Balzac Và Cô Bé Thợ May Trung Hoa

Tác giả : Đới Tư Kiệt
  • Lượt đọc : 274
  • Kích thước : 0.53 MB
  • Số trang : 142
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 110
  • Số lượt xem : 1.539
  • Đọc trên điện thoại :
Tại vùng núi "Thiên Phụng" hoang vu, có hai trí thức trẻ được đưa về cải tạo trong cuộc đại cách mạng văn hóa. Giữa những người dân lần đầu nhìn thấy vĩ cầm hay một chiếc đồng hồ có con gà trống sặc sỡ, họ tìm thấy một người bạn-người tình xinh đẹp: cô thợ may Trung Hoa, giữa những tháng ngày tăm tối và vô vọng, họ tình cờ có được những tác phẩm nổi tiếng của văn học phương tây. Vậy là đủ cho những cuộc phiêu lưu! Mặc kệ những ngày lao động cực nhọc, mặc kệ những thành kiến, mặc kệ những âu lo về tương lai mờ mịt... họ đắm mình trong cảm giác yêu đương hoang dại mới mẻ, đắm mình trong những tác phẩm cổ điển của Balzac, Duyma. Có thể nói, văn chương đã cứu vớt, an ủi, xoa dịu tâm hồn hai chàng trai trẻ, đưa họ tới gần hơn cô bé thợ may xinh đẹp, nhưng cũng chính văn chương đã đưa cô rời xa họ, bởi những tác phẩm của Balzac đã làm cô hiểu ra "sắc đẹp của người đàn bà là một kho tàng vô giá".
Sức hấp dẫn của Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa đến từ những trang viết sinh động, hài hước và cay đắng về hiện thực cải tạo của cả một thế hệ thanh niên Trung Hoa trong cuộc đại Cách mạng văn hóa, từ văn phong đẹp, từ những chi tiết đặc sắc giàu tính điện ảnh của nhà văn-đạo diễn Đới Tư Kiệt, và đặc biệt, từ cái kết bất ngờ làm người đọc phải ồ lên ngỡ ngàng vì tác động nhiều chiều của văn chương. Tất cả đã đem lại cho Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa nét riêng bên những tác phẩm cùng viết về thân phận con người trong một giai đoạn lịch sử Trung Quốc đầy biến động.
Nhận định về tác phẩm:

"Có rất ít cuốn sách làm tôi xúc động như cuốn này. Tôi đánh giá nó rất cao. Bản thân tôi cũng bí mật làm quen với văn hóa phương Tây nhờ văn học trong Cách mạng Văn hóa khi tôi lần đầu tiên được đọc bản chép tay bản dịch tiếng Trung cuốn Jane Eyre của Bronte. Đới Tư Kiệt đã trình bày kinh nghiệm này một cách tuyệt vời. Bất cứ ai muốn hiểu văn học nghệ thuật phương Tây ảnh hưởng thế nào đến Trung Quốc đều nên đọc sách này "
- Anchee Min - nhà văn, tác giả Đỗ quyên đỏ, Làm vợ Mao
"Một câu chuyện như thôi miên, cổ điển và hiện đại, một chủ nghĩa hiện thực vừa ngụ ngôn vừa bạo dạn, đầy chi tiết quý giá, lay động sâu xa đến trí tưởng tượng và trái tim tôi"





- Amy Tan-nhà văn, tác giả Phúc Lạc Hội, Con gái thầy lang
"Một câu chuyện đơn giản, với lối kể quyến rũ...Điều khiến truyện nổi bật chính là cách nó đề cập và khơi dậy vẻ đẹp của những trải nghiệm nhân tính vượt khỏi khung cảnh một vùng đồi núi ở miền tây Trung Quốc"
- Justin Hill, Times Literary Supplement
"...Một tiểu thuyết vui vẻ, cảm động, tinh quái và trên hết là làm ta say mê...Dù thấm đẫm sự dí dỏm và hài hước, "Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa" vẫn là một khúc lãng mạn, một tiểu thuyết về sức mạnh của nghệ thuật trong việc mở rộng cánh cửa của trí tưởng tượng, dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa... "
- Micheal Dirda - The Washington Post Book World
***
Nếu bạn từng đọc “Rừng Na Uy” hoặc xem bộ phim cùng tên thì tác phẩm của Đới Tư Kiệt sẽ làm bạn cảm thấy có nhiều nét tương đồng hoặc ngược lại. Đọc “Rừng Na Uy” ta gặp nhiều “người quen” trong “Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa”.

Thứ nhất là mật độ của sex khá dày, thứ hai là không khí chán chường bế tắc của thanh niên. Bởi Đới Tư Kiệt chọn bối cảnh Trung Quốc thời kì cách mạng văn hóa để đưa vào câu chuyện của mình.

Câu chuyện hồi tưởng của nhân vật xưng tôi về khoảng thời gian khi chưa tới tuổi 20, và một người khác tên Lạc, được đưa đến để "tự cải tạo" năm 1971. Ở đó, cô bé thợ may hiện ra trước họ tựa "nàng công chúa của núi Thiên Phụng đi đôi giày màu hồng nhạt bằng vải mềm". Cô tự học viết, học đọc từ người cha thợ may của mình và viết bức thư đầu tiên gửi Lạc.

Và Lạc - mang cơn sốt rét, cùng "căn bệnh ma quỷ" từ hầm mỏ tìm đến nhà cô. Cô chạy ra suối hái một loại thảo dược có bông từa tựa cánh hoa đào để chữa bệnh cho anh. Đêm đến, những sơn dân tận cùng miền sơn cước Trung Hoa lẳng lặng đến nhà cô thợ may để nghe Lạc kể chuyện.

Anh kể rất hay. Đến nỗi khi kết thúc truyện Cô hàng hoa bé nhỏ, tất cả đều thút thít, khóc vì xúc động, gió núi dường cũng xao xuyến, thổi tắt ngọn đèn duy nhất, để trong bóng tối, cô bé thợ may cúi xuống trao cho Lạc một nụ hôn.

Về sau, hai người đã thành thân và âu yếm nhau như vợ chồng, dưới cây bạch quả to lớn, đẹp lộng lẫy, trồng ở cuối thung lũng phía đông ngôi làng của cô bé, nơi mà Lạc gọi là: Thung lũng Tình yêu. Nơi ấy, họ lén đọc những dòng nên thơ trong tiểu thuyết Balzac chép trên mặt áo da cừu và trải những ngày thắm thiết, bay bổng khỏi vòng cấm kỵ...

Ở một thời kì bị cấm đoán ngặt nghèo, thanh niên thành phố bị đưa về vùng quê để cải tạo vụng trộm từ việc đọc những tác phẩm của Balzac cho tới ngắm trộm người đẹp ở bên sông. Nếu đọc một lần, bạn sẽ hơi bực mình và nghĩ sex trong truyện là thứ đưa vào để câu khách rẻ tiền.

Nhưng ngẫm hơn một chút, ta nhận ra đó sự tàn nhẫn. Tàn nhẫn khi đưa những thanh niên chưa trưởng thành về vùng quê khi họ còn mờ tịt các vấn đề giới tính, mọi hành động chỉ ở dạng bản năng từ việc thủ dâm cho tới làm tình với một cô gái còn ở tuổi vị thành niên.

Đới Tư Kiệt đã chọn vẻ đẹp thuần khiết của diễn viên Châu Tấn cho vai cô bé thợ may. "Cô bé thợ may có đôi mắt đẹp nhất huyện Vĩnh Cảnh sống trong một thôn nghèo heo hút, cheo leo, trên đỉnh Thiên Phụng".

Trần Khôn được chọn vào vai Lạc trong bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm ăn khách của ông. Nhưng Trần Khôn lại phong trần hơn so với vai diễn của thanh niên tuổi ngoài 20 với đầy sự tò mò về cuộc sống xung quanh, sự bất mãn khi bị kìm kẹp bởi luật lệ cứng nhắc.

Bằng giọng kể trần thuật ngắn gọn, xúc tích, Đới Tư Kiệt mang tới cho người đọc một câu truyện mang tính nhân văn sâu sắc gói gọn trong cuốn sách mỏng.

Những hình ảnh được miêu tả sống động từ vẻ đẹp cơ thể của những thanh niên mới lớn cho tới thiên nhiên của vùng quê thanh bình nhưng đầy rẫy sự biến động bên trong. Ngôn ngữ đa nghĩa của Trung Quốc được truyền tải hoản hảo bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ mang nhiều sự châm biếm, tinh thâm của phương Tây.

Một cuốn sách thực sự có chiều sâu giữa rất nhiều tác phẩm mì ăn liền do văn học mạng Trung Quốc tạo ra.
***
Đới Tư Kiệt sinh năm 1954 tại Trung Hoa. Từ 1971 tới 1974 ông bị đi học tập cải tạo như mọi thanh niên khác trong thời Cách mạng Văn hoá. Ông rời Trung Hoa sang Pháp năm 1984 và sống ở đó cho tới nay.

Balzac et la Petite Tailleuse chinoise là tiểu thuyết đầu tay của ông, do Gallimard xuất bản năm 2000 tại Pháp, và trở thành tác phẩm bán chạy nhất trong năm với 5 giải thưởng, và đã được quay thành phim do chính ông đạo diễn. Bản tiếng Việt Balzac và Cô Bé Thợ May Trung Hoa sau đây dịch theo bản tiếng Anh, Balzac and the Little Chinese Seamstress, của Ina Rilke, Alfred A. Knopf xuất bản năm 2001 tại New York.