Cháu ông Rameau

Tác giả : Denis Diderot
  • Lượt đọc : 118
  • Kích thước : 0.91 MB
  • Số trang : 207
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 68
  • Số lượt xem : 723
  • Đọc trên điện thoại :
Cháu ông Rameau bắt đầu được sáng tác vào khoảng 1761, nhưng mãi đến 1779 mới hoàn thành, là một thể nghiệm táo bạo của Diderot tiếp tục tìm tòi nội dung và hình thức mới của tiểu thuyết. Đó là “kiệt tác duy nhất” theo chữ dùng của Marx (1818-1883), và là “kiệt tác về mặt biện chứng” theo đánh giá của Engels (1820-1895).

Cháu ông Rameau là một người có thật, tên là Jean-François Rameau, cháu gọi nhạc sĩ nổi tiếng Jean-Philippe Rameau (1683-1764) là bác ruột. J-F. Rameau kém Diderot vài tuổi. Hắn vốn là một gã đê tiện, sống cuộc đời ăn bám bằng cách nịnh hót hoặc làm trò hề mua vui cho những kẻ có tiền bạc và đến năm 1771 thì chết trong một nhà tế bần dành cho những kẻ vô gia cư.

Tiểu thuyết viết theo hình thức đối thoại giữa “Tôi” và “Hắn” trong tiệm giải khát La Régence ở gần Hoàng-Cung, vào một buổi chiều, bên cạnh những người đang chơi cờ. Nếu như đối thoại choán gần hết từ đầu đến cuối trong Ý kiến ngược đời về diễn viên, chỉ mãi đến khi gần kết thúc mớỉ xuất hiện vai trò của người kể chuyện, thì ở Cháu ông Rameau, người kể chuyện xuất hiện nhiều hơn. Tác phẩm mở đầu bằng lời của người kể chuyện: “Dù đẹp trời hay thời tiết xấu, tôi có thói quen cứ đến năm giờ chiều đi dạo ở Hoàng-Cung. Thiên hạ luôn thấy tôi chỉ ngồi một mình, mơ mộng trên chiếc ghế dài ở Àrgenson[9]. Tôi trò chuyện với bản thân tôi về chính trị, về tình yêu, về thị hiếu và về triết học. Tôi mặc cho đầu óc tôi tha hồ bông lông...” Tiếp đó câu chuyện giữa “Tôi” và “Hắn” hơn hai chục lần bị ngắt quãng bởỉ lời của người kể chuyện, đó thường là những đoạn ngắn với lối văn tự sự, kể chuyện ở ngôi thứ ba.

Khác với mối quan hệ giữa người kể chuyện và “Người trò chuyện thứ nhất” trong Ý kiến ngược đời về diễn viên, ở tiểu thuyết này, người kể chuyện và “Tôi” có thể xem là đồng nhất. Có nhiều dấu hiệu gắn bó hai nhân vật ấy[10] với chính tác giả, chẳng hạn trong khi trò chuyện, “Hắn” thường xưng hô với “Tôi” là thưa ông triết gia... và nhiều chi tiết khác ám chỉ đến quá khứ nghèo khổ của Diderot. Nhưng dẫu sao, trong khuôn khổ của tiểu thuyết, không thể và không nên quá nhấn mạnh vào sự trùng khớp này.
Trong cuộc trò chuyện ở Ý kiến ngược đời về diễn viên, “Người trò chuyện thứ hai” thường nói ngắn, dường như chỉ đóng vai trò đưa đẩy cho “Người trò chuyện thứ nhất” mà thôi. Đến Cháu ông Rameau, lời nói chủ yếu thuộc về “Hắn”. Triết gia chủ yếu là gợi mở để cho “Hắn” nói, hoặc khi thấy những quan niệm của hắn vô liêm sỉ quá, bắt buộc phải nói dài để phản đối. Vì vậy, hầu như từ đầu đến cuối, ta chỉ nghe vang lên tiếng nói của Rameau trình bày với triết gia về cuộc sống đê tiện của hắn, cùng với những ý nghĩ, những quan niệm của hắn về xã hội và thế thái nhân tình.

Có tài liệu cho rằng cuộc trò chuyện giữa tác giả và cháu ông Rameau (gọi tắt là Rameau) là có thật, nên có thể đồng nhất “Tôi” với Diderot và “Hắn” với Jean-François. Ý kiến ấy không thỏa đáng. Một tác phẩm viết trong gần hai mươi năm mới xong chắc chắn không phải chỉ là một cuốn kí sự đơn thuần, một tập biên bản ghi lại trung thực sự việc xảy ra. “Hắn” có nhiều khả năng không hoàn toàn là Jean-François, cũng như “Tôi” là triết gia, nhưng không nhất thiết là triết gia Diderot. Tác giả chắc đã nhìn thấy trong số phận Rameau những nét đặc biệt của thời đại ông và từ nguyên mẫu đó xây dựng nên một nhân vật có tính khái quát xã hội.

Lại có ý kiến cho rằng anh chàng ăn bám Rameau sống một thời gian quanh quẩn gần Hoàng-Cung, nên Diderot thỉnh thoảng gặp hắn ta, nhưng không hề diễn ra cuộc trò chuyện giữa hai người trong tiệm giải khát La Régence. Đây chỉ là tác phẩm hoàn toàn hư cấu.

Đoạn mở đầu tác phẩm đã dẫn ra trên kia đặc biệt có ý nghĩa. Người kể chuyện có thói quen dạo chơi một mình, mơ mộng một mình và trò chuyện cũng với chính bản thân mình chiều chiều ở Hoàng-Cung. Vậy “Tôi” và “Hắn” ở đây cũng chỉ là hiện tượng lưỡng hóa nghệ thuật như biện pháp lưỡng hóa được sử dụng trong Ý kiến ngược đời về diễn viên mà thôi. Thực chất của những “đối thoại” này là “độc thoại”, hay đúng hơn là “độc thoại nội tâm” phơi bày lên trang giấy những suy tư trăn trở miên man của bản thân, mong đi tới chân lí. Jean-Marie Goulemot so sánh chức năng của đối thoại ở đây với phép đỡ đẻ (maieutique), hiểu theo nghĩa phương pháp gợi hỏi của Socrate (470-399 TCN) nhằm hướng dẫn tìm ra chân lí còn đang thai nghén tiềm tàng ngay trong bản thân Diderot.
Rameau, nhân vật chính của tiểu thuyết này, có thể nói hoàn toàn có thật mà cũng hoàn toàn hư cấu. Hắn có thể nhận ra chân dung của mình qua những dòng sau đây: “Chẳng có gì khác với hắn hơn là chính bản thân hắn. Đôi khi, hắn gầy gò và xanh xao như một người ốm sức tàn lực kiệt; ta như đếm được qua hai bên má những chiếc răng của hắn. Ta tưởng đâu hắn đã nhiều ngày chẳng ăn uống gì, hoặc là hắn vừa ra khỏi tu viện dòng Trappe. Đến tháng sau hắn lại béo mập và đẫy đà như thể hắn chưa từng rời bàn ăn của một nhà tài chính, hoặc là hắn bị lưu giữ trong một tu viện dòng thánh Bernard. Hôm nay ăn mặc bẩn thỉu, quần áo rách bươm, vá chằng vá đụp, hầu như giày dép chẳng có, hắn cúi gầm mặt xuống mà đi, lén la lén lút, khiến người ta như chỉ muốn gọi hắn để bố thí cho hắn. Hôm sau, đầu tóc chải chuốt, áo quần giày dép tinh tươm, hắn ngẩng cao đầu bước đi, vênh vang, và bạn có lẽ tưởng đâu hắn là một bậc hào hoa phong nhã...”

Nhưng Jean-Marie Goulemot cũng hoàn toàn có lí khi nhận định rằng những dòng miêu tả Rameau trên đây, để cho hắn thay đổi dáng vẻ tuỳ ngày, tuỳ mùa... chính lại là một cách phủ nhận hoàn toàn sự có thực của nhân vật này[11]. Rameau là một nhân vật tiểu thuyết.

Xét về mặt hình thức, cuộc trò chuyện giữa “Tôi” và “Hắn” có vẻ giống như bất cứ cuộc trò chuyện nào thuộc loại ấy, nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác, chẳng đi theo một trình tự ấn định trước. J-M. Goulemot lưu ý chi tiết phụ đề của tác phẩm này là “truyện châm biếm” - satire - bắt nguồn từ chữ latin “satura” có nghĩa là món hổ lốn, mớ hổ lốn, tập tạp văn. Nhưng đằng sau cái vẻ ngoài linh tinh, Goethe nhận định “câu chuyện đối thoại này thật ra có mạch lạc tài tình; người nào tưởng rằng cuộc đối thoại ấy rời rạc lỏng lẻo như một cuộc trò chuyện thường thì thật là lầm; nó chỉ giống cuộc trò chuyện thường ở chỗ linh hoạt mà thôi”[12]. Theo Michel Launay, câu chuyện lần lượt xoay quanh bốn chủ điểm. Thoạt tiên là “Nhận xét về con người và tính cách”. Tiếp đến là “Đạo đức”, chứa đựng những suy nghĩ về các khái niệm lương thiện và bất lương, thiện và ác và về việc giáo dục con cái. Thứ ba là “Triết học” với những suy nghĩ về lí lẽ của các hiện tượng, về bản chất của các sự vật. Cuối cùng là “Thị hiếu” bàn luận về mĩ học, về thiên tài, về âm nhạc, về sáng tác văn học[13].

Rameau vốn là người có sức khoẻ, thông minh và chẳng phải không yêu đời, tuy cuộc sống của hắn có nhiều điều bất hạnh. Hắn có những khả năng đặc biệt, rất yêu âm nhạc và rõ ràng có thể trở thành một nhạc sĩ khá. Nhưng Rameau chọn cái nghề dễ dàng nhất, cũng khó khăn nhất vì nó đòi hỏi phải có trí thông minh, phải lanh lẹn tháo vát, đó là nghề ăn bám. Hắn phủ nhận tất cả những cái gì tốt đẹp ở trên đời và chỉ công nhận một nguyên tắc sống là thoả mãn những bản năng đê hèn, tuy hắn biết như thế là bỉ ổi. Rameau là sản phẩm của xã hội phong kiến Pháp đang đi đến chỗ tan rã. Chính xã hội đã phơi bày ra trước mắt hắn cuộc sống mà bao nhiêu kẻ tai to mặt lớn lại là những kẻ không có đạo đức; trong xã hội ấy, “thiên hạ ca ngợi đức hạnh, nhưng thiên hạ ghét nó, nhưng thiên hạ trốn tránh nó, nhưng nó lạnh cóng, mà trong thế gian này lại cần phải có đôi bàn chân ấm nóng”; trong xã hội ấy, chính những kẻ quyền quý đã dạy cho hắn lòng căm ghét những người lương thiện như lập luận của vị thượng thư kia khi chứng minh rằng “đối với nhân dân không có gì ích lợi bằng sự dối trá và không có gì hại bằng sự thật thà”.

Trong sự phủ định triệt để của Rameau, tuy hết sức bỉ ổi, nhưng lại chứa đựng không ít sự thật của thời đại, vì thế vẫn toát lên ý nghĩa phê phán tích cực. Rameau không ngần ngại nói toạc ra rằng ở đời “khi người ta đã giàu có thì người ta muốn làm gì mặc lòng, không bao giờ bị nhục nhã cả”, và còn vô liêm sỉ hơn, nhưng chẳng phải là không sâu sắc: hắn tuyên bố con tôi sẽ phải giàu có... “Cháu sẽ có vàng, tôi xin nói với ông như vậy. Nếu cháu có nhiều vàng, thì cháu sẽ chẳng thiếu gì hết, kể cả lòng tôn trọng và sự kính nể của ông”. Tác giả viết: “Rameau là một người đáng ghét không hơn không kém những kẻ khác, chỉ có điều hắn thẳng thắn hơn, nhất quán hơn và đôi khi sâu sắc hơn trong sự hư hỏng của mình”.

Rameau không đơn thuần là sản phẩm thụ động của xã hội. Hắn còn vượt lên trên xã hội, quan sát nó bằng con mắt có ý thức và trí thông minh sẵn có. Hắn mò mẫm tìm ra nguyên nhân của những bất công trong xã hội: “Sự sắp đặt quỷ quái gì mà có những kẻ ngốn đầy ứ đủ thứ, trong khi những người khác có cái dạ dày quấy nhiễu như họ, có cái đói tái phát như họ, mà lại chẳng có gì để đút vào miệng”. Hắn hiểu rằng “trong thiên nhiên có các loài vật xâu xé nhau, trong xã hội có các giai cấp xâu xé nhau”. Nhưng Rameau lại rút ra kết luận muốn trở thành “một tên kẻ cướp sung sướng giữa những tên kẻ cướp giàu có”, vì hắn lí luận rằng “người ta phỉ nhổ một kẻ lưu manh tầm thường, nhưng không thể không cảm phục một tên đại gian đại ác”.

Rameau chính là hình ảnh lớp người đang vật lộn trong xã hội lúc bấy giờ để tự khẳng định, nhưng cuộc đấu tranh của họ không vượt ra ngoài khuôn khổ của chủ nghĩa cá nhân do đó rơi vào bế tắc.

Có ý kiến cho rằng trong cuộc trò chuyện này, Rameau hoàn toàn nắm quyền chủ động. Những lập luận của hắn tuy hết sức bỉ ổi, nhưng lại có sức lôi cuốn ghê gớm ngay cả đối với người đang ngồi trò chuyện với hắn và thỉnh thoảng lên tiếng phản đối. Dường như “Tôi” chỉ phản ứng lấy lệ, chứ trong thâm tâm thầm cảm phục “Hắn”. Có ý kiến lại cho rằng Rameau chỉ có vẻ thắng thế trong phần thứ hai trên bình diện lí thuyết, nhưng sang đến phần sau, triết gia dễ dàng chứng minh cho hắn thấy rằng mọi lí thuyết của hắn chẳng có giá trị gì trong thực tiễn, mà chỉ đưa đến những thất bại và những thái độ mâu thuẫn. Dù sao cũng phải thừa nhận có sự bắt gặp, thông cảm đến một mức độ nào đấy giữa triết gia và Rameau. Điều này cũng dễ hiểu khi ta biết rằng có thể xem “Tôi” và “Hắn” là hai mặt của chính tác giả. Triết gia tự tách một phần của mình ra để trò chuyện. Ông gán cho Rameau những ý nghĩ lời lẽ mà bản thân ông thấy bỉ ổi quá, không thể trực tiếp nói ra. Không có sự đối lập giữa “Tôi” và “Hắn”, giữa tác giả và nhân vật, giữa độc thoại và đối thoại. Đối thoại ở đây trở thành biện pháp để tác giả tự phân đôi và trình bày những mặt mâu thuẫn thống nhất của chính bản thân ông.
***
Denis Diderot (1713-1784) là kiến trúc sư của công trình Bách khoa thư (Encyclopédie) đồ sộ, nhà văn có nhiều đóng góp độc đáo, nhà triết học duy vật, sôi nổi “lòng yêu chân lí và chính nghĩa”[1], nhà phê bình nghệ thuật sắc sảo. Ông là “nhà thơ lớn, nhà họa sĩ lớn, nhà điêu khắc lớn, nhà nhạc sĩ lớn... tuy chưa từng bao giờ làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc, nặn tượng”[2].

Denis Diderot sinh ở Langres, một thành phố cổ kính miền Đông-Bắc nước Pháp, trong một gia đình thợ thủ công nhiều đời chuyên sản xuất các loại dao. Thuở nhỏ, Diderot học ở quê nhà; năm mười hai tuổi, nhà triết học tương lai chịu lễ cắt tóc chuẩn bị phụng sự tôn giáo. Nhưng ba năm sau, năm 1728, ông quyết định từ giã quê hương lên Paris học tập, bất chấp mọi người can ngăn. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Những năm đầu tiên sống ở Paris, nhà văn sẽ có dịp gợi lại sau này qua cuộc đối thoại kì lạ giữa “Tôi” và “Hắn” trong Cháu ông Rameau (Le Neveu de Rameau), một cuộc sống gần như lang thang, bữa đói bữa no, nay đây mai đó. Cảnh túng thiếu sẽ còn đeo đẳng ông cho mãi về già. Nhưng để bù đắp lại, Diderot được hưởng một cuộc sống tinh thần hết sức phong phú. Ông thoả sức tắm mình trong không khí của thời đại; ông mở tâm hồn ra đón những luồng gió mớỉ của bốn phương; ông đọc sách của Voltaire (1694-1778), ông tham dự những buổi tọa đàm ở nhà triết gia D'Holbach (1723-1789); ông kết bạn với F.M. Grimm (1723- 1807) ở Đức vừa sang; ông được Rousseau (1712- 1778) đến thăm ở Vincennes khi bị giam cầm; ông dự đám tang Montesquieu (1689-1755)...

Diderot - nhà triết học ra mắt độc giả bằng tác phẩm Những tư tưởng triết học (Les Pensées philosophiques, 1746). Liền năm sau, ông cho in Cuộc dạo chơi của người theo chủ nghĩa hoài nghi. Tác phẩm nổi tiếng Bức thư về những người mù (Lettre sur les Aveugles, 1749) khiến ông bị tống giam ở Vincennes mấy tháng. Năm 1753, ông cho in Về việc giải thích tự nhiên (Sur l’Interprétation de la nature). Đến 1772, hai tác phẩm quan trọng nữa ra đời: Trò chuyện giữa Diderot và D'Alembert và Giấc mơ của D'Alembert (Le Rêve de d'Alembert).

Diderot bước vào lĩnh vực văn học gần như đồng thời với triết học, nhưng Diderot - nhà văn được khẳng định sau Diderot - triết gia khá lâu, và những kiệt tác văn học của ông cũng trải qua số phận long đong hơn nhiều. Tiểu thuyết Những đồ trang sức không kín đáo (Les Bijoux indiscrets, viết năm 1745, in năm 1748) chưa bộc lộ tài năng của tác giả. Với các vở kịch Đứa con hoang (Le Fils naturel, 1757) và Người cha trong gia đình (Le Père de famille, 1758), ông thử nghiệm một thể loại mới: kịch “drame” hoặc “hài kịch nghiêm chỉnh”; đáng tiếc ở đây tài nghệ của nhà soạn kịch không tương xứng với ý đồ lớn lao. Năm 1760, ông viết cuốn tiểu thuyết Nữ tu sĩ (La Religieuse) thực sự có giá trị, nhưng mãi đến 1796, sau khi tác giả qua đời mười hai năm, mới được xuất bản. Đó cũng là số phận của kiệt tác Cháu ông Rameau, sáng tác khoảng năm 1761, lưu hành một vài bản ở dạng chép tay trong số bạn bè quen biết. Một bản theo Grimm về Đức, lọt vào tay Goethe (1749-1832), được ông dịch ra tiếng Đức. Mãi đến 1823, Cháu ông Rameau mới được dịch lại từ bản tiếng Đức để xuất bản ở Paris, và tới gần cuối thế kỉ XIX, năm 1891, ngưòỉ ta mới tìm thấy nguyên bản của nó! Tiểu thuyết không kém phần độc đáo Jacques người theo thuyết định mệnh (Jacques le Fataliste), sáng tác năm 1773, cũng phải đợi đến 1796 mới được ra mắt công chúng.