Khảo Luận Về Đoạn Trường Tân Thanh

Tác giả : Doãn Quốc Sỹ
  • Lượt đọc : 406
  • Kích thước : 2.16 MB
  • Số trang : 287
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 269
  • Số lượt xem : 2.027
  • Đọc trên điện thoại :
BÀI BIA KỶ NIỆM TIÊN ĐIỀN NGUYỄN TIÊN SINH
Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường.

Tiếng ta phần nhiều căn cứ ở chữ Tầu, tư tưởng cũng hấp thụ ở văn Tầu, song vẫn tự có một thể tài riêng, một tinh thần riêng, xem những ca dao ngạn ngữ truyền đến ngày nay nhiều câu thật thà mộc mạc ý vị sâu xa, chắc rằng cái mầm sống văn ta đã nầy nở từ thời kỳ tối cổ. Đến đời Trần, ông Nguyễn-Thuyên, ông Nguyễn-sĩ-Cố đem lối thi phú làm bằng tiếng nôm, văn ta một ngày một thịnh, dù học hiệu chưa giảng, khoa cử chưa dùng, song hán học thịnh lên bao nhiêu thì cái kho văn liệu của tiếng ta càng giầu thêm bấy nhiêu, cho nên các bậc tiền bối thâm về hán học, như ông Tiều-Ấu, ông Ức-Trai, ông Bạch-Vân-Am, ông La-Sơn đều nổi tiếng về quốc văn cả. Nay thử kể qua những tập văn nôm cũ, chất phác như Trê Cóc, nghiêm chỉnh như Trinh Thử, lâm ly như Cung Oán, diễm lệ như Hoa Tiên đều là cái lịch sử rực rỡ vẻ vang của văn chương tiếng Việt. Ai bảo rằng một giải đất con con dưới ánh sáng lập loè sao Dực Chẩn lại không đủ tinh hoa linh tú để chung đúc được với bao nhiêu Lý, Đỗ, Hàn, Tô hay sao ?

Song xét cho kỹ, quốc văn từ Lê về trước thì chất thắng, từ Lê về sau thì văn thắng, tìm một nhà chiết trung cả chất văn, để làm tiêu biểu cho hán học, thì Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh là bậc đệ nhất vậy ?

Tiên sinh huý là Du, tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng sơn Liệp hộ, sinh năm Ất dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (1765), mất ngày mồng mười tháng tám, năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820) con thứ bẩy ông Hoàng Giáp Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An. Tiên sinh vốn thiên bẩm cao, hậu về tình, hào về khí, hùng về tài lại bác thâm về học vấn, ma chiết về cảnh ngộ, nên văn chương dung hoá, thấu lý nhập thần không kể những tập viết bằng chữ Hán như Bắc hành thi tập, Nam trung tập ngâm, Thanh hiên tiền hậu tập, còn ngâm vịnh trứ thuật bằng quốc âm cũng nhiều, mà thứ nhất tập Đoạn Trường Tân Thanh (tức là truyện Kiều) thực là một cuốn văn kiệt tác trước sau chưa có bao giờ.



Hội ta nghĩ rằng : Hán văn đã một ngày một lui để nhường cái đặc vị chính đáng cho quốc văn, thì quốc văn tất có cái tương lai rất quan hệ, rất mật thiết với nước ta, mà một bậc sở trường về quốc văn không ai bằng tiên sinh, giá trị quốc văn nay tôn lên cũng nhờ ngọn bút tiên sinh. Nay quốc dân đương cổ vũ về quốc văn há lại quên một bậc đã có công với quốc văn hay sao ? Đã hay những bậc huân nghiệp đời trước không phải một mình tiên sinh, song hội ta sùng bái tiên sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc văn, mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh ; mà cả tư tưởng học thuật đều bởi đó đằng tiến mãi lên, vậy thì một bậc đã có công to với quốc văn tức là có công to với nước vậy.

Tiên sinh lúc lâm chung có khẩu chiếm một câu rằng : « Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như »… dẫu danh nhân tâm sự giãi với giang sơn, lời đổng khốc để đợi người thức giả, song nay vì tiếng vì đất mà nhớ đến người thì bài bia này dù không dám đương được chữ « khấp » cũng gọi là chữ « truyện » hay chữ « ký » để thay một nén hương chung của quốc dân vậy.

Minh rằng :

Đất đục trời trong, hoà tan làm mực.

Nước biết non xanh, tả nên đây bức,

Đã sẵn tài tình quản gì phong sắc ?

Hồn văn đi về cho thơm sực nức.

Kiếm gác bên đền, gió mưa vẫn sắc.

Bút tựa mặt hồ, trăng sao vằng vặc.

Cảnh ấy bia này nghìn thu dằng dặc.

(Ngày rằm tháng hai năm Kỷ tỵ

Hội Khai-Trí-Tiến-Đức cần chi)

« VỊNH KIỀU »

I. Giọt nước Tiền-đường chẳng rửa oan,

Yên hoa bao trắng nợ hồng nhan ?

Lòng tơ còn vướng chàng Kim-Trọng ;

Gót ngọc chưa tiêu chốn Thuỷ-quan.

Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp ;

Một giây bạc mệnh dứt cầm loan.

Cho hay những kẻ tài tình lắm,

Trời bắt làm gương để thế gian.

(Dịch nguyên Hán văn của

Hoa-đường Phạm-quý-Thích)

II. Đã biết má hồng thời phận bạc,

Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng.

Chiếc quạt thoa, đành phụ nghĩa Kim-lang,

Nặng vì hiếu nhẹ vì tình thời cũng phải.

Từ Mã Giám-Sinh cho đến chàng Từ-Hải,

Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu.

Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu ?

Mà bướm chán ong chường cho đến thế ?

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa ;

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm !

Bán mình trong bấy nhiêu năm,

Đố đem chữ « hiếu » mà nhầm được ai !

Nghĩ đời mà ngán cho đời.

(Nguyễn-công-Trứ)

III. Kiều nhi giấc mộng bặt như cười.

Tỉnh dậy xuân xanh quá nửa rồi !

Số kiếp bởi đâu mà lận đận ?

Sắc tài cho lắm cũng lôi thôi !

Cành hoa vườn Thúy hương còn bén ;

Non nước sông Tiền nợ chửa xuôi.

Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi,

Khăng khăng với lấy một phần đuôi.

(Yên-Đổ Nguyễn-Khuyến)

IV. Than ôi ! một bước phong trần, mấy phen chìm nổi ! Trời tình mù mịt, bể hận mênh mông. Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch ! Ai dư nước mắt khóc người đời xưa ? Thế mà giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm dương chan chứa ; lòng cảm cựu ai xui thương mướn ? Nghe câu Ngọc-thụ não nùng. Cho hay danh sĩ giai nhân, cùng kiếp hoa nghiêm nặng nợ. Ngán nỗi non xanh đất đỏ để riêng ai lưu lạc đau lòng.

(Trích bài tựa Hán văn đề Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập của Chu-mạnh-Trinh, Đoàn-tự-Thuật dịch)

V. Tiếng sóng ân tình bốn mặt ran,

Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn !

Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng ;

Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan,

Tổng đốc ví thương người bạc phận,

Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan,

Chờ chờ nấm đất bờ sông nọ,

Hồn có nghe xăng mấy giọng đàn ?

(Tản-Đà Nguyễn-khắc-Hiếu)

« CẢM ĐỀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH »

I. Oan nghiệp khư khư buộc lấy mình,

Xót cho tài sắc lại đa tình.

Gió mưa năm ngón hai dòng lệ,

Cát bụi mười phương một chữ trinh.

Giữa cuộc bao phen liền nhắm mắt,

Trong mơ nửa kiếp đã in hình,

Đoạn trường tiếng ấy nghìn thu mới,

Trang Cảo Thơm còn dấu hiển linh.

II. Trăng xế hoa gần, đêm tịch liêu,

Sử Phong Tình ngát, sóng tình xiêu.

Văn Hà Tĩnh, truyện đời Gia Tĩnh,

Nhớ Át Kiều, thương nghiệp Thúy Kiều.

Hòn đá ba sinh lăn lóc mãi,

Tấm lòng thiên cổ vấn vương nhiều.

Mua vui cũng được… ai người khóc ?

Hoài cảm riêng mình thử nói điêu.

III. Ý đã cao mà bút đã tinh.

Nòi si vạn thuở một dây tình.

Cảm thông đến cả trời Nam Quốc.

Luân lạc riêng gì gái Bắc Kinh ?

Hạt bụi nhớ quên lòng đại khối,

Hoa đèn thức ngủ bướm Trang Sinh.

Ấy ai soi tấm gương « tài lụy ».

Có thấy hồn ai nhập bóng mình ?

IV. Ôi Thúy Kiều xưa khóc Đạm Tiên,

Hoàng Lang giờ lại khóc Tiên Điền.

Dây thông cảm buộc từ ba kiếp,

Sổ đoạn trường ghi chẳng một tên

Xác mới đây còn thân cũ nhớ,

Trời xanh đâu chỉ má hồng ghen.

Bốn trăm năm lẻ tình khôn dứt,

Lệ trước mồ chưa ráo trước đèn.

V. Ai rằng u hiển với quan san,

Trích địa tây thiên một nỗi hàn

Song nỡ mai, ngờ sen động giấc

Thơ rơi lệ tưởng máu loang đàn.

Gối chăn lạnh đấy hoa kiều sử,

Vòng xuyến về chưa nguyệt thế gian.

Tình-sách-đời nghe lòng sực thức.

Trầm luân biết có bể vơi oan ?

(Trích tập thơ « Rừng Phong » VŨ HOÀNG CHƯƠNG)

Thuộc bộ sách