An Ninh Con Người Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hoá

Thể loại: Chính Trị
Tác giả : Trần Việt Hà
  • Lượt đọc : 96
  • Kích thước : 4.80 MB
  • Số trang : 226
  • Đăng lúc : 11 tháng trước
  • Số lượt tải : 80
  • Số lượt xem : 518
  • Đọc trên điện thoại :
Trong những thập niên gần đây, an ninh con người và bảo đảm an ninh con người đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. An ninh con người trở thành vấn đề mang tính sống còn cho sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang gây ra những tác động mạnh mẽ, khó đoán định cho an ninh con người nói chung và an ninh con người Việt Nam nói riêng.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mức độ rủi ro đe dọa an ninh con người ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp hơn bởi những tác động khó kiểm soát (như khủng hoảng tài chính, dịch bệnh, chất thải...). Những hiện tượng mới như vậy (bất kể là “tốt” hay “xấu”) đều có chung đặc tính là “khó đoán định” và các nhà nước không thể đứng ra giải quyết một cách đơn phương. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các hiện tượng này là “sự gia tăng các rủi ro mang tính xuyên biên giới”.

Trước bối cảnh đó, người dân ở khắp nơi trên thế giới đều muốn có được sự an toàn về thân thể, thịnh vượng về vật chất, phong phú về tinh thần. Trong khi đó, với vai trò cung ứng dịch vụ an ninh cho người dân thì các giải pháp an ninh truyền thống mà các quốc gia đã từng áp dụng đang trở nên kém hiệu quả.

Sự gia tăng rủi ro trong xu thế toàn cầu hóa đã chứng tỏ một điều rằng, ngày nay, tất cả mọi người, cá nhân, cộng đồng, nhà nước đều tồn tại trong tình trạng không an toàn. Do đó, một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của các thể chế chính trị là làm giảm sự không an toàn của người dân xuống mức thấp nhất có thể và làm sao cho sự cố kết bên trong xã hội không bị nguy hại. Những kinh nghiệm thực tiễn cho thấy các nhà nước phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản trị của mình để tương thích với sự biến đổi của thế giới.
Để bảo đảm an ninh con người, các quốc gia phải tạo dựng được các môi trường kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, văn hóa, sinh thái... phát triển lành mạnh. Các yếu tố đó phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ con người trước những mối đe dọa như đói nghèo, dịch bệnh, môi trường ô nhiễm, tội phạm, bất công, bạo lực, chiến tranh, xung đột, mất an toàn về thể xác hay bị lo lắng về tinh thần... Bằng những hành động thiết thực đang tiến hành, Canada, Liên minh châu u (EU), Trung Quốc... đã cho thấy, những nỗ lực trong chính sách an ninh con người của họ đã đem lại những hiệu ứng tích cực nhất định cho người dân của họ. Các chính sách mới ở những quốc gia này đã dần đem lại tình trạng an ninh tốt hơn cho người dân. Những thành công hay thất bại của các nhà nước đi trước sẽ là những bài học tham khảo quý giá giúp cho Việt Nam đưa ra các sách lược an ninh con người phù hợp, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần người dân không ngừng được nâng cao. Kết quả đó đã góp phần tạo lập nền tảng vững chắc để bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh con người Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, an ninh con người đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các tác nhân truyền thống và phi truyền thống. Vì vậy, việc nhận thức đầy đủ về an ninh con người để từ đó đề ra những phương hướng giải quyết là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

Nhằm góp phần cung cấp tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách nói riêng, bạn đọc nói chung quan tâm đến vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách An ninh con người trong bối cảnh toàn cầu hóa do TS. Trần Việt Hà làm chủ biên. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết chung về an ninh con người, các hiệu ứng do toàn cầu hóa gây ra cho an ninh con người; cũng như nghiên cứu các đối án tương thích - nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng là “an ninh con người”, từ đó tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm bảo đảm an ninh con người Việt Nam.

Những nội dung được tác giả đề cập trong cuốn sách là những vấn đề phức tạp, rộng lớn, có nhiều cách tiếp cận và đánh giá khác nhau. Vì vậy, cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót nhất định. Nhà xuất bản và tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 6 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT

Sách liên quan