Cờ Lau Dựng Nước

Thể loại: Lịch Sử ;Tiểu Thuyết
Tác giả : Ngô Văn Phú
  • Lượt đọc : 171
  • Kích thước : 0.38 MB
  • Số trang : 59
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 60
  • Số lượt xem : 760
  • Đọc trên điện thoại :
Đinh Bộ Lĩnh sinh vào ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (tức 22 tháng 3 năm 924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ngoại (Gia Thủy, Nho Quan) ở, vẫn nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự ở quê nội gần đó. Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Và trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú, những người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên sự nghiệp.

Theo sách An Nam chí lược: Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, Giao Châu. Cha là Công Trứ, làm nha-tướng của Dương Đình Nghệ. Cuối thời Ngũ Đại, Dương Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, lấy Công Trứ quyền Thứ sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha.

Theo sách Việt sử tiêu án: Vua Đinh, tên Bộ Lĩnh, người làng Đại Hoàng, động Hoa Lư. Thân phụ vua là Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, cai trị Hoan Châu, mẹ là họ Đàm, nằm mộng thấy có một người lớn tay cầm cái ấn vua đến xin làm con, bèn có mang mà sinh ra vua, được ít lâu thì thân phụ dắt vào ở trong động, chơi với trẻ chăn trâu, lũ trẻ tôn làm đàn anh. Mỗi khi chơi đùa, giao tay nhau cho vua ngồi lên, khiêng đi làm xe, lấy bông lao làm cờ, dàn ra hai bên, rước đi làm như nghị vệ nhà vua. Trong nhà nuôi được con lợn, thừa lúc mẹ đi vắng, vua mổ lợn khao bọn trẻ rồi di cư đến Đào Úc Sách. Bà mẹ sợ, mang chuyện ấy nói với chú Đinh Dự, Dự cầm dao đi tìm, đuổi đến bờ sông, vua chạy sa vào bùn lầy, thấy có con rồng vàng, đỡ hai bên vua sang qua sông. Ông chú sợ bỏ về, vua bèn theo bọn ngư hộ làm nghề đánh cá, bắt được ngọc huê lớn để vào đáy giỏ. Đến đêm vào chùa ngủ trọ, nhà sư thấy trong cái giỏ có tia sáng tròn, hỏi cớ sao, và nói rằng: "Anh này ngày sau cao quý không thể nói được". Sau đến nương nhờ Trần Minh Công, làm chỉ huy của quân Trần đánh đâu được đấy, gọi là Vạn Thắng Vương. Quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép::"Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi, thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho bọn chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan,[16] cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương."
***


Ngô Quyền mất. Tin vua băng hà vừa loan ra, thì kinh thành, các cửa đã đóng cả lại. Quân túc vệ, không cho các tướng vào chịu tang. Một lúc sau từ trong cung điện Loa Thành lệnh được truyền ra:

– Vua đã mất cần người có chủ. Con vua là Xương Văn và Xương Ngập còn chưa đủ lông cánh cần phải giúp dập. Dương tướng quân tạm xưng là Bình Vương. Khi nào Xương Ngập, Xương Văn cứng cáp sẽ lại trả ngôi vương như cũ.

Người trong thành nhao nhao:

– Dương Tam Kha, ỷ thế Dương quốc mẫu làm loạn rồi! Họ Dương cướp ngôi vua rồi!...

Mọi người còn chưa biết tính sao. Ngô Xương Ngập là con trưởng của Ngô Quyền, sợ cậu giết mình, liền đem thủy quân từ Loa Thành, ra sông Nguyệt Đức, xuôi bến Bình Than qua Lục Đầu rồi về đóng ở Nam Sách Giang.

Bấy giờ Lệnh Công là Phạm Phòng Át, đóng quân ở Trà Hương, quân gia của Ngô Xương Ngập quá mỏng, không được bao nhiêu. Còn đang lưỡng lự không biết đi đâu về đâu, thì có người hầu già, níu áo lại, quỳ xuống bảo rằng:

– Phạm Lệnh Công ở gần đây, là người được dân chúng mến đức, quân đông, thóc nhiều, ta có thể đến nương tựa được.

Ngô Xương Ngập đang bối rối, nói:

– Ta vừa thoát chết ở nơi hang hùm, lại thấy Phạm Lệnh Công ở Trà Hương, nếu mò đến, liệu có gặp người tốt không. Chẳng may, họ Phạm có lòng kia khác thì có khác gì tránh vuốt hùm lại mắc vào nọc rắn.

Người hầu già nói:

– Phía sau Dương Nam Kha sai hai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cất binh sầm sập tới, ta chỉ có vài trăm quân, đất hiểm không có, quân thủy chỉ có vài chục chiếc thuyền, chống đỡ làm sao nổi. Tôi nghe từ ngày Ngô chúa của chúng ta còn, Phạm Phòng át đã khuyên vua không nên quá tin vào họ Dương. Nhưng vua không nghe, do đó bị Dương quốc mẫu và Dương Tam Kha rèm báng mà phải bỏ triều đình sang đất Nam Sách để trấn giữ phía đông. Vua thuận nghe theo. Xem thế thì họ Phạm ghét họ Dương, không ưa gì?

Ngô Xương Ngập vốn hay nghi ngờ, nói:

– Nhưng cha ta đã nghe Dương Tam Kha, đưa Phạm Lệnh Công khỏi tước vị cao, phải ra đất ngoài trấn giữ, thì lòng dạ của ông đối với họ Ngô, đâu còn như trước nữa?

Người hầu già nói:

– Phạm Lệnh Công không phải con người như thế đâu!

Đang nói chuyện thì thấy ở dưới sông một đoàn thuyền vun vút lao lên, đôi bờ phía trên những toán kỵ binh đang phóng tới. Bụi cát trên bờ sông khói bay mù mịt.

Ngô Xương Ngập chưa nhận ra đó là quân của ai, liền dàn thuyền, sai quân thân tín, giương cung, lắp tên liều chết giao chiến. Nhưng từ phía dưới, một thuyền lớn của chủ tướng có cột cờ lớn, phấp phới bay một chữ Phạm, một viên tướng, chít khăn xanh, bận áo màu son, thắt lưng xanh, kiếm đeo ở bên hông, đi hài đen, uy nghi lẫm liệt, phóng thuyền lên, quát to:

– Không được bắn. Chỉ huy sứ Phạm Phòng Át đến đón thái tử đây.

Ngô Xương Ngập thấy lời người hầu già quả là đúng, mừng lắm. Đám quân lính của Xương Ngập thôi không ở thế quyết chiến nữa. Phạm Lệnh Công nhìn thấy Ngô Xương Ngập, vái lạy mà kêu to lên rằng:

– Viên tướng bất tài để thái từ phải long đong, triều đình rối loạn, thật đắc tội. Xin thái tử hạ cố đến đất của hạ thần rồi mọi việc sẽ tính sau.

Thái tử Ngô Xương Ngập, ân cần nhảy sang thuyền của Phạm Lệnh Công, xúc động nói:

– Họ Ngô không nghe lời của tướng quân để đến nỗi này, mà Xương Ngập lại được Lệnh Công tự đến đón, thế mới biết người hiền, nghĩa sĩ, làm những việc mà kẻ tầm thường không làm nổi.

Rồi liền theo Phạm Phòng Át về Trà Hương. Mấy hôm sau quả nhiên Dương Tam Kha sai các chỉ huy sứ Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đến bắt Ngô Xương Ngập.

Dương Cát Lợi cùng Đỗ Cảnh Thạc cho quân vây kín Trà Hương, bắc loa gọi Phạm Phòng Át đem Ngô Xương Ngập ra nộp. Phạm Phòng Át một mặt đem Xương Ngập giấu ở một nhà gia nô, còn mình cưỡi ngựa, mặc giáp, đem quân ra trước trận, Lợi và Thạc vốn cùng là nha tướng của Ngô Quyền xưa, từng quen biết Phạm Phòng Át và biết rất nhiều chuyện về Phòng Át bị Dương Tam Kha và Dương quốc mẫu lấn át dần, rồi đẩy ra đây.

Phạm Phòng Át vái chào Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh rồi nói:

– Chào hai vị tướng quân. Bình Vương sai hai ông đến đây tìm Xương Ngập, vì biết Ngập chạy theo lối này! Nhưng ngả này chỉ là một lối, nhỡ Xương Ngập chạy theo lối khác thì sao. Tôi mời hai vị cứ cho quân vào lục soát, nhưng nếu không có Ngô Xương Ngập ở Trà Hương, các vị sẽ là người thế nào, trước mặt quân sĩ của tôi đây? Các vị sẽ ăn nói thế nào với Át này?

Đỗ Cảnh Thạc vốn rất kính nể Phạm Phòng Át đưa mắt nhìn Dương Cát Lợi. Phạm Phòng Át nói luôn:

– Chúng ta phò Ngô Vương đánh Hoằng Tháo, tình xưa nghĩa cũ đâu đã phai nhòa. Cho dù tôi có chứa Xương Ngập thì hai tướng quân liệu có nỡ bắt tội át này không, khi át này sau trước hết lòng với Ngô Chúa. Nếu hai vị cứ cố lập công với Bình Vương Dương Tam Kha thì xin cứ dẫn quân vào.

Dương Cát Lợi cũng không phải là hạng người bỏ đi nên nghe Phạm Phòng Át cũng thấy đôi chút hổ thẹn, liền vẫy tay ra lệnh cho quân sĩ:

– Lui quân!

Về đến Loa Thành, Dương Tam Kha không thấy đem Xương Ngập về liền bảo:

– Phòng Át không chịu nộp Xương Ngập cho ta ư?

Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đều quỳ nói:

– Chúng tôi đã vây kín Trà Hương, nhưng Phòng Át thân ra nói không giữ Ngô Xương Ngập.

Dương Tam Kha tức điên lên, vùng đứng dậy, đi đi lại lại trong trướng, giọng bực bội:

– Đồ ngu, kẻ làm tướng phải biết rằng, khi đối phương nói không là có. Hai người làm hỏng việc của ta mất rồi. Tức tốc phải đem quân vây bắt lại ngay không thì Ngô Xương Ngập đi xa mất.

Phạm Phòng Át vừa gặp lại Xương Ngập, định là đưa Ngập đến một nơi xa đất Trà Hương cho an toàn, thì lại thấy quân sĩ cho biết Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc lại dẫn quân đến.

Lần này Phạm Phòng Át bảo Xương Ngập, mặc giả là gia nô, rồi theo người đánh trâu ra đồng cày. Cùng lúc ấy Phạm Phòng Át lên ngựa ra đón Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc. Vào đến nơi, Phạm Phòng Át đã cười vang mà nói:

– Chắc là Bình Vương lại cho là tôi lừa hai vị tướng quân nên mới gấp gáp cho quân vây lại đây, chứ gì? Thôi thôi, trăm nghe không bằng một thấy, hai vị cứ vào trướng phủ của tôi thì sẽ rõ.

Phòng Át ân cần đón Dương Cát Lợi vào đất Trà Hương, dẫn đi khắp trướng phủ, các ngõ ngách. Nhà nào Cát Lợi hoặc Cảnh Thạc nghi ngờ muốn lục tìm, Phạm Phòng Át đều mở toang cửa cho hai tướng xem xét đến từng xó vườn, từng xó bếp, từng gian buồng tối. Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đành lại phải dẫn quân về.