Andromaque

Tác giả : Jean Racine
  • Lượt đọc : 309
  • Kích thước : 1.96 MB
  • Số trang : 168
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 191
  • Số lượt xem : 1.979
  • Đọc trên điện thoại :
Jean Racine (1639 - 1699) là nhà viết kịch cổ điển vĩ đại của nước Pháp. Nếu như Corneille là người mở đầu vinh quang cho nền bi kịch cổ điển Pháp, thì Racine là người đã đưa bi kịch cổ điển Pháp lên thành một thể loại mẫu mực và huy hoàng, sánh ngang với bất cứ nền bi kịch nào của chủ nghĩa bi kịch cổ điển châu Âu.

Kiệt tác Andromaque (1667) ra đời vào thời kỳ rực rỡ nhất trong cuộc đời cầm bút của Racine. Nàng Andromaque, sau khi chồng là tướng Hector thành Troie bị sát hại dưới tay Achille, đã trở thành tù nhân của Pyrrhus - con trai của Achille. Trớ trêu thay, Pyrrhus sau khi đăng vương vị thành Troie lại phải lòng Andromaque và bảo vệ cho đứa con của nàng với chồng cũ, mà quên lãng ước hẹn hôn phối cùng Công chúa Hermione. Nhân dân Hy Lạp bất bình vì sự ấy đã cử Oreste - con trai của Agamemnon - đi sứ nhằm đòi đứa bé. Song Oreste tới xứ Épire đâu chỉ với mục đích thực hiện nghĩa vụ quốc gia…

Những vở kịch đầy giá trị nhân văn sẽ còn được loài người ca tụng mãi về sau này, điều khiến Andromaque có một ngai vị riêng ấy là đã khéo “gây nên những kịch huống để lợi dụng một câu chuyện cổ mà diễn ra những nỗi thương, yêu, oán, giận, phân vân suy tính hay là quả quyết nhất định, là những tính tình thiên nhiên bất hủ của con người ta vậy.”
***
Chuyện nàng Andromaque mà Racine tiên sinh lấy làm cốt vở kịch này là một câu chuyện cổ xảy ra vào thời thành Troie, sau mười năm chống cự lại dân Hy Lạp, đã bị tàn phá và đổi thành một nước phụ thuộc dân Hy Lạp. Duyên do cuộc chiến tranh lâu năm này là ở sự nàng Hélène là vợ vua Ménélas xứ Hy Lạp bị hoàng tử con vua Priam và Hoàng hậu Hécube thành Troie, là Pâris, cướp phỗng mất. Đó là một điều nhục cho dân Hy Lạp, vậy mới có cuộc báo thù. Cuộc chiến tranh hăng hái dữ dội này đã được nhà đại thi sĩ cổ xứ Hy Lạp là Homère dùng làm cốt cuốn thơ Iliade của ông.
Nàng Andromaque là người đàn bà nhan sắc, vợ góa của Hector, là một Tướng quân đại tài của thành Troie đã từng đương đầu với các danh tướng Hy Lạp và được mọi người kính phục. Hector bị tướng Hy Lạp là Achille giết chết, rồi thành Troie và xứ Épire rơi vào tay người Hy Lạp. Pyrrhus là con Đại tướng Achille lên làm vua xứ Épire, nhưng lại phải lòng nàng Andromaque là tù nhân của mình và có ý bênh vực cho đứa con của nàng sinh hạ với Đại tướng Hector, là thằng bé Astyanax. Trong khi ấy thì Công chúa Hermione là con gái vua Ménélas, trước kia cha mẹ đã hẹn gả cho Pyrrhus và có lòng yêu Pyrrhus lắm. Công chúa Hermione cũng buồn bực đau đớn, vì thấy người mình yêu đã thay lòng đổi dạ, không săn sóc gì đến mình nữa. Nàng Hermione yêu Pyrrhus mà không được Pyrrhus yêu lại; trái lại, nàng không yêu Oreste là con Đại tướng Agamemnon, thì lại được Oreste yêu nàng say đắm. Nhân khi dân Hy Lạp lấy làm bất bình về sự Pyrrhus muốn cưới nàng Andromaque làm vợ và lại bênh vực đứa con nàng, Oreste bèn ra ứng cử để được cử đi sứ sang bên Épire đòi đứa bé ấy. Nhưng thật trong lòng, thì Oreste sang Épire không mong đòi được đứa bé mang về; trái lại Oreste chỉ mong cho Pyrrhus cứ nhất định không trả đứa bé, cứ yêu mê mệt nàng Andromaque và xua đuổi nàng Hermione cho nàng đến phải nản chí mà quay về yêu hắn vậy.

Câu chuyện lôi thôi như thế, nhưng nhà kịch sĩ đã khéo xếp đặt làm sao cho đầu đuôi câu chuyện chỗ nào cũng rõ ràng cả. Chỉ đọc xong hồi thứ nhất là chúng ta đủ trông thấy hết cái tình cảnh éo le của mỗi người trong chuyện. Tuy nhiên, cái khéo nhất của nhà kịch sĩ là ở sự gây nên những tình trạng, những kịch huống cho các vai trong câu chuyện có dịp thổ lộ rõ ràng ra hết những nỗi khuất khúc ở trong lòng họ, nói khác đi, gây nên những kịch huống để lợi dụng một câu chuyện cổ mà diễn ra những nỗi thương, yêu, oán, giận, phân vân suy tính hay là quả quyết nhất định là những tính tình thiên nhiên bất hủ của con người ta vậy.

***
Jean Racine tiên sinh sinh tại la Ferté Milon (thuộc hạt Aisne nước Pháp), ngày 21 Décembre 1639.

Năm lên hai tuổi, tiên sinh mất mẹ, và đến năm lên bốn, thì tiên sinh mồ côi cả cha nữa. Tiên sinh được bà nội là bà Marie Desmoulins mang về nuôi.

Bà Marie Desmoulins có hai người em gái và một cô con, cả ba đều tu ở nhà tu Port Royal. Sau khi chồng bà tạ thế, bà cũng vào tu ở đó cùng với các em và con. Bà dạy dỗ cháu, tức là Jean Racine tiên sinh, theo những tư tưởng của phái đạo Jansénistes.

Bà gửi tiên sinh vào học trường Thành chung ở tỉnh Beauvais mà các ông giáo ông đốc toàn là người theo phái đạo Jansénistes cả. Năm lên mười sáu tuổi, Jean Racine tiên sinh được vào theo học các Tiểu học đường của Giáo đoàn Port Royal, ở đó, trong ba năm, tiên sinh được thụ giáo ông Giáo sư chữ Hy Lạp Lancelot và ông Giáo sư chữ La tinh Nicole. Đến năm 1658, thì tiên sinh học khoa triết lý ở Paris, tại trường Thành chung d’Harcourt.

Khi đã xong học, tiên sinh đến ở trọ nhà người anh em họ là ông Vitart, khi ấy làm chức quản gia trong dinh Quận công Luynes. Ở nơi này, tiên sinh mới làm quen với những nhân vật thượng lưu trí thức, giao kết với các nhà văn sành nghề ăn nói và các thi sĩ. Khi ấy tiên sinh cũng có viết nhiều thơ, những bài văn ngắn theo lối Sonnets (bài thơ mười hai chữ của người Pháp tương tự lối bát cú của người An Nam ta) và lối madrigaux (lối thơ huê tình, cốt lấy ngắn mà nhiều ý nhị). Năm 1660, nhân dịp đức vua làm lễ thành hôn, tiên sinh viết một bài đoản ca đề là: Vị thủy tiên nữ của sông Seine. Tiên sinh kết tình bè bạn với ông La Fontaine, viết một bản bi kịch, rồi lại viết phác một bản bi kịch khác nữa.

Những sự giao du của tiên sinh với các nhà văn như thế làm cho các ông giáo ở Port Royal và họ hàng tiên sinh đều lấy làm áy náy lo ngại. Không muốn cho tiên sinh đắm đuối trong cuộc đời phồn hoa xa xỉ và đi lại với bọn con hát, họ bèn bắt tiên sinh đến ở tỉnh Uzès, trong hạt Gard, ở đấy tiên sinh có một người cậu là ông Sconin làm Thầy cả hầu Đức giám mục, ông cậu cho tiên sinh hi vọng sẽ được một chức có lương trong Giáo hội giới. Tiên sinh ở vùng Nam nước Pháp trong một năm, nhưng chăm chỉ về khoa thần học ít hơn là chăm làm thơ và viết bi kịch.

Về Paris năm 1663, tiên sinh viết một bài Đoản ca về sự Đức vua khỏi bệnh, và do đó, nhận được của nhà vua Louis XIV một món tiền thưởng là 600 livers. Tiên sinh lại tạ ân vua bằng một bài nữa, đề là: Sự vẻ vang về với các Nàng thơ. Nhân dịp này, tiên sinh giao kết với ông Boileau và ông Molière.

Năm 1664, ông Molière đem diễn ở nhà hát riêng của ông ở phố Palais Royal (Hoàng Thành) bản bi kịch đầu tiên của Racine tiên sinh: La Thébaïde ou les Frères ennemis. Năm 1665, cũng ở nhà hát này lại diễn kịch Alexandre của Racine tiên sinh, nhưng tiên sinh không được vừa lòng, cho là các tài tử của ban kịch Molière không sành nghề diễn bi kịch, bèn đem bản kịch Alexandre giao cho ban kịch của Hotel de Bourgogne diễn lại. Cái cử chỉ không được nhã nhặn đó đã làm mất lòng ông Molière và hai người từ đấy không giao du với nhau nữa.

Đồng thời, Racine tiên sinh tưởng mình bị ám chỉ trong một câu văn của ông Nicole nói những nhà thi sĩ viết kịch hát toàn là “những kẻ đầu độc dân chúng”, bèn in một bức thư ngỏ cho các thầy giáo cũ ở Port Royal, bức thư đó là một tác phẩm tuyệt xảo về đường ngôn ngữ văn chương nhưng cũng là một cử chỉ rất bạc và đáng chê cười. Tiên sinh còn toan in một bức thư thứ hai nữa còn độc địa phũ phàng hơn bức trước, nhưng may có ông Boileau căn ngăn, tiên sinh mới thôi.

Thế là từ đấy trở đi, tiên sinh tuyệt giao với tất cả Giáo đoàn Port Royal, trong kịch trường tha hồ vẫy vùng không phải nể nang ai và e dè gì nữa. Từ 1667 đến 1674, tiên sinh lần lượt xuất bản và cho diễn các kịch sau này: Andromaque (1667), Les Plaideusr (1668), Britannicus (1669), Berenice (1670), Bajazet (1672), Mithridate (1672), Iphigénie (1674). Đến năm 1673 thì tiên sinh được vào một chân trong Hàn lâm viện Pháp. Năm 1677, tiên sinh cho diễn vở kịch Phèdre đáng lẽ được công chúng hoan nghênh ngay, nhưng phải mất mấy hôm đầu, có bọn Công tước phu nhân de Bouillon và Quận công de Nevers âm mưu phá đám, vì họ muốn giúp cho cuộc toàn thắng của vở kịch Phèdre et Hippolyte do nhà văn sĩ Pradon soạn.

Tức gan phẫn chí, lương tâm không được yên ổn về đường tôn giáo, sau nữa lại thêm nhiều nỗi buồn bực thất vọng về tình ái, tiên sinh bèn làm lành với Giáo đoàn Port Royal, từ bỏ nghề kịch, lấy vợ, nhận làm chức Ngự sử quan, rồi chỉ chuyên tâm về những công việc trong triều với sự dạy dỗ các con.

Năm 1689, bà de Maintenon nhờ tiên sinh viết cho các thiếu nữ trường Saint-Cyr một vài lớp kịch về một đầu đề tôn giáo. Tiên sinh bèn viết ra vở kịch Esther khi diễn được hoan nghênh kịch liệt. Năm 1691, tiên sinh lại cũng theo một mục đích như lần trước, viết ra vở Athalie, nhưng vở kịch này diễn không được khéo bằng vở Esther nên thời ấy không được ai cho là một vở kịch tuyệt tác.

Mấy năm cuối cùng trong đời tiên sinh thì buồn tẻ, vì đối với Đức vua, tiên sinh đã hầu như bị thất sủng. Vua Louis XIV ghét tiên sinh về sự quá thân mật với Giáo đoàn Port Royal. Tiên sinh tạ thế ngày 21 Avril năm 1699, để lại bảy người con: năm người con gái, trong số đó có hai người đi tu, và hai người con giai, Jean Baptisle và Louis là tác giả những cuốn thơ La Grace và La Religion.

Ngoài các vở kịch, Racine tiên sinh còn để lại một cuốn Lịch sử toát yếu giáo đoàn Port Royal, Mươi đoạn lịch sử, nhiều bài Thơ trào phúng, bốn bài Tôn giáo ca, và một tập Thư viết gửi cho các bạn hữu và các con.