Lăng Mộ Taj Mahal Ở Đâu?

Thể loại: Lịch Sử ;Địa lý
Tác giả : Dorothy Hoobler
  • Lượt đọc : 326
  • Kích thước : 0.67 MB
  • Số trang : 38
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 274
  • Số lượt xem : 1.873
  • Đọc trên điện thoại :
“Một kiệt tác được ngưỡng vọng trong kho tàng di sản thế giới.”
UNESCO

***
Lâu đài Taj Mahal: Giọt nước mắt lăn trên má thời gian

Taj Mahal được xem là một trong những công trình kiến trúc lãng mạn và lộng lẫy nhất thế giới. Đến Ấn Độ, bạn không nên bỏ qua điểm du lịch giá trị này. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa Thế giới và là một trong bảy kỳ quan của Thế giới hiện đại.

Điều khiến Taj Mahal ở Agra trở thành một trong bảy kỳ quan của Thế giới không chỉ bởi vẻ tráng lệ của tòa lâu đài mà còn bởi nhiều lý do khác. Chính lịch sử Taj Mahal đã thổi hồn cho cái đẹp ở nơi đây. Bước chân tới Taj Mahal, du khách cảm nhận được một tâm hồn tràn đầy tình yêu pha lẫn nỗi đau mất mát và sự hối hận.

Chúng ta thực sự xúc động trước tình cảm mà một người đàn ông dành cho vợ của mình, tình cảm ấy sâu nặng đến mức ngay cả khi người phụ nữ đã đi đến cõi vĩnh hằng, người chồng vẫn luôn giữ những kỷ niệm về vợ trong tâm trí mình. Và ông ấy muốn đảm bảo rằng, những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ đó sẽ không bao giờ mờ nhạt theo thời gian.

Người đàn ông ấy là Hoàng đế Shah Jahan. Người vợ của ông là Hoàng hậu Arjumand Banu Begum. Bà vốn là công chúa nước Ba Tư theo đạo Hồi. Hoàng đế Shah Jahan là con trai của Hoàng đế Jehangir và là cháu trai của Đại đế Akhar. Vào năm 14 tuổi, Hoàng đế Shah Jahan đã gặp và nảy sinh tình cảm với công chúa Mumtaz. Năm năm sau, vào năm 1612, họ đã kết hôn.



Hoàng hậu Mumtaz Mahal, người luôn “như hình với bóng” với Hoàng đế Shah Jahan, qua đời vào năm 1631 trong lúc sinh đứa con thứ 14 của hai người. Chính nỗi nhớ dành cho người vợ yêu đã khiến Hoàng đế Shah Jahan cho xây dựng một lâu đài lộng lẫy để dành riêng cho Hoàng hậu Mumtaz. Ngày nay, mọi người gọi công trình nguy nga đó là Taj Mahal.

***
Vị hoàng đế, sau này được biết đến với tên gọi Shah Jahan, là hoàng đế thứ năm của đế quốc Mogul (1526 - 1858), vùng đất bao trùm phần lớn Ấn Độ ngày nay. Ở giai đoạn cực thịnh, đế quốc Mogul bao trùm cả phần lớn Pakistan và Afghanistan.

Sáu vị vua đầu tiên của đế quốc Mogul hẳn là những bậc đế vương giàu nhất thế gian. Những vị khách phương Tây đã lan truyền nhiều câu chuyện về sự giàu có và quyền lực của Mogul. Các hoàng đế phương Tây ngưỡng vọng một Mogul lộng lẫy, xa hoa. Khoảng những năm 1600 và 1700, thuật ngữ “Great Mogul” trong tiếng Anh hàm ý dạng quyền lực cai trị tột bậc mà vua chúa phương Tây khao khát.

Tiếng tăm về sự giàu có của Mogul đã tạo ra từ “mogul” trong tiếng Anh để chỉ người giàu có – mà ngày nay vẫn còn sử dụng. Những người đạt thành tựu chói lọi trong kinh doanh, đặc biệt là trong công nghiệp điện ảnh, được gọi là “mogul”.

Nói tới Shah Jahan, mọi thứ liên quan đến ngày sinh của ông vào năm 1592 dường như đều là điềm tốt. Ấy là năm 1000 trong lịch Hồi giáo và tháng trùng với tháng sinh của Đức Muhammad – người sáng lập đạo Hồi.

Hồi giáo

Hồi giáo khởi phát từ nhà tiên tri Muhammad vào thế kỷ 7. Ngài sống ở Ả Rập. Thánh kinh của đạo Hồi là Kinh Koran. Giống như Do Thái giáo và Kitô giáo, Hồi giáo răn dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa. Tín đồ Hồi giáo tin rằng Chúa Jesus, Moses là những nhà tiên tri giống như Đức Muhammad.

Tín đồ Hồi giáo coi Mecca, thành phố thuộc Ả Rập Saudi, là vùng đất thánh. Mỗi ngày năm lần, họ hướng về thánh địa Mecca cầu nguyện. Ai nấy đều cố gắng hành hương về đất thánh ít nhất một lần trong đời.



Vào thời cổ đại, tín đồ Hồi giáo đã truyền bá tôn giáo của mình ra cả một vùng rộng lớn, từ Bắc Phi đến trung tâm châu Á. Những hoàng đế của đế quốc Mogul cũng là tín đồ Hồi giáo. Nhưng họ vẫn chấp thuận cho thần dân theo tôn giáo khác.

Khi sinh ra, hoàng tử được đặt tên là Khurram, hàm ý “tràn hạnh phúc”. Trước khi cậu bé chào đời, một nhà tiên tri trong triều đã có lời tiên đoán với Ruqaiya, người vợ đầu của ông nội hoàng tử. Rằng đứa trẻ này sẽ có một tương lai rực rỡ và “chói lọi hơn cả vầng dương”.

Ruqaiya không có con cái. Bà muốn nuôi dưỡng hoàng đế tương lai. Thế nên mới lên sáu, hoàng tử Khurram đã bị đoạt khỏi tay mẹ và đưa tới chỗ Ruqaiya. Người ta bù đắp nỗi mất mát này cho người mẹ bằng ngọc ngà châu báu. Kể từ đó, Ruqaiya lo việc nuôi dạy hoàng tử nhỏ.

Như mọi đứa trẻ hoàng gia, hoàng tử Khurram lớn lên trong hậu cung. (Từ “hậu cung” trong tiếng Anh là “harem”, xuất phát từ tiếng Ả Rập với nghĩa “bất khả xâm phạm”.) Ấy là nơi phụ nữ và trẻ em hoàng gia sinh sống, tách biệt hẳn với thế giới đàn ông. Những người vợ vua sống ở đó, cùng mẹ, dì, cháu chắt nhà vua. Cung nữ cũng sống ở đó. Ngay cả những người bảo vệ hậu cung cũng là phụ nữ được rèn giũa kiếm cung. Chỉ có duy nhất một người đàn ông trưởng thành được bước vào đây là hoàng đế. Ông ngủ tại nơi này. Phần lớn giấy tờ quan trọng được lưu giữ ở hậu cung.

Hậu cung

Hậu cung là một quần thể nhà ở hoàng gia xa hoa, rộng lớn. Ngoài trường học, khu chăm sóc trẻ em, còn có chợ búa, xưởng giặt, nhà bếp, sân chơi, nhà tắm. Các trò giải trí là bắn pháo hoa, biểu diễn điều khiển rắn, biểu diễn gấu nhảy, đấu linh dương. Nhưng thú vui được ưa thích nhất là chưng cất dầu thơm. Người phụ nữ trong hậu cung thậm chí còn bỏ vốn làm ăn ở bên ngoài. Theo truyền thống Hồi giáo, khi xuất hiện ở nơi công cộng, phụ nữ phải che mặt bằng một tấm mạng. Nhưng ở trong cung, họ có thể gỡ mạng che.

Khurram bắt đầu học tập từ lúc bốn tuổi bốn tháng bốn ngày. (Bốn được coi là con số may mắn). Cậu học ở ngôi trường nằm trong thánh đường Hồi giáo. Ở đây, cậu được tìm hiểu giáo lý, nghệ thuật, văn chương và lịch sử. Cậu còn được học về hoàng tộc và tổ tiên nhà Mogul.

Từ tấm bé, Khurram đã rất yêu thích những thứ đẹp đẽ. Cậu thích xức nước hoa ướt đẫm mình và quần áo, thích chơi đùa cùng ngọc quý. Nhưng cậu cũng được học để trở thành chiến binh. Săn bắn và đánh trận là một phần cuộc đời cậu bé.

Khurram hay được gần gũi với ông nội – vua Akbar. Nhà vua đem cậu ra chiến trường để rèn giũa kiếm cung và học cưỡi ngựa. Mới lên chín, cậu bé Khurram đã được tham gia vào hội đồng quân sự.

Những ngày vua Akbar hấp hối, Khurram không rời khỏi giường ông nội nửa bước. Chín ngày sau khi nhà vua băng hà, cha của Khurram lên ngôi ở Pháo Đài Đỏ tại Agra. Ông lấy hiệu là Jahangir, “Người chinh phục thế giới”.

Pháo Đài Đỏ

Vua Akbar là một công trình sư vĩ đại. Ông đã cho xây Pháo Đài Đỏ kỳ vĩ ở Agra. Kiến trúc này gồm cung điện, sảnh thiết triều, cung thất hoàng gia và triều thần. Bao quanh pháo đài là 2,5 km tường kép. Để phô trương sức mạnh, có lần vua Akbar vừa kẹp mỗi bên tay một người đàn ông, vừa chạy vòng quanh pháo đài. Nơi đây, nhà vua xử án và nhận tấu sớ. Một vị thượng thư của ông viết lại: “Lâu đài sa thạch đỏ, tạo vật chưa ai từng chứng kiến, được tạo tác từ một bậc quân vương. Chỉ riêng pháo đài đã chứa 500 tòa nhà bằng đá nguy nga.”

Ở đây có hàng nghìn người sinh sống cùng các loài động vật như voi, sư tử, lạc đà. Pháo Đài Đỏ giữ vai trò quan trọng trong cuộc đời hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal.

Thái tử Khurram tiếp tục học tập, luyện rèn. Ông bộc lộ năng khiếu vượt trội trong quân sự, nghệ thuật và kiến trúc. Rồi đến năm 15 tuổi, cuộc đời ông bỗng thay đổi.

Điều gì đã xảy đến?

Ông gặp và phải lòng một cô gái.