Huệ Tím

Thể loại: Thiếu Nhi ;Truyện
Tác giả : Hermann Hesse
  • Lượt đọc : 346
  • Kích thước : 0.81 MB
  • Số trang : 83
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 107
  • Số lượt xem : 1.167
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Huệ Tím trên điện thoại
Mở trang sách Huệ tím, người đọc như bước vào một khu vườn kỳ ảo, thấy đôi mắt mình trở nên trong veo, tò mò như đứa trẻ nhìn rất lâu vào "tận trong một đóa hoa". Nhìn sâu rồi trí tưởng tượng mở ra, từ ánh mắt thấy vẻ đẹp, trái tim bỗng được cảm nhận một tình cảm thiện lành ấm nóng bao dung với chính mình và mọi người.

Huệ tím là một tập truyện nhỏ xinh, gồm 5 truyện cổ tích của tác giả người Đức Hermann Hesse (1877 - 1962).

Với truyện Huệ tím, người đọc như cùng được lớn lên với Anselm. Từ tuổi thơ ngắm hoa, đuổi bướm, trò chuyện cùng chim sáo và cỏ cây, năm tháng trôi qua Anselm không còn là chú bé con, cảm xúc thơ ngây tan đi: "Những viên sỏi sặc sỡ ở bồn hoa trở nên buồn nản, những đóa hoa như đã thành câm và những con bọ rày bị cậu lấy kim xâu bỏ vào hộp...". Anselm trở thành một chàng trai lăn xả vào cuộc đời, từ bỏ quê hương đi học hành nơi xa. Khi đã trở thành một người có học vị, nghề nghiệp chàng đã gặp một tình yêu và lạ thay cô gái đẹp đó gợi lại cho chàng cảm xúc của những bông hoa trong vườn nhà tuổi thơ xưa... Từ tuổi trưởng thành khắc khổ với những đam mê vật chất, họ trở về với những xúc động thơ ngây chốn quê nhà, đó là điểm tận cùng hạnh phúc - là thông điệp ý nghĩa mà tác phẩm gửi tới độc giả.

Chuyện chàng Augustus kể về từng bước thăng trầm cuộc đời. Khi cậu được sinh ra đã mất cha, người mẹ nghèo khổ gặp người hàng xóm kỳ lạ giúp đỡ. Mẹ Ausgustus có một điều ước khi sinh con: "Mong tất cả mọi người đều phải yêu thương con". Tưởng điều ước đó sẽ đem lại cuộc sống hạnh phúc cho đứa con yêu quý của mình, nhưng bà mẹ hiền hậu đã phải chứng kiến sự tàn nhẫn độc ác và ích kỷ của đứa con khi luôn nhận được tình thương yêu vô bờ bến của mọi người.
Truyện Bích thảo hóa thân và Thi nhân đều là những truyện ngắn kỳ ảo vừa dạt dào xúc cảm tưởng tượng theo lối Tây phương, vừa phảng phất lời trò chuyện tâm tình sâu sa của một nhà hiền triết Đông phương. Câu chuyện Bích Thảo hóa thân dẫn dắt bạn đọc theo chân chàng Bích Thảo tới thiên đường và gặp một cái cây kỳ lạ... Biết bao sự biến hóa diệu kỳ đã diễn ra phong phú và sinh động dường như là một "bữa tiệc" tượng tưởng cho độc giả.

Với Tin lạ từ một hành tinh xa, tác giả Hermann Hesse đã dự cảm thế giới trong thế kỷ mới đầy biến động, dữ dội và đau khổ, để rồi sáng tạo ra một thế giới cổ tích khác nhân bản hơn, con người sống tử tế và dành cho nhau tình yêu thương như tình yêu cái đẹp, như hoa tươi thơm ngát... Việc lựa chọn dành cho trẻ em những truyện cổ tích vừa giàu chất thơ vừa mang hơi thở của cuộc sống thời hiện đại như thế, có lẽ những người làm sách mong muốn được gieo mầm thiện lên tâm hồn trong trắng của bạn đọc nhỏ tuổi...
***
Văn hào lỗi lạc người Đức Hermann Hesse sinh ngày 2/7/1877 tại Đức. Cha mẹ ông đều là những nhà truyền giáo từng làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, còn ông ngoại là nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ, bởi vậy tư tưởng của Hesse chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo.

Cảnh gia đình trí thức ngoan đạo với sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau ảnh hưởng rất sâu đậm trong con người nhà văn Hermann Hesse. Tâm hồn ông luôn chuyển động giữa hai cực Đông - Tây để đi tìm một nhân loại thuần khiết, một nhân loại sống trong cảnh bình yên.


Hermann Hesse khởi nghiệp sáng tác bằng thơ ca năm 1898, với tập thơ "Romantische Lieder" (Các bài hát lãng mạn). Tuy nhiên, tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn qua các tiểu thuyết "Peter Camenzind", "Demien", "Steppenwolf" (Sói đồng hoang), "Siddhartha" và "Das Glasperlenspiel" (Trò chơi với chuỗi hạt cườm). Con đường sáng tác của Hesse đi từ tình cảm cô đơn và nỗi buồn lãng mạn của cuối thế kỷ XIX đến tầm nhìn xa trông rộng, có trách nhiệm đối với xã hội ở thế kỷ XX, ước mơ và tin chắc vào tương lai tốt đẹp hơn của con người.

Hermann Hesse đã từng viết : "Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này".

Cuộc đời ông đã trải qua vô vàn những thăng trầm đau đớn, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo. Năm 1946 ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học.
***
Một buổi sáng tinh mơ, tình cờ nhìn thấy bông hoa tươi xinh màu tím, chú bé nghe tim mình rung động hướng về đóa hoa. Chú nhìn, ngắm, rồi quan sát, cảm thấy mình và hoa là một - đóa hoa huệ có màu tím nhạt dịu dàng như giấc mơ êm ái trong lòng mẹ... Chuyện Huệ tím bắt đầu bằng tên một bông hoa và lòng thương mến hoa, thấy hoa và trái tim mình hòa với nhau một nhịp như tay mẹ nắm tay con. Từ đó bắt đầu cuộc tìm kiếm khám phá sự bí ẩn trong lòng hoa, mà cũng là chính mình, cuộc tìm kiếm chính là tìm lại sự gặp gỡ trong trắng, ngây thơ ban đầu của hoa và người...

Có một chú bé được mẹ yêu vô cùng, mẹ nói lên một mơ ước mà tất cả các bà mẹ trên đời đều có: ước mọi người đều yêu thương con mình. Mẹ yêu con quá đến nỗi quên dạy con một điều: nếu được người yêu thì con nên biết yêu người. Yêu người có thể đem lại niềm vui còn hơn chỉ được yêu. Chú bé Augustus lên đường học yêu người đầy gian nan, và cuối cùng trở thành một người cho mọi người, tìm được giá trị thật sự của con người.



Một chú bé khác lạc vào thiên đường, hỏi con chim muôn màu đang bay lượn: “Chim ơi, hạnh phúc, vui sướng ở đâu?”. Chim bảo: “Hạnh phúc ở mọi nơi, trên núi dưới đồi, trong hoa đua nở, trong ngọc sáng ngời”. Nào tìm đi, như cuộc chơi trốn tìm, tìm niềm vui, mãi mãi, không bao giờ buồn. Chú bé Bích Thảo đi khắp thiên đường. Chú biến thành một cái cây theo ước muốn của mình. Lúc đầu chú vui sướng, tưởng đó là hạnh phúc, nhưng bỗng buồn, vì thấy cây không thể nhúc nhích, trong túc mọi vật đều thay đổi. Cuộc dạo chơi - gặp được nhiều điều, có khi lượm được viên ngọc quý đẹp - cuối cùng cho cậu bé nhận ra được hai điều còn quý hơn ngọc: đó là sự đổi thay, biến hóa của con người từ buồn qua vui, từ chim qua cá, từ cây sang mây, như hoa tàn mùa đông sang xuân lại nở, sự biến hóa đổi thay là niềm hy vọng xanh như mây bay, rực rỡ như bông hoa, cho nên con người bay trong mây trong nắng, trong hoa; hạnh phúc là khi được hóa thân mà không bị xơ cứng, già nua. Điều quý giá thứ hai mà chú bé thấy được là có một người bạn, nàng Thanh Thảo, cùng vui, cùng buồn, không còn cô đơn, riêng lẻ. Cho nên không có hạnh phúc cho riêng mình mà hạnh phúc với nhau, như Bích Thảo xanh với Thanh Thảo xanh, là cùng nhau, là song đôi...

Có một chàng thi sĩ từ phương Đông, tên chàng ấy có vẻ từ nước Tàu xưa. Ước mơ của chàng là trở thành thi sĩ giỏi nhất thế gian, nên miệt mài tìm thầy học đạo. Chàng thi sĩ tìm được người thầy và học, và học, và học, cuối cùng đạt đạo mà con người gọi là thi nhân, nhà thơ. Đạo “nhà thơ” là gì nhỉ? Hình như nghe câu hỏi này, tác giả - một người phương Tây ấy nhé - cười, có thể cười to và bảo với chúng ta: trong sách xưa - và cả nay - của ông bà các bạn đã nói chuyện đó rồi, tôi chỉ học hỏi từ họ, những người phương Đông rất xa xôi, và cảm nhận điều ấy, tôi đã tìm ra một nửa của tôi nơi đôi mắt phương Đông khi tôi bắt đầu muốn làm thi sĩ. Đạo làm thi sĩ đơn giản như tiếng cười hay tiếng khóc trẻ thơ: đó là bỏ Tâm phân biệt, nhìn thiên nhiên và con người bằng trái tim chan hòa, không so đo cao thấp, mộng thực là một, Đông Tây cùng nhau, tất cả đều chảy từ con tim rung động trước vũ trụ vô cùng.



Tác giả đưa chúng ta đến một hành tinh rất tạ, ông gọi là “một hành tinh trong chuyện cổ tích”. Một chàng trai trẻ tình nguyện đi tìm thật nhiều hoa để về tẩm liệm cho những người chết trong trận động đất tại xứ của chàng. Người thiếu niên đẹp từ thể xác đến tâm hồn ấy không biết chiến tranh là gì, chàng chỉ nghe kể lại như một chuyện cổ tích, đối với chàng “thế giới độc ác và chiến tranh chỉ có trong chuyện xưa”. Trên đường đi tìm hoa mang về cho người làng, chàng được một con chim khổng lồ đưa lạc vào hành tinh của chiến tranh, những cánh đồng đầy thây người, súc vật thối rữa, nhà cửa bị thiêu rụi hoang tàn, một hành tinh đau khổ so với hành tinh hòa bình và nhân ái chàng đang sống. Chuyện “cổ tích” mà chàng thường nghe bỗng hiển hiện trước mắt, chàng thấy trái tim mình quặn đau trước tang thương... Kết thúc truyện, chàng gặp được nhà vua, xin đủ hoa đem về làm lễ hiến dâng cho người chết. Cuộc du hành vào hành tinh xa lạ rồi cũng trôi qua như một giấc mơ hay như nghe một câu chuyện cổ tích.

Thông thường, truyện cổ tích là những chuyện đời xưa về một thế giới an hòa mà con người ở trong hiện tại mơ về, vì thực tế hiện tại trần trụi buồn bã, khổ đau. Nhưng ở đây, tác giả viết về thế giới đang có chiến tranh lại là quá khứ, là thời xưa, là cổ tích, còn hiện tại là một thế giới hòa bình, đại đồng, người chết phải có hoa đưa tiễn, con người giúp đỡ lẫn nhau, thế giới của hoa và mật, êm ái, ngọt ngào. Nhưng thực hay mơ đều cụ thể, đều là những cảm xúc trong tim của chàng trai trẻ. Rốt cùng chàng trai nhận ra, chính trong TÂM của mỗi người đều có chiến tranh và hòa bình, đau khổ và hạnh phúc, cảm nhận cả hai trong tình thương và hành động hàn gắn vết thương, như cử chỉ vừa xây nhà vừa hát bài ca từ bi có thể đem đến sự bình an cho tâm hồn.

Năm truyện cổ tích được giới thiệu trong tập sách với các bạn đọc Việt Nam được trích từ tập Truyện cổ tích (Maerchen) của tác giả người Đức Hermann Hesse (1877 - 1962), một đại văn hào của thế giới. Từ những thập niên đầu thế kỷ 20 cho đến ngày nay, tác phẩm văn chương của ông đã làm say mê người đọc trên khắp năm châu. Tác phẩm tiếng Đức của ông như Câu chuyện dòng sông (Sidhartha), Sói đồng hoang (Steppenwolf), Trò chơi bi chai (Glasperlenspiel), Đôi bạn chân tình (Narziss und Goldmund), Demian... được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và có thể nói được đọc nhiẻu nhất trong lịch sử văn học thế giới. Năm 1946, ông đoạt giải Nobel văn chương, cùng năm đó được trao tặng Giải thưởng Goethe và sau đó là Giải thưởng Hòa bình ở Đức. Sự nghiệp văn chương của ông bao gồm nhiều thể loại, đa dạng, sâu sắc và tài hoa: truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, nhật ký, tự sự, thơ, họa... Truyện Bích Thảo hóa thân do chính ông vẽ minh họa. Mặc dù sự nghiệp văn chương lớn lao, nhưng ông dành sự chú tâm của ngòi bút vào sáng tác truyện cổ tích, một thể loại văn chương bình dân. Dưới ngòi bút của ông, cổ tích bình dân trở thành cổ tích nghệ thuật.

Không phải là một ông già ngồi kể chuyện cổ tích mà là một cậu bé lên mười kể chuyện, một bông hoa, một hương thơm, một tiếng chim kêu, một nốt nhạc, một giọt nước mắt... Cũng không phải ông lão già nua, mà là một người trung niên, lúc tuổi bốn mươi, đã mạnh dạn cho ra đời tập truyện cổ tích đầu tiên (1919), Huệ tím (Iris) được viết năm 1916. Đối với ông, tuổi thơ của đời người là đoạn đời không những đẹp mà còn quan trọng nhất. Tuổi thơ ấn định cả cuộc sống chung và riêng của con người với mọi người, với vạn vật xung quanh. Những cảm nhận đầu tiên trong mắt của một đứa bé là những gì chân thực đến từ trái tim và trực tiếp từ con tim, làm nên hạnh phúc. Bỏ quên tuổi thơ, con người lao đao đau khổ vì mất phương hướng nhận ra nguồn gốc con người.


Đối với Hermann Hesse, TRẺ - GIÀ gần nhau như bóng với hình, trong trẻ đã có già và trong già không được mất trẻ. Tìm lại được tuổi thơ là tìm lại được giá trị đích thực của đời người. Tinh yêu tuổi thơ, giữ được tuổi thơ làm cho con người hạnh phúc hơn, bao dung hơn.

Đọc truyện cổ tích của Hermann Hesse hôm nay là một lời mời cùng với tác giả đi thăm vườn hoa tuổi thơ trong hiện tại, để nhớ về tuổi thơ đã qua quý giá đến chừng nào và để thương yêu những nụ hoa non mới chớm nở, để rồi TRẺ CÙNG GIÀ, mở lòng từ bi, yêu mến mọi người mọi vật trên thế gian.