Con Chó Khoang Chạy Ven Bờ Biển

  • Lượt đọc : 259
  • Kích thước : 0.44 MB
  • Số trang : 50
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 76
  • Số lượt xem : 1.115
  • Đọc trên điện thoại :
Chyngyz Torekulovich Aytmatov (12/12/1928 - 10/6/2008) là một nhà văn người Kyrgyzstan. Ông đã viết các tác phẩm của mình bằng tiếng Nga và cả tiếng Kyrgyzstan, nổi tiếng với những sáng tác văn học về quê hương ông.
***
Tác phẩm
Truyện núi đồi và thảo nguyên (1963)
Jamilya (1958)
Cây phong non trùm khăn đỏ (1961)
Người thầy đầu tiên (1962)
Mắt lạc đà
Vĩnh biệt Gyulsary (1966)
Con tàu trắng (1970)
Lên núi Phú Sĩ (đồng tác giả với Kaltay Mukhamedzhanov)
Sếu đầu mùa (1975)
Con chó khoang chạy trên bờ biển (1977)
Và một ngày dài hơn thế kỷ (1980, sau đổi tên là Буранный полустанок)
Đoạn đầu đài (1986)
Тавро Кассандры, (1996)
Встреча с одним бахаи (trò chuyện với Feyzolla Namdar, 1998)
Когда падают горы (2006)
Материнское поле (2012)
***
Đêm ven biển tối như bưng bão hoà hơi ẩm và khí lạnh bay lang thang, trên suốt vùng duyên hải Ôkhôt, trên toàn mặt trận của biển và đất liền diễn ra cuộc đấu tranh muôn thuở, không gì kiềm chế được giữa hai lực lượng thiên nhiên: đất liền ngăn trở chuyển động của biển, biển tấn công đất liền.

Biển ì ầm lồng lộn trong bóng tối, xông tới lao mình vào các mỏm đá, làm tung lên muôn vàn tia nước. Đất rắn như đá rên rỉ, gầm gào đánh bật những đòn dữ dội của biển.

Biển và đất cứ quần nhau như thế kể từ thủa khai tịch, từ khi đêm bắt đầu là đêm, ngày bắt đầu là ngày và sẽ còn như thế mãi, ngày ngày và đêm đêm, chừng nào vẫn còn đất và nước trong dòng thời gian vô tận.

Ngày ngày và đêm đêm…

Lại một đêm nữa trôi qua. Đêm trước hôm ra khơi. Đêm ấy nó không ngủ. Lần đầu tiên trong đời, nó không ngủ, lần đầu tiên trong đời nó biết thế nào là mất ngủ. Nó háo hức mong ngày chóng đến để được băng ra biển. Nằm trên tấm da hải báo, nó cảm thấy đất rung chuyển nhè nhẹ, hầu như khó nhận biết do những đòn va đập của biển và nghe thấy sóng ầm ầm vật vã trong vịnh. Nó không ngủ, lắng nghe đêm tối…

Ấy thế mà xưa kia, có một thời thế gian hoàn toàn khác. Bây giờ thật không thể tưởng tượng nổi một cảnh tượng như thế, bây giờ không ai hay biết điều đó, không ai ngờ đâu rằng nếu như thủa xa xưa đó, không có con vịt Luvrơ thì thế giới đã có thể được an bài khác hẳn: đất liền không chống lại nước, và nước không chống lại đất liền. Bởi vì thoạt kỳ thuỷ, thủa ban sơ, trong thiên nhiên không có đất, thậm chí không có lấy một hạt bụi. Bốn bề nước ngập mênh mông, chỉ toàn là nước. Nước từ nước sinh ra, trong cái vòng chu chuyển của mình, trong những vực thẳm đen ngòm, trong những xoáy nước vô lượng. Và sóng cuốn theo sóng, sóng tràn lan về mọi phía trong cái thế giới vô bờ bến lúc bấy giờ: chẳng từ đâu ra và chẳng đi về đâu.

Còn con vịt Luvrơ, phải, đúng là thứ vịt trời bình thường, mỏ to bè mà ngày nay ta vẫn còn thấy bay từng đàn trên đầu chúng ta, hồi ấy nó bay lượn trên thế gian, trơ trọi có một mình và không biết đẻ trứng vào đâu. Khắp cõi trần chẳng có cái gì khác ngoài nước, không có lấy một cây sậy để có thể làm tổ.

Vịt Luvrơ vừa kêu càng cạc vừa bay lượn, nó sợ nó sẽ không cố được, sẽ đẻ rơi trứng xuống cái vực biển không đáy. Bất kể nhằm hướng nào, bay tới đâu, vịt Luvrơ cũng chỉ thấy sóng vỗ dạt dào dưới cánh, bốn bề là nước cả mênh mông, không bờ không bến, không đầu không cuối. Vịt Luvrơ kiệt lực, thấy rõ rằng khắp thế gian này không có chỗ nào cho nó làm tổ.

Thế là vịt Luvrơ đáp xuống nước, vặt lông ngực làm tổ. Chính từ cái tổ trôi nổi ấy mà đất đã bắt đầu hình thành. Dần dần đất lan rộng ra, dần dần mặt đất trở thành nơi cư ngụ của các sinh vật khác nhau. Trong số đó con người vượt hơn tất cả: con người biết dùng bàn trượt đi trên tuyết, biết dùng thuyền đi trên mặt nước. Người bắt đầu săn bắt thú, đánh bắt cá, nhờ đó tự nuôi sống mình và làm cho dòng giống mình sinh sôi nảy nở.

Ôi, giá như vịt Luvrơ biết được thế gian sẽ khổ sở như thế nào khi đất rắn xuất hiện giữa vương quốc bao la của nước. Thật thế, từ khi đất xuất hiện, biển không thể yên lòng, biển tấn công đất liền, đất liền chống lại biển. Bị kẹt giữa hai lực lượng đó – giữa đất liền và biển, giữa biển và đất liền, con người lắm khi rất cực. Biển không ưa con người vì con người gắn bó với đất liền nhiều hơn…