Lâm-Tì-Ni, Khu Vườn Đã Quên
Vương quốc của vua Tịnh-phạn thật ra rất nhỏ. Theo ký sự của Huyền Trang, tiểu quốc Thích-ca có một chu vi chừng 4000 lí (khoảng 1880Km). Theo Schumann đó là một vùng đất dài và hẹp với 180.000 dân, có một diện tích chừng 2000 cây số vuông, kinh đô là Ca-tì-la-vệ với khoảng 8000 dân. Tiểu quốc Thích-ca thần phục nước Kiều-tát-la, mỗi năm phải đóng thuế, bản thân vua Tịnh- phạn có khi phải đi hội họp tại Xá-vệ, kinh thành của Kiều-tát-la cách đó khoảng 140km.
Vương quốc của Tịnh-phạn có 9 thị trấn, trong đó có một nơi tên là Devadaha. Tại Devadaha có hai chị em lọt vào cặp mắt xanh của vua Tịnh-phạn, người chị là Ma-gia (Maya), người em là Pajapati. Ma-gia không ai khác hơn là vị hoàng hậu sinh ra thái tử Tất-đạt-đa. Pajapati cũng tặng cho vua Tịnh Phạn hai con, một trai một gái.
Một ngày nọ trong tháng năm của năm 563 trước công nguyên, bà Ma-gia lúc đó đã 40 tuổi, thấy mình sắp sinh, xin với vua Tịnh-phạn rời hoàng cung, về quê tại Devadaha để sinh con đầu lòng. Đó là tục lệ thời đó, ngày nay nhiều nơi vẫn còn. Thế nhưng bà không tới kịp Devadaha. Cách kinh thành chừng 25km, ngang một khu vườn tại làng Lâm-tì-ni, dưới một gốc cây mà có người gọi là hoa Vô Ưu, người khác gọi là cây Sala, bà sinh một người con trai mà ngày sau thành Phật.
Sinh xong, hoàng hậu Ma-gia không còn lý do về nhà cha mẹ nữa, bà trở lại Ca-tì-la-vệ. Ba ngày sau hoàng cung mời đạo sĩ A-tư-đà đến xem tướng cho thái tử, hai ngày sau đó một đoàn gồm tám bà-la-môn đến tham dự lễ đặt tên cho thái tử. Trong đoàn tám người đó thì người trẻ nhất trong số đó tên gọi là Kiều-trần-như. Ba mươi năm sau, Kiều-trần-như gặp lại thái tử và ta được biết ông chính là người trong nhóm năm người được Phật giáo hóa tại Lộc Uyển sau khi đắc đạo.
Bảy ngày sau khi sinh, Ma-gia mất, kinh sách chép bà tái sinh ngay vào cõi trời Đao Lợi. Bà ở tại đó để đợi Phật có ngày lên thuyết pháp cho bà nghe và 80 năm sau lúc Phật nhập Niết Bàn tại Câu-thi-na cách chỗ sinh chừng 100km, bà hiện xuống khóc tiễn.
Ca-tì-la-vệ và Lâm-tì-ni sớm bị chìm vào quên lãng sau khi dòng Thích-ca bị diệt vong. Trong thế kỷ thứ năm lúc Pháp Hiển đến thì ở đây đã thành bình địa, ông chỉ nhắc đến một phế tích không rõ ràng. Lúc Huyền Trang đến khoảng hai trăm năm sau, ông ghi rằng một địa danh tên hiện nay là Tilaurakot (cũng có tên là Taulihawa) phải là thành Ca-tì-la-vệ cũ. Còn Lâm-tì-ni thì được Huyền Trang tìm ra chính xác. Ông thấy nơi đó có một trụ đá của vua A-dục và ghi rõ trụ đã bị hư hại, đầu trụ là hình con ngựa nằm lăn lóc trên mặt đất. Sau đó không còn ai biết đến Lâm-tì-ni.
May thay, năm 1806 các nhà khảo cổ đào bới ra được Lâm-tì-ni và tìm thấy lại trụ đá của vua A-dục, nhưng hình đầu con ngựa nay đã mất. Kì diệu thay, người ta còn đọc trên trụ đá hàng chữ sau đây: " Hai mươi năm sau khi đăng quang, nhà vua Devanampiya Piyadasi [72] đến đây và tỏ lòng ngưỡng mộ vì Phật, người minh triết của dòng Thích-ca, đã được sinh tại đây. Ngài cho dựng phiến đá và một trụ đá để kỷ niệm nơi sinh của đức Thế Tôn. Làng Lâm-tì-ni được miễn giảm khỏi đóng thuế và giảm phần nộp lợi tức xuống còn 1/8 [73]". Đó là năm 245 trước công nguyên.
[72] tức là A-dục
[73] Thông thường là ¼
Tôi đến đây vào một buổi sáng trời đẹp. Con đường từ Bhairawa dẫn đến Lâm-tì-ni được UNESCO xây dựng, còn đoạn đi tiếp từ Lâm-tì-ni về Tilaurakot (tức là Ca-tì-la-vệ ngày xưa) chưa hoàn tất. Lâm-tì-ni là một khu vực xanh tươi nằm dưới chân Hy-mã lạp sơn, phía Bắc là những đỉnh núi tuyết lóng lánh. Lúc tôi đến hoa Vô Ưu không thấy nở, nó chỉ nở vài ngàn năm một lần khi có bậc đại giác sinh ra.
Trong vườn Lâm-tì-ni được rào bọc cẩn thận, ngày nay ta thấy còn một hồ nước, huyền sử chép là nơi rồng hiện lên tắm Phật. Hồ bây giờ tuy còn nước nhưng rêu xanh bám đầy mặt hồ. Gần đó là trụ đá của A-dục cao 6,4 m, phía trên có một niềng sắt siết chặt, được rào bọc cẩn thận và nhờ đó những hàng chữ nói trên, viết bằng ngôn ngữ Brahmi và Ma-kiệt-đà vẫn còn đọc được. Tôi cũng ném vào đó vài đồng tiền như mọi người, lòng đầy hoài vọng và xúc cảm làm sao một trụ đá mà sống trên hai mươi thế kỷ được. Lúc tôi đến, đền thờ hoàng hậu Ma-gia đang được tu bổ, lều bạt ngổn ngang trên một nền gạch đỏ thẫm. Đi quanh nền gạch của đền này, nghe nói nó mới xây dựng trong năm 1933, tôi cố tìm một kẻ nứt để cắm một nén nhang nhưng lạ thay không sao tìm thấy. Di tích trong đền này được dời tạm qua một căn nhà khác, vào đó thì thấy một phiến đá khắc họa lại sự tích đản sinh. Theo nhiều tài liệu phiến đá này được hình thành trong thế kỷ thứ hai hay thứ năm sau công nguyên.
Quyết định của vua A-dục ghi trên trụ đá tại Lâm-tì-ni. [74]
[74] Hình trích của H.W.Schumann, sách đã dẫn
Trong nắng sớm bỗng có những tiếng trống nhỏ. Từ xa đi về phía chúng tôi là một nhóm khoảng bốn năm người. Họ theo đường ruộng đến Lâm-tì-ni, cứ đi vài bước lại đánh một tiếng trống. Đó là những thanh niên trẻ, người Âu có người Á có. Họ mặc đồ đen, không rõ tu sĩ hay cư sĩ, mặt mày thành kính, rõ là đang đi thiền hành. Đến đền thờ hoàng hậu Ma-gia họ đi vòng quanh đền cả chục lần, tiếng trống nhỏ đều đều vang lên. Chúng tôi chắp tay vái chào nhau với một lòng thiện cảm không nói ra lời. Không rõ các vị mặc đồ đen này thuộc giáo phái nào nhưng về sau tôi lại gặp nhiều người như thế tại Cửu Hoa sơn tại Trung Quốc, thái độ họ cũng hết sức thành kính.
Trong gió mai bỗng có tiếng phần phật, nhìn lại tôi thấy một nhóm người khác đang giăng những hàng giây có mang những lá cờ hình tam giác. Những lá cờ sa xuống đầu tôi, trên đó là vô số Tạng ngữ. Đó là cách cúng dường của người Tây Tạng, họ viết kinh lên cờ và cho nó tung bay trong gió. Những lá phướn trắng vàng và đỏ tung phần phật hòa trong tiếng trống dưới nắng sớm mang lại cho tôi một niềm an bình rộn rã. Tôi đi quanh quẩn trong vườn, không muốn rời, một chị người châu Á đi ngang nhắc khẽ tôi " Clockwise ". Tôi cám ơn chị, lúc đó tôi đi ngược chiều nên chị nhắc tôi hãy đi theo chiều kim đồng hồ. Đó là cách đi nhiễu quanh các tháp tượng, luôn luôn phải theo chiều kim đồng hồ mới thuận theo chiều của phước lạc.
Tiếng trống đã dứt, các thanh niên áo đen đã tìm chỗ ngồi thiền định dưới ánh sáng mặt trời êm dịu, mặt nhìn về hướng đền hoàng hậu Ma-gia. Chúng tôi tìm chỗ ngồi thiền định dưới gốc cây, đó là chỗ tôi có thể cắm nhang. Đó là nén nhang Việt Nam cuối cùng trong ba-lô tôi.
KATHMANDU VÀ KHUÔN MẶT VÀNG
Từ Lâm-tì-ni tôi trở về khách sạn Nirwana và tiếc thay phải làm thủ tục " xuất Niết-bàn " để lên máy bay từ Bhairawa về Kathmandu, thủ đô Nepal. Có ba hãng hàng không nội địa với những cái tên đáng kính ngưỡng là Buddha Air, Lumbini Airways và Necon Air chở hành khách từ quê hương của Tất-đạt-đa về Kathmandu cách khoảng 250km. Cuối cùng tôi chọn Necon Air. Đây là công ty hàng không nội địa lớn nhất của Nepal với vài chiếc máy bay hiệu Avro 44 chỗ ngồi.
Từ xa tôi đã thấy đây phải là chiếc máy bay cũ nhất mà tôi từng bước lên. Đó là chiếc máy bay có ba bánh, bánh sau thấp hơn hẳn hai bánh trước nên thân máy bay không thẳng mà nghiêng, thứ máy bay tôi từng thấy tại xứ ta thời còn nhỏ xa xưa. Lên cầu thang tôi thấy rõ hàng ngàn những chiếc đinh tán cũ kỹ trên thân máy bay và tự hỏi liệu chúng còn sức chịu đựng. Nhìn kỹ tôi thấy lờ mờ hàng chữ " chế tạo tại vương quốc Anh " và nghĩ rằng chiếc máy bay của thời cố hỉ cố lai này chắc có may mắn thoát khỏi trận oanh tạc của Hitler trong thời thế chiến thứ hai. Nó cũng sẽ mang lại may mắn cho tôi.
Tôi sớm quên chiếc máy bay cũ kỹ này vì mãi ngắm nhìn rặng Hy-mã lạp sơn từ trên không. Chúng tôi bay về hướng đông bắc, ngọn Everest nằm phía trước, hành khách không thể thấy. Thế nhưng rặng Hy-mã lạp sơn là một dãy núi dài trên 6000km, khắp nơi là những đỉnh toàn trên 7000m, núi tiếp núi, mây liền mây, không phân biệt được đâu là mây đâu là núi. Về sau rời Kathmandu đi Bangkok lần đầu tiên tôi được thấy đỉnh Everest. Đỉnh núi đầy tuyết nên phải nhìn kỹ ta mới thấy được nó, bầu trời và đỉnh núi hòa lẫn vào nhau một màu. Chiều cao của Everest thật là khủng khiếp, giữa các đỉnh bảy tám ngàn mét mà nó vẫn như một chiếc nón chụp lên các đỉnh.
Nhìn các rặng núi luôn luôn tôi có lòng kính sợ, nó phải là trú xứ của thánh thần. Tôi nhớ lại biển cả, tuy nó cũng mênh mông nhưng nó gây cho tôi sự thân tình gần gũi. Những ngọn núi trắng óng ánh màu tuyết, dưới gió núi chúng tung những đám bụi trắng đầy băng giá. Trên những đỉnh đó hẳn không có sinh vật, cây cối không mọc được, chim chóc không thể bay tới, con người không thể leo lên. Thế nhưng hầu như chúng có thần, chúng xa lánh với sinh vật, thù nghịch với sự sống, nhưng chúng vẫn thu hút con người ngưỡng mộ hướng nhìn về chúng.
Về sau tôi biết rằng trên đó vẫn có cây cỏ, chim chóc bay lên đến độ cao năm sáu ngàn mét và con người, một thứ sinh vật kỳ lạ, nó leo lên được các ngọn núi tuyết ấy, có kẻ không cần mặt nạ dưỡng khí. Và hơn thế nữa, có những kẻ độc cư trên các ngọn núi tuyết ấy hàng chục năm. Và nếu con người khi sống trên mặt biển một vài ngày thì tâm lý xã hội đã thay đổi như tôi hay nghe nhiều người kể lại, thì những kẻ sống trên núi cao cũng sớm có những nhận thức khác lạ như Govinda kể trong tác phẩm "Con đường mây trắng" [75]. Vì thế tôi không ngạc nhiên khi biết những người sống trên núi cao từ năm này qua năm khác thường có những khả năng phi thường.
[75] Govinda, Sách đã dẫn.
Máy bay đến gần Kathmandu, phía dưới là núi đồi với vô số ruộng lúa nằm trên các bậc cấp. Máy bay hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Kathmandu, nền hàng không của vương quốc Anh không phải tầm thường, tôi tự nhủ. Sân bay Kathmandu tuy nhỏ nhưng hiện đại, nhìn quanh toàn khách nước ngoài. Sảnh đường đón khách của sân bay có một bức bích họa to lớn diễn tả sự tích Phật đản sinh, chỗ tôi mới viếng sớm hôm nay. Thì ra Nepal rất hãnh diện về Lâm-tì-ni, đó là một thánh tích nằm trong nước họ. Trên bất cứ một bản đồ nào của họ, dù nhỏ tới mấy, ta cũng tìm thấy hàng chữ ghi Lâm-tì-ni ở cực nam nước Nepal. Dĩ nhiên khách đến Nepal không phải chỉ vì Lâm-tì-ni mà có một số lớn người đi leo núi, họ theo các tuyến "trekking" trên sườn Hy-mã lạp-sơn.
Tôi ngạc nhiên thấy Nepal xem ra tiến bộ hơn Ấn Độ trong nhiều phương diện, nhất là cung cách làm việc trong sân bay, khách sạn, các công ty du lịch. Đây là một xứ nhỏ, dân ít, tiếp xúc nhiều với bên ngoài nhờ khách du lịch. Đời sống xã hội của Nepal cũng đượm màu tôn giáo như Ấn Độ, nơi đây Ấn Độ giáo và Phật giáo hầu như quyện vào nhau để trở thành một. Tại các ngã tư đường trong thành Kathmandu thường người ta tìm thấy một trụ đồng, bốn mặt có bốn tượng đức Thích-ca tay bắt ấn nhìn ra bốn phía. Gần đó là vô số đền tháp, thờ các vị thần Ấn Độ giáo trong dạng thiên nhân, dạng phẫn nộ, dạng voi, dạng khỉ.
Kathmandu là một thành phố nhỏ nhưng có đến bảy đền tháp được Liên Hiệp Quốc thừa nhận là "di sản văn hóa". Đó là các đền đài phần lớn được xây bằng gỗ, ngày nay bị phủ đầy bằng một lớp bụi dày, không có ngân sách nào tu bổ cho chúng. Tại trung tâm Durbar Square khách du lịch lui tới tấp nập, họ hối hả chụp hình hầu như sợ rằng một ngày gần đây các đền đài đó sẽ sụp đổ vì sự tàn phá của thời gian.
Các đền tháp nọ có thể không còn đứng vững được lâu nhưng nghệ thuật tôn giáo của Nepal chắc vẫn sống mãi, tôi hy vọng thế. Tôi nhớ một ngày nọ tại Delhi, mình lang thang trên một con đường lớn. Trước một tiệm kim hoàn sang trọng tôi thấy một bức tượng nằm trong tủ kính. Tượng trình bày một dáng hình hết sức cao quí, tay cầm lưỡi kiếm. Đầu tượng màu xanh đậm mang vương miện năm cánh, tượng trưng cho năm trí. Mặt bức tượng được phủ bằng một lớp vàng mờ, nét mặt rất trẻ và thanh thoát. Tay mặt tượng cầm lưỡi kiếm bốc lửa, bên trái là hoa sen mang kinh Bát-nhã, bàn tay trái hướng ra ngoài bắt ấn giáo hóa. Tôi biết đó là tượng Văn-thù Sư-lợi, vị bồ-tát chủ trí huệ. Bức tượng này hẳn hết sức đắt tiền, nằm trong tiệm kim hoàn không phải để bán mà để trang hoàng. Tôi càng thấy xa vời, không thể mua. Tôi đến Janpath, khu vực buôn bán của Delhi thì chỉ tìm thấy tượng Văn-thù Sư-lợi bằng đồng, nét thô, còn khuôn mặt bằng vàng mà tôi ưa thích đó không có. Hình tượng thì bằng đất hay đồng cũng chỉ là hình tượng, chất liệu và xấu đẹp không quan trọng, ta nên có tâm vô phân biệt, tôi tự nhủ. Không, nhưng tôi muốn thế, muốn nhìn ngắm khuôn mặt vàng của Văn-thù và hỏi ra mới biết bức tượng đó là nghệ thuật của Nepal.
Vì thế đến Kathmandu, trong lúc mọi người khác tìm đường leo núi, tôi đi tìm bức tượng. Và đã tìm thì ra. Ngày nay bức tượng Văn-thù với khuôn mặt phủ vàng mờ nằm trong phòng làm việc của tôi. Những lúc bí không tìm ra tài liệu, chữ nghĩa khi làm việc, tôi đều nhìn và hỏi thử khuôn mặt vàng cao quí đó.
Ngày nọ, tôi được biết Văn-thù Sư-lợi có "đạo trường" – có người xem là trú xứ – tại Ngũ Đài sơn thuộc tỉnh Sơn Tây ở Trung Quốc. Vì Văn-thù đã giúp nhiều lần khi tôi cần đến, tôi quyết đi Ngũ Đài sơn đảnh lễ Ngài. Về sau tôi mới hay cơ duyên còn cho mình đi nhiều nơi nữa trên đất nước Trung Quốc mênh mông này.