Một Linh Hồn

Tác giả : Thuỵ An
  • Lượt đọc : 9
  • Kích thước : 33.18 MB
  • Số trang : 235
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 129
  • Số lượt xem : 1.471
  • Đọc trên điện thoại :
Một linh hồn là tiểu thuyết đầu tay của Thụy An, in năm 1941-Nhà xuất bản Đàn Bà (76 pho Wiélé Hà Nội). Theo Bùi Thụy Băng (con Thụy An), Một linh hồn in năm 1943 (1). Cuốn sách này được Vũ Ngọc Phan đánh giá cao:

“Một linh hồn cũng đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn”. Ông cũng định vị Thụy An trong tư cách nhà văn: “Hàn Mặc Tử đã đem vào thi ca Việt Nam lòng tin tưởng ở đạo Gia-Tô với một giọng say sưa đầm ấm. Thụy An cũng xây dựng cho tiểu thuyết của bà có những nhân vật tin cậy ở đẳng cấp Đấng Cứu Thế ở Đức Mẹ Đồng Trinh và sẵn lòng nhịn nhục, hi sinh”.
***
Bài giới thiệu của Nhà thơ Viên Linh:

Nữ sĩ Thụy AnThụy An Hoàng Dân là một nhà văn nữ nổi tiếng từ trước 1945, vừa qua văn chương vừa bởi cách sống, song danh vọng đã không rực rỡ, số phận lại còn gian lao; bà vào tù ra khám nhiều lần, một đời văn không ngừng va chạm với sắt máu, kể cả với chính mình khi tự cầm đũa chọc thủng một con mắt giữa nhà tù Hỏa Lò Hà Nội.
Thụy An là bút hiệu của bà Lưu Thị Yến, sinh năm 1916 ở Hà Nội, từng viết cho báo Phụ Nữ Tân Văn do Phan Khôi chủ trương, và trên hai tờ Đàn Bà Mới và Đàn Bà đều do chính bà chủ trương, xuất bản ở Sài Gòn và Hà Nội, khoảng từ 1939 tới năm chiến tranh chống Pháp bùng nổ. Trong Nhà Văn Hiên Đại, khi viết về cuốn tiểu thuyết Một Linh Hồncủa Thụy An, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã dùng câu sau đây để kết luận 8 trang sách về bà: “Một Linh Hồn… đáng kể là một tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay: tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn.”
Khoảng đầu thập niên ’50, nhà hoạt động cách mạng Đỗ Đình Đạo, từng là quân ủy trung ương của Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau lúc bôn ba qua Trung Hoa trở về thì bị ám sát chết; vụ thanh toán gây sôi nổi trên báo chí Hà Nội lúc ấy, và một số bài báo có nhắc đến tên Thụy An Hoàng Dân như là người trách nhiệm chính. Trong trí nhớ đã phai mờ, tôi hình dung câu chuyện như một truyện tình, tuy rằng có thể đó là một vụ khai trừ vì chính kiến. Giờ này, không rõ tờ báo đọc hồi nhỏ có đáng tin không, tường thuật có chính xác không (không nhớ đó là tờ Tia Sáng hay tờ Giang Sơn, hay tờ Tiếng Dân), tôi đã đi tìm đọc những tác phẩm của nhà văn nữ ấy, như Vợ Chồng, như Bốn Mớ Tóc.
Những năm cuối thập niên ’50, tên Thụy An Hoàng Dân lại được báo chí nói đến, cả ở Hà Nội lẫn ở Sài Gòn. Lần này bà bị chính quyền Miền Bắc qui tội gián điệp, bị bỏ tù 15 năm. Đó là sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, – bề ngoài là vụ án hữu khuynh chống Đảng, song thời gian đang cho thấy đây nhiều phần là vụ thanh toán các nhà văn gốc Miền Bắc bởi Tố Hữu, một cán bộ văn vần kém cỏi nhưng đắc thế, đầu óc nặng nề địa phương tính, lệt sệt mặt đất vì mặc cảm thua tài nhưng lại ở đỉnh cao của Đảng, phóng dọi qua lăng kính chủ nghĩa để thành cao viễn mà nạn nhân 99% là trí thức văn nghệ sĩ quê quán vùng Sông Hồng: Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Thụy An, Hoàng Cầm, Văn Cao, Quang Dũng, Nguyễn Bính, Trần Dần… [gốc Bắc mà thoát nạn là vì biết sợ như Nguyễn Tuân, im lặng như Thế Lữ, hay thỏa hiệp từ đầu như Nguyễn Đình Thi]. Tố Hữu tuy đã chết, song chủ trương của đồng bọn / có thể ví như bọn kiêu binh tam phủ thời Hậu Lê / vẫn còn đang hoành hành từ Bắc vào Nam. Trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, 304 người bị gọi đi tập trung chỉnh huấn, nhưng có 4 người chống lại không đi, trong có Thụy An Hoàng Dân.
Bị tù vì tội gián điệp (vì liên hệ với một người bạn ngoại quốc), bà Thụy An đã khắc lên tường phòng giam số 12 ở nhà pha Hỏa Lò câu sau đây: “Tại nơi này, tôi dã dùng đũa chọc, hủy bỏ một con mắt của tôi để phản đối chế độ cộng sản phi nhân, đàn áp dã man văn nghệ sĩ.” Bà từ trần ngày 10 tháng 6.1989 tại Sài Gòn.
Truyện ngắn Giết Chó sau đây, đăng lần đầu trên Tạp chí Phổ Thông của Hội cựu Sinh viên Trường Luật Hà Nội, (số đôi 19-20, tháng 6-7.1953, trang 109), cho thấy Thụy An đã chống Cộng sản ngay từ lúc ấy. Đương thời, hoạt động vào ban đêm của Việt minh Cộng sản thường bị chó phát giác; như phát giác trộm đạo, nên họ đi tới đâu, chó sủa tới đó, vì vậy chó trở thành kẻ thù sớm nhất của “cách mạng”. Truyện này viết cách đây đúng nửa thế kỷ cho thấy Thụy An Hoàng Dân vẫn xứng đáng là nhà văn nữ xuất sắc nhất Việt Nam, như lời Vũ Ngọc Phan viết về tác giả Một Linh Hồn từ năm 1942.