Người Xa Lạ

Tác giả : Albert Camus
  • Lượt đọc : 914
  • Kích thước : 0.49 MB
  • Số trang : 70
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 466
  • Số lượt xem : 4.092
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Người Xa Lạ trên điện thoại
Người xa lạ (còn được dịch Kẻ xa lạ hay Người dưng; tiếng Pháp: L'Étranger) là một tiểu thuyết của Albert Camus được viết vào năm 1942.

Đây là một tác phẩm lạ thường nói về một người đàn ông Pháp bị bệnh tâm thần, người mà cuối cùng đã bị tống giam vì tội giết người, và ngồi chờ bị hành hình. Trong thời gian đó, ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời của ông cũng như nhìn ra được và ao ước có được một cuộc sống an lành trở lại.

Đây là một trong những tác phẩm đầu tay của Albert Camus, cũng như những học thuyết cơ bản của ông về những điều phi lý và vô lý (tiếng Anh: absurdism)
***
Albert Camus sinh ngày 7 tháng 11 năm 1913 tại Mondovi, một làng ở Constantinois, gần Bône, Algérie. Cha ông, Lucien Camus, một công nhân sản xuất rượu nho vùng Mondovi cho một thương gia thành phố Alger. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Lucien Camus bị động viên vào tháng 9 năm 1914, bị thương trong trận chiến Marne và chết tại bệnh viện quân y Saint-Brieuc ngày 17 tháng 10 năm 1914. Về cha mình, Abert chỉ biết qua một bức ảnh duy nhất còn để lại.

Albert đến Paris làm biên tập cho tờ Paris-Soir. Năm 1942, ông phát hành cuốn tiểu thuyết L'Étranger (Người xa lạ) và tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (Huyền thoại Sisyphe), trong đó ông đã trình bày những tư tưởng triết học của mình. Sisyphe là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị trừng phạt phải lăn một hòn đá lớn lên núi dốc, khi đến đỉnh hòn đá lại rơi trở xuống chân dốc, cứ thế Sisyphe tiếp tục lăn lên rồi rơi xuống theo một chu kỳ vĩnh cửu. Theo hệ sự phân loại của riêng Albert, các tác phẩm đó thuộc "thời kỳ phi lý" (cycle de l'absurde), cùng với các vở kịch Le Malentendu (Ngộ nhận, 1944) và Caligula (1945). Năm 1943, ông làm việc cho nhà xuất bản Gallimard rồi làm chủ biên tập báo Combat, cũng trong năm này ông gặp và làm quen với Jean-Paul Sartre. Những tác phẩm tiếp theo của Camus thuộc "thời kỳ nổi loạn" (cycle de la révolte), trong đó nổi tiếng hơn cả phải kể đến La Peste (Dịch hạch, 1947), kế đến L'État de siège (1948), Les Justes (1949) và L'Homme révolté (Người nổi loạn, 1951). Trong quyển tiểu luận triết học Người nổi loạn, ông đã trình bày tất cả các hình thức nổi loạn (siêu hình, chính trị và nghệ thuật...) qua mọi thời đại. Ông miêu tả con người cảm nhận sâu sắc sự phi lý của cuộc sống, luôn muốn nổi dậy, chống lại nỗi khốn khổ của kiếp người, nhưng cuối cùng vẫn không có lối thoát, mọi cố gắng đều hoàn toàn vô ích.


Tình bạn giữa Albert Camus và Jean-Paul Sartre rạn nứt vào năm 1952, sau khi trên tạp chí Les Temps modernes của Sartre, Henri Jeanson đã chê trách sự nổi loạn của Camus là "có suy tính". Năm 1956, tại Alger, Albert công bố "Appel pour la trêve civile". Cũng trong năm đó, cuốn La Chute, tác phẩm quan trọng cuối cùng của Albert Camus được xuất bản.

Ngày 4 tháng 1 năm 1960, tại Petit-Villeblevin vùng Yonne, Albert Camus mất trong một tai nạn giao thông. Trên chiếc xe Facel Véga khi đó còn có một người bạn của ông Michel Gallimard và người cháu Gaston.

Albert Camus được chôn cất ở Lourmarin, vùng Vaucluse, nơi ông đã mua một căn nhà trước đó.
***
Lần thứ ba tôi từ chối linh mục. Tôi không có gì để nói với ông ta, cũng không muốn nói, mà đằng nào thì cũng sắp gặp ông ta. Điều tôi quan tâm khi đó là làm sao thoát khỏi máy chém, liệu có thể có lối thoát nào hay không. Người ta đã chuyển tôi sang phòng giam khác. Tại đây, khi nằm duỗi dài, tôi nhìn thấy bầu trời và không gì khác. Ngày nào tôi cũng chỉ nhìn thấy trên đó những màu sắc tối dần khi ngày tàn và đêm đến. Khi chuẩn bị ngủ, tôi đưa hai tay xuống dưới gáy và nằm chờ. Tôi không nhớ đã bao lần tự hỏi liệu đã có trường hợp nào bị khép tội chết lại thoát được khỏi cỗ máy lạnh lùng sau khi giật đứt tung dây trói của cảnh sát và bỏ chạy hay chưa. Tôi tự trách mình đã không chú ý đến những câu chuyện về hành hình. Đáng lẽ phải quan tâm đến những vấn đề như vậy. Người ta đâu biết được điều gì sẽ đến. Cũng như mọi người, tôi đã đọc những chuyện viết trên báo chí. Nhưng chắc chắn có những tác phẩm đặc biệt mà tôi đã không tò mò xem đến. Ở đó có lẽ tôi đã tìm được những câu chuyện về những vụ tẩu thoát. Biết đâu tôi lại chả đọc được rằng ít nhất có một trường hợp bánh xe của cỗ máy đã dừng lại, và trong tiến trình bất khả kháng này đã xảy ra một sự tình cờ, chỉ một lần duy nhất, khi một cơ cấu gì đó bị trục trặc. Chỉ một lần! Không hiểu sao tôi nghĩ rằng thế là đủ. Trí tưởng tượng của tôi sẽ làm những việc còn lại. Báo chí hay nói về món nợ trước xã hội. Theo họ thì cần phải trả nợ. Nhưng cái đó chẳng liên quan gì đến trí tưởng tượng. Điều tôi quan tâm là khả năng thoát thân, một cú nhảy ra khỏi cái nghi lễ quái ác, một cuộc tháo chạy tạo ra mọi cơ hội để hy vọng. Tất nhiên, như thế cũng có nghĩa là hy vọng sẽ bị bắn chết ở một góc phố, khi đang cắm cổ chạy, và một viên đạn bay tới. Nhưng, nghĩ tới nghĩ lui, chẳng có gì có thể đem lại sự xa hoa đó, tất cả đều bế tắc, và cỗ máy chém sẽ tóm lấy tôi.
Mặc dù rất có thiện chí, tôi vẫn không thể nào chấp nhận được phán quyết độc đoán này. Vì rõ ràng có một sự bất tương xứng nực cười giữa bản án và hệ quả không tránh khỏi của nó bắt đầu từ thời điểm tuyên án. Việc bản án được tuyên đọc vào lúc 20 giờ thay vì 17 giờ, việc nó có thể hoàn toàn khác đi, việc nó được quyết định bởi những người ba phải, và nó được đưa ra trên cơ sở một khái niệm mập mờ là “nhân dân Pháp” (là “Đức” hay “Trung Hoa” thì có khác chi?), tất cả làm tôi cảm thấy người ta đã nghiêm trọng hóa quá đáng khi đưa ra một quyết định như vậy. Tuy nhiên, tôi buộc phải thừa nhận rằng một giây sau khi nó được tuyên, các hiệu ứng của nó đã trở nên xác định, nghiêm trọng, và làm tôi cảm nhận được rõ ràng sự tồn tại của bức tường mà tôi đang nằm dài bên cạnh.