Đầu Xanh Tuổi Trẻ

  • Lượt đọc : 259
  • Kích thước : 0.45 MB
  • Số trang : 70
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 101
  • Số lượt xem : 1.128
  • Đọc trên điện thoại :
Không hiểu sao khi đọc xong “Crôtcaia” – một truyện ngắn giả tưởng của Dostoevsky, tôi cứ luôn ao ước (như Pautopsky) được nhìn vào đôi mắt của nhà văn, nơi câu chuyện được sinh ra. Chẳng biết khi đặt bút viết những lời kết, có dòng lệ nào lăn chảy trên gương mặt gày gò của ông hay không và đôi mắt màu nâu xám có ánh lên tia nhìn buồn bã, thương cảm và bàng bạc niềm u uẩn không? Chỉ biết rằng nếu được nhìn vào đôi mắt ông, có thể tôi sẽ hiểu được nhiều điều bên dưới những con chữ kia. Phải, truyện ngắn này gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt, một xúc cảm mạnh mẽ và một chấn động kinh hoàng. Nó giống như một cơn mộng mị mà khi tỉnh dậy ta còn bàng hoàng không biết là thực hay là mơ?

Dostoevsky thích tạo ra mâu thuẫn và những điều bí mật, thậm chí “những điều kỳ quặc” trong kết cấu tiểu thuyết của mình và cho rằng không nhất thiết một tác phẩm phải trình bày tuần tự, sáng rõ để người ta hiểu ngay từ lúc ban đầu. Ông có thiên hướng kích thích người đọc phải săn tìm những điều bí mật ẩn sâu trong tác phẩm. Chính vì thế, ông thường tạo kịch tính ngay ở đầu, ngay ở phần mở đầu tiểu thuyết với những câu hỏi hóc búa. Ông cũng làm như thế với những truyện ngắn của mình. Từ hình thức tự do không giới hạn của tiểu thuyết chuyển sang hệ thống chặt chẽ và khép kín của truyện ngắn, Dostoevsky đã đạt đến đỉnh cao mới của nghệ thuật viết truyện. “Crôtcaia” (hay “Người đàn bà nhẫn nhịn”) là một truyện ngắn bi kịch có sức mạnh phi thường, nó đạt tới độ tự chiếu sáng, vừa trong sáng, mực thước như một họa phẩm chân dung của Rembrant thời Phục hưng, vừa sâu sắc, súc tích như một thi phẩm tình yêu của Puskin.

Đọc truyện “Crôcaia” ta có cảm giác như bước vào một căn phòng tối, xa lạ, không nhìn thấy gì và không biết gì hết. Đến khi quen với bóng tối, mắt ta trở nên tinh hơn và bắt đầu nhận biết được các sự vật. Dostoevsky đã phá hủy hình thức bền vững của truyện ngắn cổ điển, ông đưa người đọc đến ngay một sự cố bất thường rồi sau đó phát triển số phận và nhân cách của nhân vật trong giới hạn của sự căng thẳng tinh thần mà nhân vật phải đối đầu. Nói cách khác, nội dung và tính kịch của truyện ngắn được khép kín trong vòng tròn độc nhất của “tai biến nội tâm”. Tất cả được tập trung, xâu chuỗi, đắp nổi cho hình tượng nhằm làm nổi bật cái chấn động tinh thần dữ dội ở nhân vật.

Tấn bi kịch của câu chuyện được nhà văn gỡ nút ngay từ sự gợi mở ban đầu: Một người chồng đau khổ, trên bàn của anh ta là thi thể người vợ, trước đó mấy giờ cô ấy lao mình ra ngoài cửa sổ tự tử. Anh ta đang trong cơn bối rối, hoảng loạn, và muốn hiểu chuyện gì đã xảy ra, cố gắng “tập trung mọi ý nghĩ vào một điểm”. Đoạn kết của câu chuyện được đặt thành đoạn mở đầu đã xác định cấu trúc vòng tròn của truyện ngắn. Đó là kiểu “truyện ngắn xoáy trôn ốc”, các đường xoáy của nó tách ra dần điểm xuất phát nhưng điểm gỡ nút ở cuối đường xoáy lại được đặt ngay lên phần đầu.

Chương đầu tiên có tên gọi: “Tôi là ai và nàng là ai”. Nhà văn bắt đầu đưa người đọc dõi theo tiểu sử của nhân vật nữ chính trong truyện, số phận bất hạnh của cô cùng tính cách của một tâm hồn non trẻ bị xúc phạm và đè nén trước những bước đi thô bạo của cuộc đời. Mồ côi cha mẹ từ năm mười hai tuổi, cô phải sống trong sự ghẻ lạnh của hai bà dì và gần như trở thành nô lệ cho họ. “Chẳng có tội gì họ cũng đánh đập nàng, cũng đem miếng cơm, manh áo ra mà chửi nàng. Kết cục là họ có ý định đem bán nàng đi”. Thế là Crôtcaia lúc bấy giờ sắp bước sang tuổi mười sáu phải tìm mọi cách thoát thân bằng việc đăng báo tìm việc làm hoặc chốn nuôi ăn. Để có tiền trả công quảng cáo, cô đã phải đem đến tiệm cầm đồ những vật rẻ tiền của cha mẹ: một đôi hoa tai bạc mạ vàng, một cái huy chương bong nước mạ, một viên đá chạm, bức tượng thánh cổ có cái khung bằng bạc… Trong những thứ đó, bức tranh thánh là một hình ảnh nghệ thuật đầy sức ám ảnh mà chúng ta sẽ thấy trong phần cuối cùng của vở bi kịch và đóng vai trò quyết định trong việc hình thành ý đồ sáng tác của Dostoevsky.

Đan lồng với câu chuyện số phận của nhân vật nữ là câu chuyện tiểu sử của ông chủ hiệu cầm đồ – sau này là chồng của cô và là người kể lại toàn bộ tấn bi kịch. Đó là một người đã luống tuổi, nghiêm nghị và lãnh đạm với mọi người. Ông ta bị đuổi khỏi trung đoàn và bị sỉ nhục là hèn nhát, không dám nhận lời thách đấu với kẻ thù đã nói xấu cấp trên của mình. Nhưng bản thân ông ta không chấp nhận sự xúc phạm này, dũng cảm coi thường dư luận và sự kết tội bạo ngược. Thế là “từ một người cao thượng ông ta trở thành một người cho vay nặng lãi”.

Toàn bộ không gian câu chuyện đều dành hết cho hai nhân vật này. Mặc dù kết cấu của truyện ngắn là tính cô đọng nhưng hai nhân vật này đều được miêu tả khá cặn kẽ qua bút pháp của nhà văn. Như một nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy, Dostoevsky nắm bắt những khoảnh khắc đáng ghi nhớ ở nhân vật, làm sống động những vẻ đẹp chợt hiện ra. Ông đặc biệt chú ý đễn những biểu hiện đa dạng trên nét mặt con người, bởi “chỉ trong những khoảnh khắc hiếm hoi, nét mặt con người mới thể hiện rõ đặc điểm cơ bản của mình” (tiểu thuyết ” Đầu xanh tuổi trẻ”). Trên nét mặt Crôcaia thể hiện một nỗi u uẩn, sự kinh ngạc nhiều khi thành hãi hùng trước những cơn bão tham tàn của cuộc đời và cả sự cao thượng của một tâm hồn thơ trẻ. Vóc dáng bề ngoài của cô không quá đặc biệt nhưng vẫn gây chú ý và thiện cảm tới người đọc: vóc người mảnh dẻ, tóc vàng, đôi mắt màu xanh, to đẹp, và trầm ngâm. Cái nhìn nhiều khi nghiêm khắc và nụ cười luôn chứa đựng hoài nghi. Toàn bộ con người Crôtcaia cho tôi cái cảm giác về một sự lắng đọng và chưa định hình của đường nét. Nó giống như bức tranh vừa được phác thảo bằng bút chì. Bên cạnh đó, chân dung tự họa của nhân vật kể chuyện giúp ta hình dung rõ nét hơn mặc dù chỉ là những nét khái quát: đó là một sĩ quan về hưu của một trung đoàn lừng danh, một người có vóc dáng cân đối, cao đẹp và có học thức.