Chú Bé

Tác giả : Jules Vallès
  • Lượt đọc : 209
  • Kích thước : 1.31 MB
  • Số trang : 291
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 52
  • Số lượt xem : 848
  • Đọc trên điện thoại :
Juyn Valex (Jules Vallès) là một nhà văn lớn mà cũng là một chiến sĩ kiên cường của Công xã Pari.

Ông sinh năm 1832 ở thị trấn Puy (xứ Ôvecnhơ) nước Pháp và mất năm 1885 tại Pari. Xuất, thân từ một gia đình công chức, Juyn Valex ngay từ thuở bé đã là nạn nhân của một nền giáo dục gia đình khắc nghiệt cũng như một nền giáo dục nhà trường sai lầm. Cha ông làm giám thị, sau làm giáo sư trung học, tuy cũng thương con, nhưng lại là một người nhút nhát, luôn luôn lo sợ cho chức vụ của mình, do đó mà sinh ra khắc nghiệt với con, thậm chí có lần, để khỏi bị liên lụy, đã cho giam con vào một nhà thương điên sau khi Juyn Valex tham gia vào một vụ chống đối cuộc đảo chính của Napôlêông thứ III. Mẹ Juyn Valex xuất thân từ nông dân nhưng có tư tưởng hãnh tiến, học làm sang, muốn cho con làm nên danh giá, và, vì không được toại nguyện, nên trút cả nỗi cay đắng lên đầu con, roi vọt hành hạ con đến tàn nhẫn. Một mặt khác, cha Juyu Valex muốn cho con trở thành giáo sư, nhưng cậu học sinh Juyn Valex, qua tấm gương của bố, đã chán ngấy cái cảnh nhà trường do bọn phản động công giáo thời Đế chính thứ II lũng đoạn, ở đó các giáo sư vừa quỵ lụy, khúm núm trước hiệu trưởng và cấp trên, lại vừa hành hạ học trò bằng đòn và phạt, ở đó người ta dạy cho thanh niên một kiểu học tầm chương trích cú, nô lệ sách cũ người xưa, xa rời thực tế. Chính cái giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường sai lầm, tàn nhẫn ấy đã tác động mạnh tới cậu bé Juyn Valex đa cảm và sớm biến cậu thành một kẻ bất bình, môt con người nổi loạn.

***

Nhưng con người bất bình ấy đã trở nên một chiến sĩ cách mạng kiên cường, thì lại là do hoàn cảnh xã hội nước Pháp lúc bấy giờ. Khi Juyn Valex sinh ra thì phong trào công nhân Pháp bắt đầu lên mạnh với công cuộc công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa bắt đầu ở nước Pháp trong những năm 30 thế kỷ XIX, và nó được đánh dấu bằng những cuộc đấu tranh và khởi nghĩa của công nhân ở Lyông (1831, 1834) và ở Pari (1832, 1834). Song giai cấp công nhân Pháp chỉ có thể trưởng thành sau khi nó đã dứt bỏ được mọi ràng buộc với giai cấp tư sản để lần đầu tiên, đứng lên như một lực lượng chính trị độc lập, trực diện đấu tranh chống giai cấp tư sản vào tháng Sáu năm 1848. Và chính là phải trải qua những ngày tháng Sáu đẫm máu ấy nó mới bước đầu rũ bỏ được ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng, của mọi thứ“chủ nghĩa xã hội tư sản và tiểu tư sản”.

Tuy nhiên, những năm liền sau khi cách mạng 1848 thất bại ở châu Âu nói chung, chính là “thời đại - như Lênin đã nói,- mà tinh thần cách mạng của phái dân chủ tư sản đã suy vong rồi (ở châu Âu), trong khi đó thì tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa chưa tới lúc già dặn”[1]. Riêng ở nước Pháp, trong thời kỳ đầu của nền Đế chính thứ II tối phản động thiết lập từ tháng Chạp 1852, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân bị lắng xuống cho mãi tới những năm 60 nó mới được phục hồi. Và với sự thành lập Chi nhánh Pháp Quốc tế thứ nhất năm 1866, một thời kỳ bão táp cách mạng mới lại mở ra để đến khi giai cấp tư sản thống trị, dưới nhãn hiệu Chính phủ Quốc phòng, đầu hàng quân xâm lược Phổ (tháng Giêng 1871), thì nó lên tới đỉnh cao với phong trào Công xã Pari thiết lập nền chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới trong bảy mươi hai ngày (18 tháng 3 đến 28 tháng 5 năm 1871).

***

Juyn Valex sinh ra và lớn lên trong cái hoàn cảnh lịch sử xã hội như thế đó. Thị trấn quê hương ông ở sát cạnh những trung tâm công nghiệp như Xanh-Êchiên (nơi mà cha ông đã từng tới dạy học một thời kỳ), như Lyông, nên không khỏi nhận được âm vang mạnh mẽ của những làn sóng đấu tranh của giai cấp công nhân. Và chàng trai có chí hướng muốn làm thợ đó đã từng đi đầu trong đám thanh niên cộng hòa khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Hai 1848. Sau đó, khi được gia đình gửi lên Pari theo học, Juyn Vanlex, sống nghèo khổ ở thủ đô, lại đã sớm tiếp xúc với phong trào cách mạng trên mảnh đất chôn nhau của cách mạng.

“Tôi đã đi vào lịch sử cuộc Cách mạng.

Người ta vừa mở ra trước mặt tôi một quyển sách trong đó có nói về bần cùng và đói khát, trong đó tôi thấy diễu qua những bộ mặt làm tôi nhớ đến cha Jôdép hoặc chú Sađơna, những người thợ mộc với chiếc compa mở rộng ra làm vũ khí và những nông dân cầm chĩa sắt có vấy máu ở đầu răng.

Có những phụ nữ đi tấn công Vécxay, vừa đi vừa thét lên là bà Vêlô làm nhân dân đói, và ngọn giáo có xiên ổ bánh mì đen - một lá cờ - đâm thủng các trang sách và chọc vào mắt tôi...

... Lần này thì không còn là tiếng La-tinh nữa. Họ nói: “Chúng tôi đói! Chúng tôi muốn tự do!”

Tôi đã ăn thử bánh mì quá cay đắng ở gia đình tôi, tôi đã bị hành hạ quá nhiều ở nhà nên những tiếng kêu đó không thể không làm kinh động trái tim tôi”.[2]

Juyn Valex đã kể lại như thế cuộc tiếp xúc đầu tiên của mình với phong trào cách mạng Pari qua một cuốn lịch sử cuộc Cách mạng 1789 và người ta đã đưa ông mượn đọc. Và không lạ rằng Juyn Valex đã từ đó tiến tới đứng dưới lá cờ của Công xã Pari để hợp thành cái mà ông gọi là “Cuộc đại liên minh của những đau khổ”.

***

Công xã Pari thất bại; Juyn Valex, sau khi chiến đấu đến phút cuối cùng, đã trốn ra được nước ngoài, ông sang Bỉ, Thụy-sĩ, rồi sang Anh. Ở đấy ông sống nghèo khổ bằng nhuận bút của một số bài báo, trang tiểu thuyết đăng trên vài tờ báo cộng hòa xuất bản ít ỏi ở Pari. Đến năm 1880, khi luật ân xá được ban hành, ông trở về nước Pháp, viết sách viết báo cho tới lúc qua đời.

Juyn Valex bắt đầu viết từ khoảng cuối những năm 50, sau khi đã chật vật làm đủ nghề để kiếm sống ở Pari. Ông cộng tác với một số tờ báo như Figarô, Biến cố; ông giao thiệp với Giracđanh, ông vua báo chỉ đương thời, và Vilơmexăng, chủ nhiệm báo Figarô. Trên tờ Figarô ông giữ mục Thị trường chứng khoán là vấn đề mà ông nghiên cứu trong cuốn sách đầu tay của ông nhan đề Tiền bạc (1857). Nhưng ít lâu sau ông bỏ mục đó để cộng tác với những tờ báo không chịu phục tùng nền Đế chính như Tạp chí châu Âu, Tự do, Báo chí, Thời đại... và chẳng mấy lúc ông nổi tiếng là một nhà văn luận chiến hăng hái và độc lập, một nhà báo trào phúng và chiến đấu, độc đáo và tài năng. Năm 1865, với tác phẩm Những kẻ không phục tùng (Les Réfractai res) tập hợp một số bài báo, ông nhằm đả kích lối sống nghệ sĩ giang hồ mà nhà văn đương thời Hăngri Muyêcgiê đã ca tụng trong cuốn Cảnh đời sống giang hồ có ảnh hưởng xấu tới thanh niên. Năm 1867 ông sáng lập tờ báo Đường phố, trong đó ông đả kích thẳng tay mọi thiết chế chính trị, văn học, nghệ thuật đương thời, đả kích những kẻ mà ông gọi là “bọn giữ đồ thánh trong văn học, chính trị, và cả trong Cách mạng nữa!” Nhưng ra đến số 34 thì tờ báo bị tịch thu và phá sản. Trong thời kỳ Công xã ông thành lập tờ báo Tiếng kêu của dân chúng nó mau chóng trở thành cơ quan chủ yếu của Công xã, trong đó Juyn Valex khích lộ tinh thần kháng chiến đến mức “kiên cường tuyệt vọng”.

Nhưng tác phẩm văn học lớn và chủ yếu của Juyn Valex là bộ tiểu thuyết ba tập Jăc Vanhtrax (Jacques Vingtras) mà hai tập đầu ông đã viết và cho đăng báo ngay từ hồi ông còn lưu vong ở Anh (1878 - 1879). Sau khi trở về Pháp ông đã chữa lại hai tập đó và viết tiếp tập ba mà mãi sau khi ông mất, năm 1886, mới được in thành sách. Jăc Vanhtrax là một tiểu thuyết tự truyện thuật lại chính cuộc đời của tác giả và, với nội dung xã hội - chính trị, nó giúp cho chúng ta hiểu khá sâu xã hội Pháp từ sau cuộc cách mạng 1848, trải qua thời Đế chính thứ II cho đến phong trào Công xã Pari. Cùng với tiểu thuyết Jăc Vanhtrax cũng phải kể đến việc Juyn Valex cho xuất bản lại tờ báo Tiếng kêu của dân chúng từ năm 1883, và ông đã làm cho nó thành tờ báo cách mạng lớn đầu tiên của nước Pháp. Tiếng kêu của dân chúng đã tham gia vào tất cả mọi chiến dịch xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ, nó đã kịch liệt phản đối những cuộc chinh phục thuộc địa ở Tuynidi và ở Bắc kỳ (Bắc-bộ Việt Nam), nó đã nhiệt liệt ủng hộ những cuộc đình công của thợ mỏ tại Anzin và Đơcazơvilơ. Và điều đáng kể là Juyn Valex đã biết đặt Juyn Ghexđơ (Jules Guesde), vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân Pháp đương thời, vào địa vị cây bút số một trong tờ báo của ông. Chính sự hợp tác của Ghexđơ và những đồng chí của ông này đã khiến cho Tiếng kêu của dân chúng trở thành cơ quan ngôn luận lớn nhất của giai cấp công nhân đã xuất hiện ở Pháp từ trước cho đến thời bấy giờ.

Juyn Valex qua đời năm 1885, hai năm sau khi Tiếng kêu của dân chúng lại xuất hiện. Hàng chục vạn nhân dân lao động Pari đã đưa tới nghĩa địa Perơ Lasedơ “người ứng cử viên của bần cùng”[3]“người đại biểu của những kẻ bị xử bắn” ấy. Nhân dân Pari đã biểu lộ lòng tôn trọng chính đáng của mình đối với “con người tâm huyết” ấy, “người bạn chân thành của thợ thuyền, người chiến sĩ vẻ vang của Công xã, nhà văn cách mạng lớn của nước Pháp!”