Trang chủ

Kỹ nghệ lấy Tây

Chương 5. Suzanne muốn… và không muốn

Tại sao bà Ách không những cho phép mà lại còn muốn tôi với Suzanne cùng sóng đôi nhau thăm thú Thị Cầu và Đáp Cầu? Hay đó là một cuộc xếp cảnh? Hay đó là chứng nhận lòng tin.

Không bao giờ tôi biết rõ được và tưởng cũng chẳng cần biết rõ. Các ngài cứ hiểu cho rằng sau vài tiếng đồng hồ trò chuyện thì, trước mắt Suzanne, tôi đã tỏ ra là một kẻ biết điều phải trái, đại lượng, đáng yêu, không khinh người.

Cho nên trong khi đi đường, tôi hỏi thật Suzanne rằng:

- Cô đi chơi với tôi thế này mà không ngại điều tiếng gì hay sao?

Thì Suzanne cúi đầu đáp:

- Tôi tưởng chính tôi đã coi ông như một người anh thì ai muốn bảo sao cũng mặc họ chứ? Cứ biết, chính tôi, tôi không nghi tôi, thế là đủ rồi.

Nghe thấy thế tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì được người tin và không vui vì... chỉ được tin thôi, phải đâu đó là sự đáng cho mình tự đại!

Đã quá huyện Võ Giàng. Trên đường về Bắc Ninh, chúng tôi lộn bước; tiết trời hơi lạnh, lại vừa lạnh mưa, nên đi chơi Đông chúng tôi cũng có cái cảm tưởng như đi chơi Xuân.

Những me...

Những me...

Lại những me...

Nào hai chúng tôi có thể là một đám rước đâu mà các me chạy ra xem đông đến thế! Quần trắng lồm lộp, răng cũng trắng với những cái áo len hoặc áo di-lê, các me khiến tôi muốn hỏi: “Nhàn hạ thế, không họp nhau đánh chắn đi à?” Dù đẹp, dù xấu các me đều có những nét mặt khó tả cả. Thập thò bên trong cánh cửa hay sau cái mành mành, các me khiến tôi muốn đổi lại câu thơ của Ôn Như Hầu:

Bóng gương lấp ló trong mành,

Cỏ cây cũng... sợ nổi tình mây mưa!

Tôi hỏi Suzanne:

- Tại sao phần nhiều các me Tây vẫn già, vẫn xấu, mà vẫn đắt chồng?

- A, cái điều ấy tôi biết rõ lắm. Tây họ có con mắt nhận sự đẹp khác xa ta. Ông trông thấy một người đàn bà đẫy đà, mặt đầy đặn, hoặc béo núc béo ních chẳng hạn... Thế thì ông đủ ghê sợ, cho là thô phải không? Ấy đại khái thế, người Tây họ lại cho là đẹp. Ông có biết mặt bà Bé Tý không? Ấy chính tại tôi đã được nghe một ông Tây khen bà ta có cái đẹp hoàn toàn: người đàn bà đẹp nhất nước Nam! Còn khi ông thấy một người yêu kiều, thướt tha như liễu, rồi ông say mê... Người Tây thì lại cho thế là cái đẹp đáng sợ. Lấy người mảnh dẻ, sinh đẻ vài chuyến thì nguy to ngay chứ gì? Hai nữa, cái đẹp mảnh dẻ là cái đẹp không bền, có phải thế không?

Tôi cười và hỏi thêm:

- Thế thì người Tây phương ưa mua những đồ có thể giữ được lâu bền?

Suzanne khẽ cho tôi một khuỷu tay vào mạng mỡ:

- Ông, thí dụ ông sắm bộ đồ gỗ hay may bộ quần, áo, liệu ông có thích cho những cái ông sắm chóng cũ chóng nát, chóng hỏng đi không?

Những sự đó đã đủ cắt nghĩa tại sao dân Âu châu ham mê thể thao và đã chế tạo ra vật gì thì vật ấy phải bền, không những kể đẹp. Chỉ có Đông phương, thí dụ như nước Nhật, là ưa cái đẹp mảnh dẻ chóng hỏng mà thôi.

Song le lời cắt nghĩa của Suzanne chỉ mới cho tôi rõ hai quan niệm về vẻ đẹp. Tôi còn muốn biết tại sao người xấu như ma cũng vẫn lấy được chồng. Mà xấu thì bà Ách kể đã là xấu! Vậy thì... ăn làm sao nói làm sao bây giờ? Tôi bèn xa xôi:

- Có lẽ không phải họ chỉ thích đẹp mà thôi đâu. Chắc cũng có nhiều người trọng nết, muốn vợ là người đức phụ. Phải thế những người không có nhan sắc mới không đến nỗi ế chồng.

Chính tôi, tôi đã không thật thà, để cho Suzanne tỏ ra là hơn tôi: đã thật thà... Vì rằng Suzanne nói:

- Ông tưởng thế chứ tiếng đức phụ không bao giờ nên để tặng cho một người đã đi lấy Tây. Tại làm sao xấu họ cũng lấy, già họ cũng lấy? Những người Tây ấy là những người chán đời. Nuôi đầy tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ, vừa được sai bảo vừa được... việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng, người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem tấm thân ái tình ra tặng vợ hay sao? Vả lại, một người Tây đã sang đây thì ai biết rõ đoạn đời về trước của người ấy thế nào? Khối óc họ không nhẽ chỉ để làm việc cho ái tình! Hai người đều có địa vị, cùng chí hướng, cảnh ngộ cần nhau, mà yêu nhau, đó mới là yêu. Muốn có ái tình thì hai bên không ai có thể khinh được ai. Chứ còn yêu để mà “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” thì đó là yêu vì thương chứ còn đâu là yêu vì yêu nữa?

Thật vậy, Suzanne còn trẻ mà đã hiểu sự đời biết bao! Nhưng cái đó cũng chẳng hay gì. Người nào hiểu sự đời lắm thì không mấy khi sướng cả. Sung sướng là cái phần của ai không hiểu biết sự gì mới được hưởng mà thôi.

Mới chuyện có một lúc mà đi đã được khối đường đất rồi. Trái đồi có nhà thương đã qua, phố ga qua, bây giờ trước mặt chúng tôi là cầu và sông, bên trái là đường hoả xa, bên phải là ngọn đồi có trại binh pháo thủ.

- Hay là chúng ta lên đồi?

Suzanne gật đầu, chúng tôi vòng nhà máy Gạch, qua những dãy nhà đằng sau chợ Đáp Cầu thủng thỉnh bước lên. Những nhà ở đây có thi vị lạ. Tôi bỗng có cái cảm tưởng như đi du lịch một nơi xa lạ nào. Những gian nhà nhũn nhặn đắp bằng đất đỏ chen chúc nhau mái thấp, mái cao hoặc cách biệt nhau bằng những lối đi quanh co như vết rắn, do những tảng đá xanh và xám nối nhau, bắc bậc nhau như những cái thanh ở một hòn giả sơn nào. Đẹp quá đi mất!

Bây giờ đã đến lúc để tôi tìm mọi cách khám phá cho ra những ý nghĩ âm thầm của một cô đầm lai trẻ trung, xinh đẹp, xem cô đã biết phác hoạ lấy một cái chương trình về cuộc đời hay chưa.

Những chuyện tâm sự chỉ có thể dò được giữa một cảnh nên thơ...

Ngọn đồi này... với cái miếu nhỏ chung quanh có mấy cây ổi điểm tô cho, mà dưới chân là một vùng nhà với trại binh, mà gần sườn là một khúc sông, kể cũng đã nên thơ lắm.

° ° °

- Phải, tuy tôi có lang Tây nhưng mà tôi không hi vọng lấy chồng Tây. Hoặc lấy Tây là bần cùng. Vì rằng từ bé đến nhớn, mà tôi lấy bốn đời chồng sau khi ba tôi về Pháp, thì cả hai chân tướng cuộc đời ra sao, tôi đã nhiều lần nom thấy rõ. Cảnh ngộ tôi thật khó nghĩ. Lấy Tây ngộ nhỡ phải theo chồng về bên... mẫu quốc thì để rồi mẹ già chết đói bên này hay sao?

- Lấy một người chồng An-nam...

- Cũng khó lắm. Hạng người dám có gan hỏi tôi chẳng hạn thì không chắc đã được gia đình công nhận hẳn cho cái việc người ta làm. Nếu còn bị điều nọ tiếng kia thì khó chịu lắm. Vả lại chỉ say mê cái sắc đẹp một lúc, có khi rồi họ bỏ mình. Ấy là noi những người gan nhất thì như thế. Còn những người sống theo cuộc đời nề nếp thì làm gì có can đảm hỏi một người lai? Là một người lai là một cái khổ. Người Tây đã không hẳn quý trọng mình, mà người Nam cũng không yêu thương hẳn mình. Ở cái xã hội quý phái Âu Tây, một ít máu An-nam trong huyết quản là một cái nhục. Ở cái xã hội quý phái người Nam, một ít máu Pháp trong huyết quản cũng chẳng là sự vinh. Giời ơi! Thì ra tôi không có Tổ quốc!

Suzanne cúi đầu, bất giác nức nở...

Tôi chỉ còn kịp kéo tay cô ta về mình, và muốn tỏ sự cảm xúc bằng một cái hôn. Song le, nghĩ rồi lại thôi. Không nên chơi với lửa.

Suzanne lại nói một cách chua chát:

- Oui, je suis sans patrie!

Tôi khẽ nói:

- Lấy một người chồng lai...

Nén cơn đau, Suzanne lại bình tĩnh thêm rằng:

- Ông nói phải lắm. Tôi đã nghĩ thế. Một người chồng lai, cũng có Pháp tịch, mà không thể nào khinh được tôi. Nếu chồng phong lưu, tôi sẽ mặc đầm. Nếu chồng nghèo, chỉ là lính tráng chẳng hạn, thì tôi sẽ chỉ cứ ăn mặc ta. Tôi đã học hành mãi ở trường trẻ con lai vô thừa nhận. Giá như ai, không nghĩ đến mẹ, tôi đã sang Pháp năm ngoái rồi. Mà giá muốn lấy chồng xi-vin như ai, tôi cứ ở Hà Nội, tìm một chân bán hàng mỗi tháng kiếm vài chục bạc may mặc, có lẽ tôi cũng đã có một vị hôn phu rồi. Nhưng mà thà về với một người mẹ khổ sở, cùng mẹ ăn cơm ngô, cơm khoai.

Thế là Suzanne hết đau đớn. Lòng hiếu đã làm cho cô ta trở nên... anh hùng! Vì rằng Suzanne kể thêm:

- Ừ, mà tội gì lại phải đau xót vì không có tổ quốc nhỉ?

Nói xong cô ta đứng lên quay ra bốn phương, nhìn...

Suzanne không muốn lấy chồng Pháp. Suzanne chẳng đau khổ vì không có tổ quốc mà thờ. Suzanne cũng chẳng muốn lấy chồng An-nam. Ồ, nếu thế thì còn thú gì nữa! Có thể như thế được chăng?

Tôi làm ra lần thần:

- Theo ý tôi, dù sao nữa, lấy một người chồng An-nam vẫn hơn...

Suzanne lườm tôi mỉm cười. Trong cái lườm ấy, trách là trách yêu.

- Ấy má tôi vẫn nghĩ như thế. Vẫn bảo tôi đại khái rằng: tao chỉ muốn có một người chàng rể An-nam để sau này chôn cất cho tao. Bao giờ cũng thế, má tôi chỉ lo chết hơn lo sống.

May quá! Tôi chẳng để lỡ một cơ hội tốt:

- Chứ gì! Bà cụ lo thế là phải lắm chứ. Suzanne nên lấy chồng ta, xem người nào xoàng xĩnh, quân tử, có óc mới... không chịu luỵ về những cái thành kiến cổ hủ, chỉ biết có ái tình.

Suzanne nhoẻn cười:

- Như ông có phải không? Rõ khéo chỉ được cái giọng kẻ Bưởi!

Tôi cũng cả cười. Nhưng Suzanne đã nghiêm nét mặt:

- Không! Không thể được. Bao giờ lúc đầu người ta cũng mơ màng sự đời là tốt đẹp lắm. Cái khốn nạn nó không đi ngay với cái tốt đẹp bao giờ. Nó chỉ chùn lại để đi sau mà thôi. Thí dụ như ông chàng rể bà Đồng Đền ở Phủ Lạng!

Chuyện này cũng thuộc về cái đề, “kỹ nghệ lấy Tây” song... người thợ lại thuộc về giống đực.

Anh đàn ông coi cô vợ đầm lai như cái mỏ vàng.

Suzanne thuật chuyện trong ba phút, nhưng tôi phải viết đến ba mươi dòng mới đủ nghe.

Cách đây độ tám năm, một viên giáo học bị cữu, kết duyên loan phụng với cô đầm lai, con một bà Đồng Đền. Cả tỉnh ồn ào chê anh chàng tham của. Bà đồng này có tới bạc vạn và đã hết lòng sửa lại cái điện thờ ở chợ Bắc môn.

- Không biết đã làm gì mà giàu?

- Hay đã buôn thuốc phiện lậu?

- Không phải, của mấy ông chồng để lại cho đấy!

- Nói khoác, xấu như ma lại đòi làm giàu về nghề lấy Tây!

- Cứ gì xấu hay đẹp... ở đời này có số chứ!

Đó là những điều “ngồi lê đôi mách” của các me, mỗi khi muốn ghen với cái lá số của bà Đồng Đền.

Mà cái lịch sử li kì của bà kể cũng đáng làm rỏ dãi các me.

Khi còn cái tên Tư Bạc, nghĩa là giữa lúc “mơn mởn đào tơ” thì bà ta vì cái nhan sắc mẫu dạ xoa, chỉ thèm làm bạn... dăm năm với một ngài săng đá, một người mà quan niệm về mĩ thuật chưa phát triển mạnh.

Do đó, đẻ được một mụn con gái... Rồi thì, một hôm bà Tư Bạc ngán ngẩm cuộc đời mà than rằng: “Mặt sông nước chảy lờ đờ, ông về bên ấy bao giờ ông sang!” Một vài năm qua...

Sự túng thiếu... sự khổ nhục.

Hết các kế, bà ta phải lấy bốn chữ “lá gió cành chim” ra làm một nghề.

Một đêm, một quan tư thầy thuốc sai bồi đi gọi bà ta. Tháng sau, bà ta thành vợ quan tư thầy thuốc! Sự thương hại hay ái tình? Nào ai hiểu nổi sự rộng lượng của người đàn ông. Cứ cho là tại duyên số.

Sau vài năm, ông quan tư ấy về rồi không sang.

Năm sau lại một ông quan tư khác đến kế chân ấy.

Rồi được ít lâu, ông cũng về.

Ông nào về cũng để lại cho vợ nào nhà gạch đầy rẫy, nào bạc đầy rương.

Giàu có rồi, bà Tư lần này đành... thủ tiết. Chỉ có một con gái, bà Tư muốn được một quý tế An-nam mai sau chôn cất cho mình. Viên giáo học ấy đã đến nói với con bà: “Tôi lấy mình vì tình chứ chẳng vì tiền đâu”. Được dăm năm, chàng rể quý ngày đêm cứ cầu trời khấn Phật vật chết mẹ vợ!

Duy-ly – tên người vợ – đã cau mặt:

- Đồ khốn nạn, mày chỉ vì tiền mà thôi!

Thì ông chồng cười gằn:

- Mang trên trán cái nhục là chồng mày, là con rể một kẻ như mẹ mày, mà không nói đến chuyện tiền thì thiên hạ nó cũng chửi!

Những câu ấy chẳng phải không đến tai bà Đồng Đền. Nhưng mà bà cần gì! Đêm ngày bà ta cứ “tấu lạy Vua mẫu” xin ban ơn cho nhân gian, múa vung khói nhang mà hé hé hé!

- Không! Dù nghèo hay giàu tôi cũng chẳng lấy chồng An-nam!

Suzanne đã thở dài mà nói thế. Tôi, tôi cũng đã thở dài.

° ° °

- Vâng, tôi cũng phải đi ngay. Bà Kiểm lâm gọi tôi có việc cần.

- Nhưng trước khi về Hà Nội, ông có quay lại đây nữa không?

- Không biết thế nào mà dám nói trước. Xin kính chào bà và cô.

Nói xong tôi với lấy mũ ra đi, Suzanne chạy theo tôi mười bước.

- Này ông.

- ?...

- Thế chuỗi hạt này ngụ những ý gì?

Suzanne hỏi tôi một cách đứng đắn lắm. Chuỗi hạt pha lê ấy, khi từ đồi về đi qua phố Chính, tôi đã vào một hiệu khách mua nó và chờ về đến nhà mới rón rén đeo vào cổ Suzanne. Bà Ách nghèo nhưng trong khi tiếp đãi tôi, đã chịu thiệt. Lúc ấy tôi đã phải nói liều:

- Để làm một kỉ vật đau đớn.

Những dòng này, tôi mong sẽ có ngày ở dưới mắt Suzanne.

Bình luận