Hoàng Hoa Thám

Thể loại: Lịch Sử ;Danh Nhân
Tác giả : Khổng Đức Thiêm
  • Lượt đọc : 519
  • Kích thước : 3.95 MB
  • Số trang : 467
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 267
  • Số lượt xem : 2.015
  • Đọc trên điện thoại :
Sách chuyên khảo gồm 13 chương, nội dung đã được hội đồng khoa học nghiệm thu sách đánh giá đây là Tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám; là sự kế thừa và tổng kết toàn bộ thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử từ trước tới nay, trong và ngoài nước về một vĩ nhân lịch sử không chỉ đóng vai trò quan trọng về thời gian lịch sử (những năm bản lề của thế kỷ 19-20) mà còn là gạch nối quan trọng giữa 2 khuynh hướng cứu nước – theo hệ tư tưởng phong kiến (Phong trào Cần Vương) và theo hệ tư tưởng tư sản (Phong trào Duy tân) (trích: GS. NGND Phan Huy Lê)

“Để biên soạn chuyên khảo Hoàng Hoa Thám (1836-1913), trên cơ sở các nguồn tư liệu mới được khai thác lần đầu tác giả còn cho bạn đọc thấy vai trò của Hoàng Hoa Thám qua các thời kì, quê hương Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên); truyền thống yêu nước thương dân của gia đình Hoàng Hoa Thám (kể từ phụ thân ông); Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của khởi nghĩa Yên Thế sau khi Lương Văn Nắm bị sát hại, vị trí và các đặc điểm của phong trào nông dân Yên Thế. Đồng thời tác giả cũng có những kiến giải mới về vai trò của Bá Phức và Lê Hoan.
***
Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm - tác giả chuyên khảo Hoàng Hoa Thám (1836-1913) - vốn gắn bó với đề tài phong trào chống Pháp hồi cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX của nhân dân Yên Thế. Sau các chuyên đề liên quan được lần lượt công bố trong Địa chí Hà Bắc (1982), Lịch sử Hà Bắc (1986), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang đã xuất bản tác phẩm Khởi nghĩa Yên Thế của ông vào năm 1997. Đã 16 năm trôi qua, kể từ khi Khởi nghĩa Yên Thế được xuất bản và 30 năm công trình này được khởi thảo, đúng vào dịp kỉ niệm 100 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám (1913-2013) và 129 năm ngày bùng nổ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp xâm lược (1884-2013), và mặc dù đã chuyển hẳn sang lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử Đảng nhưng tác giả vẫn tiếp tục đi sâu và có nhiều cống hiến khoa học thông qua chuyên khảo này. Rõ ràng không có bất kì lí do nào khác ràng buộc ông, ngoài sự hàm chứa những giá trị hết sức phong phú và ý nghĩa khoa học đặc biệt của đề tài.

Trong Lời giới thiệu tác phẩm Khởi nghĩa Yên Thế, tôi nhận thấy, tác giả đã dành nhiều công sức cho việc điều tra thực địa, sưu tầm các nguồn tư liệu trong nhân dân địa phương, lại có may mắn tiếp xúc phỏng vấn một số nhân chứng cuối cùng của cuộc khởi nghĩa, nhờ vậy đã khắc phục được hạn chế của các công trình đi trước là thường đứng từ bên ngoài để nói về cuộc khởi nghĩa; bên cạnh đó là sự kế thừa, khai thác triệt để kết quả của họ, có so sánh thẩm định và bổ sung cần thiết. Nhờ vậy, với một dung lượng khá dày dặn, Khởi nghĩa Yên Thế đã dựng lại một cách trọn vẹn những nét tiêu biểu về những ngày đầu quật khởi cho đến các giai đoạn đấu tranh ác liệt với biết bao con người yêu nước lẫm liệt và sự kiện hào hùng.

Giờ đây, khi bắt tay biên soạn Hoàng Hoa Thám (1836-1913), tác giả lại đứng trước những thử thách mới về sự hiểu biết thật cụ thể đối với một con người. Nhờ miệt mài điền dã, tra cứu tài liệu sách vở, tác giả đã phát hiện và cung cấp nhiều hiểu biết mới xoay quanh người anh hùng dân tộc từ lúc sinh thời cho đến khi yên nghỉ, giải đáp được nhiều câu hỏi xoay quanh tầm nhìn chiến lược của người thủ lĩnh trong những năm đầu thế kỉ XX. Để triển khai đề tài lần này, tác giả đã khai thác khá triệt để hai loại tư liệu của Pháp và Việt Nam, có sự phân tích đánh giá, liên hệ so sánh cần thiết, trên cơ sở đó đưa ra những nhận định, lí giải, bổ sung mới, đánh giá sát hợp, đúng đắn và toàn diện hơn về vai trò của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và vị trí phong trào nhân dân Yên Thế trong sự nghiệp chống Pháp xâm lược. Đặc biệt, tác giả còn chú trọng đề cập tới sự chuyển biến về tính chất của phong trào từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX trong bối cảnh toàn bộ phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp đã có sự chuyển biến ngày càng rõ rệt.

Để biên soạn chuyên khảo Hoàng Hoa Thám (1836-1913), trên cơ sở các nguồn tư liệu mới được khai thác lần đầu tác giả còn cho bạn đọc thấy vai trò của Hoàng Hoa Thám qua các thời kì, quê hương Dị Chế (Tiên Lữ, Hưng Yên); truyền thống yêu nước thương dân của gia đình Hoàng Hoa Thám (kể từ phụ thân ông); Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của khởi nghĩa Yên Thế sau khi Lương Văn Nắm bị sát hại, vị trí và các đặc điểm của phong trào nông dân Yên Thế. Đồng thời tác giả cũng có những kiến giải mới về vai trò của Bá Phức và Lê Hoan.

Nhưng đáng chú ý là, tác giả đã khai thác, bổ sung nhiều nguồn tư liệu mới, góp phần minh họa, làm sáng tỏ hơn về quê hương, gia tộc, sự ra đời của Hoàng Hoa Thám, vai trò của ông trong việc đánh dẹp Thanh phỉ, xây dựng làng chiến đấu, diệt quân xâm lược Pháp, sức cuốn hút của địa hình Yên Thế với các đại thủ lĩnh, các bước phát triển của phong trào Yên Thế, vai trò của Đội Văn và Kì Đồng ở Yên Thế, kể cả sự trợ giúp cách mạng Trung Hoa (1898-1907)…

Thật cảm động khi đã bước vào độ tuổi xưa nay hiếm mà tác giả vẫn tâm niệm “khát vọng biên soạn một công trình chuyên khảo dày về người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cháy bỏng trong tâm khảm từ lâu, đến giờ mới thành hiện thực” như ông đã viết trong Lời đầu sách. Một tình cảm chân thành. Một ý định thật sự khoa học muốn đeo đuổi đến cùng đề tài mình đã chọn.

Ngay từ khi tác phẩm Khởi nghĩa Yên Thế ra đời, tôi đã bày tỏ sự vui mừng của bản thân khi có ý định nghiên cứu, biên khảo lại để nâng cao tác phẩm Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế của chúng tôi được xuất bản từ lâu nhưng chưa thành, nay đã có người thay thế đảm nhận công việc này xứng đáng, thì đến Hoàng Hoa Thám (1836-1913) tôi càng cảm phục hơn khi thấy tác giả lại dành rất nhiều công sức, tìm tòi để tiếp tục được đóng góp cho khoa học. Có thể khẳng định Hoàng Hoa Thám (1836-1913) so với các công trình trước viết về khởi nghĩa Yên Thế đã có một bước phát triển mới về nội dung, đáp ứng được yêu cầu học hỏi, tìm hiểu của bạn đọc về cuộc khởi nghĩa này. Vì vậy, việc xuất bản Hoàng Hoa Thám (1836-1913) là một việc nên và cần làm bởi đây là một chuyên khảo xứng đáng được bạn đọc trân trọng đón nhận.

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2013GIÁO SƯ SỬ HỌC ĐINH XUÂN LÂMNhà giáo nhân dân, Phó Chủ tịchHội Khoa học Lịch sử Việt Nam***
Khát vọng biên soạn một công trình chuyên khảo đầy đủ về người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cháy bỏng trong tâm khảm từ lâu, đến giờ mới thành hiện thực.

Những gì mà tập sách này gặt hái được là nhờ công gieo trồng của những vùng quê từng sản sinh và nuôi dưỡng bậc thiên tài quân sự ấy trong những năm đầy sóng gió và bi thương; đã chở che và nâng bước người thủ lĩnh cùng các chiến hữu của ông hiên ngang trước kẻ xâm lăng có sức mạnh quân sự vượt trội. Xin được xem đấy là nén tâm hương của tác giả dâng tặng quê nhà, dâng lên cố Giáo sư Trần Quốc Vượng, và là lời biết ơn đối với Giáo sư Đinh Xuân Lâm - những người thầy đã truyền dạy nhiệt huyết và lòng yêu nghề tha thiết cho tôi. Xin được cảm ơn các thân hữu Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân và Nguyễn Đình Bưu đã từng giúp Khởi nghĩa Yên Thế 16 năm về trước ra mắt tại Hà Nội và giờ đây là những trang tiếp nối mạch nguồn ấy tiếp tục đến tay độc giả. Xin được tỏ lòng biết ơn ông Phan Trác Cảnh - nhà sách cũ; cố thi sĩ Hoàng Cầm - một dịch giả tài hoa, đã giúp cho tác giả có thêm sự hiểu biết.

Hoàng Hoa Thám (1836-1913) hi vọng sẽ là sự cảm tạ chân thành nhất đối với vùng đất Hưng Yên, Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi vị anh hùng dân tộc đã từng gắn bó.

Đây cũng là những lời tri ân của tác giả đối với những đóng góp chí tình của Hội đồng thẩm định, Hội đồng khoa học thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam do Giáo sư Phan Huy Lê đứng đầu; là món quà nhỏ gửi tặng những xóm làng và núi rừng Yên Thế, phố phường Hà Nội nhân kỉ niệm 100 năm ngày Hoàng Hoa Thám hi sinh (1913-2013), 105 năm ngày Khởi nghĩa Hà Thành (1908-2013), 122 năm ngày Lương Văn Nắm bị sát hại (1892-2014) và 130 năm ngày quật khởi của nhân dân Yên Thế dưới cờ Đề Nắm-Đề Thám chống Pháp xâm lược (1884-2014).

Kể từ khi Hoàng Hoa Thám (1836-1913) được ra mắt độc giả đến nay, tác giả vẫn tiếp tục tìm tòi thêm tư liệu và ghi chép điền đã. Bởi vậy tác giả đã nhận ra rằng bên cạnh tính chất giải phóng dân tộc xuyên suốt 30 năm của cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) cần được lồng ghép vào đấy chừng 7 năm tồn tại của tư tưởng cần Vương giúp vua cứu nước với sự ngự trị của Quân thứ Song Yên đặt dưới sự chí huy tối cao mà Tán tương Tổng thống quân vụ Thân Bá Phức đảm nhiệm. Vì nghiệp chung, Lương Văn Nắm đã hòa trộn địa bàn, mục tiêu tranh đấu, vai trò chủ soái để nhận đúng trách nhiệm của một Phó tướng Tả dực tướng quân. Với Hoàng Hoa Thám, mãi khi chiến hữu hi sinh, nghĩa phụ rời bỏ cuộc chiến mới đảm nhiệm vị trí Tổng chỉ huy, khơi lại nguồn lạch và tiếp tục dòng chảy ban đầu mà Lương Văn Nắm để lại.

Nhờ có lần tái bản này, tác giả có thêm những dòng về sự hiểu biết mới đối với Thân Bá Phức - vị tướng lừng danh, một sĩ phu lão luyện, linh hồn của Quân thứ Song Yên. Nếu không có sự tận tụy và hi sinh vô bờ bến của ông, không có công lao dưỡng dục và rèn luyện của ông, chắc gì chúng ta có được một anh hùng dân tộc như Hoàng Hoa Thám. Đó chính là điều tác giả muốn thể hiện thêm trong cuốn sách này, dù điều đó là muộn màng và nhất là còn quá mờ nhạt.