Khoa Cử Và Các Nhà Khoa Bảng Triều Nguyễn

Thể loại: Lịch Sử
  • Lượt đọc : 6
  • Kích thước : 30.86 MB
  • Số trang : 649
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 268
  • Số lượt xem : 1.751
  • Đọc trên điện thoại :
Trong mục tiêu bảo tồn Di sản Văn hóa Huế, một quần thể di tích đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Nhân loại, Văn Miếu Huế là một điểm di tích quan trọng cần đặt vấn đề ưu tiên để phục hồi diện mạo như xưa. Đây là một công cuộc lớn lao đòi hỏi nhiều công sức tiền của và trí tuệ của cả nước, không thể một sớm một chiều, mà phải tích lũy tư liệu cùng nghiên cứu hiện trạng một cách khổ công. Bên cạnh sự nghiên cứu kỹ thuật, vật liệu truyền thống, mô hình kết cấu, nền móng, mỹ thuật, trang trí... của những điện đường ở Văn Miếu nhằm mục đích tái hiện một Văn Miếu tráng lệ như xưa, những nhà nghiên cứu của chúng tôi còn phải nghiên cứu phần hồn của ngôi miếu này, nghiên cứu các tế lễ đã diễn ra ở đây, cả ý tưởng của người xưa khi lập miếu, đồng thời quan trọng hơn cả là phải nghiên cứu tìm tòi để có thể phục chế văn tự trên 32 tấm bia Tiến sĩ văn, 2 tấm bia Tiến sĩ võ cùng những tấm bia khác hiện diện ở đó một cách chuẩn xác như nó đã là.

Ý thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu văn tự trên tất cả các tấm bia ở Văn Miếu, Võ Miếu, chúng tôi đã tổ chức, tạo điều kiện cho các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm thực hiện đề tài "Khoa cử và các nhà Khoa bảng triều Nguyễn. Đây là một công trình đòi hỏi nhiều công phu và tâm huyết. Để những tấm bia Tiến sĩ ở Văn Miếu và Võ Miếu đã bị bào mòn nghiệt ngã (có tấm không còn chữ nào) phải nói lên đúng “bản lại chân diện mục" của mình, những cán bộ nghiên cứu của chúng tôi đã phải miệt mài nghiên cứu, tìm tòi trong một thời gian dài. Công việc này vô cùng vất vả, đôi khi chỉ một câu, một chữ, một địa danh cũng khiến các tác giả phải mất bao nhiêu thời gian và công sức. Thật đáng mừng, công sức của những nhà nghiên cứu đã đem lại kết quả như ý, 32 tấm bia Tiến sĩ văn, 2 tấm Tiến sĩ võ, 3 tấm Võ công cùng 2 tấm bia khắc lời dụ của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị đều được tái hiện rõ ràng đầy đủ, đồng thời tất cả đều được phiên âm, dịch nghĩa, chú giải mạch lạc. Chỉ nói trên phương diện bảo tồn trùng tu di tích, cộng trình này đã mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Văn tự chữ Hán ở trên 2 ngôi miếu này là một mắc xích cay nghiệt khi đặt vấn đề "đại gia trùng trụ trong công tác bảo tồn. May thay, mắc xích này đã được tháo gỡ, phần hồn của 2 ngôi Văn Miếu và Võ Miếu đã được tái hiện, và càng hay hơn nữa, tất cả đều được ra mắt độc giả để trưng cầu ý kiến trước khi đưa vào dự án trùng tu. Chúng tôi rất mong mỏi sự góp ý của tất cả những người quan tâm đến công cuộc bảo tồn đang từng ngày từng giờ khắc khoải nhằm mục đích tái hiện một Cố đô cổ kính uy nghiêm như ngày nào...