Nội Soi Google

Tác giả : Steven Levy
  • Lượt đọc : 432
  • Kích thước : 1.31 MB
  • Số trang : 488
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 588
  • Số lượt xem : 3.075
  • Đọc trên điện thoại :
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và việc tìm kiếm trên Google đã trở thành một điều hiển nhiên như hơi thở. Và chính cái đơn giản đó lại làm nên sự vĩ đại của Google. Ngày nay Google đã thân quen với chúng ta đến mức có lẽ chẳng mấy ai đặt ra câu hỏi “Đằng sau khung hình tìm kiếm bên dưới hàng chữ đơn giản, vui mắt ấy là điều gì?”

“Nội soi Google” đưa bạn trở lại những ngày đầu tiên Google được thành lập với trụ sở nhỏ với những con người trẻ tuổi, đầy sáng tạo và nhiệt huyết. Từ xuất phát điểm đó tác giả Steven Levy sẽ đưa bạn qua một cuộc hành trình thú vị đầy ắp những tình tiết hấp dẫn và bất ngờ, cá tính, đậm chất Google. Bạn sẽ được làm quen với hai người cha đẻ sinh ra và tạo nên linh hồn cho người khổng lồ này: Larry Page và Sergey Brin.

Bạn sẽ cùng song hành với Google từ khi còn là một công ty khởi nghiệp nhỏ bé, qua những khó khăn thử thách, những sai lầm và những thành công, đến khi trở thành người khổng lồ đổ bóng trên toàn thế giới. Bạn sẽ hồi hộp cùng sự ra đời của những sản phẩm đầu tiên của công ty mà giờ đây cực kì gần gũi với bạn như công cụ tìm kiếm Google, hòm thư điện tử Gmail… cho tớ các sản phẩm gần đây trong ngành truyền thông và truyền hình; Tuyệt vọng trước những lời từ chối đầu tư và những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được; Vỡ òa trong hạnh phúc cùng những thành công ít người đạt tới; Ngạc nhiên và thán phục trước những quyết định táo bạo và khác người;… Đây là một cuốn sách không thể bỏ qua cho bất cứ ai đã biết đến danh từ Google.

Với cuốn sách này, bạn không chỉ có được hiểu biết sâu sắc về bí quyết và con đường thành công của một công ty có ảnh hưởng cực lớn tới cách thức tiếp cận thông tin của gần 7 tỉ con người trên trái đất. Qua các câu chuyện kể lại, bạn sẽ còn rút ra được không ít những bài học về kinh doanh, quản trị, phát triển và quảng bá sản phẩm… Nhưng trên tất cả, cuốn sách sẽ tạo cho bạn một nguồn cảm hứng bất tận khi chứng kiến ý chí, sức sáng tạo, sự quả cảm và kiên định với con đường mà mình đã lựa chọn của những người đứng đầu đế chế này.

***

LỜI CẢM ƠN
Các nhân viên của Google đã làm hết sức có thể để dành thời gian giúp đỡ tôi. Mặc dù bản danh sách quả thực có thể lên tới hàng trăm người, nhưng tôi vẫn mạo muội xin được liệt kê ra đây một vài nhân vật đã bỏ không biết bao công sức giúp đỡ tôi hiểu rõ hơn về Google, đó là Paul Buchheit, Matt Cutts, David Drummond, Urs Hölzle, Bradley Horowitz, Kai-Fu Lee, Salar Kamangar, Joe Kraus, Andrew Maclaughlin, Marissa Mayer, Sundar Pichai, Andy Rubin, Amit Singhal, Hal Varian, và Susan Wojcicki. (Xin được gửi lời xin lỗi chân thành của tôi tới những người xứng đáng được nhắc tới mà tôi không thể nêu hết tên trong những trang sách này).

Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Karen Wickre, một nhân viên quan hệ công chúng được chỉ định làm “người chăn cừu”, hướng dẫn viên tốt nhất đưa tôi đến Google.

Những biên tập viên của Wired đều hiểu được rằng dự án về cuốn sách này của một nhân viên mới không phải là trò tiêu khiển tốn kém mà thực sự mang lại lợi ích. Vì vậy, cảm ơn Chris Anderson, Bob Cohn, Thomas Goetz, Mark Horowitz, Jason Tanz, và Mark McCluskey. Tôi cũng biết ơn sếp cũ của mình ở tạp chí Newsweek và những biên tập viên ở đó (đặc biệt là Mark Whitaker, George Hackett, và David Jefferson) vì đã cung cấp cho tôi nền tảng để nghiên cứu Google ngay từ buổi sơ khai.

Một người đã thực sự góp mặt vào tất cả các buổi phỏng vấn khi chép lại các cuộc hội thoại, Victoria Wright, giờ đây chắc hẳn phải là người có vốn kiến thức uyên bác nhất về Google, dù chưa từng đặt chân vào trụ sở của công ty. Suốt mùa xuân năm 2009, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Andrew Marantz, dưới sự bảo trợ của chương trình báo cáo giảng dạy văn học của trường Đại học New York. Zach Gottlieb đã giúp tôi nghiên cứu Google.org. Bạn tôi, Lynnea Johnson đã hỗ trợ tôi rất nhiều khi cho tôi mượn ngôi nhà ở Palo Alto mà cô ấy là đồng sở hữu cùng với Carolyn Rose làm căn cứ trong thời gian thực hiện dự án. Ngoài ra, để cuốn sách được hoàn thành nhanh chóng hơn, không thể không nhắc đến sự chu đáo của Erin Rooney Doland, người đã giúp tôi sắp xếp và dọn dẹp phòng làm việc. Đội ngũ kiểm tra tính xác thực thông tin của tôi bao gồm Deborah Branscum, Victoria Wright, Stacy Horn, Teresa Carpenter, và Andrew Levy. (Dẫu vậy, như thường lệ, trách nhiệm cuối cùng thuộc về tác giả.) Tôi nhận được sự hiểu biết và những lời khuyên bổ ích trong suốt quá trình viết sách từ phía John Markoff, Kevin Kelly, và Brad Stone. Độc giả đầu tiên và nhiệt thành nhất của tôi không ai khác, là vợ tôi, Teresa Carpenter.(Thật hữu dụng khi sống cùng nhà với một người đã từng giành giải thưởng Pulitzer.)

Và lúc nào cũng vậy, sự giúp đỡ của người đại diện Flip Brophy cũng thật vô giá ở mọi giai đoạn trong quá trình xuất bản đầy nguy nan. Ở Simon & Schuster, Bob Bender một lần nữa trở thành biên tập viên sắc sảo và tỉ mỉ của tôi, cùng với sự trợ giúp của Johanna Li. Người hiệu đính và sửa bản in ở Simon & Schuster là Nancy Inglis. David Rosenthal đã tin tưởng tôi ngay từ đầu.

Trên tất thảy, tác giả nào cũng phải cần sự giúp đỡ cũng như hi sinh của những người thân yêu, và tôi không phải là ngoại lệ. Gửi lời yêu thương và sự biết ơn sâu sắc nhất tới Teresa và Andrew.

Cuối cùng, cuốn sách này – cũng giống như hầu hết mọi tác phẩm báo chí phản ánh người thực việc thực khác được viết trong thế kỉ 21 – chắc chắn sẽ khó lòng có thể hoàn thành được nếu không có cỗ máy tìm kiếm Google. Cảm ơn Larry, Sergey và tất cả các kỹ sư, những người đã tạo ra và cải tiến công cụ tuyệt diệu đầy tính công nghệ và văn hóa này!

***

MỞ ÐẦUTÌM KIẾM GOOGLE
“Bạn đã từng nghe nói về Google?”

Năm 2007, vào một ngày tháng 7 vô cùng nóng nực, tại một làng quê vùng nông thôn Ragihalli của Ấn Độ, cách thành phố Bangalore 30 dặm. 22 người từ một công ty có trụ sở ở Mountain View, California, lái mấy chiếc xe SUV và đi theo một con đường mòn dẫn tới địa bàn của 70 căn lều quân sự xơ xác với sàn đổ bê tông, bao quanh là những cánh đồng thi thoảng lại bị giày xéo bởi lũ voi không mời mà tới. Dù mấy năm gần đây điện đã về đến Ragihalli nhưng trong cộng đồng này không có lấy một chiếc máy tính cá nhân nào. Cuộc viếng thăm đã bắt đầu với chút bối rối của những người khách lạ khi họ bước ra khỏi xe và được chào đón bởi toàn thể dân cư trong làng, lúc này có khoảng 200 người. Cứ như thể là những vị khách phương Tây ăn mặc chỉn chu này vừa đổ bộ từ hành tinh khác, theo một nghĩa nào đó thì quả có thế thật. Bọn học sinh bị đẩy lên trước và trình diễn một bài hát. Đổi lại, chúng được các vị khách tặng sách vở và kẹo. Một khoảng lặng căng thẳng bị phá vỡ khi Marissa Mayer, người dẫn đầu đoàn đại biểu, một phụ nữ 32 tuổi, nói: “Hãy giao lưu với họ đi.” Nhóm tỏa ra và bắt đầu tham gia vào cuộc đàm đạo đầy lúng túng với dân làng.

Khi Alex Vogenthaler tới hỏi chuyện một thanh niên mảnh khảnh đang cười hớn hở, rằng anh đã nghe đến Google bao giờ chưa. Đó là câu hỏi mà Alex không bao giờ phải đặt ra ở quê hương mình: Rõ ràng là tất cả mọi người ở Mỹ và mọi nơi trong thế giới mạng đều biết đến Google. Sản phẩm tìm kiếm trên Internet hiệu quả đến phi thường của nó đã thay đổi cách con người tiếp cận với thông tin, thay đổi cách người ta nghĩ về thông tin. Lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) của Google vào năm 2004 đã biến nó thành một gã khổng lồ kinh tế. Và những người sáng lập ra nó chính là ví dụ hoàn hảo của những bộ óc kỹ thuật cực kỳ thông minh, đại diện cho tương lai của ngành kinh doanh trong kỷ nguyên Internet.

Anh trai làng thú nhận là không, anh chưa bao giờ nghe nói về Google cả. “Nó là cái gì vậy?”, anh hỏi. Vogenthaler cố gắng giải thích bằng cách đơn giản nhất rằng Google là một công ty hoạt động trên Internet. Người ta sử dụng nó để tìm kiếm thông tin. Anh có thể đưa ra cho nó một câu hỏi và nó sẽ ngay lập tức đưa cho anh câu trả lời từ những kho chứa thông tin khổng lồ mà nó thu thập được trên Mạng lưới toàn cầu (World Wide Web).

Người thanh niên kiên nhẫn lắng nghe nhưng rõ ràng là anh này thân thuộc với đồng ruộng hơn là lĩnh vực tìm kiếm.

Rồi chàng thanh niên cầm một chiếc điện thoại di động lên, có vẻ như muốn hỏi: “Ý anh là cái này hả?”

Tín hiệu kết nối trên màn hình điện thoại hiển thị bốn vạch. Ở Mỹ, có những vùng lãnh thổ mà người ta hiếm khi nhận được sóng – hay thậm chí không thu được vạch sóng nào. Nhưng ở đây, vùng nông thôn Ấn Độ, sóng lại rất khỏe.

Thì ra, Google đang chuẩn bị cho một dự án trị giá nhiều triệu đôla để biến những chiếc điện thoại thông minh thành phụ kiện mang thông tin hỗ trợ cho bộ não của con người, cho phép mọi người ngay lập tức lấy thông tin từ một kho tri thức khổng lồ của thế giới. Chàng thanh niên này có thể chưa biết đến Google, nhưng công ty này sẽ sớm có mặt tại Ragihalli. Và lúc đó anh sẽbiết đến Google.

Tôi đã chứng kiến cuộc trao đổi này vào năm 2007 với tư cách là một phóng viên trong chuyến đi hàng năm của các trợ lý Giám đốc phụ trách sản phẩm (Associate Product Manager - APM), một nhóm được coi như những người lãnh đạo tương lai của công ty. Chúng tôi bắt đầu hành trình của mình ở San Fransico sau đó hạ cánh xuống Tokyo, Bắc Kinh, Bangalore và Tel Aviv trước khi trở về nhà sau 16 ngày.

Sự tham gia của tôi trong chuyến đi là kết quả của một mối quan hệ lâu dài với Google. Cuối năm 1998, tôi đã nghe đồn nhiều về một công cụ tìm kiếm thông minh hơn và đã dùng thử. Google tốt hơn hẳn tất cả những công cụ tôi đã từng sử dụng trước đó. Khi được nghe một chút về phương pháp mà công cụ này sử dụng để mang lại kết quả tốt đến vậy – nó dựa trên sự dân chủ trên nền tảng web – tôi lại càng thấy trí tò mò của mình bị kích thích. Đây là cách tôi đề cập đến nó trên tờ Newsweek phát hành ngày 22 tháng 2 năm 1999: “Google, công cụ tìm kiếm “nóng” nhất trên mạng, tự sàng lọc các phản hồi trên web(1) để đem đến những kết quả sát hơn với yêu cầu của khách hàng.”

Cũng trong năm đó, tôi thu xếp với Cindy McCaffrey, Giám đốc mới phụ trách truyền thông doanh nghiệp của Google, để tới thăm trụ sở công ty ở Mountain View. Tôi đã tới thăm rất nhiều công ty mới khởi nghiệp nên không quá ngạc nhiên với sự lộn xộn ấm cúng – một căn phòng rộng với những khoang nhỏ vẫn còn để trống và một đống bóng tập thể dục. Dù vậy, tôi đã không ngờ là thay vì vận những chiếc áo phông và quần jean truyền thống, đám nhân viên lại diện toàn đồ hóa trang. Tôi đã tới đúng vào lễ Halloween.

“Steven, đây là Larry Page và Sergey Brin”, Cindy giới thiệu tôi với hai anh chàng trẻ tuổi, những người vừa thành lập công ty với tư cách là học viên cao học của Đại học Stanford. Larry ăn mặc như một tên cướp biển Viking với một cái áo khoác lông thú và chiếc mũ có cặp sừng dài. Sergey mặc bộ đồ hình con bò. Trên ngực cậu là một tấm cao su, từ đó nhô ra mấy cái núm vú to đùng, đầy chấm nhỏ. Họ chào đón tôi rất vui vẻ và chúng tôi rút vào phòng họp, nơi Cướp biển và Bò giải thích sức mạnh kỳ diệu của công nghệ PageRank (xếp thứ hạng trang) của Google.

Đó là buổi phỏng vấn đầu tiên trong rất nhiều cuộc phỏng vấn tôi thực hiện tại Google. Trong vài năm sau đó, Google đã trở thành tâm điểm cho những báo cáo của tôi về công nghệ trên tờ Newsweek. Từ một công ty có xuất phát điểm nhỏ bé, Google đã nhanh chóng trở thành một đế chế với hơn 20.000 nhân công. Mỗi ngày, hàng tỉ người sử dụng công cụ tìm kiếm của nó, và khả năng đáng kinh ngạc của Google trong việc mang lại những kết quả tìm kiếm trong vòng vài phần nghìn giây đã thay đổi cách thức cả thế giới thu thập thông tin. Số lượng người nhấp chuột vào các thanh quảng cáo đã mang lại cho Google lợi nhuận lớn và biến những người sáng lập thành tỉ phú – đồng thời cũng châm ngòi cho những tiếng la ó phản đối từ phía nhóm người hưởng lợi từ quảng cáo truyền thống.

Google cũng trở nên nổi tiếng với văn hóa không phân biệt thứ bậc và cách thức đưa ra quyết định kinh doanh căn cứ trên số liệu; các chuyên gia quản trị xôn xao bàn tán về những phương pháp khác thường của nó. Năm tháng trôi qua, Google bắt đầu thể hiện sứ mệnh của mình – thu thập và khiến cho thông tin của thế giới trở nên dễ tiếp cận và hữu dụng – theo nghĩa rộng nhất có thể. Công ty tạo ra một loạt các ứng dụng trên nền tảng web đồng thời công bố ý định tạo phiên bản điện tử cho toàn bộ sách trên thế giới. Nó bắt đầu thâm nhập vào lĩnh vực hình ảnh vệ tinh, điện thoại di động, sản xuất năng lượng, lưu ảnh. Rõ ràng, Google là một trong những công ty có đóng góp quan trọng nhất cho cuộc cách mạng của máy tính và công nghệ, cuộc cách mạng đã đánh dấu một bước ngoặt trong nền văn minh. Tôi đã từng muốn viết một cuốn sách về công ty này nhưng chưa biết viết thế nào.

Rồi vào đầu tháng 7 năm 2007, tôi được đề nghị tham gia cùng đoàn trợ lý Giám đốc phụ trách sản phẩm trong chuyến đi của họ. Đó là một lời mời chưa từng có từ một công ty vốn thường hạn chế liên hệ giữa báo chí với nhân viên của mình. Tôi được biết rằng, chương trình APM là một sáng kiến rất có giá trị. Đây là trích dẫn một đoạn quảng bá mà một trong số các thành viên đã nói với những sinh viên sắp ra trường: “Chúng tôi đầu tư vào các APM của mình nhiều hơn bất cứ công ty nào từng đầu tư vào nhân viên trẻ của họ… Chúng tôi hình dung một thế giới nơi mọi người đều nghiêng mình kính nể trước sự thật rằng những nhà lãnh đạo của Google, những CEO giỏi nhất ở Thung lũng Silicon, và những bậc lãnh đạo được tôn trọng nhất trong các tổ chức phi Chính phủ toàn cầu đều trưởng thành từ chương trình APM của Google.” Eric Schmidt, CEO của Google nói với tôi: “Một trong những người này một ngày nào đó rất có thể sẽ là CEO của chúng tôi – chúng tôi chỉ chưa biết là người nào thôi.”

18 APM trong chuyến đi đã từng làm việc trong tất cả các bộ phận của Google: Nghiên cứu, quảng cáo, ứng dụng và thậm chí là cả những dự án ngầm, ví dụ như nỗ lực của Google để có được quyền đăng tải các tạp chí trên danh mục của mình. Nhóm của Mayer, cùng với các APM, đã lập ra một kế hoạch của chuyến đi. Mỗi hoạt động đều có một mục đích ngầm định nhằm nâng cao hiểu biết về vấn đề công nghệ hay kinh doanh, hoặc khiến họ, theo cách nói của công ty, trở nên đậm “chất Google” hơn. Chẳng hạn, ở Tokyo, họ tham gia vào cuộc săn lùng đồ phế thải ở quận điện tử lừng danh Akihabara của thành phố. Mỗi đội của đoàn APM góp 50 đôla để mua những thiết bị kỳ quặc nhất mà họ có thể lùng được. Ngụp lặn trong những con ngách bầy bán đầy linh kiện điện tử, họ kết thúc với bộ sưu tập vô cùng phong phú: USB có hình gạt tàn đang bốc khói, cái đĩa mô phỏng bề mặt của mặt trăng; máy phân tích hơi thở có thể cài đặt trong ô tô và một chiếc đũa ngắn và mập mà khi vẫy tới vẫy lui sẽ hiện lên các từ bằng đèn LED. Ở Bangalore cũng có một cuộc săn hàng khác – một chuyến du ngoạn tới khu vực chợ, nơi diễn ra cuộc thi tìm người mặc cả giỏi nhất. (Một cách đào tạo tốt cho những vụ mua bán máy tính số lượng lớn hay thậm chí là mua một công ty Internet mới thành lập). Một điểm cao trào nữa ở Tokyo là chuyến đi đến chợ cá Tsukiji lúc 5 giờ sáng. Điều hấp dẫn các APM không phải món sushi tươi ngon mà là cơ chế đấu giá cá, theo một cách nào đó thì khá giống với cách Google vận hành chương trình quảng cáo AdWords của mình.

Ở Trung Quốc, các APM được nghe Kai-Fu Lee, Giám đốc phụ trách khu vực, nói về việc cân bằng giữa kiểu làm việc không bị ràng buộc bởi các luật lệ của nhân viên Google với các quy định của chính quyền sở tại - và công tác kiểm duyệt. Tuy nhiên, trong suốt buổi phỏng vấn với khách hàng Trung Quốc, các APM lại khá mất tinh thần khi nghe cách người dân địa phương nhìn nhận về công ty: “Baidu [đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc của Google] biết nhiều [về Trung Quốc] hơn Google,” một người trẻ tuổi nói với một APM.

Ở mỗi văn phòng mà các APM ghé thăm, họ đều tham gia vào các cuộc họp với nhân viên Google địa phương, đầu tiên là để biết thêm về các dự án đang triển khai và sau đó thuật lại cho họ những việc diễn ra ở trụ sở tại Mountain View. Tôi bắt đầu thấy được cảm giác của người trong cuộc về các quy trình hoạt động của Google – và làm thế nào mà việc phục vụ người dùng của nó lại na ná giống như một cuộc vận động lớn. Đã có một khoảnh khắc thú vị ở Bangalore khi Mayer nhận câu hỏi từ phía những kỹ sư địa phương sau khi trình bày khái quát về một sản phẩm sắp ra đời. Một trong số những kỹ sư này hỏi: “Chúng tôi đã được nghe về đồ thị cho các sản phẩm, thế còn đồ thị cho doanh thu thì sao?” Cô suýt nữa thì nổi đóa lên với anh kỹ sư. “Đó không phải cách nghĩ của chúng ta,” cô nói: “Chúng ta tập trung vào người dùng. Nếu làm cho họ hạnh phúc, chúng ta sẽ có doanh thu.”

Phần hấp dẫn nhất trong chuyến đi là khoảng thời gian trải nghiệm với những nhân viên Google trẻ tuổi. Họ là những nhân viên ưu tú với điểm thi SAT(2) hoàn hảo hoặc gần hoàn hảo. Được lựa chọn cẩn thận từ hàng nghìn người sẵn sàng chết để có được công việc đó, tính cách và khả năng của họ phản ánh tính cách của chính Google. Trên xe buýt đi đến Vạn lý Trường thành của Trung Quốc, một trong số các APM đã thống kê nhân khẩu của nhóm và phát hiện ra rằng hầu hết trong số họ có bố mẹ là giáo sư và trên nửa có bố mẹ đã từng giảng dạy tại trường đại học – cũng giống như những người sáng lập ra Google. Tất cả họ đều lớn lên cùng với Internet và coi các định luật của nó tự nhiên như là nguyên lý vạn vật hấp dẫn. Họ nằm trong số những người thông minh và tham vọng nhất của thế hệ được trang bị tốt hơn thế hệ đi trước trong việc kiểm soát những làn sóng kỹ thuật ồ ạt. Đầu óc họ cộng hưởng mạnh mẽ với các giá trị về tốc độ, tính linh hoạt cũng như thái độ trân trọng số liệu của công ty.

Tuy nhiên, ngay cả khi chìm đắm giữa bong bóng lạc quan của những thanh niên trẻ tuổi này, tôi vẫn có thể nhận thấy trạng thái căng thẳng gắn liền sự phát triển đột phá của Google, từ một công ty non trẻ đầy nhiệt huyết trở thành một gã khổng lồ thống trị thị trường với hơn 20.000 nhân viên. Các APM dành một năm trời để lèo lái con đường truyền thống của một tập đoàn lớn, dù với sự khác biệt hoàn toàn – và giờ đây họ đã gần như trở thành những nhân viên hàng đầu. Thêm một điều nữa, tôi đã rất sửng sốt khi phát hiện ra rằng không một ai trong số những người bạn đồng hành của tôi nghĩ rằng 5 năm nữa mình vẫn làm việc cho Google. Marissa Mayer tiếp nhận tin này một cách bình tĩnh, khẳng định rằng ngay từ đầu, chính tham vọng đó là lý do họ được tuyển dụng. “Đây chính là kiểu gen mà Larry và Sergey tìm kiếm,” cô nói với tôi, “ngay cả nếu họ rời bỏ công việc, điều đó vẫn tốt cho chúng tôi. Họ sẽ mang theo ADN của Google đi cùng với mình.”

Sau thời gian gần một thập kỷ theo sát Google, tôi nghĩ rằng mình đã biết về nó khá rõ, nhưng chuyến đi kéo dài hai tuần này đã giúp tôi có được một góc nhìn khác, khiến tôi nhìn nhận công ty dưới ánh sáng rộng lớn và khác lạ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ẩn số. Google là một công ty được xây dựng dựa trên các giá trị của những người sáng lập ra nó, những người có tham vọng xây dựng một tập đoàn vững mạnh có ảnh hưởng đến toàn thế giới, đồng thời có cả sự căm ghét thói quan liêu và các ràng buộc phải có khi điều hành một công ty như vậy. Google đề cao sự trong sạch đạo đức thông qua phương châm chính thức của mình: “Đừng có xấu tính”, nhưng dường như có một “điểm mù” liên quan đến hậu quả mà công nghệ về sự riêng tư và quyền sở hữu của nó đem lại. Nguyên tắc nền tảng của Google là được phục vụ người dùng, nhưng một mục tiêu tạo ra một bộ máy trí tuệ nhân tạo khổng lồ sẽ mang lại hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả chúng ta. Ngay từ đầu, những người sáng lập công ty nói rằng họ muốn thay đổi thế giới. Nhưng họ là ai? Và họ hình dung trật tự thế giới mới sẽ như thế nào?

Sau chuyến đi, tôi nhận ra rằng cách tốt nhất để trả lời những câu hỏi này là viết càng nhiều càng tốt về những điều diễn ra bên trong Google. Tôi sẽ cố gắng để ngụp lặn sâu hơn vào kỹ thuật, cuộc sống và văn hóa của nó, để viết về cách nó thực sự hoạt động, phát triển các sản phẩm và kiểm soát sự phát triển cũng như hình ảnh của mình trước công chúng. Tôi sẽ là một người ngoài cuộc với góc nhìn của người trong cuộc.

Tất nhiên, để làm điều này, tôi cần sự hợp tác. May mắn thay, dựa trên mối quan hệ lâu dài của chúng tôi, các nhà điều hành Google, bao gồm “LSE” – Larry Page, Sergey Brin và Eric Schmidt – đã đồng ý để cho tôi tham gia. Trong hai năm tiếp theo – khoảng thời gian nhạy cảm khi vầng hào quang của Google bị mất đôi chút ánh sáng của mình ngay cả khi công ty tăng trưởng mạnh mẽ hơn – tôi đã phỏng vấn hàng trăm nhân viên cũ và mới của Google, đồng thời tham dự một loạt các cuộc họp trong công ty. Chúng bao gồm cuộc họp phát triển sản phẩm, “đánh giá giao diện”, ra mắt sản phẩm tìm kiếm, họp kín, họp TGIF(3), và các cuộc họp quan trọng khác về Chiến lược Sản phẩm của Google (GPS), nơi các dự án và sáng kiến được phê duyệt hoặc bị từ chối. Tôi cũng tham gia rất nhiều bữa ăn tại trụ sở của Google.

Tôi đã nhận ra Google là một công ty luôn hứng thú với sự lộn xộn đầy sáng tạo, ngay cả khi sự sáng tạo không phải lúc nào cũng ổn định như mong muốn. Google có các mục tiêu lớn và các giá trị của toàn bộ công ty đều xuất phát từ những người sáng lập. Mục tiêu của nó là thu thập và sắp xếp thông tin của thế giới – và đó chỉ là khởi đầu. Ngay từ đầu, những người sáng lập đã coi Google là một phương tiện để hiện thực hóa giấc mơ về trí tuệ nhân tạo trong sự phát triển giá trị nhân loại. Để thực hiện ước mơ của mình, Page và Brin cần phải xây dựng một công ty lớn. Cùng lúc đó, họ lại cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt sự tự do linh hoạt, ngang tàng, độc lập của một công ty nhỏ mới thành lập. Trong hai năm nghiên cứu cuốn sách này, sự xung đột giữa những mục tiêu đạt đến đỉnh điểm.

Góc nhìn từ bên trong của tôi cũng cung cấp cho tôi chìa khóa để hé mở nhiều bí mật nằm trong hai “hộp đen” của Google – công cụ tìm kiếm và mô hình quảng cáo của nó – hơn bất cứ một góc nhìn nào trước đó. Phương pháp tìm kiếm của Google là một phần cuộc sống của chúng ta và hệ thống quảng cáo của nó là sản phẩm thương mại quan trọng nhất của thời đại Internet. Trong cuốn sách này, lần đầu tiên độc giả có thể tìm hiểu đầy đủ câu chuyện về phát triển, sự tiến hóa và hoạt động bên trong của công ty. Hiểu biết về những sản phẩm đột phá này giúp chúng ta hiểu về Google và các nhân viên của nó bởi vì hoạt động của họ là hiện thân của cả giá trị và triết lý công nghệ của công ty. Quan trọng hơn, hiểu được những điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu thế giới và tương lai của mình.

Nhà văn khoa học viễn tưởng William Gibson đã từng nói rằng tương lai vốn đã ở đây, chỉ không được phân bố đều mà thôi. Ở Google, tương lai đã đang diễn ra. Hiểu về công ty đi tiên phong này và nhân viên của nó cũng là nắm bắt được vận mệnh của công nghệ. Và xin trân trọng giới thiệu Nội soi Google: Cách Google suy nghĩ, vận hành và định hình cuộc sống của chúng ta.