Trang chủ

Con nhà nghèo

Chương bốn

Đọc Chương bốn trên điện thoại

Hội tề làng Vĩnh Lợi đương nhóm. Hương chức lớn nhỏ đều có đủ mặt ở trong nhà việc. Thôn trưởng Viên đọc cho Hội tề nghe một lá trát của quan Chánh bố dạy làng dọn dẹp nhà việc cho quan Kinh lý Võ Văn Hai ở mà đo điền thổ trong làng, phải cấp dân cho quan Kinh lý dùng và phải mướn xe hoặc ghe cho quan Kinh lý đi đo đất. Hương chủ Khanh nghe đọc trát rồi kêu Hương bộ Chậm và Hương thân Cao mà hỏi coi có truyền rao cho các điền chủ cắm trụ đá theo ranh, y như lịnh của quan Chánh bố dạy hôm tháng trước hay không. Hương bộ và Hương thân đều nói đã có truyền rao đầy đủ các ấp và điền chủ cũng đã phân ranh rồi hết. Hương cả Chí tuổi gần bảy mươi, ông ngồi trên bộ ván giữa và ngoáy trầu nói rằng:

- Làm quan họ tới làng khó lòng lắm. Thằng Thôn, mầy phải lo sắp đặt tử tế, đừng để lôi thôi người ta chạy tờ rồi làng bị quở hết thảy đa.

Thôn Viên đứng dậy đáp:

- Bẩm Cả, tôi sắp đặt rồi hết. Nhà việc mình rộng. Quan Kinh lý ở ngủ cái phòng bên nầy đây, còn làm việc thì làm tại căn giữa nầy được. Có một điều khó liệu là nhà khói[1] của làng, đương dỡ làm lại, chỗ đâu nấu ăn cho quan Kinh lý?

- À, cái đó khó dữ hả. Bây giờ tính sao?

- Bẩm Cả, để chừng quan Kinh lý lên tới, tôi tỏ việc đó cho ngài hiểu, coi ngài định lẽ nào. Như ngài buộc phải có nhà bếp, mình phải mướn đỡ một căn phố chớ biết làm sao.

- Có phố trống hay không?

- Bẩm có, dãy phố lá của chú Nữ ngang nhà việc đây, tôi thấy còn một căn trống.

- Vậy thì được. Mầy có nghe bữa nào quan Kinh lý lên làng mình hay không?

- Bẩm không. Mà trát quan lớn gởi lên đã bốn năm bữa rồi. Vậy chẳng nay thì mai quan Kinh lý sẽ lên chớ không lâu đâu.

Hương chủ Khanh xen vô nói:

- Bữa nào ổng lên tới, em phải cho trùm mời Hương chức nhóm mừng ổng chớ đừng để lôi thôi, ổng hờn, rồi ổng kiếm chuyện vạch với quan lớn mà khó cho làng.

Hương chủ nói vừa dứt lời, bỗng thấy hai cái xe ngựa ngừng ngang trước cửa nhà việc, cái trước có một người ngồi mà thôi, người ấy còn trẻ tuổi, mặc âu phục, tướng mạo đàng hoàng, mặt mầy sáng rỡ, còn xe sau có hai người bận áo bành tô vàng ngồi có chở đồ đạc kình càng, lại có những cây sơn khúc đỏ khúc trắng. Thôn trưởng Viên ngó ra và nói:

- Chắc quan Kinh lý lên tới.

Hương chức nghe nói như vậy thì lao nhao, lố nhố, có người chạy ra đón. Người mặc âu phục ngồi trước đó, thủng thẳng leo xuống xe rồi xăm xăm đi vô nhà việc. Khi người bước vô tới cửa trong, thấy Hương chức đông đầy, bèn đứng lại, dở nón cầm trong tay và nói:

- Tôi là Kinh lý, có lịnh quan trên phái tôi đến đặng đo điền thổ trong làng. Phải mấy ông là Hương chức trong làng đây hay không?

Hương chủ, Thôn trưởng, và ít người Hương chức khác đồng bước ra chào quan Kinh lý và mời người vào. Ông Cả cũng đứng dậy lụm cụm bước lại xá quan Kinh lý và nói:

- Tôi chào quan Kinh lý, làng có được trát của quan Chánh bố, nên bữa nay nhóm mà sắp đặt chỗ cho ông ở. Hương chức mới bàn tính, kế ông đến, thiệt là may quá.

Quan Kinh lý không biết người đó là ai, song thấy già cả, thì ông cúi đầu đáp lễ rồi hỏi:

- Bác làm chức chi trong làng?

Ông Cả gật đầu vừa cười vừa đáp:

- Tôi làm Hương cả.

- Té ra bác là ông Cả. Mời bác ngồi. Tôi lên tình cờ mà gặp làng nhóm, thiệt may lắm. Xin bác làm ơn cho tôi biết coi mấy ông đây ông nào làm chức chi. Thôn trưởng là ông nào đâu? Còn hai ông nào làm phái viên theo tôi mà chỉ ranh đất?

Hương chủ bèn bước ra tiến dẫn mỗi vị Hương chức cho quan Kinh lý biết. Quan Kinh lý bèn hỏi hai vị phái viên, là Hương bộ với Hương thân, vậy chớ có truyền rao cho điền chủ theo như lịnh dạy hay không. Hai vị Hương chức ấy trả lời rằng mình đã làm xong rồi hết.

Quan Kinh lý gật đầu và cậy hai người biểu dân trong nhà việc ra xe vác đồ đạc đem vô. Thôn trưởng Viên dắt quan Kinh lý đi coi cái phòng đã dọn đồ cho người ở. Quan Kinh lý lấy làm đẹp ý, nên khi trở ra người nói rằng:

- Tôi cám ơn các ông đã sẵn lòng sắp đặt cho tôi ở yên mà làm việc. Tôi ở nội cái phòng nhỏ đó thì đủ rồi. Đêm nào tôi làm việc giấy thì tôi dùng cái bàn lớn nầy được.

- Làng tôi được trát quan lớn thì lo các việc xong rồi hết, duy còn có một việc làng tôi lấy làm bối rối, không biết làm sao được.

- Việc chi? Ông cứ nói ngay ra đi mà, cần gì phải ái ngại.

Hương chủ liền nói:

- Chỗ ông ở thì làng tôi dọn rồi, ngặt vì cái nhà khói của làng, thợ đương cất lại, có lẽ vài tháng nữa mới rồi, nên làng tôi không biết làm sao có chỗ cho bồi bếp của ông nấu nướng.

- Ối! Việc đó không quan hệ chi lắm. Tôi không có bồi bếp chi hết. Chắc là tôi phải kiếm chỗ mà ăn cơm quán, chớ tôi không nấu ăn đâu mà làng lo.

- Ông không tính đem bà Kinh lý lên đây hay sao?

- Chưa có bà Kinh lý. Nếu ông biết ai muốn làm bà Kinh lý, ông chỉ giùm, thì có lẽ mới được.

Quan Kinh lý nói pha lửng chơi rồi ông cười ngất. Hương chủ nghe lời nói có duyên ông cũng tức cười. Các Hương chức khác thấy quan Kinh lý vui vẻ ai cũng mừng thầm trong bụng.

Trong lúc hai vị phái viên lo coi dọn đồ mà đem vô phòng, thì mấy ông Hương chức khác theo làm quen với quan Kinh lý, kẻ nói chuyện nầy, người hỏi chuyện nọ, có người lại đem sự người ta toan mưu lấn ranh đất của mình thuật liền cho quan Kinh lý nghe. Tuy vậy mà quan Kinh lý cũng vui lòng đối đáp lại với mỗi người, cũng chịu khó mà nghe mỗi người tỏ việc ruộng đất của họ.

Trong Hương chức Hội tề duy có một mình Hương chủ Khanh nhà ở gần nhà việc hơn hết, vì nhà ông gần chợ Giồng Ông Huê, thuộc mé kinh bên kia, hễ qua cầu đi trở xuống trường học đi chừng một trăm thước thì tới.

Hương chủ nghĩ nhà mình ở như vậy, mà lại thấy quan Kinh lý không kiêu căng, bởi vậy ở nhà việc nói chuyện chơi tới 3 giờ chiều, rồi ông thưa với quan Kinh lý:

- Thưa ông, tuy ông mới tới, công việc sắp đặt chưa yên, song tôi xin phép mà thỉnh ông qua nhà dùng bữa cơm chiều với tôi, đặng trước là ông biết nhà tôi, sau nói chuyện chơi.

- Nếu ông Chủ không mời thì tôi cũng phải xin với mấy ông đây cho tôi ăn cơm chiều nay, bằng không thì tôi có chỗ đâu mà ăn. Ông Chủ ở gần hay xa! Cha chả! Nếu ở tới bốn năm ngàn thước chắc là ăn rồi trở lại đây tôi đói nữa.

- Thưa không. Nhà tôi ở bên đầu cầu đây.

- Nếu gần tôi xin vâng. Còn như ở xa thì tôi xin để khi khác.

- Thưa, gần. Tôi ở cách đây chừng vài trăm bước.

- Được lắm, được lắm. Vậy thì ông Chủ chờ tôi rửa mặt thay đồ rồi tôi đi với. Tôi đi xe từ dưới Gò Công lên đây quần áo lấm hết, dơ quá. Tôi cậy anh Thôn làm ơn hỏi giùm chung quanh đây coi có ai sẵn lòng chịu nấu cơm quán cho tôi và hai người đi với tôi ăn. Không hại gì, họ tính giá bao nhiêu mỗi tháng họ cứ nói ngay đi. Như có ai chịu, xin biểu họ tối nay lại nhà việc mà nói cho giáp mặt. Kiếm giùm chút nghe anh Thôn. Tôi cám ơn anh lắm.

Quan Kinh lý vừa nói vừa đi vô phòng. Thôn Viên dạ rân, vừa ngó mấy người khác mà cười chúm chím.

Cách một hồi, quan Kinh lý ở trong phòng bước ra, trên bận một cái áo nỉ xám, dưới bận cái quần tích so; chân mang đôi giày vàng, tay ôm một cái nón trắng, đầu chải láng mướt, cổ thắt nơ đen, diện mạo coi vui vẻ mà ôn hoà, tướng đi coi thảnh thơi mà hùng tráng. Ông kêu hai người đi với ông, là người của nhà nước để ông dùng trong cuộc đo đất, mà dặn:

- Hai anh em dọn dẹp đồ đạc rồi ra chợ ăn cơm đi, nghe không. Để tôi qua nhà ông Chủ tôi thăm một chút, tối tôi về thì sẽ tính việc mướn người nấu cơm cho hai anh em ăn.

Ông nói rồi ông day lại ngó Hương chủ mà cười và nói rằng:

- Các việc đều yên rồi hết. Bây giờ ông Chủ muốn dắt tôi đi chừng nào cũng được.

Hương chủ Khanh lật đật đứng dậy cáo từ Hương chức hội tề mà dắt quan Kinh lý về nhà. Quan Kinh lý cúi đầu chào Hương chức rất có duyên và nói:

- Để thủng thẳng rồi tôi sẽ đến nhà thăm mấy ông hết thảy. Có lẽ tôi ở đây tới 5, 7 tháng hoặc một năm, bởi vậy trước hay sau gì rồi tôi cũng sẽ biết nhà mấy ông.

Ông nói vừa dứt lời thì xây lưng đi theo Hương chủ. Hương chức ngó theo rồi xúm nhau trầm trồ khen quan Kinh lý làm lớn mà không kiêu căng, không xấc xược.

Hương chủ Khanh dắt quan Kinh lý đi ngang qua chợ đặng có quẹo xuống đầu cầu. Lúc ấy đã gần 4 giờ chiều nên trong nhà lồng không ai bán vật chi hết, chỉ có sắp con nít đánh đáo la hét vang rân, còn hai bên phố cũng không ai ra vô mua đồ, chỉ có mấy cô xẩm lai mắt ngó hữu tình, mặt như hoa nở, ngồi chơi trước tiệm, nói nói cười cười, dường như đem nhan sắc mà khoe cùng người qua lại. Quan Kinh lý đi ngang, con nít đương giỡn đều nín cười mà ngó, mấy cô xẩm lai đều liếc mắt mà dòm, cái ngó kia không quan hệ gì, chớ cái dòm nầy e hiểm nghèo lắm.

Quan Kinh lý vừa đi vừa nói chuyện, nên tới nhà Hương chủ mà không hay. Chừng Hương chủ dắt vô cửa ngõ, quan Kinh lý ngước mặt dòm thấy một tòa nhà rộng lớn, nhưng vì cất theo kiểu xưa nên mái nhà thấp xủng, trong nhà tối mò. Cái sân ở trước nhà cũng rộng lớn nhưng chủ nhà không trồng bông hoa chi hết, duy phía ngoài có ít cây bưởi mà bị đất chai nên nhành lá xơ rơ. Hai bên có mấy cây ổi xen lộn với mấy cây mãng cầu ta, ổi thì có trái nhiều, còn mãng cầu thì không nhằm mùa, nên không bông trái. Dọc theo mái nhà có sắp chừng một chục chậu kiểng cây nào gốc cũng bằng bắp tay, nhưng vì nhánh bị uốn, lá bị tỉa tối ngày nên coi như cây còi không ai vun phân tưới nước.

Hương chủ Khanh với quan Kinh lý bước lên thềm. Thằng Bộn là đứa ở của Hương chủ, thấy khách lạ mà y phục đoan trang nó không biết là ai, song cũng chắp tay mà xá, Hương chủ hỏi nó rằng:

- Có mợ mầy ở nhà hay không?

- Thưa, có.

- Vô thưa cho mợ mầy hay rằng có quan Kinh lý tới thăm. Đi cho mau.

Hương chủ mời quan Kinh lý ngồi tại bộ ghế giữa phía ngoài cửa. Bộ ghế không trúng kiểu nào hết, nên không biết tên chi mà kêu. Chính giữa có một cái bàn tròn, cốt bằng cẩm lai mặt bằng cẩm thạch, chung quanh thành cẩn ốc xa cừ. Vòng theo cái bàn ấy thì để 4 cái ghế tô-nê[2], ghế tuy tốt, song không phải một điệu với cái bàn. Phía trong bộ ghế ấy thì có lót một bộ ván gõ thiệt dày thiệt lớn. Phía trong nữa dọn ba vòng tủ thờ, cái tủ giữa cẩn ốc xa cừ, hai cái tủ hai bên đóng trơn lu, chớ không có cẩn, nhưng mà cái tủ nào cũng thiệt khéo và trên mỗi cái tủ đều để một bộ lư cũng thiệt tốt. Hai căn hai bên để mỗi căn một cái bàn dài đóng bằng cây trắc, mỗi bàn có một chục ghế tô - nê nhỏ sắp theo. Hai bên chái lại có lót hai bộ ván gõ dựa cửa sổ.

Quan Kinh lý ngồi ngó cùng trong nhà thì biết nhà giàu, song ông chủ nhà không thạo theo cách đời nay. Hương chủ lăng xăng mở tủ lấy thuốc mời khách hút, hối thằng Bộn nấu nước bỏ trà mới đặng khách uống. Ông thấy bà Chủ ở trong bước ra, ông bèn nói rằng:

- Quan Kinh lý lại đo đất làng mình đây. Ông mới lên tới hồi trưa.

Bà Chủ bước lại chắp tay cúi đầu nói:

- Tôi chào quan Kinh lý.

Quan Kinh lý liền đứng dậy đáp lễ mà cười:

- Tôi chào bà Chủ. Tôi mới lên tới, ông không nói cho bà hay trước, mà ông mời tôi qua nhà ăn cơm. Tôi làm khách thình lình, chắc là bà không được vui lòng. Vậy tôi xin bà miễn lỗi.

Bà Chủ cười và đáp:

- Quan Kinh lý đến nhà tôi, ấy là làm rỡ ràng cho tôi. Tôi mừng lắm, chớ có lẽ nào tôi không vui lòng. Nếu ông Chủ tôi ổng không mời quan Kinh lý thì chắc tôi phiền ổng lắm.

- Tôi mới tới làng có mấy giờ đồng hồ, mà ở bên nhà việc Hương chức tiếp tôi rất tử tế, rồi qua đây được nghe mấy lời yêu mến của bà nữa, thì tôi lấy làm cảm tình vô cùng.

- Bẩm quan Kinh lý, ở làng nầy Hương chức nhỏ lớn đều biết lễ nghĩa lắm. Huống chi quan Kinh lý là một viên chức của Nhà nước, quan Kinh lý đến làng, có ai mà dám không tử tế.

- Bà nói như vậy, tôi xin lỗi mà trả lời: Nếu Hương chức trong làng, vì cái chức Kinh lý mà tiếp tôi tử tế, chắc là tôi không vui.

- Bẩm quan Kinh lý, tôi nói ví dụ mà nghe, chớ không phải tôi nói tại quan Kinh lý làm chức lớn, nên họ mới tử tế.

- Vậy mới phải, chớ nếu thấy chức lớn thì trọng, rồi người làm lớn mà tánh tình không ra gì hết, mình cũng sợ mà trọng họ nữa sao?

- Quan Kinh lý nói phải lắm. Mời quan Kinh lý ngồi uống nước, cho phép tôi vô lễ ra sau dạy bầy trẻ sửa soạn dọn cơm cho quan Kinh lý dùng.

- Tôi xin bà cứ tự nhiên.

Bà Chủ đi vô trong. Ông Chủ với quan Kinh lý ngồi uống nước mà nói chuyện đo đất. Đúng bốn giờ rưỡi tan học, học trò sắp hàng đi về ngang cửa ngõ nói chuyện om sòm. Có một trò trạc chừng 11 hoặc 12 tuổi, mình mặc quần áo trắng, đầu đội nón nỉ đen, một tay ôm cặp sách một tay xách bình mực quẹo vô sân rồi chạy lăng xăng mà vô nhà. Chừng nó bước tới cửa, thấy có khách lạ, thì đứng khựng lại mà ngó. Hương chủ dòm thấy bèn kêu mà nói: "Tôn, con lại xá quan Kinh lý đi con".

Trò nhỏ bước lại dỡ nón cúi đầu mà xá. Quan Kinh lý rờ đầu nó và hỏi Hương chủ rằng:

- Con của ông đây phải không?

- Thưa, nó là cháu. Vợ chồng tôi không có con. Đờn bà của tôi nó buồn, tôi thấy vậy tôi mới xin bớt một đứa con của thằng em tôi, đặng nuôi làm con nuôi.

- Té ra hai ông bà giàu có như vậy mà không có con?

- Thưa, không.

- Không hại gì. Không con thì nuôi cháu. Con cháu cũng vậy, miễn là nó nên thì được nhờ. Ông ráng cho nó học. Đời nay phải có học mới khỏi bị người ta hiếp đáp lường gạt, mà lại có học mới biết đường phải làm mà theo, đường quấy mà tránh.

Thằng Tôn thấy hai đàng nói chuyện, nó mới lẻn đi cất sách rồi chạy tuốt ra phía sau.

Sắp ở trong nhà dọn cái bàn trắc bên phía tay mặt đặng đãi cơm khách. Bà chủ ra vô chỉ biểu cho chúng nó trải nắp đặt bàn. Chừng cơm dọn xong rồi, bà mới bước lại nói nhỏ với chồng và mời khách dùng cơm.

Quan Kinh lý đi theo Hương chủ lại bàn, dòm thấy chén đũa có hai người ăn mà thôi thì đứng ngó bà Chủ mà nói:

- Tôi mời bà Chủ ăn cơm luôn thể chớ.

- Mời quan Kinh lý dùng cơm với ông Chủ tôi. Tôi chưa đói, để tối rồi sẽ ăn.

- Không được. Nếu bà không ngồi thì tôi không dám ăn. Xin bà coi tôi như em cháu, chớ đừng kể khách khứa chi hết. Hễ bà không chịu ăn, thì tôi nghĩ bà hờn tôi tới làm rộn, tôi ăn sao ngon. Xin bà ngồi lại, kêu cháu ra đây nữa, ăn như ngày thường ở trong nhà vậy tôi mới chịu.

Bà Chủ không kiếm lời từ chối được nữa nên bà phải biểu trẻ vô lấy thêm hai cái chén, hai đôi đũa, rồi bà ngồi một bên Hương chủ và biểu thằng Tôn ngồi một bên quan Kinh lý mà ăn cơm.

Quan Kinh lý nói chuyện vui vẻ lắm, theo hỏi thằng Tôn tính đi học đặng ngày sau làm nghề gì, như lớn trời cho giàu thì phải làm sao còn như trời bắt nghèo thì mới làm sao. Thằng nhỏ sợ sệt trả lời không nhằm đạo nghĩa, làm cho quan Kinh lý cười ngất rồi dùng dịp ấy mà dạy cho nó một bài học làm người.

Bà Chủ thấy quan Kinh lý còn nhỏ tuổi mà bộ tịch vui vẻ nói năng đàng hoàng thì bà cứ tấm tắc khen thầm hoài. Vì chồng bà ít nói chuyện với khách, nên bà hỏi rằng:

- Bẩm quan Kinh lý tính chừng nào mới rước bà Kinh lý lại đây?

Quan Kinh lý nghe hỏi thì cười mà đáp:

- Hồi trưa ông Chủ có hỏi tôi câu đó. Bây giờ bà cũng hỏi tôi câu đó nữa. Hồi trưa tôi trả lời pha lửng chơi với ông Chủ rằng: "Tôi chưa biết ai mà cho người ta kêu là bà Kinh lý. Có lẽ phải cậy ông Chủ chỉ giùm mới được." Bây giờ bà hỏi tôi nữa, thì tôi cũng trả lời như vậy nữa.

- Té ra quan Kinh lý chưa định đôi bạn nơi nào hay sao.

- Thưa chưa. Tôi thi đậu mới ra trường vài tháng nay, tôi không có ngày giờ mà tính cưới vợ.

- Xin lỗi quan Kinh lý, không biết năm nay quan Kinh lý được bao nhiêu tuổi?

- Tôi được 25 tuổi.

- Ông cụ với bà cụ còn song toàn hay không?

- Cha với má tôi còn mạnh giỏi hết.

- Không biết Quan Kinh lý gốc ở đâu?

- Tôi gốc gác sanh đẻ tại Bạc Liêu, cha với má tôi đều ở dưới hết. Để tôi ở yên rồi tôi sẽ gởi thơ mời cha với má tôi lên trên nầy chơi một chuyến cho biết xứ Gò Công.

- Quan Kinh lý có anh em đông hay không?

- Không. Cha với má tôi sanh được có một mình tôi.

- Ông cụ bà cụ thiệt là nhơn đức lắm mới được vậy. Sanh có một người con mà cho học rồi làm quan như vầy, nghĩ có phước biết chừng nào. Có lẽ năm nay ông cụ bà cụ lớn tuổi rồi chớ?

- Thưa, không có, cha tôi năm nay gần 50, còn má tôi mới bốn mươi mấy.

- Còn trẻ dữ há! Vậy thì có phước lắm. Tôi chắc lúc nầy ông cụ bà cụ đương kiếm nơi định đôi bạn cho quan Kinh lý, đêm ngày lo hoài.

- Bà nói phải. Từ khi tôi ra trường đến nay, cha má tôi lo việc đó lắm.

- Theo quan Kinh lý muốn kiếm vợ như thế nào? Muốn kiếm ở đồng hay ở tỉnh.

- Kiếm vợ thì lựa đức hạnh tánh tình chớ cần gì lựa chỗ ở. Miễn là người biết phải thì thôi, ở tỉnh hay ở đồng cũng không hại gì.

- Quan Kinh lý nói phải lắm, song con gái ở đồng nó chơn chất thiệt thà, sợ không có đứa nào xứng đáng làm bà Kinh lý chớ.

- Tôi cũng ở đồng vậy. Tôi cưới vợ thì tôi chủ ý kiếm người nội trợ hiền, chớ không phải kiếm người làm bà Kinh lý. Nếu ai muốn làm bà Kinh lý, nên ưng tôi, thì chắc là tôi không dám cưới.

Quan Kinh lý nói chuyện hơi phang ngang[3], nhưng lời nào nghe cũng bao hàm đạo nghĩa. Từ nhỏ chí lớn bà Chủ Khanh chưa từng nói chuyện với người nào đúng đắn như vậy, bởi vậy bà càng nghe càng kính phục thầm trong lòng. Bà hỏi thăm ông Chủ, bà mới hay quan Kinh lý ở tại nhà việc của làng và đương kiếm chỗ ăn cơm quán. Bà khuyên quan Kinh lý mỗi bữa qua nhà bà mà ăn cơm, chẳng nên ăn cơm quán. Quan Kinh lý tạ ơn bà và nói: "Nếu tôi được ăn cơm bên nầy thì chắc là tôi phải mập. Ngặt vì mai đây tôi khởi công làm việc. Tôi đi đo đất bữa về sớm bữa về tối không có giờ nhứt định. Tôi không dám làm hai ông bà mỗi bữa phải nhọc lòng chờ đợi. Nếu hai ông bà thương tôi thì bữa nào tôi rỗi rảnh, cho phép tôi qua đặng nói chuyện chơi thì tốt".

Bà Chủ gật đầu đáp:

- Nếu quan Kinh lý muốn ăn bên nhà việc đặng cho tiện, tôi không dám ép, song bữa nào quan Kinh lý muốn qua nhà tôi ăn cơm thì vợ chồng tôi sẵn lòng tiếp rước luôn luôn. Quan Kinh lý đừng ngại chi hết.

Quan Kinh lý ăn cơm rồi ở chơi cho đến tối mới từ giã mà về. Hương chủ Khanh đi theo mà đưa tới cửa nhà việc rồi mới trở lại.

Bình luận