Mạnh Tử

Thể loại: Triết Học
Tác giả : Nguyễn Hiến Lê
  • Lượt đọc : 605
  • Kích thước : 1.80 MB
  • Số trang : 122
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 643
  • Số lượt xem : 3.726
  • Đọc trên điện thoại :
Chương 1.
THỜI ĐẠI
Khổng Tử mất năm 479 trước Tây lịch (năm thứ 41 đời Chu Kính Vương) ở nước Lỗ. Triều đình Lỗ và môn sinh tống táng ông rất trọng hậu, chôn trên bờ sông Tứ, phía bắc kinh thành (ngày nay ở huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông).

Hết thảy các đệ tử đều coi ông như cha, để tâm tang ba năm. Hơn trăm người làm nhà gần mộ, coi mộ cho đến mãn tang (riêng Tử Cống ở lại thêm ba năm nữa) rồi bùi ngùi chia tay nhau, mỗi người đi một nơi: người thì thanh tĩnh thủ tiết, không chịu ra làm quan mà ở ẩn tại nước Vệ như Nguyên Hiến; người thì như Tử Cống, đem sở học ra giúp đời lãnh một chức ở triều đình các vua chư hầu, rán thực hiện một phần đạo trị nước của thầy, mặc dầu không được bọn vua chúa luôn luôn theo lời khuyên can, nhưng hầu hết đều được họ kính trọng; một số nữa đem theo những bản chép các kinh Xuân Thu, Thi, Thư… về quê nhà mở trường truyền đạo của thầy, chép lại những lời dạy bảo của thầy rồi giảng giải thêm theo ý kiến riêng của mình. Đạo của Khổng tử rộng quá, bao quát nhiều vấn đề quá, cho nên không một môn sinh nào hiểu thấu được trọn, mỗi người chỉ chú trọng vào một khía cạnh hợp với tính tình, tư chất của mình, và càng ngày họ càng xa đạo gốc. Do đó mà sinh ra nhiều phái: phái Tử Trương cốt giữ lấy tinh thần, không câu chấp những điều vụn vặt, có phần quá cao, quá phóng khoáng, tự nhiên; phái Tử Hạ chú trọng về văn chương, lễ nghi, thịnh hành một thời nhờ vua nước Ngụy là Văn Hầu (423-387) tôn ông làm thầy và đặt chức bác sĩ để học các kinh. Quan trọng hơn hết là phái Tăng tử (tức Tăng Sâm) ở nước Lỗ. Hồi còn sống, Khổng tử ít chú ý tới Tăng Sâm, có lần chê là trì độn, nhưng chính Tăng Sâm có công với đạo Khổng hơn tất cả các môn đệ khác, một phần vì ông học rộng, thành thực mà chắc chắn, ghi chép lời của thầy trong cuốn Đại Học (một trong tứ thư), một phần nữa vì ông may mắn có một môn sinh rất xứng đáng, có phần vượt ông nữa, tức Tử Tư, tác giả cuốn Trung Dung (cũng là một trong tứ thư). Tử Tư tên là Không Cấp, là con của Bá Ngư, cháu của Khổng tử. Bá Ngư tư cách tầm thường, mà con lại vừa thông minh, hiểu được phần uyên áo của Khổng giáo (dạo trung dung và đức thành), vừa có một tư cách rất cao, không hổ với ông nội.

Được vua Lỗ Mục Công rất kính trọng, mà ông không nhận một chức tước nào, chịu sống trong cảnh nghèo không hề nhận một vật tặng nào nếu người tặng không biết giữ lễ với ông, dù người đó là vua chúa đi nữa. Hồi ông ở Lỗ, Lỗ Mục Công thường sai người đến thăm ông và tặng ông vài món thịt nấu chín. Lần đầu ông nhận, nhưng rồi ông bực mình vì vua đã không biết dùng mình, lại không biết cách tặng mình nữa: lần nào, sứ giả tới cũng bảo là do lệnh vua đem lại, khiến ông phải cúi đầu lạy hai lạy mà tạ ơn, cho nên ông từ chối, nói thẳng vào mặt sứ giả: “Ngày nay ta mới biết rằng vua nuôi ta như nuôi chó, ngựa”. Lỗ Mục Công đáng lẽ phải dặn sứ giả cứ tiếp tục đem thịt hay lúa lại, mà âm thầm đưa vào nhà trong, chứ đừng nói rằng do lệnh vua sai nữa, thì mới hợp lẽ đãi hiền. (Mạnh tử – Vạn chương hạ, bài 6).

Lần khác, Lỗ Mục Công lại nhà Tử Tư thăm, rồi hỏi: -Thời xưa, một ông vua có ngàn cỗ chiến xa – nghĩa là ông vua một nước không lớn không nhỏ như nước Lỗ – mà muốn làm bạn với một kẻ sĩ, thì làm thế nào?

Tử Tư cũng lại tỏ vẻ khó chịu, đáp: -Người xưa có nói “Nên thờ bậc hiền sĩ như thầy”. Chứ đâu có nói “Nên làm bạn với kẻ sĩ”.

Như vậy là Tử Tư muốn bảo: Xét về địa vị thì ông là vua, tôi là bề tôi, tôi đâu dám làm bạn với ông. Còn xét về đạo đức thì ông phải thờ tôi, chứ đâu được làm bạn với tôi”. (Dĩ vị, tắc tử quân dã, ngã thần dã, hà cảm dữ quân hữu dã? Dĩ đức tắc tử sự ngã giả dã, hề khả dĩ dữ ngã hữu dã?)

以位則子君也我臣也何敢與君友也敢?以德則子事我者也奚可以與我友也?

(Mạnh tử Vạn – chương hạ, bài 7).

Thái độ của Tử Tư thật là hiên ngang, so với thái độ của ông nội khác nhau xa. Khổng tử khi vào điện vua Lỗ thì khom lưng cúi mình, và khi đi ngang qua ngôi vua, dù là ngôi trống, cũng hơi biến sắc, chân hơi run, tiếng nói phào phào như hụt hơi (Luận ngữ – Hương đảng, bài 4).

Mới cách có hai thế hệ, khoảng nửa thế kỷ, mà đã như vậy. Có lẽ cũng do các vua chư hầu đã ít được trọng mà địa vị cùng uy tín của kẻ sĩ đã tăng lên nhiều; do đó ta mới hiểu được thái độ của Mạnh tử đối với các vua Lương, Tề… sau này.

Nhưng lí do chính vẫn là tư cách, tính tình của Tử Tư; ông cũng như thầy là Tăng tử, rất chú trọng về đạo đức, tới nỗi có vẻ câu chấp, hẹp hòi.