Người Việt Cao Quý

Tác giả : A. Pazzi (Vũ Hạnh)
  • Lượt đọc : 390
  • Kích thước : 0.44 MB
  • Số trang : 80
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 370
  • Số lượt xem : 2.017
  • Đọc trên điện thoại :
"Người Việt cao quý" là một cuốn sách nhỏ nhắc nhở chúng ta cần có niềm tự hào được là người Việt, thấm dòng máu Việt hào hùng!

Cuốn sách được NXB Cảo Thơm xuất bản năm 1965 tại miền Nam mà nguyên tác là "Per Comporedere Vietnam Il Vietnamila " tiếng Ý, tác giả A. Pazzi, Hồng Cúc dịch. Trong lời nói đầu, dịch giả Hồng Cúc đã viết: "Thiết nghĩ, được nói về dân tộc mình là một niềm vui, nhưng được nghe người khác nói về dân tộc mình-và nói bằng những cảm tình tốt đẹp - là một niềm vui lớn lao...". Sau cùng, dịch giả bày tỏ: “Tôi xin chân thành cảm tạ nhà văn Vũ Hạnh đã hết lòng khuyến khích tôi trong bước đầu dịch thuật khó khăn, cũng như đã bỏ nhiều thì giờ tu chỉnh giúp bản dịch này".

Trong chế độ cũ nhà văn Vũ Hạnh đã từng vào tù ra khám nhiều lần, nên vì lý do chính trị và an ninh cho bản thân mình, ông đã mượn cái tên A. Pazzi (một cái tên Ý không có thật) để viết về dân tộc mình. Cuốn sách được giữ bí mật danh tính nhà văn Vũ Hạnh khá lâu, ít ai biết đó là của Vũ Hạnh. Tin đồn loan ra là có một kỹ sư hóa học người Ý thật, sống lâu năm ở Sài Gòn đã viết ra cuốn đó.

Theo lời kể của nhà văn Vũ Hạnh, những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, xã hội miền Nam nhanh chóng du nhập lối sống Mỹ, lối sống thực dụng; điều tệ hại và nguy hiểm hơn là trong tâm lý, tình cảm một số người, đặc biệt trong giới văn nghệ có xu hướng vọng ngoại, lai căng, coi thường văn hóa truyền thống dân tộc, mặc cảm vì “giống da vàng nhược tiểu”... Vũ Hạnh nói ông viết cuốn sách này theo chỉ thị của cách mạng. Người chỉ thị trực tiếp, không ai khác là nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ Trần Bạch Đằng. Ông Trần Bạch Đằng không “đặt hàng” để viết đề tài gì cụ thể, ông bảo viết sao có lợi cho kháng chiến, cho cách mạng, đề cao văn hóa dân tộc, con người Việt Nam là được. Hình như Vũ Hạnh ấp ủ đề tài này từ lâu, trong ông tràn dậy một niềm tự hào từ đáy lòng, như có một "linh khí" chợt trào ra ngòi bút. Vũ Hạnh viết “Người Việt cao quý” chỉ hơn một tuần và sau đó được xuất bản ngay.




27 năm sau, NXB Mũi Cà Mau mới tái bản tác phẩm "Người Việt cao quí" với đúng tên thật là nhà văn Vũ Hạnh. Xin giới thiệu bạn đọc nội dung cuốn sách này để các bạn cùng tôi tự nhủ rằng: Đây không phải là một dân tộc tầm thường và sau tôi phải kết luận: Người Việt là một dân tộc ưu hạng, có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này.” (sđd trang 28). Và rằng “... Ngày nay công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam đòi hỏi chống lại tất cả các hiện tượng suy đồi, thoái hóa cũng như mọi thứ ràng buộc, áp bức, bất công.” (sđd trang cuối 105)
***
LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Nhật báo TỰ DO tục bản đến nay đã được hơn hai năm. Nhờ sự đóng góp thiết thực về mặt vật chất và cao quý về phương diện tinh thần của bạn đọc thân mến, cơ sở mỗi ngày một tương đối vững vàng hơn. Để đền đáp phần nào sự chiếu cố ân cần của đồng bào các giới, chúng tôi quyết định từ nay sẽ hoạt động thêm về ngành xuất bản.

Ngành xuất bản này sẽ cung cấp những món ăn tinh thần mà một tờ báo hàng ngày, dù muốn, cũng không thể làm được. Những sách sẽ ấn hành có thể thuộc về đủ các loại như sáng tác (truyện ngắn, truyện dài, kịch, thơ, tùy bút), biên khảo (về văn học, triết học, xã hội, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị), dịch thuật (cổ ngữ hoặc sinh ngữ)…

Nội dung và hình thức của các sách ấy tùy thuộc hoàn toàn ở các nhà trước tác, kể từ văn hữu vẫn đã nhiều ít cộng tác với nhật báo Tự-do cho đến những tài năng mà xưa rày chúng tôi chưa từng có hân hạnh được nhận sự đóng góp trực tiếp.

Riêng phần nhà xuất bản, chúng tôi chỉ làm công việc lựa chọn theo chủ trương « tự do » của Cơ Sở chúng tôi và theo các nhu cầu thiết yếu nhất của mọi tầng lớp công chúng.




Kể từ đầu năm dương lịch 1959 này, ngành xuất bản của Tự Do sẽ ấn hành mỗi tháng ít nhất là một cuốn sách.

Chúng tôi sẽ cố gắng để làm cho sách in ra mỗi ngày một hay hơn về nội dung, mỗi ngày một đẹp hơn về hình thức và nhất là mỗi ngày một hạ hơn về giá bán.

Khẩu hiệu trên đây không phải là dễ có thể thực hiện. Nhưng chúng tôi nhất định sẽ dần dần thực hiện, vì tin tưởng ở sự gom công, góp sức của các tác giả, của các nhà sách, nhất là của những chủ nhân tinh thần của chúng tôi tức là chúng độc giả và toàn thể đồng bào các giới. Xin mời các bạn cùng viết, cùng làm, cùng phổ biến và cùng thưởng thức những món ăn tinh thần mà chúng tôi có hân hạnh trình bày.
Saigon, một ngày cuối năm 1958

Thuộc bộ sách