Ẩm thực Trung Quốc

Tác giả : Lưu Quân Như
  • Lượt đọc : 41
  • Kích thước : 14.76 MB
  • Số trang : 131
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 499
  • Số lượt xem : 2.567
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Ẩm thực Trung Quốc trên điện thoại
Nói đến ăn uống, tục ngữ Trung Quốc có câu: “Người dân xem miếng ăn là trời”, đủ để thấy được “miếng ăn” chiếm vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Ăn, không chỉ để no bụng, mà có cái để ăn, ăn được, biết cách ăn, được xem là “phúc đức”. Người đời sau hay dẫn câu nói của Khổng Tử: “Ẩm thực, trai gái, đều là ham muốn to lớn của con người” để thúc đẩy văn hóa ẩm thực, và đây cũng chính là căn cứ, là bằng chứng cho thấy thái độ tích cực, tư tưởng tiến bộ trong hưởng thụ cuộc sống của người dân.

Kỹ thuật nấu ăn của Trung Quốc phát triển vượt bậc, rất nhiều nguyên vật liệu trong mắt người nước ngoài là không thể ăn được, nhưng khi vào tay các đầu bếp Trung Quốc đã biến thành món ăn thơm ngon, đẹp mắt; thực đơn món ăn của người Trung Quốc cũng tương đối phong phú, những gì ăn được đều liệt kê vào thực đơn, rất ít kiêng kỵ. Người Trung Quốc cho rằng, ăn được là phúc đức, nên không chỉ sáng tạo ra nhiều món ngon với khẩu vị của nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ rộng lớn của mình mà còn đem nền văn hóa ẩm thực này truyền bá khắp thế giới, do đó, trong thời đại hội nhập ngày nay, ở các thành phố lớn trên khắp thế giới đều có thể thưởng thức được hương vị món ăn Trung Hoa.
Cũng giống như các quốc gia có diện tích rộng lớn khác, khẩu vị các món ăn Trung Hoa được phân chia thành nam bắc hai miền. Mặc dù gạo ngon nhất của Trung Quốc ở vùng đông bắc, nhưng người dân các tỉnh thành miền bắc và vùng đông bắc này lại thích ăn mì và các món chế biến từ bột mì. Các món ăn nổi tiếng và kinh điển nhất của vùng này là món thịt dê nhúng, vịt quay Bắc Kinh, các món Sơn Đông. Thức ăn chính của người dân miền nam Trung Quốc chủ yếu là gạo và các món chế biến từ gạo, bột gạo, cách thức chế biến khá phong phú, vừa có những món cay của vùng Tứ Xuyên, vùng Tương Giang (Hồ Bắc – Hồ Nam), vừa có các món mang vị ngọt của vùng đất Tô Châu, vị tươi ngọt thịt của các món canh hầm Quảng Đông. Vì vậy, những ai từng đặt chân đến Trung Quốc đều ngạc nhiên rằng không những các món ăn thay đổi khá nhiều theo vùng miền, mà chủng loại, hình thức cũng vô cùng đa dạng, phong phú.

Món ăn Trung Hoa không chỉ thỏa mãn vị giác của thực khách mà còn là đại tiệc của thị giác. Tiêu chuẩn trong nghệ thuật ẩm thực của Trung Hoa là phải hội tụ cả sắc, hương, vị. Để món ăn có màu sắc đẹp mắt, thông thường sẽ chọn đủ các nguyên vật liệu có nguồn gốc từ thực vật lẫn động vật, thường bao gồm một nguyên liệu chính và hai, ba loại phụ liệu có màu sắc khác nhau, phối hợp hài hòa giữa các màu xanh, lục, đỏ, vàng, trắng, đen, màu tương… cùng với cách thức chế biến phù hợp sẽ cho ra món ăn có màu sắc đẹp mắt, đạt đến hiệu quả thẩm mỹ cao. “Hương” thường là những hương liệu được thêm vào món ăn với lượng thích hợp như: hành, gừng, tỏi, rượu, đại hồi, quế, tiêu, dầu mè, nấm hương… để tăng thêm mùi vị cho món ăn, kích thích khứu giác của thực khách. Có nhiều cách chế biến món ăn như: chiên, xào, kho, hấp, rán, hầm, nấu… vừa chú trọng đảm bảo giữ được mùi vị, hương sắc của thức ăn, vừa có thể dùng món ăn với các loại nước chấm như nước tương, giấm, hương liệu, ớt… để món ăn thêm đậm đà, tạo nên khẩu vị mặn, ngọt, chua, cay khác nhau. Ngoài ra, còn có thể dùng cà chua, củ cải, cà rốt cắt, gọt, tỉa thành bông hoa, con vật… trang trí, tô điểm cho món ăn thêm phần đẹp mắt, để việc “ăn” các món ăn Trung Hoa thực sự trở thành nghệ thuật ẩm thực.

Thuộc bộ sách