Mẫu Thượng Ngàn

Tác giả : Nguyễn Xuân Khánh
  • Lượt đọc : 312
  • Kích thước : 3.53 MB
  • Số trang : 707
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 194
  • Số lượt xem : 1.420
  • Đọc trên điện thoại :
Văn hóa Việt, bản sắc văn hóa Việt là vấn đề, là câu hỏi đã được nêu ra và được hàng trăm, nếu không nói hàng nghìn nhà nghiên cứu tìm cách lý giải từ rất lâu. Nguyễn Xuân Khánh là nhà tiểu thuyết, anh cũng có câu trả lời của mình không phải bằng lý lẽ uyên bác mà bằng một cuốn tiểu thuyết sinh động, Mẫu Thượng Ngàn, còn dày dặn, bề thế, phong phú hơn cả cuốn Hồ Quý Ly từng gây xôn xao của anh mấy năm trước. Và có vẻ đây có thể là câu trả lời hấp dẫn hơn cả, nếu không nói là thuyết phục hơn cả.

Mẫu Thượng Ngàn là cuốn tiểu thuyết về văn hoá phong tục Việt Nam được thể hiện qua cuộc sống và những người dân ở một vùng quê bán sơn địa Bắc Bộ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong bối cảnh Pháp xâm lược Việt Nam. đạo Phật suy tàn, đạo Khổng bị gạt bỏ, đạo Thiên chúa đang lan rộng, người dân quê trở về với đạo Mẫu - một tôn giáo có từ ngàn đời.

Mẫu Thượng Ngàn cũng là cuốn tiểu thuýêt lịch sử xã hội về Hà Nội cuối thế kỷ 19, gắn với việc người Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, việc xây Nhà Thờ Lớn, cuộc chiến của người Pháp với quân Cở Đen...

Mẫu Thượng Ngàn còn là câu chuyện tình yêu của những người đàn bà Việt trong khung cảnh một làng cổ. Đó là tình yêu vừa bao dung, vừa mãnh liệt của những người phụ nữ với bao nỗi đắng cay, đầy chất phồn thực, bi, hài hoà quyện với mộng mơ và cao thượng.

Tác giả của Hồ Quý Ly một lần nữa chứng tỏ bút lực mạnh mẽ, sâu sắc, trữ tình qua cuốn tiểu thuyết đầy ấn tượng Mẫu Thượng Ngàn.
***
Cô Mùi lấy Tây!

Cô Mùi làm me Tây!

Một sự việc động trời! Cả làng Cổ Đình lẫn đồn điền Messmer đều ồn ào ngạc nhiên và dè bỉu. Không ai có thể ngờ cô Mùi lại tự ý bằng lòng. Giá như cô Mùi là con cái nhà khác người ta còn có thể hiểu nổi, đằng này cô lại là con ông đồ Tiết. Cô là người đầu tiên ở vùng này lấy chồng Tây nên càng được người ta chú ý. Những lời bàn tán kéo dài hàng tháng. Điều lạ lùng khó hiểu nhất vẫn là tại sao cô lại tự ý bằng lòng. Câu hỏi ấy cuối cùng vẫn là một câu đố chẳng ai tìm ra lời giải. Cũng có người thân cận hỏi thực cô, song cô chẳng trả lời. Người ta chỉ đoán già đoán non, nhưng chỉ đưa ra được một nhận xét:

- Dạo này cô ta ít nói hơn, hình như thoáng vẻ buồn. Nhưng lạ chưa? Cô càng ngày càng đẹp.

Philippe sắm sửa lễ vật đến nhà cụ Tiết ăn hỏi. Cũng trầu, cũng cau, cũng rượu, cũng chè, lại thêm bánh cốm, bánh xu xê học theo kiểu thành phố. Một chục cô gái mặc áo tứ thân đội mâm đồng lễ vật trên phủ vải đỏ. Philippe cưỡi con ngựa hồng. Nhà trai còn có Pierre, René, quản Liến và lý Cỏn, quản Boong.

Nhà cụ đồ cài chặt cửa ngõ, không tiếp nhận đồ sính lễ. Gọi khản cổ vẫn chỉ có đàn chó một con mẹ bốn con chó con thi nhau sủa lên ăng ẳng. Chó trong xóm đua nhau sủa theo làm náo động cả làng. Quản Liến tức quá định lên tiếng, song Philippe gạt ngay. Hắn sai người vượt rào vào trong, tự mở cổng lấy, rồi bưng cả mười mâm sính lễ phủ nguyên vải đỏ xếp làm hai hàng đặt giữa sân. Sau đó, cả đoàn rút lui.