Cuồng Vọng

Tác giả : Clive Cussler
  • Lượt đọc : 363
  • Kích thước : 2.41 MB
  • Số trang : 490
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 119
  • Số lượt xem : 1.428
  • Đọc trên điện thoại :
Vật lạ đến từ một nơi nào đó trong không gian. Đó là một khối tinh vân rắn - một đám mây khổng lồ do nhiều khối băng, đá, bụi bặm và các loại khí kết tụ lại - có mặt cùng lúc với sự hình thành của vũ trụ, khi những hành tinh trong hệ thống mặt trời xuất hiện từ bốn tỉ sáu trăm triệu năm trước. Ngay sau khi những hạt li ti rời rạc của nó đông lại thành một khối cứng rắn có đường kính rộng một dặm, nó bắt đầu lặng lẽ di chuyển cực nhanh qua không gian trống trải, mênh mông, trên một quĩ đạo quanh mặt trời và những ngôi sao gần nhất, một hành tinh kéo dài nhiều ngàn năm từ lúc khởi đầu đến khi chấm dứt...
***
Clive Cussler sinh năm 1931 tại bang Illinois (Mỹ) nhưng tuổi thơ và quá trình trưởng thành lại gắn liền với vùng đất California. Ông từng là thợ máy phục vụ trong Không quân Mỹ suốt thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên. Năm 1973, tác phẩm đầu tay của ông được phát hành. Sau đó, tên tuổi của Cussler nhanh chóng được khẳng định khi cho ra mắt cuốn "Raise the Titanic!" vào năm 1976, số lượng phát hành cuốn sách này cùng cuốn "Sahara" lên tới hàng chục triệu bản và được coi là tác giả của những tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ. Theo New York Times, Cussler sở hữu khối tài sản lên tới 80 triệu USD.

Có thể thấy, trong sự nghiệp sáng tác của mình, Cussler đã phát hành hơn 80 cuốn sách trong đó phần lớn mang đề tài bí hiểm và những tác phẩm của ông được phát hành ở hơn 100 nước trên thế giới, đồng thời được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng.

Bên cạnh công việc tiểu thuyết gia, Clive Cussler còn sở hữu và điều hành Cơ quan Hàng hải và dưới nước quốc gia Mỹ - một tổ chức phi lợi nhuận, phát hiện hơn 60 xác tàu, thuyền dưới lòng đại dương. Đặc biệt, Cussler chính là người đã là tìm ra con tàu Carpathia – con tàu tham gia giải cứu những người sống sót trong vụ đắm tàu Tinanic lịch sử.

Các tác phẩm được dịch và xuất bản tại Việt Nam:
Thác Lũ
Cuồng Vọng
Bí Ẩn Titanic
Sóng Dữ
Hoang Mạc
Băng Cháy
...
***
SỰ VA CHẠM KHỦNG KHIẾP


Năm 7.120 trước Công nguyên sự va chạm đã tạo ra Vịnh Hudson tại Canada ngày nay.



Vật lạ đến từ một nơi nào đó trong không gian. Đó là một khối tinh vân rắn - một đám mây khổng lồ do nhiều khối băng, đá, bụi bặm và các loại khí kết tụ lại - có mặt cùng lúc với sự hình thành của vũ trụ, khi những hành tinh trong hệ thống mặt trời xuất hiện từ bốn tỉ sáu trăm triệu năm trước. Ngay sau khi những hạt li ti rời rạc của nó đông lại thành một khối cứng rắn có đường kính rộng một dặm, nó bắt đầu lặng lẽ di chuyển cực nhanh qua không gian trống trải, mênh mông, trên một quĩ đạo quanh mặt trời và những ngôi sao gần nhất, một hành tinh kéo dàỉ nhiều ngàn năm từ lúc khởi đầu đến khi chấm dứt.

Phần lõi của sao chổi, còn gọi là hạt nhân, là một khối kết hợp gồm hơi nước đông đặc, carbon monoxỉde, khí mê tan và những tảng đá kim loại vỡ nát. Có thể mô tả chính xác nó là một quả bóng tuyết bẩn thỉu bị ném mạnh qua không gian của hệ thống mặt trời, hoặc sự bức xạ của mặt trời phản ứng lại với nhân của nó và xảy ra sự biến đổi hình dạng. Một con vịt con xấu xí nhanh chóng trở thành một vật xinh đẹp.

Khi nó bắt đầu hấp thụ nhiệt lượng và tia tử ngoại của mặt trời, một vệt dài hình thành và chậm chạp phát triển thành một cái đuôi lóng lánh khổng lồ, cong và trải rộng ra phía sau cái lõi với một chiều dài đến chín mươi triệu dặm. Một cái đuôi ngắn hơn, màu trắng, do bụi tạo thành rộng hơn một triệu dặm cũng hình thành và nằm cong theo cái đuôi lớn giống như những cái vây trên mình một con cá.

Mỗi lần sao chổi đi qua mặt trời, nó mất đi một phần khối băng của nó và lõi cũng giảm bớt. Sau cùng, trong một thời gian hai trăm triệu năm, nó mất hết khối băng và vỡ vụn thành một khối mây bụi gồm vô số thiên thạch nhỏ. Tuy nhiên, sao chổi này không bao giờ lệch khỏi quĩ đạo của nó trong hệ thống mặt trời hoặc đi qua quanh mặt trời một lần nữa. Nó không được phép chết một cách chậm chạp và lạnh lẽo tại một nơi xa thẳm nào đó trong không gian tối tăm. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, sự sống của nó vụt tắt. Nhưng trên quĩ đạo cuối cùng của nó, sao chổi vẫn đi qua chín trăm ngàn dặm của sao Mộc, và trọng lực rất lớn của sao này làm nó đổi chiều sang một hành trình khác và chạm mạnh vào một hành tinh thứ ba trong hệ thống mặt trời, một hành tinh mà cư dân của nó gọi là Trái Đất.

Lao vào bầu khí quyển của Trái Đất với vận tốc một trăm ba mươi ngàn dặm mỗi giờ theo một góc bốn mươi lăm độ, vận tốc của nó càng tăng thêm vì sức hút của trọng lực, sao chổi gây ra sự va chạm khủng khiếp và phát sáng với kích thước rộng mười dặm, và sức nặng bốn tỉ tấn của nó vỡ vụn vào lúc đó. Bảy giây sau, khối sao chổi méo mó trở thành một quả cầu lửa sáng rực, đập vỡ bề mặt Trái Đất với một sức công phá không thể tưởng tượng. Hậu quả tức thì từ vụ nổ làm thoát ra những năng lượng phá hủy khoét sâu vào vỏ Trái Đất tạo thành một lòng chảo rộng bằng hai lần diện tích đảo Hawaii khi nó bốc hơi và chiếm chỗ một khối khổng lồ gồm nước và đất đá.

Toàn bộ Trái Đất rung chuyển do sự va chạm, tạo ra một vụ động đất lên tới mười hai độ rít-te. Hàng triệu tấn nước các loại trầm tích và các thứ đổ nát bị tống vào bầu khí quyển phía trên chỗ va chạm và xâm nhập vào tầng bình lưu, cùng với khối bụi nước khổng lồ bị phá hủy, khối đá bị cháy đỏ thoát ra và lao vào những quĩ đạo chung quanh trước khi rơi xuống lại trên mặt đất như những thiên thạch cháy sáng. Những trận bão lửa thiêu rụi những khu rừng trên khắp mặt đất. Những núi lửa đã ngủ yên hàng ngàn năm đột nhiên hoạt động trở lại, tống vào các đại dương những dung nham lỏng lan rộng trên một triệu dặm vuông, phủ lên mặt đất một lớp dày đến trên một ngàn bộ. Vô số khói và bụi bị tống vào tầng khí quyển, sau đó bị những trận gió khủng khiếp từ mặt trời thổi đến từng ngõ ngách trên Trái Đất và biến nó thành một nơi tối tăm kéo dài gần một năm. Khí hậu của Trái Đất đột ngột thay đổi khủng khiếp. Nhiệt độ trên những vùng băng tuyết mênh mông và những băng hà hoặc băng trôi ở phía bắc tăng lên cho tới khi chúng đạt đến chín mươi và một trăm độ Fahrenheit, gây ra sự bốc hơi nhanh chóng. Các chủng động vật từng quen với khí hậu nhiệt đới và những vùng ôn đới trở nên bị tuyệt chủng chỉ trong một đêm. Nhiều chủng loại như loài voi ma-mút có lông chết nhanh chóng đến nỗi cỏ và hoa trong dạ dày chúng vẫn chưa tiêu hóa kịp. Cây cối cùng với lá và trái của chúng nhanh chóng chín muồi. Chỉ vài ngày, cá trong các sông ngòi hồ ao đều nằm phơi bụng.

Những đợt sóng cao từ năm đến mười dặm tràn lên các lục địa, tàn phá tất cả những gì cản đường chúng. Nước tràn qua những bình nguyên thấp dọc bờ biển, cuốn đi hàng trăm dặm vào trong đất liền. Vô số những trầm tích và các thứ cặn bã từ đáy những đại dương trải rộng trên những vùng đất thấp. Chỉ đến khi đợt trào dâng kinh khủng này đập vào chân những ngọn núi, dội lại và bắt đầu chậm chạp rút lui sau khi đã làm thay đổi dòng chảy những con sông, lấp đầy những chỗ trũng trên mặt đất - nơi trước kia không có sự sống - biến đổi những hồ ao rộng lớn thành những sa mạc.

Chuỗi phản ứng này có vẻ kéo dài bất tận.

Với những tiếng động ì ầm phát triển thành tiếng gầm rú liên tục như tiếng sấm, những ngọn núi bắt đầu lắc lư như những cây cọ dưới một làn gió nhẹ. Những sa mạc và những đồng cỏ nhấp nhô khi những đợt tấn công dữ dội từ các đại dương lại tràn lên đất liền. Sự chấn động từ vụ va chạm của sao chổi đã tạo ra sự thay đổi vị trí hoàn toàn và nhanh chóng trên lớp vỏ mỏng của Trái Đất. Lớp ngoài cùng, dày chưa tới bốn mươi dặm, và mặt đất bao bọc cái lõi nóng chảy của Trái Đất trở nên vặn vẹo như lớp vỏ của một trái táo bị bóc ra rồi ráp lại để nó có thể chuyển động quanh cái lõi của trái táo bên trong. Như được kiểm soát bởi một bàn tay vô hình, toàn bộ lớp vỏ Trái Đất chuyển động như một bộ phận duy nhất.

Toàn bộ các lục địa trôi nổi đến những vị trí mới. Những ngọn đồi nhô cao thành núi hoa. Những hòn đảo khắp Thái Bình Dương biến mất, trong lúc những đảo khác trồi lên lần đầu tiên. Nam Cực, về phía tây Chi Lê, trượt dài hơn hai ngàn dặm về phía nam, tại đây nó nhanh chóng bị chôn vùi dưới những lớp băng mới thành hình. Khối băng khổng lồ từng trôi nổi trên Ấn Độ Dương và phía tây Úc châu giờ đây lạc lõng tại vùng ôn đới và nhanh chóng bắt đầu bốc hơi. Tình trạng đó cũng xảy ra tại nơi trước kia là Bắc Cực, lan rộng tới vùng bắc Canada. Địa cực mới nhanh chóng sản xuất ra một khối băng dày giữa một nơi trước kia là một đại dương rộng lớn.

Sự tàn phá thật khắc nghiệt. Sự chấn động và đổ nát tiếp tục xảy ra như thể chúng sẽ không bao giờ chấm dứt. Đó là lúc lớp vỏ mỏng của Trái Đất chồng chất hết biến động này tới biến động khác. Sự bốc hơi đột ngột của những khối băng trước kia kết hợp với các băng hà và băng trôi bao phủ khắp các đại dương đột ngột trôi vào hoặc gần những vùng nhiệt đới, làm cho các đại dương dâng cao tới bốn trăm bộ, nhấn chìm những vùng đất đã bị tàn phá với những đợt sóng thủy triều khổng lồ phát sinh từ vụ va chạm của sao chổi. Chỉ trong một ngày, nước Anh, từng nối liền với phần còn lại của lục địa châu Âu bởi một bình nguyên khô ráo, lúc này biến thành một hòn đảo, trong lúc một sa mạc bị nhận chìm trở thành vịnh Ba Tư. Sông Nil từng chảy vào một thung lũng phì nhiêu mênh mông rồi đổ ra một đại dương ở phía tây lúc này lại kết thúc dòng chảy của nó tại một nơi đột ngột biến thành Địa Trung Hải.

Kỷ nguyên băng hà rộng lớn cuối cùng chấm dứt về mặt địa chất chỉ trong nháy mắt.

Sự thay đổi ngoạn mục trong các đại dương và sự lưu thông của chúng quanh Trái Đất làm cho các địa cực di chuyển, quấy nhiễu dữ dội sự quân bình cố hữu của Trái Đất. Trục Trái Đất tạm thời bị lệch hai độ, khi Bắc Cực và Nam Cực bị đổi chỗ đến những vùng địa lý mới, làm biến đổi lực hướng tâm quanh mặt ngoài của địa cầu. Vì chúng là lưu chất, các đại dương thay hình đổi dạng trước khi các địa cực ngừng rung lắc và trở nên ổn định quanh cái trục mới của chúng. Trong thời gian đó, mực nước biển cũng trở nên ổn định, cho phép nhiều bờ biển mới được hình thành trong khi những điều kiện khí hậu kỳ quặc tiếp tục được điều chỉnh dần. Những thay đổi trở nên thường xuyên. Thời gian nối tiếp giữa ngày và đêm thay đổi khi số ngày trong một năm giảm còn một nửa. Từ trường của Trái Đất cùng bị ảnh hưởng và di chuyển về hướng tây bắc hơn một trăm dặm.

Hàng trăm, có lẽ hàng ngàn những loài động vật và cá khác nhau nhanh chóng bị tuyệt chủng. Tại châu Mỹ, loài lạc đà một bướu, loài voi ma-mút, loài ngựa của kỷ nguyên băng hà và loài cu-li khổng lồ, tất cả đều biến mất. Loài cọp răng kiếm, loài chim khổng lồ với sải cánh dài đến hai mươi lăm bộ và nhiều loài thú khác có trọng lượng nặng cả trăm cân Anh hoặc hơn, phần lớn chết ngạt vì khói và các loại khí độc từ núi lửa thoát ra.

Các chủng loại thực vật trên mặt đất cũng không thoát khỏi thảm họa. Đời sống của thảo mộc nếu không biến thành tro thì cũng chết vì thiếu ánh sáng mặt trời, kể cả các loài rong tảo trong nước. Cuôi cùng, trên tám mươi lăm phần trăm sự sống trên Trái Đất đều chết vì lụt lội, lửa, bão táp, tuyết lở, chất độc từ bầu khí quyển và thậm chí vì nạn đói.

Các xã hội loài người, đa số đã hoàn toàn tiến triển và vô số nền văn hoá đang trên ngưỡng cửa của một thời đại tiến hóa vàng son bỗng chốc đã bị tiêu hủy chỉ trong một ngày đêm. Hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ con trên Trái Đất đã chết một cách khủng khiếp. Mọi dấu vết về những nền văn minh đều tuyệt tích, và một số ít những kẻ sống sót sau thảm họa chẳng còn gì ngoài mớ ký ức u ám về quá khứ. Cỗ quan tài đã nằm trên sự tiến hóa to lớn nhất và không hề gián đoạn của nhân loại, kết thúc một chuyến hành trình dài mười ngàn năm từ những người Cro-Magnon hoang dã cho đến các bậc vua chúa, các kiến trúc sư, những thợ điêu khắc đá, những nghệ sĩ và chiến sĩ. Những công trình của họ và những tồn tại chết chóc của họ đều bị chôn sâu dưới các đại dương và những biển mới, chỉ còn lưu lại một ít mẫu vật và những mảnh vụn của một nền văn hóa tiến bộ cổ đại. Nhiều quốc gia và thành phố chỉ đứng được vài giờ trước khi biến mất không để lại một dấu vết. Biến cố khủng khiếp này hầu như không lưu lại một bằng chứng nào về những nền văn minh ưu việt trước đó.

Trong số rất ít những người sống sót, hầu hết đều sống tại những vùng núi cao, họ có thể trú ẩn trong những hang động để trốn tránh những cơn giận của sự hỗn loạn. Không giống những người trong thời kỳ Đồ Đồng tiến hóa hơn, có khuynh hướng tập trung lại và xây dựng trên những bình nguyên thấp gần những con sông và bờ biển, những cư dân sống tại những vùng núi cao đều là dân du mục trong thời kỳ Đồ Đá. Những người tài giỏi nhất của họ về những ngành khác nhau trong kỷ nguyên của họ - những Leonardo da Vinci, những Picasso và những Einstein - đều bốc hơi không lưu lại vết tích. Chỉ còn lại trên mặt đất những kẻ săn bắn du mục, một hiện tượng tương tự như những gì đã xảy ra dành cho sự vinh quang của Hy Lạp và La Mã sau khi sự vinh quang đó bị ném sang một bên, trải qua những thế kỷ chỉ có sự ngu dốt và mê muội. Một thời kỳ Đồ Đá mới đen tối đã che giấu những nền văn minh có văn hóa cao từng có mặt trên Trái Đất, kỷ nguyên đen tối này kéo dài đến hai ngàn năm. Rất chậm chạp, sau cùng nhân loại cũng bước ra khỏi tình trạng đen tối đó để bắt đầu xây dựng và kiến tạo lại những thành phố và những nền văn minh tại Mesopotamia và Ai Cập.

Đáng tiếc, rất ít những nhà xây dựng có thực tài và những người có đâu óc sáng tạo còn sống sót từ những nền văn hóa bị thất lạc đạt tới trình độ cao. Nhận thấy nền văn minh của mình đã mất và không bao giờ phục hồi được, họ bắt đầu tìm tòi trong nhiều thế kỷ, để xây dựng những lăng mộ và những ngôi mộ đá huyền bí với những khối đá đồ sộ dựng đứng được tìm thấy trong nhiều vùng tại châu Âu, châu Á, tại quần đảo Pacific đến tận phía nam châu Mỹ. Về sau, ký ức về những ưu thế rực rỡ do tiền nhân để lại trở nên lu mờ dần và trở thành huyền thoại, những kỷ niệm về sự tàn phá và chết chóc vẫn là những cảnh báo về sự hủy diệt các thế hệ trong tương lai. Nhưng trong một thiên niên kỷ, con cháu họ dần dà quên hết những hoạt động xưa kia của tổ tiên để dung nạp kiểu sống của những bộ lạc du mục và chẳng còn biết gì về quá khứ văn minh của họ.

Nhiều thế kỷ sau vụ va chạm khủng khiếp đó, nhân loại vẫn còn sợ hãi, không dám mạo hiểm lìa bỏ vùng núi non để xuống sinh sống tại những vùng đất thấp và dọc bờ biển. Những xứ sở có kỹ thuật vượt trội về chuyện đi lại trên biển chỉ còn những ý niệm mơ hồ về quá khứ gần của họ. Kỹ thuật đóng tàu và vượt biển đã thất lạc, và phải đợi đến nhiều thế hệ sau đó mới xuất hiện trở lại.

Sự chết chóc và tàn phá này phát sinh do một khối băng bẩn thỉu không lớn hơn một thảo nguyên trung bình. Sao chổi đã tàn phá mọi thứ không chút xót thương. Trái Đất chưa từng bị tàn phá dữ dội như thế từ khi một thiên thạch đâm vào nó sáu mươi lăm triệu năm trước đó trong một thảm họa đã hủy diệt loài khủng long.

Nhiều ngàn năm sau vụ va chạm, sao chổi được gắn kết với mê tín dị đoan về những sự cố gây tai họa và được xem như những điềm xấu báo trước những thảm kịch trong tương lai. Chúng bị kết tội đã gây ra chiến tranh và những đại dịch gây chết chóc và hủy diệt. Mãi cho tới lịch sử cận đại, sao chổi mới được xem như những hiện tượng lạ của thiên nhiên, như vẻ đẹp chói lọi của cầu vồng hoặc những đám mây được mạ vàng lúc mặt trời lặn.

Sự kiện đại hồng thủy được ghi lại trong Kinh Thánh và những truyền thuyết về các tai họa khác, tất cả đều gắn liền vào thảm kịch này. Những nền văn minh cổ đại của người Olmac, Maya và Aztec tại Trung Mỹ có nhiều truyền thống liên hệ tới một sự cố thảm họa xa xưa. Những bộ lạc người Da Đỏ Indian khắp Hoa Kỳ có truyền thuyết với những câu chuyện về nước lụt tràn ngập xứ sở của họ. Người Trung Hoa, người Polynesian và người Phi châu, tất cả đều nói về một thảm họa đã tàn sát phần lớn tổ tiên của họ.

Nhưng một truyền thuyết đã xuất hiện và phát triển qua nhiều thế kỷ, gợi ra sự huyền bí và gây ảnh hưởng nhiều nhất, đó là sự biến mất của lục địa và nền văn minh Atlantis.