Bí thư tỉnh ủy

Tác giả : Vân Thảo
  • Lượt đọc : 295
  • Kích thước : 2.41 MB
  • Số trang : 726
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 163
  • Số lượt xem : 1.516
  • Đọc trên điện thoại :
Nhà văn Vân Thảo và tiểu thuyết “Bí thư tỉnh ủy”

Với nhà văn Vân Thảo, người đã trải qua 40 năm mặc áo lính, chiến tranh là đề tài xuyên suốt trong các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông.
Ông từng viết về đề tài nông thôn với vấn đề nông thôn trong thời kỳ đổi mới như : “Vui buồn sau lũy tre làng”, “Hương đất”... nhưng là kịch bản phim truyền hình. Trong năm 2009, ông cho ra mắt kịch bản phim “Bí thư tỉnh ủy” với độ dài 50 tập, sau đó chuyển thể kịch bản này thành tiểu thuyết. “Bí thư tỉnh ủy” là tiểu thuyết đầu tay của ông viết về đề tài nông thôn. Dưới đây là cuộc trò truyện với tác giả về cuốn tiểu thuyết này.

- Xin ông cho biết, tiểu thuyết “Bí thư tỉnh ủy” được “thai nghén” từ bao giờ?
Nhà văn Vân Thảo: Thật khó trả lời tôi “thai nghén” tiểu thuyết “Bí thư tỉnh ủy” từ bao giờ. Chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc tôi biết từ những năm sáu mươi của thế kỷ XX. Thời ấy cứ mỗi lần học nghị quyết, người ta lôi chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc ra làm dẫn chứng cho hành động đi trái lại con đường tập thể hóa xã hội chủ nghĩa của Đảng. Đưa nông dân trở về con đường làm ăn riêng lẻ của chủ nghĩa tư bản. Rồi mọi chuyện bẵng đi hàng chục năm thấy không ai còn nhắc đến chuyện ấy nữa. Vào khoảng năm 1995 hay 1996, vô tình tôi đọc một bài báo của hai tác giả Nguyên Bảng và Hải Thanh đăng trên một số báo xuân nói về chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc. Sau đó tôi đọc một bài báo khác của nhà báo Xuân Ba đăng trên báo An ninh thế giới, bấy giờ trong tôi bắt đầu xuất hiện ý nghĩ phải viết một cái gì đó về nhân vật này. Nhưng viết gì và viết như thế nào thì tôi vẫn chưa nghĩ được, vì tôi không hiểu biết bao nhiêu về ông Kim Ngọc. Giữa năm 2007 nhà văn Thùy Linh, Phó giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) gọi điện bảo muốn làm một bộ phim dài tập lấy nguyên mẫu từ bí thư Kim Ngọc, liệu tôi có nhận viết kịch bản được không? Được lời như cởi tấm lòng, tôi nhận lời ngay. Trong quá trình thâm nhập thực tế lấy tài liệu để viết kịch bản, trong tôi cũng hình thành ý định sẽ làm một cuốn tiểu thuyết về nhân vật Kim Ngọc. Tôi muốn nói điều này, nếu cuốn tiểu thuyết của tôi thành công ít hay nhiều thì tôi cũng cám ơn nhà văn Thùy Linh. Nếu như không có cuộc hành hương tìm lại hình ảnh nhân vật Kim Ngọc thì không bao giờ tôi viết được cuốn tiểu thuyết này.

- Ông có thể chia sẻ những khó khăn và thuận lợi khi ông viết cuốn tiểu thuyết này?
Nhà văn Vân Thảo: Nói về thuận lợi thì phải nói sau ba tháng tôi sống ở tỉnh Vĩnh Phúc, được sự ủng hộ nhiệt tình của Tỉnh ủy, sự giúp đỡ tận tình của chính quyền và nhân dân ở các địa phương, tôi đã có trong tay những tư liệu vô cùng quý giá của thời kỳ diễn ra sự kiện khoán hộ. Tuy nhiên, do tôi phải viết kịch bản phim trước khi viết tiểu thuyết nên phải lúng túng mất một thời gian mới từ bỏ được lối tư duy của phương pháp viết kịch bản điện ảnh trong đầu để lấy lại tư duy của phương pháp viết tiểu thuyết. Đại thể là khi viết kịch bản, phương pháp chủ yếu là chi tiết hành động. Qua hành động để bộc lộ được tính cách nhân vật. Còn tiểu thuyết đi vào miêu tả chiều sâu của nhân vật. Chỉ tính việc loại bỏ hơn 1.300 trang của kịch bản xuống còn khoảng 600 trang của tiểu thuyết đã là một việc làm rất vất vả rồi. Bỏ chi tiết nào, lấy chi tiết nào đôi khi phải đắn đo cân nhắc mãi mới dám xóa. Tâm lí mà nói, bỏ chi tiết nào cũng thấy tiếc...