Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can

Tác giả : Đặng Hoàng Giang
  • Lượt đọc : 5.813
  • Kích thước : 3.73 MB
  • Số trang : 171
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 2.964
  • Số lượt xem : 14.590
  • Đọc trên điện thoại :
"Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ "bức xúc" vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần 10 lần "Ngọc Trinh" một con số ấn tượng cho một làn da xấu xí như vậy."

Đây là một trong rất nhiều các quan sát thú vị, kèm theo các giải mãi hóm hỉnh, không kém phần chua xót song cũng rất giàu nhân văn trong tuyển tập BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. 26 bài viết là 26 câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like...đến ngỡ như vĩ mô xa xôi nhưng lại ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống từng cá nhân như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lí do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà, hay các vấn đề văn hóa không bao giờ hết nóng như sính ngoại, truyền hình thực tế...Không chỉ phân tích khách quan và bình luận sắc sảo, tác giả còn đề xuất nhiều giài pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm, khiến các bài viết, trước khi được tập hợp lại trong tuyển tập này, đã nhận được hàng trăm nghìn lượt xem và rất nhiều chia sẻ từ đông đảo cư dân mạng.

"Một góc nhìn thằng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng những con dao mổ sắc cạnh của tri thức... Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm."
***
“Bi thương ngược dòng chảy thành sông” là tên một tiểu thuyết Trung Quốc của tác giả Quách Kính Minh mà nhà báo Đinh Đức Hoàng có nhắc đến trong lời bạt cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can, rằng nếu Đặng Hoàng Giang tham khảo anh từ lúc đặt tên, có lẽ anh sẽ góp ý một cái tên lâm li hơn, để… sách bán chạy hơn, như tựa đề cuốn sách mà anh đã nhắc đến. Một cách gợi chuyện hóm hỉnh mà thật chứ chả đùa, bởi dường như ở thời đại nào cũng vậy, lỗ tai con người ưa cái sáo rỗng dễ nghe, khiến cho nền văn học có xu hướng “chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối” như lời ông vua phóng sự đất Bắc – Vũ Trọng Phụng.

Chỉ riêng việc bàn về cái tên thôi đã khiến độc giả biết được nội dung “Bức xúc không làm ta vô can” không vui vẻ gì. Mà cụ thể, đây là một cuốn sách chính luận, phê bình xã hội, có khen nhưng đa phần là chê, gợi góc tối ở nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam ngày nay.
***
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận. Các bình luận xã hội của anh xuất phát từ các hiện tượng văn hóa, xã hội đương đại để chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lý và tương quan quyền lực trong xã hội.
***
Descartes, triết gia Pháp thế kỷ 17, nổi tiếng với lời khẳng định:

“Tôi tư duy do đó tôi tồn tại”. Đương nhiên tư duy và suy nghĩ đơn thuần là hai việc khác nhau. Trong một ngày chúng ta thật sự tư duy, động não, suy nghĩ tập trung bao nhiêu giờ hay thậm chí bao nhiêu phút? Cái gì kích thích chúng ta tư duy? Đó có thể là một cuốn sách, như Bức xúc không làm ta vô can - tuyển tập các bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang - chẳng hạn.

Các bài trong cuốn sách được chia thành ba chương. Chương I có chủ đề về quan hệ giữa cá nhân và đám đông trong xã hội hiện đại.

Chương II bàn về một số vấn đề phát triển như môi trường, công lý và phân biệt giàu nghèo. Các bài trong Chương III bàn tới một số hiện tượng xã hội và trào lưu văn hóa đương đại. Với lăng kính đa chiều, tư duy tự do phản biện, cách tiếp cận vững chắc của một nhà chuyên môn, tác giả đã mổ xẻ xuyên qua các lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết tất cả chúng ta đều biết để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng. Đây thật sự là tác phẩm của một nhà phê bình xã hội (như chúng ta hiểu về cụm từ “nhà phê bình nghệ thuật” , “nhà phê bình văn học” ) mà hiện nay Việt Nam còn thiếu. Và khi xã hội đang trong vòng xoáy của một sự chuyển dịch dồn dập, lộn xộn như tại Việt Nam thì rất cần những cá nhân có công cụ sắc bén để giúp giải mã những trào lưu xã hội và hiện tượng văn hóa đang xuất hiện hằng ngày quanh chúng ta. Tôi đặc biệt tâm đắc với lựa chọn chủ đề của Chương I về tâm lý đám đông, một chủ đề đến nay vẫn chưa được mổ xẻ kịp thời và đủ sâu và trúng tại Việt Nam.

Tuy nhiên tác giả không chỉ dừng lại ở sự quan sát tỉnh táo và diễn giải lạnh lùng của một nhà khoa học thuần túy. Các bài trong tuyển tập còn toát ra lòng nhân ái của một người dấn thân với số phận mọi người và mỗi người, đặc biệt những tầng lớp, những con người kém may mắn, thua thiệt trong xã hội.

Tôi không hoàn toàn chia sẻ quan điểm và phân tích của tác giả Đặng Hoàng Giang đối với mọi đề tài trong cuốn sách. Nếu như tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm trong bài Ngó Mỹ, dòm Nhật, hóng Do Thái: lựa chọn nào cho ta? , bài Văn hóa không phải là lý do khiến quốc gia thất bại, hay bài Những người khốn khổ ở Tiên Lãng chẳng hạn, thì trái lại tôi khó thông với lời nhắn nhủ “để công chúng là người quyết định cuối cùng số phận của các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật” trong bài Sự trỗi dậy của tư duy phong kiến và bảo thủ. Vì theo cách tiếp cận của tác giả trong nhiều bài khác, số đông “công chúng” có thể bị chi phối, định hướng bởi những tổ chức đặt lợi ích thương mại lên trên hết, khai thác sự thèm khát hào nhoáng, danh vọng của một bộ phận đáng kể trong công chúng, từ đó không thật sự làm chủ lựa chọn của mình.

Phải chăng độc giả cuốn sách này chỉ bó hẹp trong giới học thuật và hoạt động xã hội chuyên nghiệp? Tôi không nghĩ như vậy và kêu gọi mọi người, bất kể già trẻ, nam nữ, dù thuộc tầng lớp hoặc nghề nghiệp nào, cũng hãy đến với cuốn sách. Không hề khô khan, không hề nhàm chán, cuốn sách kết hợp một cách sống động và hấp dẫn hơi thở của cuộc sống với tia sáng của học thuật. Và tôi hết sức thích thú với cách tác giả lồng ghép khéo léo sự hóm hỉnh và châm biếm sắc sảo nhưng tinh tế(1) vào việc phê bình xã hội của mình, khiến tác phẩm đến được với nhiều độc giả hơn.
TÔN NỮ THỊ NINH.