Những Tội Ác Trứ Danh

Tác giả : Alexandre Dumas
  • Lượt đọc : 261
  • Kích thước : 0.87 MB
  • Số trang : 196
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 158
  • Số lượt xem : 1.935
  • Đọc trên điện thoại :
“Những tội ác trứ danh” là tuyển tập truyện tội phạm dựa trên những sự kiện có thật của Alexandre Dumas.

Thời gian đầu khi mới bắt đầu chuyển sang viết tiểu thuyết, Dumas cũng biên soạn “Những tội ác trứ danh” trong ba năm từ 1839 đến 1841, với sự giúp đỡ của một số người bạn. Tuyển tập này có 17 truyện, bao gồm cả những truyện ngắn và các truyện dài, kể lại chi tiết những tội ác diễn ra trong suốt 5 thế kỷ từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX, trên cả Pháp, Nga, Netherlands, Đức, Ý,…

Bạn đọc sẽ được đọc về tội loạn luân tàn nhẫn và vụ án con giết cha nổi tiếng của gia đình Cenci (1598); vụ ám sát tàn nhẫn nữ hầu tước de Ganges do hai tên anh chồng là linh mục và hiệp sĩ gây ra (1657); những tội lỗi và hành vi vô đạo đức, vô pháp của gia đình Borgia quyền thế, đầy mưu mô và bạo lực; theo dõi hành trình chạy trốn, bị cấp dưới phản bội, và cuối cùng là án tử hình của thống chế Joachim Murat – em rể của Napoléon Bonaparte – dưới tay của kẻ thù là Ferdinand IV 1815 – 1825, vua mới của xứ Naples;…

Sẽ là quá tải nếu tóm tắt tất cả nội dung của 18 truyện “Những tội ác trứ danh”. Vậy nên, trong phạm vi bài viết, tôi sẽ chỉ đề cập đến các điểm chính của tập truyện, và dành phần trải nghiệm thú vị nhất cho người đọc.

“Những tội ác trứ danh” là tuyển tập mô tả tỉ mỉ, chi tiết bậc nhất về tội ác: động cơ của tội phạm, những âm mưu, hành động dẫn dắt; các đồng phạm và nhân chứng; cách nạn nhân sa bẫy, chống trả và chết; những manh mối khi điều tra; phán xử của tòa án. Dumas đã không tiếc ngôn từ của mình để mô tả những cảnh tượng bạo lực, những hình thức tra tấn ép cung, những cách thức giết người rùng rợn đã được thực hiện trên thực tế. Toàn bộ “Những tội ác trứ danh” có thể coi là một tập hồ sơ tội phạm kỹ lưỡng nhất, xứng đáng là đóng góp lớn cho ngành tội phạm học và tâm lý tội phạm sau này.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là hồ sơ tội phạm, thì có lẽ “Những tội ác trứ danh” sẽ không nổi tiếng đến vậy. Các câu chuyện được Dumas biên soạn lại, kể lại bằng giọng điệu và kết cấu của riêng ông. Đọc “Những tội ác trứ danh”, bạn đọc chắc chắn sẽ không cảm thấy khô khan hay nhàm chán, cũng không hề cảm thấy toàn bộ là bạo lực và giết chóc. Có thể coi “Những tội ác trứ danh” là sáng tạo của Dumas dựa trên những chất liệu thực tế. Ông dẫn dắt độc giả vào từng câu chuyện riêng, lúc thì giới thiệu các nhân vật ngay từ đầu, lúc thì đi từ cái chết của nạn nhân để lật ngược về quá khứ, lúc lại mô tả quang cảnh rộng lớn của một vùng đất nào đó trước rồi dần dần thu hẹp vào con người… Các câu chuyện của Dumas vì thế mà trở nên hấp dẫn hơn, li kỳ hơn, đậm chất văn chương hơn.

Cách dùng ngôi thứ ba của Dumas khiến cho người đọc trở thành chúa tể của mỗi câu chuyện. “Vị chúa” nào cũng biết trước kết cục, nhưng lại cần gã đàn ông vui tính và phóng túng tên Dumas dắt đi, dò dẫm từng bước, từng bước, qua từng trang sách, vì cái hay của những câu chuyện về tội ác không phải ở kết quả, mà là ở hành trình: từ hành trình gây án cho đến hành trình phá án và chịu tội của kẻ thủ ác. Và dù có những câu chuyện bạo lực, kinh dị, dưới ngòi bút của Dumas, vẫn có thể coi “Những tội ác trứ danh” là tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa lãng mạn u ám qua những ám ảnh rùng rợn, những mô tả chi tiết, cận cảnh về cái chết mà nó bày ra cho người đọc.

Tất cả những yếu tố trên khiến “Những tội ác trứ danh” trở thành một trong những tác phẩm tiên phong cho thể loại văn học kinh dị giật gân, tội phạm. Cùng với Mary Shelley, Edgar Allan Poe, Robert Louis Stevenson,… Alexandre Dumas với “Những tội ác trứ danh” đã đem lại những đóng góp quan trọng cho thể loại văn học thách thức tâm lý người đọc này.

Có một điều cần lưu ý, đó là: Khi “làm quen” với Dumas qua “Những tội ác trứ danh”, độc giả cần ghi nhớ rằng đây chưa phải Dumas lão luyện khi viết “Bá tước Monte Cristo” hay “Ba chàng lính ngự lâm”, mà mới đang là một kịch gia đang tập tành viết tiểu thuyết. Tuy nhiên, tài năng kể truyện và dẫn dắt người đọc bằng câu chữ của Dumas đã được thể hiện rõ nét ở ngay những năm 1839-1841 này.

Trên thực tế, Dumas đã viết “Những tội ác trứ danh” trước khi ra mắt loạt tiểu thuyết phiêu lưu lịch sử tuyệt vời của ông (“Bá tước Monte Cristo” được hoàn thành vào năm 1844, “Ba chàng lính ngự lâm” được viết chỉ trong 4 tháng – từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1844). Như vậy, có thể coi “Những tội ác trứ danh” chính là cuốn sách đặt nền móng cho những tác phẩm trong tương lai của Alexandre Dumas. Trong tuyển tập này, ông đã đúc rút được nhiều kiến thức sâu rộng về các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đồng thời những câu truyện lịch sử ấy cũng giúp Dumas hiểu thêm về cơ chế hành động, đặc điểm tâm lý của nhiều kiểu người trong xã hội, từ quý tộc cho đến kẻ hầu, từ người trong quân đội cho đến người thường, phụ nữ, đàn ông, giám mục, trẻ nhỏ, hoàng thân quốc thích,… Cùng với kinh nghiệm sống phong phú của mình, chỉ 3 năm sau (1844), Dumas đã công bố với người đọc những bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất, hấp dẫn nhất, phiêu lưu nhất, lãng mạn nhất của mình.

Ở Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có một bản dịch đầy đủ nào của “Những tội ác trứ danh”. Bản dịch phổ biến nhất hiện nay do NXB Văn Học ấn hành vào năm 2003, do Mai Thế Sang dịch. Tuy nhiên, bản dịch cũng chỉ có 6/18 truyện. Các bản ebook tiếng Việt hiện có trên Internet cũng từ bản dịch này ra. Do vậy, nếu muốn đọc toàn bộ “Những tội ác trứ danh”, bạn đọc sẽ phải đọc bằng tiếng Anh hoặc đọc nguyên gốc tiếng Pháp. (Đọc bản tiếng Anh tại đây).

Qua tìm hiểu về cuộc đời của Alexandre Dumas và tuyển tập “Những tội ác trứ danh” có thể thấy Dumas là một văn hào đặc biệt: Ông có cuộc đời tự do, thống khoái. Cái lãng mạn của Dumas không phải là xa rời thực tế, chạy trốn hiện thực, đau khổ với hiện thực rồi khát khao vượt thoát, mà là chấp nhận hiện thực và coi hiện thực (dù khắc nghiệt đến đâu) là một cuộc phiêu lưu. Cuộc phiêu lưu ấy có lúc khó khăn thử thách, nhưng cũng có lúc vui vẻ sảng khoái. Trong cuộc đời mình, Dumas sống và viết, ăn chơi và trả nợ, phiêu lưu và chết. Tác phẩm của ông, dù u ám hay bay bổng, thì đều thể hiện rất rõ tinh thần phiêu lưu. Tinh thần phiêu lưu ấy, nếu không phải là một người dám mạo hiểm, dám sống hết mình, dám tự do, thì sẽ không thể nào có được.

***



GIA ĐÌNH HỌ XĂNGXY

(1598)
Khi nào các bạn có điều kiện đến tham quan La Mã, mời các bạn đến thăm tu viện Bramăng. Giữa tu viện, tại một chỗ lõm vài piê có xây một đền thờ nhỏ, cấu trúc pha tạp kiểu Hy Lạp cổ đại với kiểu gôtích phong kiến, rồi các bạn đi lên qua một cửa ngang và chính giữa nhà thờ. Ở đấy người dẫn đường sẽ hướng dẫn các bạn xem trong miếu đường thứ nhất, bên phải bức họa "Chúa Jêsu bị đánh đòn" của Xêbáttiêngđen Piômbô và trong miếu đường thứ ba bên trái "Jêsu trong mộ" của Fiamingô. Sau khi đã chiêm ngưỡng thỏa mãn những tác phẩm đó, các bạn tìm dưới chân bàn thờ, một tấm bia đá mà các bạn sẽ nhận ra được do một dấu chữ thập và một chữ đơn giản Orat. Chính dưới tấm bia đó đã chôn Bêatrich Xăngxy mà câu chuyện bi thảm về cô gái ấy sẽ để lại cho các bạn một ấn tượng sâu sắc.

Cô là con ông Frăngchetcô Xăngxy.

Frăngchetcô sinh dưới thời Giáo hoàng Clêmăng VII lên ngôi ngày 18 tháng 11 năm 1523. Frăngchetcô là con trai ông Nicôla Xăngxy, thủ quĩ của Giáo hoàng dưới thời Pie V.

Sinh ra với những bản tính không tốt và làm chủ một gia tài kếch xù, Frăngchetcô lao mình vào những cuộc ăn chơi trụy lạc. Ba lần bị bắt giam vì những cuộc tình ái bất chính và ông đã phải mất gần năm triệu Frăng để thoát khỏi tù tội.



Nhất là dưới thời Grêgoa XIII, người ta mới bắt đầu quan tâm đến Frăngchetcô một cách đúng mức. Dưới thời Bôlône buôncompani, ở La Mã tất cả mọi hành động đều được hợp thức hóa đối với những ai có tiền trả, kể cả kẻ giết người và người quan tòa. Cưỡng hiếp và giết người là những vấn đề rất thường mà công lý rất ít khi để ý đến những trò vụn vặt ấy nếu không có ai ở đây để truy đuổi thủ phạm.

Vào thời kỳ này, Frăngchetcô trong khoảng bốn bốn, bốn lăm tuổi, cao năm piê, bốn pút, dáng cân đối và rất khỏe mặc dù có vẻ hơi gầy. Tóc ông màu xám, cặp mắt to và đầy ý nghĩa mặc dù mi trên hơi xụp xuống và trở nên rất dữ tợn khi gặp kẻ thù. Ông chơi các môn thể thao rất khá, nhất là môn bơi thuyền. Đôi khi ông bơi thuyền một mình một mạch từ La Mã đến Naptlơ, một quãng đường bốn mươi dặm. Không tôn giáo, không tín ngưỡng, ông không vào nhà thờ bao giờ, nếu có vào cũng là chỉ để xúc phạm Chúa. Nhiều người nói rằng ông rất thích những sự kiện kỳ quặc và không có một tội ác nào mà ông phạm không ngoài mục đích để có một cảm giác mới lạ.

Năm bốn mươi nhăm tuổi ông lấy vợ. Vợ ông rất giàu nhưng không có một tài liệu nào nói tên bà là gì. Bà chết để lại cho ông bảy người con, năm trai hai gái. Ông lấy người vợ thứ hai, Lucrêgia Pêtrony, ngoài nước da trắng ngần, bà còn là một điển hình hoàn hảo về sắc đẹp La Mã. Lần lấy vợ thứ hai này ông không có con.

Cũng vì Frăngchetcô không có được những tình cảm tự nhiên của con người nên ông rất ghét các con mình và ông cũng chẳng cần giấu giếm mối căm ghét đó. Một hôm, ông cho xây dựng trong sân của mình một tòa lâu đài tráng lệ bên cạnh con sông Tibrơ, một đền thờ để tặng thánh Tômát. Ông nói với kiến trúc sư thiết kế cho ông một hầm mộ: "Tôi mong sẽ nhốt hết bọn con tôi vào đây".

Do đó khi các con ông vừa mới tự lập được, ông đã gửi ba người con lớn đến trường đại học Xalamăng ở Tây Ban Nha. Chắc hẳn ông nghĩ rằng xa chúng là bỏ rơi chúng vĩnh viễn, vì khi các con ông vừa đi khỏi nhà là ông không hề nghĩ đến chúng nữa, ngay cả đến việc gửi lương ăn cho chúng.

Chính là vào những năm đầu của triều đại Clêmăng VIII, một triều đại được nổi tiếng về công bằng, cho nên ba chàng trẻ tuổi ấy mới quyết cùng nhau lên kêu với Người. Ba chàng lên tìm Giáo hoàng Fratcatti và trình bày mục đích. Giáo hoàng công nhận quyền lợi của ba chàng và người bố là Frăngchetcô phải trợ cấp cho mỗi người con hai nghìn êcu. Frăngchetcô tìm mọi cách để hủy bỏ quyết định ấy, nhưng nhận được mệnh lệnh cụ thể nên buộc phải chấp hành.



Chính trong thời kỳ đó ông bị bắt giam lần thứ ba cũng vì tội tình ái xấu xa. Thế là ba người con trai của ông lại lên kêu với Giáo hoàng là cha họ làm nhục thanh danh của gia đình, và yêu cầu luật pháp trừng trị thích đáng. Giáo hoàng thấy hành động của con thế là không tốt nên đuổi họ về. Còn Frăngchetcô thì lần ấy cũng như hai lần trước được thoát thân bằng tiền bạc.

Người ta hiểu rằng hành động ấy của ba người con trai không thể thay đổi lòng căm ghét thành tình thương yêu của Frăngchetcô đối với các con được. Nhưng con trai còn có thể thoát khỏi sự giận dữ của cha, còn những cô con gái thì bị giông tố đổ xuống đầu. Chẳng bao lâu tình hình đó trở nên không thể chịu đựng được nữa, đến nỗi cô gái lớn, mặc dù bị giám sát chặt chẽ, cũng gửi được một lá đơn lên Giáo hoàng. Trong đơn cô kể hết những cách đối xử tàn tệ mà cô phải chịu đựng và xin với Giáo hoàng gả chồng cho mình hoặc cho mình vào một nhà tu kín. Clêmăng VIII mủi lòng thương hại, buộc Frăngchetcô phải trợ cấp cho cô một món tiền hồi môn là sáu chục nghìn êcu và gả cô cho Caclô Gabrieli, một gia đình quý tộc ở Gupbiô. Frăngchetcô nổi giận tưởng phát điên vì thấy cô gái ấy thoát được tay mình.

Cũng vào thời gian đó thần chết lại đến giải thoát cho ông hai đứa con nữa: Rốc và Crittốp Xăngxy bị giết chết cách nhau một năm, đó là một niềm an ủi cho Frăngchetcô. Tính keo kiệt của ông theo đuổi các con ông đến cả sau cái chết của chúng vì ông tuyên bố sẽ không chi một đồng xu cho phí tổn nhà thờ. Xác chúng phải mang vào hầm mộ mà ông đã xây sẵn cho chúng, trong những áo quan của những kẻ ăn mày.

Khi trông thấy hai xác con nằm ở đấy, ông tuyên bố rất sung sướng đã thoát khỏi hai đứa xấu xa ấy, nhưng sẽ được sung sướng hoàn toàn khi nào thấy năm đứa kia nằm bên cạnh hai đứa này để có đủ cả bầy, ông sẽ nổi lửa đốt tòa lâu đài để tỏ dấu hiệu vui sướng của mình.

Tuy nhiên Frăngchetcô cũng tìm đủ mọi biện pháp để cô gái thứ hai, Bêatrich Xăngxy không theo gương cô chị. Lúc đó Bêatrich là một cô bé mười ba tuổi xinh đẹp và thơ ngây như nàng tiên. Mái tóc cô dài màu hung, một vẻ đẹp hiếm có ở nước Ý mà chúng ta đã thấy trong tất cả các bức họa của Rafaen(Họa sĩ trứ danh người Ý ). Mái tóc đó rủ xuống thành búi hai bên bờ vai để lộ ra một cái trán tuyệt mỹ, cặp mắt màu xanh da trời có một vẻ mê hồn nhất, thân hình cô tầm thước nhưng rất cân đối.

Để giữ được cô, Frăngchetcô nhốt con gái vào một căn phòng kín của lâu đài mà chỉ mình ông có chìa khóa. Ông trở thành tên cai ngục của con gái mình. Hàng ngày ông vào thăm và mang thức ăn cho cô. Ông đối xử với cô rất khắt khe cho mãi đến năm cô mười bảy tuổi. Chẳng bao lâu cô bé tội nghiệp ngạc nhiên thấy bỗng nhiên ông đã dịu đi. Đó chỉ là vì cô bé Bêatrich đã trở thành một cô thiếu nữ, sắc đẹp của cô đã nở ra như một bông hoa. Và Frăngchetcô, một tên tội phạm không từ một tội ác nào, đã nhìn cô với cặp mắt loạn luân.

Một thời gian sau, đêm đêm cô thường bị thức giấc bởi một thứ âm nhạc du dương như từ cõi thiên đường phát ra. Khi cô nói điều đó với cha, cha cô dỗ dành để cô yên trí và còn nói thêm nếu cô ngoan ngoãn dễ bảo thì chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ ban cho cô một phần thưởng đặc biệt, không những cô chỉ được nghe mà còn được trông thấy nữa.



Quả nhiên một đêm, trong khi cô đang tỳ khuỷu tay xuống giường để thưởng thức thứ âm nhạc du dương ấy, bỗng nhiên cửa buồng cô mở ra và từ trong buồng tối cô nhìn ra các buồng xung quanh thấy ánh đèn rực rỡ và đầy hương thơm, như hương thơm, mà người ta ngửi thấy trong giấc mơ, những con trai và con gái xinh đẹp gần như trần truồng như cô đã nhìn thấy trong những bức tranh của Ghit và của Rafaen. Họ đi dạo chơi trong phòng, tỏ vẻ đầy sung sướng và hạnh phúc. Chúng là một bọn vô lại mà Frăngchetcô đã thuê tiền vì hắn giàu có như một ông vua. Mỗi một đêm hắn lại cho thay đổi những cảnh say sưa phóng dục của "Alêchxăng trong bữa tiệc cưới Lucret" và những cảnh trác táng của "Tibe ở Capri". Sau một giờ, cánh cửa đóng lại và cảnh quyến rũ biến mất, làm cho Bêatrich bối rối và ngạc nhiên.

Đêm hôm sau cảnh tượng như vậy lại hiện lên. Nhưng lần này Frăngchetcô bước vào buồng con gái, rủ rê con gái ra tham gia cùng hắn trần truồng. Không hiểu tại sao Bêatrich lại biết rằng làm theo lời nằn nì của cha là không tốt. Cô trả lời không thấy mẹ ghẻ Lucrêgia có mặt trong đám phụ nữ, nên cô không dám đứng lên ra ngoài với những người lạ mặt. Frăngchetcô dọa và van nài cô, nhưng đều vô ích.

Hôm sau cô mặc cả quần áo đi nằm. Đúng giờ thường lệ, cửa buồng cô lại mở ra và cảnh tượng ban đêm lại tái diễn. Lần này mẹ ghẻ cô, Lucrêgia cũng có mặt trong đám đàn bà đi diễu qua trước cửa buồng cô, bạo lực đã buộc bà phải làm điều nhục nhã ấy. Bêatrich ở khá xa nên không nhìn thấy bà đỏ mặt và nước mắt tràn trề. Frăngchetcô liền chỉ cho con gái mình bà mẹ ghẻ mà hôm qua cô không thấy. Thấy cô không nói gì hắn liền đưa cô bé vào cơn cuồng si ấy mặc dù cô bối rối và đỏ nhừ cả người.

Ở đây Bêatrich nhìn thấy những cảnh đốn mạt chưa từng có và cô nhìn thấy những điều cô chưa từng biết.

Tuy nhiên cô cũng chống cự lại khá lâu, Frăngchetcô cho rằng những cảnh tượng ấy kích thích cảm giác của con gái, hắn lại còn thêm vào đấy những tà thuyết hòng đánh lạc lý trí của cô. Hắn nói với cô rằng những Thánh lớn nhất của nhà thờ đều sinh ra từ mối quan hệ tình dục giữa người cha và con gái.

Thế là hắn không từ một thủ đoạn dã man nào. Hắn buộc Lucrêgia và Bêatrich phải cùng chung một chồng, đe dọa sẽ giết vợ nếu bà để lộ một câu cho con gái hắn biết sự chung chạ ấy là một điều ô nhục. Sự việc như vậy cứ diễn ra trong vòng gần ba năm.

Đến thời kỳ này Frăngchetcô có việc phải đi xa trong một thời gian, buộc hắn phải để hai người đàn bà ở nhà với nhau và được tự do.

Điều thứ nhất mà bà Lucrêgia thực hiện ngay là nói cho Bêatrich thấy tất cả sự bỉ ổi của cuộc sống của họ, thế là hai người cùng nhau viết một tờ đơn tố cáo với Giáo hoàng tất cả những gì mà họ đã phải đau khổ chịu đựng. Chẳng may, trước khi đi, Frăngchetcô đã đề phòng tất cả, những người xung quanh Giáo hoàng đều bị hắn mua chuộc hoặc sắp được mua chuộc cho nên đơn tố cáo của hai người đàn bà tội nghiệp không tới được tay Giáo hoàng.