Đầu Tư Tương Lai

Tác giả : Hoàng Xuân Việt
  • Lượt đọc : 500
  • Kích thước : 0.52 MB
  • Số trang : 128
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 436
  • Số lượt xem : 2.290
  • Đọc trên điện thoại :
Tập sách nhỏ bạn cầm trên tay đây chính là kết quả trong mấy tháng đầu của việc khai sáng Học viện Nhân Xã.

Như bạn đã biết, Học viện Nhân Xã được thành lập với mục đích giảng huấn các môn đào luyện con người Tự lập thân. Môn học đó gọi là Vi nhân học mà người Anh, Mỹ gọi là Self-improvement, người Pháp gọi là Culture humaine. Sở học ấy có tính cách ứng dụng vào đời sống thực tế. Vì phần nhiều nó không được học đường trung hay đại học dạy nên người ta kêu nó là giáo dục hậu học đường: Giáo dục đón tiếp người vừa bỏ ngưỡng cửa nhà trường cổ điển, ra đời chân ướt chân ráo, tay trắng sự nghiệp mà muốn nên thân với đời. Trong mấy tháng đầu khai khóa, tại Học viện Nhân Xã, tôi viết một số bài ngắn coi như những món ăn khai vị cho học viện đi sâu vào nhân xã học. Các bài ngắn ấy dọn đường khai triển những môn học rèn đúc cá nhân tính và xã hội tính trong con người. Tôi mượn từ ngữ Anthropos của Hy Lạp và từ ngữ Socialis của Latinh để tạo ra những tân ngữ dịch các danh từ “Nhân xã thuyết” là “Anthroposocialisme” và “Nhân xã học” là “Anthroposociologie”. Theo đây thì nhân xã viết liền nhau không có nghĩa là nhân vị thuyết cộng với xã hội thuyết mà là hai ngữ tố để diễn tả một ý thức hệ mà tôi đã trình bày từ năm 1953 trong mấy chục tác phẩm và trong tờ báo Nhân Xã ra đời năm 1966. Các bài bạn đọc sau đây phảng phất nội dung của chủ thuyết ấy. Mỗi bài có tác dụng chuẩn bị cho người bạn trẻ lăn vào đời để bớt thất bại. Bạn sẽ thấy toàn là những đề tài thông thường, nhưng cũng toàn là những vấn đề quan hệ đến kiếp người, đến xã hội, đến định mệnh của bất cứ ai muốn giá trị hóa đời mình.

Vấn đề căn bản được đặt ra trong tập sách này là ta phải bổ khuyết toàn diện vốn học nhà trường thì mới đủ bí quyết chịu đựng vô số thử thách ngoài cuộc đời tràn ngập thực tế đắng cay. Bổ khuyết này là việc tối thiết chứ không phải là việc phù phiếm, có cũng được mà không có cũng chả sao. Vô số tri thức hay người chỉ có vốn học chủ trí, khoa cử của nhà trường cổ điển hoặc không biết hoặc khinh bỉ bổ khuyết ấy.

Song hằng ngày họ vẫn cần nó bởi họ đụng đầu với đủ thứ vấn đề vì thiếu nó mà giải quyết sai, giải quyết thất bại.






Thí dụ một giáo sư đại học coi rẻ Vi nhân học, viết một bài chửi bới bạn đồng nghiệp của mình vì coi thường Vi nhân học là môn nhắc cho ông biết rằng càng trí thức càng phải khiêm tốn, rằng ngậm máu phun người dơ miệng mình trước, rằng phê bình không có nghĩa là chửi lộn. Vì coi rẻ Vi nhân học như vậy nên ông mất uy tín, gây thù oán bất lợi cho nghề nghiệp của mình. Rước lấy các hậu quả chua chát này ông đâu có thích nhưng ông không biết tại vì là thiếu đào luyện tư cách là cái tối cần bổ khuyết cho văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ của ông để thành công trọn vẹn. Trong cuốn Rèn nhân cách có chỗ tôi cũng đã nói chính nhiều bậc tu hành cũng khinh bỉ sự đào tạo nên người. Dĩ nhiên tu là người ta nói tu tâm dưỡng tính đấy. Nhưng trong thực tế người ta nghiên cứu, học hỏi những gì liên quan đến hậu kiếp: Họ chỉ là nhà thông thái về thứ học như vậy cũng như những nhà thông thái chuyên môn về toán, lý, hóa hay sinh lý học. Mà bạn đã biết thông thái là một chuyện còn tâm hồn được đào luyện và có tư cách, hoạt động đắc lực hay không lại là một chuyện khác.

Nhà giáo dục chân chính nào cũng ngạc nhiên không biết tại sao những người hữu trách ở Bộ Giáo dục không chịu đem Vi nhân học vào chương trình giáo dục bắt buộc.

Tội nghiệp biết bao tuổi trẻ chỉ có vốn học khoa cử ra đời vênh vênh tự đắc với cấp bằng lý thuyết phải bỏ ra 5, 10 năm làm lại việc giáo dục, tự học nhiều khoa và thu thập kinh nghiệm mới gọi là chững chạc trên đường lập thân.

Con người học vấn thượng thăng mà vì thiếu Vi nhân học, đành gặt hái thứ thành công không tương xứng với mấy chục năm đèn sách và khoa cử. Có người khác thất bại thê thảm vì chạm trán với thực tế ác liệt rồi sa lầy trong việc nuôi vợ nuôi con mà cũng sống hết sức bấp bênh, bê bối.

Đó là chưa nói đông như kiến cỏ hạng người vỗ ngực là khoa bảng mà coi rẻ những việc nhỏ, ngày tối mơ ước việc vĩ đại rồi vì quá siêu thực tế lại không gặp thời nên tinh thần khủng hoảng. Hiện tượng bi thảm là có một đêm trắng thao thức hãi hùng trong tận đáy lòng họ. Do đó họ ưu tư, chán đời. Họ thành công hay thất bại, bạn thử đoán coi. Mấy chục bài ngắn sau đây tôi coi như những liều thuốc bổ để bạn dùng củng cố tinh thần, tránh bớt các nguy hiểm trên. Nếu bạn coi những gì bạn đọc sau đây là những tâm thư cũng được bởi lẽ, tôi vì quyền lợi chính cá nhân của bạn mà viết. Tôi cũng cảm thấy yên tâm khi có khuyết điểm nào mà được bạn coi như tri kỷ rồi chín bỏ làm mười cho.

Thân ái,
HOÀNG XUÂN VIỆT

Trung Thu 1969