Hà Nội Cũ Nằm Đây

Tác giả : Ngọc Giao
  • Lượt đọc : 229
  • Kích thước : 2.38 MB
  • Số trang : 433
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 202
  • Số lượt xem : 1.399
  • Đọc trên điện thoại :
Với những người không được sống cùng thời với nhà văn, cuốn sách cung cấp những trang tư liệu quý báu; còn với thế hệ gắn bó với Hà Nội thuở ấy, ký ức về mảnh đất này lại sống dậy…

Trong lời giới thiệu, GS Phong Lê viết: “Với bạn đọc trẻ, có thể họ chưa từng nghe tên Ngọc Giao… Còn thế hệ tôi, Ngọc Giao là một cái tên quen, rất quen”.

Tên thật là Nguyễn Huy Giao, sinh năm 1911 tại Huế nhưng hầu hết cuộc đời nhà văn Ngọc Giao gắn với Hà Nội – nơi ông viết văn, làm báo từ những năm 1930. Cuối thế kỷ trước, ông bắt tay viết “Hà Nội cũ nằm đây”. Giá trị của nó được GS Phong Lê khẳng định: “Cho đến tận những tháng cuối đời này, tôi cảm thấy không yên tâm nếu không đưa Ngọc Giao vào lớp người hiểu, yêu và đóng góp đặc sắc cho mảng văn chương về Hà Nội”.

Qua sách, Ngọc Giao dẫn bạn đọc về với Hà Nội cũ, những nhân vật văn chương của một Hà Nội cổ kính, gắn với nhiều kỷ niệm riêng nay đã trở thành tư liệu độc đáo. Đó là một thời làm báo khi Hà Nội mới bắt đầu bung nở phương tiện thông tin với sự đình đám của các tờ “Phong hóa”, “Ngày nay”, “Tiểu thuyết thứ Bảy” (nơi Ngọc Giao vừa làm thư ký tòa soạn vừa là cây bút trụ cột). Ở đó, chủ bút Vũ Đình Long tầm vóc to lớn, da ngăm đen, bước đi lạch bạch quanh bàn giấy đồ sộ, luôn tỏ ra đăm chiêu, tính toán trong ngôi nhà số 93 Hàng Bông. Ông là một trí thức dám bỏ vốn ra kinh doanh chữ nghĩa văn chương, làm giàu. Cái tên Vũ Đình Long không lạ lẫm với nhiều lứa độc giả Việt Nam, nhưng sự nghiệp của ông ra sao, cuộc sống đời thường của ông như thế nào thì có lẽ, chỉ cần đọc “Người phun kiếm” của Ngọc Giao là có thể giải đáp được.

Rồi về những buồn vui của sân khấu Hà Nội, về thú chơi cây cảnh và bóng đá, nghề in ấn ở Hà Nội từ khi sử dụng những máy in cổ lỗ đến khi Nguyễn Văn Vĩnh, Đỗ Văn mở xưởng in lớn. Có cả nỗi man mác, hoài cổ, nhớ nhung một Hà Nội bình dị và lầm lụi trong thân phận một người đưa hàng, đưa cả niềm vui, nỗi buồn, sự chia li, tái hợp đến với từng ngõ ngách Hà thành.

***

Mấy Lời Của Người Làm Tuyển Hà Nội Cũ Nằm Đây
Sau khi cha tôi qua đời, đọc lại những di bút của cha tôi, nhà văn Ngọc Giao, một nỗi ân hận xót xa và xúc động dâng trào trong tôi. Từng dòng chữ cho tôi thấy những mong ước thiết tha đến cháy bỏng của ông là được in lại các tác phẩm của mình, vừa mãnh liệt lại vừa tuyệt vọng. Trong một bức thư dự định gửi gắm việc in tác phẩm cho một người bạn, ông dăn dò: “Thưa bác, trang bìa sau, dưới ảnh in mấy dòng này thì trang bìa đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Tôi rất tiếc. Đêm khó ngủ, mơ thấy sách bán được, và được tái bản, ta sẽ in thêm bài về ông Vũ Đình Long và một số gương mặt nhà văn khác, cuốn sách sẽ đỡ mỏng manh. Nhưng đó chỉ là một điều mơ ước.” Qua bút tích để lại của cha tôi sau năm 1990, có thể thấy sinh thời ông đã có rất nhiều dự định trong sáng tác, có những dự định đã thành tác phẩm, có những dự định còn dang dở.

Tôi đọc và bật khóc. Mãi lo sinh kế cho gia đình, tôi đã để cha tôi cô đơn đến thế. Giữa cái guồng máy xã hội mà ai nấy đều quay cuồng đến chóng mặt cho cuộc mưu sinh và mưu cầu danh - lợi, một ông già ngoài tám mươi bút run, sức yếu làm sao lo nổi cái chuyện in sách và ra sách.

Cha tôi là một con người nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc. Càng già càng hiu hắt, càng tiếc thương từng áng mây chiều, từng đoá hoa sớm héo, từng làn gió nhẹ xuân thu. Từ sau 1954, trải qua biết bao thăng trầm sóng gió, ông đã gác bút triệt để. Ông không còn gì nữa, như ông đã nói trong môt bài ký, “ngoài dăm ba khóm trúc gầy, mươi khóm hoa hèn cỏ dại, mọc lẫn vào thanh thảo. Đôi khi cố công ngồi tỉa xén một hai búi cây hoang dại bờ rào do một ông già nông thôn mang đến nửa bán nửa cho… Âu đó cũng vui tuổi già, sau những ngày dài, chập tối, ngõ vắng lên đèn, một mình, bước thấp bước cao, lê đầu gậy, dạo một quãng cho đỡ đau xương cốt”. Kể từ đó, ông sống những ngày tàn không tác phẩm. Nhưng từ năm 1990 cho đến khi qua đời, 1997 – như chính ông thổ lộ - ông cũng “cố ngồi, cố viết, tay quá run, chữ không thật nét, coi như làm cái việc rửa bút cùn, lau kiếm gỉ, viết với tâm tình băng giá của một ông già. Viết nhiều, viết ít, viết gì đi nữa, chỉ là những dòng chữ biệt li…”. Những bài ký của ông viết rải rác trong giai đoạn này, gần đây tôi đã tuyển lại thành một tác phẩm dưới nhan đề Hà Nội cũ nằm đây - sức bút của ông vẫn dồi dào và trí tuệ vẫn mẫn tiệp. Ông hay suy tư, những người hay suy nghĩ sâu xa thì lại càng hay buồn. Nỗi buồn, nỗi đau lớn nhất của cuộc đời ông, với tư cách một nhà văn, là không được viết và bị quên lãng quá lâu. Nhiều lúc, ông giật mình ngơ ngác vì thấy mình vẫn tồn tại khi các bạn ông như Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Long, Lan Khai, Lê Văn Trương, Tam Lang, Thuỵ Chương, Lê Bái Leiba, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính đã ra đi từ lâu – như ông viết trong bài ký Người phun kiếm: “Các ông bạn cầm bút của tôi, cùng thời với tôi, tất cả đều đã ra khỏi cái quá khứ văn bút đau thương kệch cỡm này”.

Từ năm 1989, tôi đã vào Thư viên Quốc gia (Hà Nội) để sưu tầm các truyện ngắn của cha tôi đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy. Ngay năm đó, Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành tập truỵện của ông, nhan đề Cô gái làng Sơn Hạ, cuốn sách mỏng manh, chỉ ngót 200 trang, in rất xấu, tôi sợ cha tôi buồn, vậy mà ông vui lắm.

Năm 2001, Nhà xuất bản Hội nhà văn lại ấn hành tiếp Ngọc Giao, truyện và ký, do tôi tuyển. Cuốn sách này dày dặn và tuyển chọn có hệ thống. Nhưng ông đã qua đời từ 1997, không được gặp lại đứa con tinh thần của mình.

Cuối năm 2009, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, tử tế của Thư viện Khoa học Tổng hợp (thành phố Hồ Chí Minh) đối với em rể tôi, tôi đã có trong tay 249 truyện ngắn, ký và tản văn của cha tôi viết từ 1934 đến 1949 đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy. Trên cơ sở tư liệu này, tôi đã tiến hành tuyển để cho ra mắt tập ký và tạp văn Quan báo (H., Nxb Hội nhà văn, 2010, 340 tr.) ; và tập truyện ngắn Phấn hương (H., Nxb Văn học, 2010, 390 tr.).

Riêng tập truyện và ký Hà Nội cũ nằm đây, nội dung và bố cục đã được sắp đặt dựa trên ý nguyện trong bức thư kể trên của cha tôi.

Sinh thời, ông còn viết cho các báo Tri tân, Sinh lực, Tao đàn, Phổ thông, Lẽ sống, Lên đường, Công tội. Hiện giờ tôi đang tiến hành sưu tầm những gì ông đã viết cho các báo này, để tập hợp thành một tập truyện ngắn mới. Và khi có đủ điều kiện thuận lợi, tôi sẽ cho tái bản các tác phẩm chính sau đây của cha tôi: Cô gái làng Sơn Hạ (truyện ngắn, tuyển lại, có bổ sung); Nhà quê (tiểu thuyết, 1944); Quán gió (tiểu thuyết, 1949); Cầu sương (tiểu thuyết, 1953); Xóm Rá (tiểu thuyết, 1953)… để rồi tiến tới một Tuyển tập Ngọc Giao.

Và tin rằng ở một nơi xa lắm, ít nhiều Cha tôi cũng thấy được.

Hà Nội, mùa Đông năm 2015

Nguyễn Tuấn Khanh

Thuộc bộ sách