Cách áp dụng định luật Newton trong đời sống và làm việc hiệu quả hơn

Cách áp dụng định luật Newton trong đời sống và làm việc hiệu quả hơn

Định luật 1:

"Nếu như không có lực nào tác động (hoặc tổng các lực tác động bằng 0), một vật đứng yên sẽ tiếp tục đứng yên, một vật chuyển động đang chuyển động sẽ chuyển động thẳng đều."

Cũng giống như một vật đứng yên sẽ mãi đứng yên, nếu trì hoãn, bạn sẽ mãi không hoàn thành được việc gì cả.

Mọi thay đổi bắt đầu với một lực tác động, và lực tác động đấy phải do chính mình tạo ra.

Điều này thấy rõ nhất khi mới tập chạy bộ. Chúng ta sẽ luôn trong trạng thái lần lữa, cho đến khi chịu mang giày chạy vào và bước ra khỏi nhà.

Hoặc khi viết, nếu cứ ngồi im nhìn trang giấy trắng, chúng ta có thể mất rất nhiều thời giờ mà chẳng viết ra được gì. Thay vì vậy, hãy thử viết ra một chữ hoặc một dòng. Tuy không hoàn hảo, nhưng đó là điểm khởi đầu.

Và tin tôi đi, chỉ cần có điểm khởi đầu này, mọi thứ sẽ "vào guồng" ngay lập tức. Bạn sẽ tiếp tục tiến tới và tiến tới.

Định luật 2:

"Gia tốc của một vật cùng hướng với hợp lực tác dụng. Độ lớn của gia tốc tỷ lệ thuận với độ lớn của hợp lực và tỷ lệ nghịch với khối lượng của vật."

Định luật này thường được phát biểu dưới dạng phương trình:

F = ma

Trong đó, F là hợp lực tác dụng lên vật, m là khối lượng của vật và a là gia tốc, tạm hiểu là khả năng thay đổi tốc độ của vật qua thời gian.

Nghe hơi lùng bùng lỗ tai, nhưng có thể diễn dịch theo cách sau:

Khi động lực làm việc của mình (F) càng lớn thì khả năng làm việc nhanh hơn (a) của mình càng cao, và ngược lại.

Khi bản thân mình lo nghĩ quá nhiều, mang vác đủ thứ trách nhiệm nặng nề (m lớn), khả năng làm việc nhanh hơn (a) của mình càng thấp.

Câu chuyện rút ra ở đây là gì?

Là nên đơn giản hóa cuộc sống, làm ngắn lại to-do-list. Thay vì ôm đồm nhiều việc, hãy chỉ tập trung vào vài việc quan trọng nhất.

Đó là cách để làm việc hiệu quả hơn.

Đồng thời, nên có cho bản thân một động lực đủ lớn để làm việc. Nhưng cũng nên nhớ rằng, cả F lẫn a đều là những đại lượng có hướng.

Nó nói lên một điều: Làm nhiều, làm chăm thôi không đủ, mà còn phải làm đúng nữa. Chẳng ai muốn chạy hùng hục theo vòng tròn để rồi trở lại vị trí ban đầu đúng không nào

Định luật 3:

"Khi một vật tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều về phía vật thứ nhất."

Khi làm việc, mỗi người đều giống như bị giằng co giữa hai lực cùng phương, ngược chiều.

Một lực đẩy ta tiến lên: sự tập trung, tư duy tích cực, niềm vui và sự chăm chỉ.

Một lực kéo ta tụt lại: stress, sự lơ đễnh, bi quan, buồn chán và lười nhác.

Những ai nóng vội sẽ tìm cách tăng cường lực đẩy: thức khuya dậy sớm, uống cà phê để làm thêm giờ.

Việc này nhất thời sẽ giúp tiến nhanh. Nhưng về lâu dài sẽ phá hủy sự cân bằng vốn có, khiến sức khỏe mình sa sút. Đó chính là tác động một lực lớn để bị nhận lại một phản lực cũng lớn không kém.

Cách tối ưu nhất không phải là tăng lực đẩy, mà là triệt tiêu mọi lực tác động xung quanh, cả đẩy lẫn kéo, để tìm về trạng thái tự nhiên nhất: Làm mà như không làm.

Đó là sự cân bằng đích thực, là niềm vui giản dị của lao động mà tất cả chúng ta nên có.

Bình luận