Người Vô Sự

Thể loại: Tôn Giáo – Tâm Linh
Tác giả : Thích Nhất Hạnh
  • Lượt đọc : 553
  • Kích thước : 1.24 MB
  • Số trang : 340
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 638
  • Số lượt xem : 3.149
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Người Vô Sự trên điện thoại
Đúng như tiêu đề, trong cuốn sách dày tới 500 - 600 trang này, tác giả của nó - thiền sư Thích Nhất Hạnh - bàn về mục đích của tu, tu để trở thành “người vô sự”, chứ tu không phải để trở thành Đức Phật, hay được như Đức Phật.

Khái niệm bao trùm được đưa ra và thể hiện gần như trong từng trang sách một của Thích Nhất Hạnh là “người vô sự”, xuất phát từ Tổ Lâm Tế. Đây là một cách hiểu khác về mục đích của tu hành mà thông điệp quan trọng nhất là không được vướng vào lời Phật, vào kinh kệ, vào bất kỳ ngôn từ, tư tưởng hay học thuyết nào. Trong tác phẩm này, Thích Nhất Hạnh trình bày một cách rõ ràng và hệ thống tư tưởng của Tổ Lâm Tế, một tư tưởng hết sức đặc sắc: Đó là “đánh phá”.

Tổ Lâm Tế từng có nhiều học trò. Khi học trò tìm thầy, bao giờ họ cũng kỳ vọng được thầy chỉ giáo và thu lượm được thêm kiến thức từ người thầy. Nhưng Tổ Lâm Tế là một người thầy không như họ mong đợi. Ông không dạy thêm bất kỳ điều gì, mà ông chỉ tìm cách giúp học trò của ông thoát khỏi mớ lý thuyết mà họ đã ních chặt trong đầu. Nói khác đi, ông “đánh phá”. Bản chất của sự “đánh phá” này là lật đổ, phá hủy cho tan tành một thói quen tư duy cố hữu của người tu, người học Phật - thói quen học lý thuyết và bám vào lý thuyết, học kinh và bám chặt vào kinh. Cái bám, hay vướng vào này khiến người tu mất hết tự do trong tư tưởng và nhận thức. Họ nhầm tưởng rằng Phật đã chỉ ra tất cả, và họ phải nắm chắc lấy những gì Phật dạy để đi cho đúng đường. Vậy nên, họ bỏ thời gian của họ để đi khắp nơi tìm thầy tầm sư học đạo, luận bàn câu chữ cầu vọng tìm ra đúng ý nghĩa. Những người tu theo cách này chính là những người “đội thuyền lên đầu”, cho thuyền lên bàn thờ, trong khi thuyền chỉ là công cụ. Sang sông rồi phải vứt thuyền đi. Ngón tay ta chỉ mặt trăng, nhưng hãy nhìn mặt trăng, đừng nhìn ngón tay ta - Đức Phật đã dạy như thế. Đến bến bờ rồi thì đừng bám lấy luận thuyết của Phật tổ nữa. Bạn đã được chỉ đường, vậy hãy vứt nó đi.

Những lời lẽ nhằm “đánh” cho tỉnh ngộ của Tổ Lâm Tế thật khó nghe. Nó như lời của một kẻ chân thật thô lỗ, nhưng thật hào sảng và minh triết. Tu học rốt cục không phải là khổ công kiếm tìm niết bàn hay tịnh độ, không cần phải tu nhiều kiếp để cuối cùng đến một cõi nào đó xa vời trong tương lai để thành Bồ Tát, hay La Hán. Nếu để trở thành thì hãy trở thành ngay trong kiếp này đây: Trở thành người người vô sự. “Vô sự” của Tổ Lâm Tế rốt cụ là đạo. Người vô sự là người tự do, không còn cầu vọng, không còn bám víu, kể cả bám víu vào những tư tưởng vĩ đại của Phật giáo. Với người vô sự thì giây phút này đã là niết bàn, giây phút này đã là tịnh độ. Người vô sự đã là Bồ Tát, hay La Hán ngay lúc này, tại đây.

Tinh thần của Tổ Lâm Tế không phải chỉ đúng đắn khi nói về những người chọn cho mình con đường tu hành theo Phật giáo. Có quá nhiều ví dụ về sự bám chặt chết cứng vào các tư tưởng, chủ thuyết của một bộ phận nhân loại mà thiếu sự tỉnh táo, linh hoạt, đã dẫn tới nhiều bi kịch, những sự phân biệt, chia rẽ sâu sắc, bạo lực, tàn sát và chiến tranh trong hàng ngàn năm lịch sử loài người. Nhìn lại, chúng ta thấy thật vô lý khi hàng nghìn, hàng vạn người có khi phải chết chỉ để bảo vệ cho một chủ thuyết là đúng. Một chủ thuyết được gọi là “đúng” cũng đồng nghĩa với việc có một số người “đúng” và một số người bị coi là “không đúng” và bị phân biệt đối xử. Chỉ khi không vướng vào những đối cực vô lý này, hạt giống tình yêu với tất cả mọi, không phân biệt ai, trong mỗi con người mới đâm chồi mạnh mẽ, cuộc sống mới có hòa bình.

Một lần nữa, trong tác phẩm của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh lại nói với chúng ta một điều giản dị: Dù bạn chọn Phật giáo, bạn vẫn phải đi con đường của bạn. Học Phật để tìm thấy Phật tính trong con người bạn, chứ không phải để làm sao trở thành được như Đức Phật. Bạn không bao giờ trở thành Đức Phật cả, vì đơn giản trên bình diện cá nhân, chỉ có một người duy nhất là Đức Phật thôi. Nhưng vấn đề nằm ở bản chất: Nếu sóng nhận thức được mình chính là nước, nó sẽ thôi vật vã để đi tìm nước. Sóng với nước là một. Bạn với Phật là một.

Thuộc bộ sách