Namaskar! Xin Chào Ấn Độ

Thể loại: Hồi Ký – Tuỳ Bút
Tác giả : Hồ Anh Thái
  • Lượt đọc : 367
  • Kích thước : 4.13 MB
  • Số trang : 305
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 236
  • Số lượt xem : 2.112
  • Đọc trên điện thoại :
Namaskar! Xin chào Ấn Độ của Hồ Anh Thái được xuất bản lần đầu vào năm 2008, nay được NXB Trẻ tái bản lại cùng lúc với cuốn Salam! Chào Ba Tư – một sáng tác mới của tác giả, làm thành một bộ 2 cuốn về hai nền văn hóa lâu đời của thế giới.Namaska!

Xin chào Ấn Độ phác họa đất nước Ấn Độ khái quát từ chiều dài lịch sử đến bề rộng, chiều sâu về văn hóa, tôn giáo,… được trình bày theo lối nghĩ khoa học, sắc bén của một nhà ngoại giao, tiến sĩ văn hóa Phương Đông qua lối viết mềm mại của nhà văn Hồ Anh Thái. Được đánh giá là một cuốn sách độc đáo có ích dành cho những ai lần đầu tiên đến Ấn Độ, hoặc muốn khám phá đất nước – văn hóa – con người Ấn Độ, vì đọc Namaska! Xin chào Ấn Độ có thể tìm thấy ngay những điều cần quan tâm: Lịch sử hay Kinh sách; Tôn giáo hay Văn hóa hay Văn chương…

Những khái niệm về Ấn Độ đã được tóm lược một cách súc tích, ngắn gọn nhưng sáng rõ ở mức dễ tiếp nhận nhất, được trình bày theo quan niệm của đạo Hindu: Tư tưởng, sản phẩm văn hóa, biểu tượng ký hiệu, phong tục tập quán… Cuốn sách hấp dẫn hơn một cuốn nhập môn là bởi giọng văn Hồ Anh Thái. Anh sử dụng nhiều thể loại cho từng phần: du ký dành cho các miền văn hóa, tản văn khi viết về tính cách Ấn, khảo cứu, tiểu luận khi đề cập tôn giáo,lịch sử, phong tục tập quán. Sách còn đẹp vì còn có nhiều minh họa – là những bức tranh thần thánh Hindu theo phong cách tranh thờ dân gian hoặc tranh tượng hiện đại, và hình các biểu trưng.

***

Vốn có một sự đam mê cuồng nhiệt với Ấn Độ nên chỉ cần có quyển sách nào viết về Ấn là tôi sẽ lôi về đọc thử, có lẽ đó cũng như là một sự thương nhớ Ấn, đọc để soi mình trong đó, để tìm thấy những điểm chung rồi “à, mình biết” hoặc để tìm thấy những điều mình không biết rồi bứt rứt và lên kế hoạch cho những lần đến Ấn Độ sau đó.

“Namaskar!” cũng vậy. Hồ Anh Thái là một cái tên lạ lẫm nhưng đọc phần tiểu sử thấy ông đã từng có những năm tháng sống và làm việc ở Ấn Độ nên cũng háo hức mượn Yến về đọc thử. Cảm nhận đầu tiên à, sách dày, giấy nhẹ được bọc rất cẩn thận, khổ cầm vừa tay, các phần tiêu đề khá promising và tràn cảm xúc cũng như suy nghĩ của người Viết. Khởi đầu cũng không tệ. Đọc thử xem sao.

Đọc hết quyển rồi đóng sách lại, ấn tượng duy nhất của mình về quyển sách là một mớ kiến thức chen lẫn với những cảm xúc của người viết, một cách lộn xộn. Để rồi đọc xong vẫn không hình dung được Ấn Độ, vẫn thấy những mơ hồ chen lấn, tựa như dòng suy nghĩ của người viết cũng lộn xộn.

Theo từ điển định nghĩa “khảo luận” là dạng “nghiên cứu và bàn luận sâu một vấn đề gì, thường là dưới dạng luận, dạng một cuốn sách” Vây mà những kiến thức được trình bài trong này lại không sâu, đọc và có cảm giác như mình đang đọc một mớ kiến thức wiki được tổng hợp lại, những thứ kiến thức bề mặt, chỉ search internet là ra. Những kiến thức không có sự đối chiếu từ nhiều nguồn cũng như sự reflect thông qua những trải nghiệm của bản thân người viết (với dân bản xứ chẳng hạn) để có cái nhìn từ nhiều khía cạnh của vấn đề. Cũng phải thôi, cả một nền văn hóa mà gọi gọn trong mấy trăm trang sách là điều không thể thế nhưng quả thật cách viết một vấn đề theo những thông tin quá bề mặt như vậy thực sự làm mình thấy khó chịu. Là một người đã từng ở Ấn, đã từng đến thăm hàng loạt đền thờ, nhảy múa trong lễ hội với dân địa phương nên những điều tác giả viết về các vị thần ở Ấn thật sự khiến mình thất vọng khi nó cứ đều đều và thậm chí còn chẳng giống những câu chuyện dân gian mà mình từng được nghe các bạn Ấn kể. Thấy đất nước Ấn Độ của Hồ Anh Thái hiện ra xa lạ.

Một phần mình thấy không ổn trong cuốn sách đó là sự ưu ái mà tác giả dành cho ngôi chùa Việt Nam cùng sư chủ trì của ngôi chùa ở đất Phật Ấn Độ. Nếu như trong những phần trước, Hồ Anh Thái chỉ đóng vai trò là người gom nhặt, liệt kê các thông tin thì trong những câu chuyện về ngôi chùa, Hồ Anh Thái đã đóng vai trò như một nhân vật của câu chuyện, và cuốn khảo luận trở nên giống một cuốn du ký hơn khi Hồ Anh Thái kể lại những câu chuyện của mình, những mẩu đối thoại, suy nghĩ mang tính cảm xúc hơn là suy luận, phân tích. Nhưng một lần nữa, mình không thấy Ấn Độ của mình trong những câu chuyện này, câu chuyện vậy là cứ trôi tuột. Hơn nữa, mình đọc vì Ấn Độ, để xem con người Ấn Độ, văn hóa Ấn Độ được thể hiện trong từng bữa ăn, nhịp thở, từng cử chỉ hàng ngày. Hoàn toàn không phải để đọc về văn hóa Phât giáo Việt đã được mang vào Ấn như thế nào và phát triển ra sao. Hồ Anh Thái chỉ là không cho người đọc cái quyền lựa chọn ấy.

Cứ thê, câu chuyện về ngôi chùa và vị sư chủ trì kéo dài, kéo dài.

Cuối cùng là nói về kết cấu cuốn sách. Mỗi phần của cuốn sách được phân ra theo tiêu đề của các chủ đề sẽ được nói đến trong cuốn sách. Chủ đề hay nhưng sắp xếp loạn, không theo một logic nào hết khiến người đọc không tạo được dòng suy nghĩ, không xâu chuỗi được sự việc. Cuốn sách cứ dài thượt mà sau này tìm lai mục phần có thông tin quan trọng chắc là điều bất khả thi lắm.

Mình suggest cuốn sách này cho ai nhỉ? Cho những bạn mới biết ít về Ấn Độ hoặc đang thu thập thông tin chuẩn bị cho cuộc dạo chơi ở vùng đất này nhé. Còn với những bạn yêu Ấn, hiểu Ấn, đã từng ở Ấn thì có lẽ cuốn sách là một sự thừa thãi mà bạn chưa chắc đã nhất tiết phải đọc. Cứ giữ Ấn Độ của bạn trong tim thôi/

Review lifeandjourneys.wordpress.com

***
Ấn Độ là một bảo tàng sống. Hầu như rất nhiều phong tục tập quán có từ mấy nghìn năm được lưu giữ trọn vẹn cho đến tận bây giờ. Chẳng hạn, hãy nhìn thiếu nữ đi trên đường kia. Tấm sari cô mang trên người cũng chính là tấm sari của mấy nghìn năm trước. Cái dáng đi khoan thai, có phần hơi chậm rãi, đi mà như ngày rất dài, đời rất dài, cũng chính là dáng đi mấy nghìn năm của người Ấn Độ. Bao nhiêu ý kiến của các tổ chức phụ nữ, các đoàn thể yêu cầu cải tiến trang phục cho hợp với đời sống lao động hiện đại, nhưng hầu như rất ít được hưởng ứng… Nhờ thế và nhờ nhiều điều như thế, Ấn Độ luôn luôn là một bảo tàng sống.
Đấy là nhận xét của phần lớn những người nghiên cứu văn hóa phương Đông. Lớp chúng tôi ngày ấy đa số là người Âu – Mỹ, khi hỏi vì sao họ chọn Ấn Độ để nghiên cứu, mà không phải là Trung Quốc, không phải là Ai Cập? Họ đều bảo chính là vì Ấn Độ còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn mọi thứ. Không phải lưu giữ hiện vật chết trong bảo tàng, mà lưu bằng cả một đất nước, một xã hội sống động. Những cái nôi văn minh khác đều đã bị tàn phá ít nhiều bởi thiên tai và những cuộc cách mạng, bởi những biến động lịch sử. Riêng ở việc bảo tồn sống động này, liệu ta có phải biết ơn tính bảo thủ của người Ấn?

Những ngày đầu ở Ấn Độ, tôi như chìm giữa một biển sương mù. Cái nóng làm cho người ta u mê, ý nghĩ chậm chạp, cử động chậm chạp, phản ứng chậm chạp. Một buổi chiều sau giờ học, tôi ngồi một mình ở bến xe buýt, trong cái nóng chỉ chực làm cho mình mê đi, dẫu có tỉnh cũng chỉ là cái tỉnh của cơn mộng du. Chính vào lúc ấy, hình như có một bóng người đi qua trước mặt. Một cánh tay đột ngột chìa tới như định cào vào mặt tôi. Lập tức gạt phắt cánh tay ra. Cánh tay ấy lại cố gắng chìa vào mặt tôi lần nữa. Tôi lại hất ra. Choàng tỉnh từ cơn u mê, tôi thấy một ông già râu dài tóc búi như hiện về từ cổ đại, trên trán quệt mấy vệt màu đỏ màu trắng, cổ đeo tràng hạt, tay cầm cây đinh ba nhỏ bằng đồng sáng bóng, một bình nước cũng bằng đồng sáng bóng. Chính ông vừa hai lần xỉa tay vào mặt tôi và hai lần bị tôi hất tay ra. Ông từ bỏ hành động lạ lùng ấy, lặng lẽ bước đi. Ông đi một lúc rồi mà trống ngực tôi vẫn đập thình thình.

Đấy là một kỷ niệm khiến tôi ngượng mãi. Về sau, nghiên cứu tìm hiểu và trải nghiệm trong đời sống Ấn Độ, tôi mới biết ông già gặp ở bến xe hôm ấy là một du sĩ. Những giáo sĩ lang thang như thế ta có thể gặp ở khắp thủ đô New Delhi, khắp Ấn Độ. Ông có thể từng là một công chức, có thể là một doanh nhân thành đạt, sau khi đã gây dựng gia đình, dựng vợ gả chồng cho con cái, tự thấy đã trọn việc đời, thì quyết định xa lánh đời trần tục, lên đường theo đuổi đời sống tinh thần. Hành động chìa tay vào mặt tôi lúc ấy, đơn giản chỉ là ông muốn quệt lên trán tôi một vệt phẩm màu, để ban phước.

Một lần khác, tôi đưa một ông sếp đi thăm mấy ngôi đền Hindu và Phật giáo, nhân ông đi công tác ngang qua Ấn Độ. Chuyến tham quan vui vẻ, người hướng dẫn lẫn người đi chiêm bái đều hài lòng. Chỉ có điều, sau khi ra khỏi một ngôi đền, ông đứng trước bậc thềm, vừa xỏ lại đôi giày vừa ngập ngừng hỏi như không tin vào điều ông mới nhìn thấy: Sao đền chùa ở đây nó lại vẽ cả hình thập ngoặc phát xít?

Tất nhiên tôi đã giải thích ngay cho ông về cái chữ vạn (swastika), một chữ thiêng của người Aryan, sau này thành thiêng liêng đối với nhiều tôn giáo như Hindu, đạo Phật, đạo Jain và việc vì sao nó lại bị sử dụng thành chữ thập ngoặc phát xít… Nhưng từ đó những chuyện lúng túng khi bất ngờ va phải văn hóa Ấn Độ và đời sống Ấn Độ khiến tôi nung nấu ý tưởng phải làm gì đó giúp cho những người đến sau. Việt Nam được coi là chịu ảnh hưởng của hai luồng văn hóa Trung và Ấn, ta ở trên bán đảo Trung-Ấn, nhưng thử hỏi đã có bao nhiêu phần văn hóa Ấn Độ được phổ cập? Kiến thức của người Việt về Ấn Độ có lẽ không bao giờ so sánh được với hiểu biết về Trung Hoa.

Tôi đã tận dụng thời gian để góp nhặt kiến thức về Ấn Độ trong một thời kỳ dài sau đó. Sáu năm trời dọc ngang khắp các vùng miền trên tiểu lục địa Ấn Độ. Nhiều năm sau đó ở các nước khác, nhưng vẫn tiếp tục đề tài, tận dụng những phương pháp của các nước mà soi chiếu ngược trở về Ấn Độ. Tự nguyện xâm nhập vào văn hóa Ấn Độ giống như tự nguyện nhảy xuống biển, cả một đại dương văn hóa khiến cho ta càng bơi càng không thấy bờ. Tôi đã choáng váng mất mấy năm đầu trước một đất nước quá xa lạ. Khác hẳn cảm giác sau này khi tôi lần đầu đến Trung Quốc, cứ như mình trở về nhà sau một chuyến đi dài hàng trăm năm. Trước Ấn Độ ta thấy mình thật nhỏ bé. Ở đó cái gì cũng to, người to tướng, da ngăm đen và da trắng bóc pha trộn; nhà to, đền đài cung điện thành quách… cho đến cây trái đều to. Hình như người Ấn tư duy cái gì cũng lớn, cũng mang tính toàn cảnh bao quát. Lúc không trầm tư mặc tưởng ù trì thì hành động cũng hoành tráng. Còn bí ẩn thì không cần phải nói nhiều, tư tưởng Ấn Độ, tâm trạng Ấn Độ là thứ mà càng tìm hiểu lại càng không hiểu nổi. Dường như vậy.

Người ta có thể đi thăm một đất nước bất kỳ trong ít ngày, trở về viết được một bài báo, bài bút ký dày dặn. Tôi thì phải sau bốn năm ở Ấn Độ mới dám viết truyện ngắn đầu tiên, tìm cách lý giải cho mình và cho độc giả về tính cách Ấn Độ. Và bây giờ, sau hai chục năm, sau khi ở Ấn Độ và qua nhiều nước Âu – Mỹ tiếp tục nghiên cứu về Ấn Độ, tôi mới tập hợp những bài viết thành một cuốn sách mang tính biên khảo. Đây là kết quả của những nghiên cứu, những chuyến đi thực địa, những điều lượm lặt từ sách vở và từ những cuộc đàm đạo với các bậc đạo sư, các vị học giả, những cuộc cùng ăn cùng ở cùng làm với người bình dân Ấn Độ. Có những điều khi nghe dân chúng nói, về đối chiếu lại thấy có sai khác, phải sử dụng đến trực giác, thực nghiệm và lý thuyết để phân định. Tuy vậy, như đã nói ở trên, Ấn Độ là như thế mà không phải như thế. Ta đã chấp nhận bơi giữa đại dương thì cũng phải chấp nhận càng bơi càng khó thấy bờ.

Những điều tôi ghi lại ở đây, chỉ nhằm giúp cho ai đó muốn có chút kiến thức nhập môn về Ấn Độ. Đại dương Ấn Độ đã được đưa vào trong một cái chai nhỏ. Hay là như một nhà báo Việt Nam đi cùng tôi vào sa mạc Thar ở vùng Jaisalmer, chị đã lấy một ít cát kỷ niệm vào cái lọ nho nhỏ, cả một sa mạc nằm trong lòng tay. Những khái niệm đã được tóm lược và đơn giản hóa ở mức dễ tiếp nhận nhất. Độc giả sẽ gặp những tư tưởng, những sản phẩm văn hóa, những biểu tượng ký hiệu, những phong tục tập quán… được trình bày theo quan niệm của đạo Hindu. Từ đó, người đọc sẽ có điều kiện so sánh ảnh hưởng của chúng đối với các tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Jain, đạo Sikh; và ảnh hưởng đối với các nền văn hóa khác, những đất nước khác trong khu vực. Cách trình bày này có thể còn để thiếu nhiều thứ. Cấu trúc của cuốn sách này cũng để mở cho việc bổ sung nhiều vấn đề trong những lần tái bản.

Nói tóm lại, tôi mong muốn cuốn sách này có ích cho những ai nhập môn Ấn Độ học hoặc lần đầu tiên đến Ấn Độ. Họ sẽ không lặp lại kỷ niệm vụng về của tôi hai mươi năm trước. Khi một bàn tay thiện chí chìa về phía ta, ta không lo sợ mà gạt phắt nó ra.