Nhà Quản Lý Xuất Sắc

Tác giả : Robert Heller
  • Lượt đọc : 533
  • Kích thước : 2.55 MB
  • Số trang : 98
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 736
  • Số lượt xem : 2.407
  • Đọc trên điện thoại :
Ngày nay, để trở thành một nhà quản lý xuất sắc trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh đòi hỏi bạn không chỉ có kiến thức toàn diện về lĩnh vực chuyên môn, mà còn phải giỏi về những kỹ năng cá nhân quan trọng như kỹ năng truyền cảm hứng, gây dựng tinh thần hợp tác, giao việc đúng người. Ngoài ra, bạn cũng cần rèn luyện, bổ sung các kỹ năng thực hành không kém phần quan trọng như phân tích và quản lý thời gian một cách hiệu quả cùng với sự tự tin, quyết đoán trong công việc. Quyển sách "Nhà quản lý xuất sắc" này sẽ cung cấp cho bạn một nền tảng kiến thức toàn diện về những kỹ năng đã nêu trên bằng những hướng dẫn rất thực tế, cùng 101 bí quyết ngắn gọn để trở thành một người quản lý giỏi và các bài tập tự đánh giá bản thân sẽ giúp bạn xác định những ưu điểm và nhược điểm của mình, qua đó bạn có thể nâng cao khả năng làm việc, trở nên xuất sắc vượt bậc.
***
PHÁT HUY NĂNG LỰC BẢN THÂN
Để trở thành nhà quản lý xuất sắc, bạn phải biết phát huy hết tiềm năng của mình. Nắm vững cách sử dụng các thế mạnh và phát huy phẩm chất cá nhân chính là chìa khóa đưa tới thành công.

GÂY DỰNG NHỮNG TỐ CHẤT CHỦ YẾU
Bên trong con người luôn tiềm ẩn những năng lực có thể chuyển hóa thành động lực đưa đến thành công. Song để đạt được thành tích tốt nhất đòi hỏi bạn không chỉ có tài năng mà còn phải biết phát huy những thế mạnh quan trọng của bản thân như: khả năng quyết đoán, tầm nhìn và sự tự tin.

ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

1. Xác định những nhược điểm của bản thân – đây là bước đầu tiên trong quá trình sửa đổi chúng.

2. Không phức tạp hóa vấn đề - sử dụng những thế mạnh của bạn.

3. Tiếp thu ý kiến đóng góp và biết sửa sai.

Bạn nên biết chính xác điều gì là dễ với bạn, và những thế mạnh nào có thể được phát huy tương đối nhanh chóng. Nhưng đôi khi chỉ dùng năng lực bẩm sinh vẫn chưa đủ. Để sử dụng hết tiềm năng của bản thân, bạn cần phát huy toàn bộ các tố chất chủ yếu. Ví dụ như: sự thiếu tự tin là rào cản thường thấy nhất trên con đường dẫn đến thành công của các nhà quản trị kinh doanh. Nếu không tự tin vào những cảm nhận của mình, hoặc không đủ dũng khí để đưa ra một quyết định chắc chắn, bạn cần phải nỗ lực hơn nữa để phát huy tối đa sự tự tin của mình. Hãy bắt đầu phát huy năng lực bản thân, đồng thời xem xét một cách khách quan các khả năng và những mặt bạn cần cải thiện nhất.

ĐÁNH GIÁ NHỮNG TỐ CHẤT CHỦ YẾU CỦA BẠN

TỐ CHẤT ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN
HOÀI BÃO Bạn đã bao giờ viết ra những mục tiêu lớn, quan trọng và lập kế hoạch để đạt được chúng chưa?
TẦM NHÌN Bạn đã bao giờ có ý thức rõ ràng về vị trí hay công việc mà bạn muốn đạt được trong năm năm tới không?
SỰ TỰ TIN Bạn cảm thấy mình có thể thực hiện ngay và làm tốt bất cứ công việc gì cần thiết, đồng thời làm chủ được những năng lực cũng như nhiệm vụ mà công việc mới đòi hỏi không?
KHẢ NĂNG ĐƯƠNG ĐẦU VỚI RỦI RO Bạn có tin vào khả năng đánh giá đúng rủi ro và nắm bắt cơ hội một cách hiệu quả của bản thân không?
Ý CHÍ VÀ NGHỊ LỰC Bạn có thể tập trung toàn bộ tinh thần để giải quyết vấn đề, để đưa ra một bước đi đúng, và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo không?
TINH THẦN CẠNH TRANH Bạn không bao giờ cảm thấy thỏa mãn khi chưa giành được tất cả các danh hiệu trong cuộc cạnh tranh giữa những người xuất sắc nhất phải không?
TỰ PHÊ BÌNH Bạn là người cầu toàn, luôn tìm cách hoàn thiện mình và yêu cầu những người xung quanh cùng làm theo phải không?
TỐ CHẤT LÃNH ĐẠO Bạn có thể tác động người khác để cùng hướng đến mục tiêu chung của nhóm, cũng như gây dựng một đội ngũ những nhà lãnh đạo và giúp họ thăng tiến không?
HỎI Ý KIẾN NGƯỜI KHÁC

Nếu cảm thấy không chắc chắn về khả năng của mình trong một lĩnh vực nào đó chẳng hạn như năng lực lãnh đạo, bạn hãy tham khảo ý kiến khách quan của người khác. Sau khi có đầy đủ dữ kiện, bạn có thể phác họa về những gì mình cần đạt được trong tương lai. Hãy vạch ra một kế hoạch hành động cụ thể để đạt tới mục tiêu đó.

THU NHẬN PHẢN HỒI ∇

Hãy tham khảo ý kiến các cố vấn, đồng nghiệp hoặc bạn bè để xem bạn có thổi phồng những ưu điểm hay đánh giá chưa đúng những nhược điểm của mình không?



XÂY DỰNG TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

Sau khi tự đánh giá và có được cái nhìn đúng đắn về năng lực của bản thân, bạn cần xác định một tầm nhìn chiến lược bằng những mục tiêu quan trọng nhưng có tính khả thi. Những bậc vĩ nhân trong lịch sử đều có ý thức về tầm nhìn chiến lược và những nhiệm vụ cần thực hiện. Họ biết mình đang đi đến đâu, muốn đạt được cái gì và có khả năng định hướng để đi tới đích. Bạn có thể sử dụng những năng lực tương tự như vậy. Hãy tự hỏi bạn muốn gì trong mỗi thập niên tới, và so sánh viễn cảnh đó với hoàn cảnh hiện tại. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra những khoảng trống cần phải vượt qua để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược đó. Bước tiếp theo là hãy xóa bỏ những khoảng trống đó.

∇ HOÀN THÀNH TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

Nên chia nhỏ quá trình thực hiện nhiệm vụ của bạn thành một kế hoạch hành động khả thi có những bước đi vững chắc và đúng đắn, nhằm hiện thực hóa mục tiêu do mình đặt ra. Bất cứ lúc nào bạn cũng phải đặt tất cả các nhiệm vụ cần thực hiện và tầm nhìn chiến lược trước mắt để điều chỉnh khi cần thiết đồng thời hướng mọi hành động nhằm đạt tới các nhiệm vụ và tầm nhìn này.



XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ

Ngay bây giờ, bạn cần viết ra một kế hoạch khả thi, vạch rõ những việc cần hoàn thành để đạt được tầm nhìn chiến lược của bạn. Kế hoạch này phải định rõ mốc thời gian và những công việc cụ thể. Ví dụ, nếu tầm nhìn chiến lược của bạn là chuyển lên vị trí quản lý thì nhiệm vụ của bạn có thể là thu thập những kiến thức cần thiết trong năm đầu tiên, tham gia vào một nhóm chuyên trách và có được những kinh nghiệm tổng quát trong năm thứ hai, đồng thời phấn đấu hoàn thành mục tiêu (trong hoặc ngoài công ty) vào năm thứ ba.

4. Hình thành những tham vọng dài hạn để giúp bạn nhận biết những cơ hội thăng tiến.

THĂNG TIẾN

Trong quá trình hoàn thành tầm nhìn chiến lược, bạn có thể thấy hữu ích khi áp dụng các bí quyết kaizen và kaikaku (có nghĩa là cải tiến liên tục và thay đổi triệt để) của người Nhật. Kaizen có nghĩa là không ngừng tìm cách cải tiến về mọi mặt trong quá trình vận động, như các vận động viên vẫn thường làm khi muốn nâng cao thành tích của họ. Kaikaku không được áp dụng thường xuyên như kaizen. Theo phương pháp này, có thể bạn sẽ thay đổi môi trường làm việc bằng cách tự đứng ra kinh doanh hoặc chuyển sang một công việc mới trong một lĩnh vực mới hoặc một công ty mới, hoặc cả hai. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm và tận dụng những cơ hội để bạn thay đổi triệt để.

5. Tận dụng ngay khi cơ hội đến.

6. Đề ra mục tiêu để hoàn thiện bản thân và được thăng tiến trong công việc.

7. Đừng ngần ngại học hỏi và sử dụng những bài học từ những thất bại của bạn.