Hội An - Di sản thế giới

  • Lượt đọc : 176
  • Kích thước : 5.30 MB
  • Số trang : 359
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 142
  • Số lượt xem : 1.409
  • Đọc trên điện thoại :
Vào đầu thế kỷ XIV, vùng đất thị xã Hội An ngày nay còn thuộc lãnh thổ của Chămpa, mà ngày đó là Lâm Ấp Phố, một thương cảng nằm bên bờ sông Chợ Củi (về sau được gọi là sông Thu Bồn), gần với cửa biển Hải Khẩu Đại Chiêm (Cửa Đại ngày nay).

Sau khi vua Chămpa Chế Mân dâng tiến hai Châu Ô, Châu Lý cho nhà Trần làm lễ vật nạp trưng để xin cưới công chúa Trần Huyền Trân, con gái của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông vào giữa năm 1306, vùng Đại Chiêm và Lâm Ấp Phố đã thuộc vào lãnh thổ của Đại Việt.

Năm 1307, vua Trần Anh Tông đã đặt tên cho hai châu mới đó là Thuận Châu và Hóa Châu. Hóa Châu có huyện cực nam là Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong mà ở đó có Lâm Ấp Phố. Về sau địa danh Hội An, mà người phương Tây gọi là Faifoo, đã thay thế cho Lâm Ấp Phố.

Sau khi thuộc lãnh thổ Đại Việt, Hội An đã trở thành một đô thị thương cảng nổi tiếng ở Đàng Trong, có quan hệ với đường hàng hải quốc tế từ phương Tây sang phương Đông, một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa và gốm sứ xuyên đại dương trong những thế kỷ XVI - XVIII.

Chúng tôi cố gắng đi ngược dòng thời gian để tìm thời điểm xuất hiện địa danh đó trong các thư tịch cổ qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, bởi lẽ theo các nhà nghiên cứu của nước ta, Hội An có nhiều tên gọi khác nhau trong lịch sử như Hoài Phố, Hai Bộ, Hổ Bi, Hai Phổ, Cổ Trai, Cổ Tam...

Theo sách “Ô Châu Cận Lục” do Nguyễn Văn An nhuận sắc và được in dưới thời Nam – Bắc triều (1527 – 1592) vào năm 1553 đã cho thấy vào thời kỳ đó, huyện Điện Bàn có 66 xã, trong đó có các xã Bàn Thạch, Hoài Phố, Cẩm Phô, Lai Nghi nhưng chưa thấy ghi địa danh Hội An. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng Hoài Phổ là tên gọi của Hội An xưa.