Con Nhân Mã Ở Trong Vườn

Thể loại: Văn Học ;Tiểu Thuyết
Tác giả : Moacyr Scliar
  • Lượt đọc : 147
  • Kích thước : 1.08 MB
  • Số trang : 176
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 47
  • Số lượt xem : 686
  • Đọc trên điện thoại :
"Con Nhân mã trong vườn" trước hết là một câu chuyện rất hấp dẫn, lối kể chuyện giản dị, tình tiết lạ lùng, bất ngờ, và đọc xong rất sảng khoái. Ai đọc tiểu thuyết cũng cần được giải trí như vậy đã. Thứ đến, sau khi đã gập sách lại, đặt nó lên giá, bạn mới bắt đầu thấy vấn vương, mỗi lúc mỗi sâu xa, với những ý tưởng và cảm xúc mà câu chuyện ấy đã mang đến cho mình. Và đó mới thật là phẩm chất giải trí sâu xa của "Con Nhân mã ở trong vườn". Chủ đề của cuốn sách chính là câu chuyện muôn thủa về mối mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, giữa bản ngã cá thể và luật chơi bầy đoàn. Cuốn sách này đã được 48 dịch giả ở 48 nước khác nhau dịch ra tiếng của mình cho đồng bào của họ thưởng thức. Và Trịnh Lữ là người thứ 49, Việt Nam là nước thứ 49.

Trong cuốn "Cuộc đời của Pi" (một cuốn sách thu hút đông đảo bạn đọc Việt Nam), tác giả Yann Martel viết: "Còn về cái tia lửa thổi được sự sống vào cuốn tiểu thuyết, tôi xin mắc nợ ông Moacyr Scliar". Dịch giả Trịnh Lữ liền tìm đọc một số tiểu thuyết của ông Scliar, và lập tức mong muốn bạn đọc Việt Nam cũng được thưởng thức tác giả này.
***
Trong khi dịch cuốn Cuộc đời của Pi, tôi thấy tác giả Yann Martel viết: “Còn về cái tia lửa thổi được sự sống vào cuốn tiểu thuyết, tôi xin mắc nợ ông Moacyr Scliar”. Tôi liền tìm đọc một số tiểu thuyết của ông Scliar và lập tức mong muốn bạn đọc Việt Nam cũng được thưởng thức tác giả này. Về thân thế sự nghiệp của Moacyr Scliar, cũng như chuyện thiên hạ đồn Yann Martel có lấy một cốt truyện của ông Scliar để viết cuộc đời của Pi, xin bạn đọc xem bài giới thiệu của Ilan Stavans về Con Nhân mã ở trong vườn, ấn bản năm 2003. Ông Stavans viết bài đó cho giới bạn đọc ở Mỹ, nên tôi nghĩ nên để ở cuối sách để bạn đọc Việt Nam tiện tham khảo. Còn với tư cách người dịch và giới thiệu cuốn tiểu thuyết này ở Việt Nam tôi trộm nghĩ mình nên có đôi lời về chuyện tại sao Con Nhân mã ở trong vườn lại đáng được có mặt trên giá sách của bạn, người đang đọc những dòng này.


Trước hết là vì tôi thấy câu chuyện rất hấp dẫn, lối kể chuyện giản dị, tình tiết lạ lùng, bất ngờ, và đọc xong rất sảng khoái. Tôi nghĩ, ai đọc tiểu thuyết cũng cần được giải trí như vậy đã. Thứ hai, sau khi đã gập sách lại, đặt nó lên giá, tôi bắt đầu thấy vấn vương, mỗi lúc mỗi sâu xa, với những ý tưởng và cảm xúc mà câu chuyện ấy đã mang đến cho mình. Tôi thấy mình cũng giống như Guedali, nhân vật chính trong truyện, suốt đời thèm được mọi người chấp nhận, cố hết sức để có được điều đó, để khi có rồi lại chợt điên cuồng nhớ tiếc con người thật của mình. Đối với tôi, chủ đề của Con Nhân mã ở trong vườn chính là chuyện ấy, câu chuyện muôn thưở về mối mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, giữa bản ngã cá thể và luật chơi bầy đoàn. Hồi nhỏ tôi nghĩ Người là cá thể. Lớn lên lại thấy Người là bầy đoàn; phải bầy đoàn mới sống được. Đến khi qua bờ dốc bên này của cuộc đời thì lại nghĩ chưa chắc đã phải thế. Bầy đoàn nghĩa là sói sống với sói, sơn dương sống với sơn dương, con nào khác lọt vào bầy là bị loại trừ ngay. Nhưng đấy là thú vật. Mà bây giờ tôi thấy hình như người với thú vật có khác nhau thì phải. Hình như vì được Thượng đế yêu, ghét, và nặn theo hình của mình, lại thổi hơi cho có sống nên Người có trong mình đủ thứ của Thượng đế (ADN mà, thoát làm sao được); nó vừa là Thần thánh vừa là Thú vật, vừa là Thiện vừa là Ác, vừa là Một vừa là Tất cả (một Người là thành được một cõi rồi). Thế thì nhẽ ra nó phải có quyền vừa là chính nó, một cá thể khác biệt với tất cả các cá thể khác, vừa là một thành viên của cộng đồng mình. Khi nào mà cá nhân còn phải trấn áp, loại trừ những riêng tư độc đáo của chính mình để có thể sống được với xã hội, thì xã hội ấy chưa thực là của Người. Nói theo kiểu học giả, xã hội ấy vẫn nằm trong phạm trù thú vật. Giờ đây (và liệu có khi nào chấm dứt) khi con người lại còn đang khủng bố chém giết nhau để khẳng định cái gọi là bản sắc riêng của mình (một biến tướng rất ung thư của mâu thuẫn cá nhân – cộng đồng) thông điệp đó trong Con Nhân mã ở trong vườn lại càng có ý nghĩa cấp bách hơn với chúng ta; và “cái tia lửa của sự sống” trong sáng tạo văn chương của Moacyr Scliar càng thêm Promethean hơn, gần gũi quí giá với chúng ta hơn.