Đen Và Béo

Thể loại: Thiếu Nhi ;Truyện
Tác giả : Hoàng Minh Tường
  • Lượt đọc : 414
  • Kích thước : 0.65 MB
  • Số trang : 107
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 80
  • Số lượt xem : 1.846
  • Đọc trên điện thoại :
Hoàng Minh Tường là một trong những nhà văn hiện đại của Việt Nam, tác giả cuốn Thời của thánh thần. Hoàng Minh Tường từng trải qua các nghề dạy học, viết báo và viết văn.
Đen và Béo là tác phẩm dành cho học sinh được đánh giá cao của tác giả.
***
Buổi học cuối năm - Người đàn ông lạ mặt - Mối hoài nghi của Tuấn Đen
Trong đời học trò, thú vị nhất là buổi học cuối năm. Ngày đó, từ cô chăm cho đến cậu lười, từ người đứng đầu lớp cho tới kẻ đội sổ, tuốt tuột, đều chẳng còn bận tâm gì đến sách vở, bút mực. Giã từ một năm học với những đêm đỏ mắt học bài, giã từ bảng đen và phấn trắng với những giờ bị thầy cô quay đến chóng mặt trên bục giảng, giã từ cả những giờ kiểm tra căng óc và thót tim…Mùa hè với hoa phợng đỏ rực và nhạc ve dóng dả đang đợi ngoài kia rồi.

Với Tuấn đen, buổi học cuối năm này lại càng có ý nghĩa. Suốt cả tuần qua, nó lo ngay ngáy phải thi lại hai môn văn và toán. Hai môn học chủ chốt này, không hiểu vì sao, cứ như hai vị hung thần ám ảnh suốt từ khi nó đến tuổi cắp sách đi học. Không biết bao nhiêu lần mẹ nó đã than vãn: ”Mẹ đến khổ vì con. Mang tiếng là cô giáo mà con trai thì năm nào cũng phải thi lại, không văn thì toán”. Vậy mà năm nay, trong buổi học cuối cùng này, mọi điều lo lắng, bi quan của Tuấn đen đã được giải tỏa.

Tim cậu ta như ngừng đập khi cô giáo Huyền chợt nhắc đến tên Nguyễn Đăng Tuấn:

- Do phấn đấu nỗ lực trong hai tháng vừa qua, bạn Tuấn đã tiến bộ vượt bậc. Từ điểm sơ kết học kỳ một hai môn văn toán là 4,4 và 4,7, Nguyễn Đăng Tuấn đã vượt lên đạt điểm tổng kết cả năm hai môn học này là 5,1 và 5,0, được lên thẳng lớp chính. Cùng với 12 bạn trong lớp được nhà trường khen thưởng học sinh giỏi và học sinh tiên tiến, Nguyễn Đăng Tuấn sẽ được cô trao riêng một phần thưởng…

- Hoan hô Tuấn đen, vận động viên số 13 đoạt giải thưởng về đạo đức thi đấu. - Thằng Quang lém chợt hét toáng lên rồi đứng dậy vỗ tay bồm bộp. Cả lớp cùng rộ lên những tràng vỗ tay hưởng ứng.

- Hoan hô số 13, vua nghịch. Hoan hô Tuấn đen…

Mặt Tuấn ta đỏ như đồng hun. Nó vã cả mồ hôi vì sung sướng. Vậy là sau một năm học, tháng nào cũng đứng đầu lớp từ dưới lên nó đã giành được thắng lợi quyết định trong những ngày nước rút cuối năm. Có thế chứ, ai bảo nó không thể trở thành học sinh giỏi được? Chỉ một tháng dồn sức ôn thi, đã vợt xa khối đứa. Sang năm nó sẽ học cho biết tay…

Đang bay bổng với những ý nghĩ có phần ngông nghênh và tự phụ của mình, tim Tuấn đen bỗng đập thình thịch như trống trận khi cô giáo Huyền chợt nghiêm trang nhìn cả lớp và nói:

- Phần thưởng và giấy khen của nhà trường, các em học sinh giỏi và học sinh tiên tiến sẽ được nhận trong buổi lễ tổng kết năm học sắp tới. Riêng bạn Nguyễn Đăng Tuấn, cô sẽ trao phần thưởng của riêng cô cho em trong buổi học cuối cùng này. Xin mời em Nguyễn Đăng Tuấn lên đây.

Chao ơi, có lẽ sau này, trong suốt cuộc đời của Tuấn đen, sẽ chẳng bao giờ nó có những giây sung sướng như bây giờ. Bởi nó, một thằng ham chơi, nghịch ngợm, thích những cuộc phiêu lưu, đã bao giờ được khen ngợi và nhận một phần thưởng nào về thành tích học tập đâu. Ở lớp, ở trường, ở nhà, các thầy cô và bạn bè, và cả mẹ nó nữa, lúc nào cũng chê bai, chế giễu nó. Cả thằng Đạt, em trai nó, nhóc con mà cũng coi thường nó ra mặt. Ấy mà chỉ riêng cô giáo Huyền là hiểu nó, đánh giá đúng khả năng của nó. Tất cả 46 cặp mắt đều đổ dồn vào Tuấn, những ánh mắt khích lệ, chia vui và có cả những ánh mắt ghen tị. Và đây, phần thưởng của cô giáo Huyền: một chiếc bút máy Hồng Hà màu đỏ chói, một quyển sổ bìa cứng màu xanh da trời, và một chồng dày toàn những cuốn truyện nổi tiếng: Hai vạn dặm dưới biển, Một mình vượt đại dương, Không gia đình, Bình minh đến sớm, Chú bé có tài mở khóa. Chà chà, cả một tài sản đáng giá - Nhiều đứa trầm trồ rỉ tai nhau - Hè này Tuấn đen tha hồ mà đọc. Phần thưởng như thế mới đáng chứ. Con số 13 mà lại hóa độc đắc.

- Hãy nói điều gì với cả lớp đi em. - Cô giáo Huyền nói với Tuấn khi nó đã ôm vào lòng gói tặng phẩm và cứ đứng ngay đơ như phỗng.

Quả tình là Tuấn đang xúc động. Nó nhìn cô giáo và chợt nghĩ đến mẹ. Hẳn mẹ sẽ rất bất ngờ khi Tuấn mang gói phần thưởng này về nhà. Hôm nay mẹ cũng có giờ dạy cuối cùng ở lớp 4C, lớp mẹ chủ nhiệm. Giá ngay bây giờ mẹ đến đây chứng kiến cảnh con trai mẹ đang sung sướng và bối rối như thế nào? Rồi Tuấn nhớ đến bố Tú, nghĩ đến thằng Đạt. Bố Tú đang lao động ở Liên Xô. Ngay tối nay, Tuấn sẽ cùng thằng Đạt viết thư báo tin vui cho bố. Tháng tám này về nước hẳn bố sẽ có thêm nhiều phần thưởng cho cả Tuấn và Đạt… Hai mắt Tuấn mờ đi. Nó khóc vì quá sung sướng.



*


Hồi trống cuối cùng năm học ngân vang. Hàng trăm học sinh ùa ra từ các lớp học như bầy chim rời tổ.

Phải vất vả lắm Tuấn mới tách được đám bạn để về nhà. Chiếc cặp sách của nó trở nên to kềnh và nặng trịch. Nó muốn ôm ngay cái cặp tặng phẩm này về nhà để khoe với mẹ và thằng Đạt.

- Tuấn ơi, có ai muốn hỏi mày. - Đến gần đầu chợ, thằng Quang lém bỗng chạy lộn trở lại nói với Tuấn.

Quả nhiên, một người đàn ông lạ mặt đội chiếc mũ phớt, đeo cặp kính đen từ trong quán nước bà Sen béo đi ra. Anh ta trạc ngoài ba mươi, cao lớn, có bộ mặt to bè đỏ sần sùi như da gà chọi, một bộ râu ngạnh trê đen kịt. Dễ nhận ra hơn cả; trên người anh ta là một sợi dây chuyền vàng như chiếc dây thừng đeo quanh cổ, chiếc đồng hồ thủy quân lục chiến Mỹ to quá cỡ trên chiếc cổ tay mập mạp và hai chiếc nhẫn vàng cỡ bự như hai cục vàng thỏi trên hai ngón tay múp míp.

Hình như người đàn ông này đã xuất hiện ở khu chợ mấy hôm nay - Tuấn nhìn kỹ ông ta và thoáng nghĩ - Không hiểu ông ta tìm gặp mình có việc gì ?

- Chào cháu Tuấn. - Người đàn ông nhếch nụ cười làm thân và xòe tay ra. - Chúng ta hãy làm quen với nhau nào. Chú là Trần Nhật, phóng viên của tờ báo Ngôi Sao. Chú biết cháu vừa được lĩnh phần thưởng. Nào, cháu vào đây cho chú hỏi chuyện một chút.

Chà, phóng viên có khác. Thính thật. Định cho mình lên báo chăng? Ý nghĩ ấy khiến Tuấn đen nhìn người đàn ông lạ mặt có phần tin cậy hơn. Nó mạnh dạn đưa tay cho chú bắt, nhưng rồi nó lại rụt vội tay lại.

- Nhưng mà cháu không có thời gian đâu. Cháu phải về, mẹ cháu đang đợi. Với lại, nếu chú muốn viết báo thì phải gặp cô giáo Huyền.

- Ồ không sao. Chú đã nói chuyện với cô giáo và mẹ cháu rồi. Chú muốn gặp cháu một lát thôi. Nào, ta vào đây uống một chút gì nhé !

Quả là chú nhà báo hình như có thuật thôi miên. Mặc dù Tuấn rất nóng ruột về khoe ngay với mẹ và thằng Đạt, nhưng rồi nó vẫn ngoan ngoãn theo chú nhà báo vào chỗ chiếc bàn khuất nhìn ra phía hồ.

Bà Sen béo nhìn Tuấn mỉm cười, đặt trước mặt nó một chiếc cốc có đá, một lon cô ca cô la, kèm thêm một đĩa soài và nho. Riêng chú nhà báo là hai lon bia Halida.

- Đây là thẻ nhà báo của chú. Trước hết chú muốn chúng mình phải tin nhau, có thế mới chân thành, cởi mở với nhau được. - Ngời đàn ông đưa cho nó chiếc thẻ nhà báo có tên Trần Nhật và địa chỉ của báo Ngôi Sao. Tuấn đọc kỹ cả hai mặt trước và sau. Nó nhìn Trần Nhật vẻ như muốn thẩm tra lại và thở phào yên tâm.

- Bác cháu cũng là nhà báo đấy.

- Ai vậy? Trong làng báo bọn chú biết nhau cả.

- Nhà văn Đào Vân. Công tác tại tuần báo Văn Học. Chú có biết không?

- Ô, ông này thì quá nổi tiếng. Chú rất thích đọc tiểu thuyết và phóng sự của ông ta.

- Bác Đào Vân là ông ruột của mẹ cháu đấy. - Mặt Tuấn hơi vênh lên. - Sau này lớn, cháu sẽ học bác Đào Vân, trở thành một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám.

- Ái chà chà, mơ ước thật cao siêu. - Trần Nhật chun mũi cười và véo vào tai Tuấn đen. Riêng động tác này thì nó không thích. Có vẻ như sàm sỡ và chế giễu nó. Nhưng nó uống một tợp cô ca và cho qua.

Chú nhà báo có tên Trần Nhật hỏi chuyện quanh co Tuấn đen một hồi rồi bỗng kéo chiếc ghế lại gần nó.

- Này, uống một chút bia nhé. - Vừa nói chú ta vừa rót bia ồng ộc vào chiếc cốc đã cạn hết cô ca của Tuấn. Tất nhiên là nó không từ chối. Bia Halida có khác, trưa đầu hè uống mát đến tận ruột.

- Do làm báo mà chuyến vào Sài Gòn vừa rồi chú gặp một người thân thiết của cháu. - Chú ta nói khi thằng Tuấn đã uống gần hết một cốc bia.

- Cháu chẳng có người thân nào ở Sài Gòn cả.

- Vậy mà có đấy. Rất thân thiết nữa kia. Hãy nghe chú nói đây. Có khi nào mẹ cháu nhắc đến một người tên là Bùi Mạnh Tảo chưa ?

- Chưa. Mẹ cháu chưa bao giờ nhắc đến người đó.

Trần Nhật thở dài đánh thượt. Anh ta nhấc cặp kính đen ra lau. Đến lúc ấy thằng Tuấn mới nhận ra đôi mắt của anh ta. Một đôi mắt trắng dã và hơi lồi, nhưng ánh nhìn thì lại có vẻ u tối. Nó chợt nghĩ, ông này có vẻ đọc và viết nhiều nên đôi mắt mới như thế. Mãi sau này nó mới hiểu ra rằng đó chỉ là cảm giác bị đánh lừa.

- Nhưng chú tin, rồi một ngày nào đó mẹ cháu sẽ nói với cháu về con người này. - Trần Nhật nói tiếp. - Hôm nay chú chỉ kể qua với cháu một chút. Đây, cháu hãy xem ảnh của ông ta. Cố gắng nhận xét và phán đoán một chút nhé. Cháu hãy thử nhận biết xem giữa cháu và người trong ảnh này có nét gì giống nhau không ?

Trần Nhật móc túi và đưa cho Tuấn một bức ảnh. Đó là tấm ảnh màu khổ 6x9 chụp một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi. Ông ta có khuôn mặt dài, chiếc mũi cao và cằm hơi lẹm. Riêng đôi mắt dài nhỏ, có những đường rãnh rất sâu phía đuôi khiến đôi mắt như dài thêm và ẩn chứa một cái nhìn đầy mưu mô.

Thằng Tuấn nhìn kỹ bức ảnh và bất giác nó đưa một bàn tay lên cầm.

- Vậy là cháu có những nét rất giống người trong ảnh rồi đấy. - Trần Nhật bật cười láu lỉnh. - Chiếc cằm lẹm là một, khuôn mặt dài là hai, có đúng không?

- Nhưng điều đó nói lên cái gì? - Tuấn ta bỗng buột một câu rất là người lớn.

- Điều đó nói rằng cháu và người trong ảnh này có cùng một huyết thống. Cháu hãy xem xét lại kỹ đi và thử so sánh với đứa em trai của cháu tức là thằng Đạt… - Người đàn ông buông lửng giữa chừng và tiếp tục rót bia, tu ừng ực. Tuấn để ý đây đã là lon bia thứ sáu. Càng uống mặt anh ta càng tái đi và giọng nói lại càng điềm tĩnh, khúc chiết.

- Thế này nhé, Tuấn ạ. - Anh ta kéo ghế gần Tuấn thêm chút nữa, giọng nói chợt nhỏ lại. - Ông Bùi Mạnh Tảo trong ảnh này muốn nhờ chú đến gặp cháu và tặng ảnh cho cháu. Ông Tảo hiện là giám đốc Công ty Bubanhaô, một công ty lớn có trụ sở tại 37 phố Triệu Trinh Nương, quận I, thành phố Hồ Chí Minh. Cháu có thể gặp ông Tảo theo địa chỉ này, hoặc tìm đến chỗ chú, Trần Nhật, số nhà 86E phố Cửa Tiền, Hà Nội.

- Nhưng gặp để làm gì cơ chứ ? - Tuấn đen trố mắt nhìn Trần Nhật.

Trần Nhật nốc cạn ly bia rồi chùi mép, thong thả nói:

- Bởi vì chính ông Bùi Mạnh Tảo mới là bố đẻ của cháu.

- Không đúng. Chú nói bậy. - Đôi mắt thằng Tuấn bỗng vằn lên, nhìn Trần Nhật trừng trừng.

- Đừng nổi nóng thế cháu. - Trần Nhật nhoẻn miệng cời, đưa bàn tay nhơm nhớp mồ hôi xoa lên bàn tay Tuấn, khiến nó có cảm giác như đang bị những con rắn trườn trên da mình. Nó rụt cổ và tay lại như một phản xạ tự vệ. - cháu hãy tin ở chú và hãy về hỏi mẹ. Cháu cầm lấy tấm ảnh này và địa chỉ của chú. Hãy suy nghĩ kỹ. Nếu cháu thấy chú nói đúng sự thực và có nguyện vọng tìm gặp người bố đích thực của cháu thì hãy đến gặp chú để chú đưa cháu vào Sài Gòn. Cháu hãy nhớ, cái ông Nguyễn Phương Tú không phải là bố đẻ của cháu đâu. Và tất nhiên, thằng Đạt chỉ là anh em cùng mẹ khác cha với cháu… Đây, hãy cầm lấy một ít tiền. Chú tặng cháu để cháu có điều kiện ra với chú.

Trần Nhật dúi vào tay Tuấn một xấp tiền hai ngàn đồng.

- Không. Tôi không bao giờ tin ông. - Thằng Tuấn bỗng hét lên và hất mạnh tay khiến cả xấp tiền bắn tung tóe ra bàn. Rồi nó vớ lấy cái cặp sách ôm chặt vào lòng, cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về nhà.



*


Đáng lẽ phải khoe ngay với mẹ và thằng Đạt về phần thưởng đặc biệt mà cô giáo Huyền trao tặng, thì Tuấn đen lại hoàn toàn im lặng, coi như không có chuyện gì. Cuộc gặp gõ bất ngờ người người đàn ông lạ mặt ở quán bà Sen béo, như đám mây đen bao phủ tâm hồn nó, xóa nhòa tất cả niềm vui vừa đến với nó.

- Tuấn ơi, buổi học hôm nay có gì vui không con ?- Cô giáo Thuyên, mẹ Tuấn, vừa ở trường về chưa kịp dựng xe đạp đã vội hỏi ướm Tuấn.

Thực ra tất cả mọi chuyện xảy ra ở lớp 8B sáng nay cô đều đã biết. Chính cô đã cùng cô giáo Huyền đạo diễn việc phát phần thưởng cho Tuấn và sau buổi học cô giáo Huyền đã thuật lại hết cho cô mọi chuyện. Tạo cho con một niềm vui, một sự động viên khích lệ, đó cũng chính là hạnh phúc của người mẹ.

- Chẳng có gì đặc biệt cả mẹ ạ. - Tuấn thủng thẳng và tránh cái nhìn của mẹ.

Cô giáo Thuyên chợt sững lại. Cô lặng lẽ đến bên Tuấn.

- Lại có chuyện gì phải không ?

Tuấn im lặng cúi đầu. Cô giáo Thuyên vẫn dịu dàng với nó:

- Nào, để mẹ xem trong cặp con có cái gì mà căng phồng lên thế này!

Cô mở cặp và kêu lên:

- Chà chà. Con trai tôi được nhiều phần thưởng thế này mà lại định giấu mẹ. - Cô kéo Tuấn vào lòng. - Nào, kể cho mẹ nghe đi, con đã phấn đấu để giành được phần thưởng này như thế nào ?

Thằng Tuấn lầm lì định bỏ ra sân thì Đạt béo từ đâu chạy bổ về, đâm sầm vào người nó.

- Anh Tuấn, phải khao đi. Em biết là anh được phần thưởng to lắm. - Đạt béo quăng chiếc cặp ra hè rồi nhảy bổ ôm ghì lấy cổ Tuấn. - Mẹ ơi, phải bắt anh Tuấn khao…

Tuấn lặng người một cái khiến thằng Đạt nằm chỏng vó giữa sân.

- Nhóc con. Bắng nhắng vừa vừa chứ.

Đạt béo nhìn anh kinh ngạc, rồi miệng nó chợt mếu xệch, nước mắt rơm rớm.

- Tuấn, con làm sao thế? Em con có lỗi gì nào? - Cô giáo Thuyên chạy lại đỡ Đạt béo dậy, và không nói gì nữa, bỏ vào nhà.

Không khí giữa ba mẹ con thật bỗng trở nên nặng nề.

Đạt béo vốn rất hiếu động và hồn nhiên. Nó thân thiết với anh Tuấn nó không chỉ bằng tình anh em ruột thịt mà còn bằng tình bạn khăng khí. Hai anh em kém nhau ba tuổi. Tuấn cao, gầy và đen. Đạt thấp, béo và trắng. Nhìn bên ngoài nhiều người cứ bảo anh em chúng thầy trò Đôngki sốt - Păngxa, khác nhau nhiều khi đến đối nghịch vậy mà chúng lại rất hợp nhau và thương quý nhau vô cùng. Nhưng hôm nay thì chính Đạt béo hồn nhiên cũng không thèm làm lành với anh Tuấn nữa. Cóc cần. Suốt mấy năm học, bây giờ mới được tí phần thưởng mà đã tỏ ra ta đây. Đã thế đây cũng chẳng thèm. Hôm nay được nhận phần thưởng học sinh giỏi của trường. Đạt sẽ bảo mẹ khao cả nhà một bữa chè đỗ đen thỏa thích cho biết mặt.

Còn Tuấn, cậu ta thấy thực sự ân hận về thái độ của mình đối với mẹ và thằng Đạt. Muốn chuộc lỗi, muốn làm lành mà sao lòng nó cứ nặng trĩu, không thể làm gì khác được. Nó cảm giác như có một khối u gì đó cứ cộm lên trong ngực, mỗi lúc một cương cứng và đôi khi nhức buốt. Chẵng lẽ nó với thằng Đạt lại chỉ là anh em cùng mẹ khác cha? Vô lý quá. Chưa bao giờ nó thấy ai nói với nó như vậy. Chính bố Tú cũng chả bao giờ nhìn nó với một anh mắt gợi cho nó một chút gì xa lạ. Ba năm đi xuất khẩu lao động ở Liên xô, lần nào gửi thư về, bố cũng viết riêng cho nó một đoạn dài hơn cả của thằng Đạt. Chiếc xe đạp bố Tú mua cho nó, mới gửi qua đường biển về, mẹ nó vẫn treo ở trong buồng kia. Mẹ bảo Đạt còn nhỏ, còn lâu mới đi được xe đạp, nên Đạt phải nhường cho anh. Sang năm lên lớp 9, Tuấn sẽ được hoàn toàn sử dụng chiếc xe đạp đó. Vậy thì sao cái ông nhà báo Trần Nhật ấy bỗng nhiên lại phá vỡ tất cả những niềm vui của nó? Ông ta dựng lên cái câu chuyện quái ác này để làm gì?

Tuấn nằm bẹp ở một góc giường, buồn đến tê tái. Ngoài kia, bầy ve trên vòm sấu bỗng tấu lên bản nhạc đầu hè mời gọi, mà nó vẫn hoàn toàn dửng dưng.