hạ Bavaria vẫn còn là tiếng mẹ đẻ của cậu. Nó gợi cho cậu nhớ về “thời thơ ấu của mình” - Hitler sau này nhớ lại.