Phá Vỡ Lối Mòn Tư Duy

Tác giả : Steven Schuster
  • Lượt đọc : 724
  • Kích thước : 0.43 MB
  • Số trang : 87
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 958
  • Số lượt xem : 3.784
  • Đọc trên điện thoại :
Có một nghịch lý rất quen thuộc. Chúng ta thường xuyên được khuyên rằng hãy suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động. Nhưng càng cố đào sâu suy nghĩ, càng cân nhắc cẩn thận, chúng ta càng dễ lún sâu vào những cái bẫy của tâm trí. Những cái bẫy đó là cảm xúc lo lắng, bồn chồn, là các luồng suy nghĩ rối rắm, lộn xộn. Chúng ta bế tắc và không thể thoát ra khỏi các lối mòn, để cuối cùng lại đưa ra những quyết định và hành động cực kỳ thiếu sáng suốt.

Steven Schuster hiểu rằng, thay vì tập trung vào những suy nghĩ vẩn vơ không bao giờ chấm dứt, mỗi chúng ta nên chú tâm vào nguồn gốc gây ra nỗi sợ để chấp nhận và khắc phục chúng. Ông viết "Phá vỡ lối mòn tư duy" để trợ giúp độc giả, giúp người đọc trả lời hai câu hỏi: Thứ nhất, vì sao tâm trí bạn lại thường xuyên chống lại bạn, hay nói cách khác, vì sao bạn thường tự suy diễn ra những ý nghĩ tiêu cực và phụ thuộc vào nó? Thứ hai, làm thế nào để phá bỏ lối mòn tư duy, cải thiện kỹ năng tư duy phê bình và phát triển khả năng phán đoán tốt hơn trong cuộc chiến chống lại những suy nghĩ tự phá hoại?

"Phá vỡ lối mòn tư duy" bao gồm 9 chương sách, phân tích 9 lối mòn tư duy thường gặp phải của đa số mọi người. Bạn nhất định sẽ bất ngờ khi bắt gặp chính hình ảnh của bản thân trong lối dẫn dắt và giải quyết vấn đề của Schuster, và nhanh chóng tìm thấy lời giải cho các vấn đề của mình.

Có lẽ "Phá vỡ lối mòn tư duy" không phải là cuốn sách có thể thay đổi cuộc đời của bạn chỉ sau một đêm. Nhưng tác phẩm này đủ khả năng để cho bạn thấy cách cải thiện các mối quan hệ cá nhân, giải phóng bạn khỏi sợ hãi, và cho bạn một cách tiếp cận cuộc sống đa chiều, nhiều màu sắc.

***

Bạn không thể thay đổi dòng chảy tự nhiên của cuộc sống...

... nhưng có thể thay đổi cách bạn lí giải chúng.


Đôi khi những điều bình thường nhất xung quanh chúng ta lại là những thứ khó nhận biết nhất. Chúng ta dành không biết bao nhiêu ngày trôi qua để giết chết bộ não của mình, tự vấn biết bao câu hỏi lớn lao trong cuộc đời. Việc sống một cuộc sống với nhịp độ hối hả nhất khiến chúng ta bận tâm quá mức đến việc phải đạt được nhiều mục tiêu và kì vọng. Chúng ta không ngừng thắc mắc về sự nhàm chán của cuộc đời. Mặc dù vậy, hành động khao khát tìm hiểu ấy đôi lúc sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Bản chất con người vốn là hay suy nghĩ. Chính khả năng đó khiến chúng ta khác biệt với các giống loài khác. Chúng ta nhận thức được việc mình suy nghĩ. Thói quen nhận thức ngày càng phát triển hơn khi chúng ta lớn lên. Chúng ta học hỏi từ cha mẹ. Sau đó đi học, lên đại học, tìm được công ăn việc làm, đọc thật nhiều sách, xem cả tá phim ảnh và kết nối với người khác. Mỗi một hoạt động này vô tình ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của chúng ta. Kinh nghiệm nhận thức định hình thế giới quan của mỗi người. Mọi thứ mà cá nhân chúng ta trải nghiệm sẽ đi qua bộ lọc của bản thân và được hợp thức hóa. Rất thực tế. Còn thực tế hơn cả những thứ chúng ta chưa từng trải qua. Cho dù những điều chúng ta tin có thể không phải lúc nào cũng đúng.

Khi còn nhỏ, tôi chủ yếu sống cùng ông bà. Bà tôi có những quan điểm rất khắt khe về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống và bảo vệ ý kiến của mình cực kì quyết liệt. Bà bảo với tôi rằng những người sử dụng kem dưỡng da mặt cuối cùng sẽ nhận lấy hàng đống nếp nhăn sâu hoắm khi còn trẻ tuổi. Bà cũng dặn tôi đừng bao giờ mặc bất kì loại quần áo lót nào không may bằng vải cotton bởi chỉ có chất liệu đó mới đảm bảo. Bà dạy tôi rửa bát đĩa, sắp xếp quần áo để hong khô theo một cách nhất định. Tôi còn có thể thao thao kể ra tiếp nữa.

Gần đây, tôi nhận ra những quan điểm của bà đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi và tôi cực kì bảo thủ khi ai đó phủ nhận chúng. Tôi đã cãi nhau với vợ về việc quần áo lót nên may bằng chất liệu gì. Tôi có cảm giác ghét cay ghét đắng khi lần đầu tiên mua kem chống lão hóa, bên tai văng vẳng tiếng bà bảo rằng da tôi rồi sẽ sớm trông giống như cái mông của một con voi.

Tôi bắt đầu đọc các bài báo khoa học về tất cả “sự thật không thể chối cãi” mà bà đã dạy. Và hóa ra, hầu hết trong số đó hoặc đã lỗi thời hoặc vốn dĩ là sai. Tôi cảm giác có chút khó chịu trước bằng chứng cho thấy bản thân đã hiểu sai quá nhiều thứ. Và đặc biệt tổn thương khi những tài liệu khoa học thô thiển, vô tâm đó phủ nhận người bà quá cố - người đã truyền dạy cho tôi tri thức tâm huyết nhất của mình.

Việc tin tưởng những điều chúng ta nghe được từ người mà chúng ta yêu mến thường dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu bạn cũng giống như tôi, hầu như bạn sẽ chẳng bao giờ chất vấn họ. Bạn không tìm cách kiểm tra lại những gì bố mình nói về động cơ xe hơi bị trục trặc. Bạn không phản đối lời mẹ chỉ bảo về cách tổ chức đám cưới. Bạn có sự thiên vị nhận thức về phía những ai tác động đến tâm trí xúc cảm của bạn.

Khi đề cập đến việc chấp nhận những điều người ngoài nói, thường sẽ có hai kiểu người: người nghi ngờ đến tận căn cơ gốc rễ và kiểm tra tỉ mỉ mỗi một mẩu thông tin họ nghe để đảm bảo rằng nguồn tin tức đó chính xác; và những người tin tất cả mọi điều họ nghe – ngay cả khi do kênh Fox News cung cấp. Người ta thường có xu hướng sẵn sàng tin tưởng thông tin do một chuyên gia, giáo sư, hay người nổi tiếng đưa ra hơn là từ ai đó mà họ cho là “vô danh tiểu tốt”.

Bất kể thuộc nhóm nào, bạn cũng thường quả quyết cho rằng cách nghĩ của mình là đúng. Bạn nghĩ ngợi rất nhiều về các thông tin cần xử lí mỗi ngày, nhưng gần như chẳng bao giờ xem xem mình suy nghĩ như thế nào. Và làm thế nào để suy nghĩ. Khoảnh khắc đọc đến câu này, có lẽ huyết áp của bạn sẽ tăng lên một chút và tự nhủ: “Mình biết suy nghĩ ra sao. Mình có bằng đại học, có công việc tốt. Đó là bằng chứng cho thấy mình biết cách suy nghĩ như thế nào.”

Chuyện này xảy ra với tất cả chúng ta. Chúng ta xử lí rất nhiều thông tin. Chấp nhận hoặc bác bỏ chúng. Dù bằng cách nào đi nữa, nó cũng định hình cách suy nghĩ trong chúng ta. Nhưng điều gì làm nên suy nghĩ? Tại sao một khái niệm giống nhau lại có thể mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau đối với hai người? Những khuôn mẫu niềm tin của mỗi cá nhân đến từ đâu? Do bẩm sinh, di truyền, hay hình thành từ sự tiếp nhận thúc đẩy của văn hóa và môi trường? Chúng ta có thể thay đổi niềm tin của mình không? Làm thế nào để nhận ra niềm tin mù quáng thay vì tự giam mình trong xà lim của lối tư duy bảo thủ?

Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn phát hiện sai sót và định kiến nhận thức mà bạn đang sống chung với chúng. Tôi không có quyền dạy bạn suy nghĩ như thế nào nhưng có thể cùng bạn khám phá “suy nghĩ đúng đắn hơn” thật sự nghĩa là gì, có thể cho bạn thấy những lùm cây, bụi rậm mà bộ não “đưa đường dẫn lối” bạn chui vào cũng như chia sẻ một chút về một tinh thần sáng suốt. Tôi không muốn thuyết phục bạn thay đổi cách suy nghĩ. Tôi chỉ muốn giúp bạn đạt được nhận thức toàn diện về những niềm tin tuyệt đối của mình. Hầu hết những thứ tôi thừa nhận là đúng mà không nghi ngờ gì hóa ra lại không đúng. Tôi đã phạm phải nhiều sai lầm, cãi vã vô số lần và có những trải nghiệm tồi tệ cho đến khi hiểu được điều này.

Đó là khi tôi thừa nhận rằng mình không hiểu biết nhiều đến thế. Và thật sự, ngay cả những thứ tôi biết cũng có thể sai. Để chứng minh cho phát biểu của mình, đây là một thực tế tôi chấp nhận theo tiềm thức và nó không ngừng định hướng cuộc sống hiện tại của tôi – một thế giới như cách tôi nhìn thấy (và không chỉ một mình tôi; điều mà tôi sắp nói đây cũng đúng trong trường hợp của bạn, và trong trường hợp của bảy tỉ linh hồn khác).

Một cách mặc định, mỗi cá nhân đều nhận thức rằng hết thảy mọi thứ từ mặt trời cho đến những quỹ đạo trong thái dương hệ đều quay xung quanh họ. Mọi người cảm thấy và cho rằng họ chính là phần cơ thể bằng xương bằng thịt quan trọng nhất từ trước đến nay.

Niềm tin này hợp lí khi xét đến việc chúng ta suốt ngày chỉ sống trong đầu óc của chính mình, và mọi trải nghiệm có được từ khi sinh ra đến lúc chết đi đều tập trung xem chúng ta là nhân vật chính. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm đều hướng về chính chúng ta.

Có lẽ bạn cho rằng mình là một người suy nghĩ cởi mở, phóng khoáng nhưng trên thực tế, sự không ý thức bắt rễ trong tư tưởng tự xem mình là trung tâm tạo cho bạn “tầm nhìn trong đường hầm”1 hạn hẹp. Tôi không nói bạn ích kỉ. Hay ngốc nghếch. Hay cả hai. Bạn không phải như thế. Tôi chỉ muốn minh họa một vấn đề còn phổ biến hơn cả fan hâm hộ của Giáo hoàng Phanxico. Tôi cũng mắc phải tầm nhìn hạn chế và trong nhiều khía cạnh cuộc sống, tôi chắc chắn rằng mình vẫn chỉ nhìn thấy cái trước mắt. Biết được điều này, tôi sẽ là người cuối cùng cười nhạo bất cứ ai vừa mới trải qua khoảnh khắc “thức tỉnh” khi đọc những dòng vừa rồi của tôi. Tôi có mặt ở đây để giúp bạn từ từ thay đổi hoặc nâng màn mây nhận thức đang che phủ đôi mắt. Để lại phía sau thế giới quan cứng nhắc, vị kỉ có thể giúp bạn dễ dàng chấp nhận hơn, phóng khoáng hơn với thế giới này, bớt căng thẳng và thật sự thích nghi tốt với cuộc sống.

1 Tunnel vision: tầm nhìn hạn chế, chỉ thấy những cái trước mắt.

Để tôi nói cho bạn nghe một nhận định sáo rỗng về nhận thức: Người càng có học vấn cao thì càng có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng suy nghĩ thái quá. Người thông minh có thể nảy ra lí do thông minh và cách lí giải trừu tượng. Họ “lạc lối” trong quá khứ hoặc tương lai thay vì tập trung chú ý vào sự việc đang xảy ra ngay lúc này. Và dĩ nhiên, họ bị thuyết phục bởi sự đúng đắn của mình.

Nếu bạn nghĩ: “Thật may là mình không thông minh đến thế” hay “Tôi thông minh và ý kiến này thật xúc phạm” thì đúng là bạn đã rơi vào cái bẫy niềm tin của chính mình. Bạn bị cuốn vào cuộc độc thoại đang diễn ra trong đầu phản ánh sự đảm bảo về mặt nhận thức. Hãy ngừng đọc trong giây lát. Bạn đang suy nghĩ về cái gì vậy? Trong đầu óc bạn đang nói gì? Bất kể phản ứng trong thâm tâm là gì đi nữa, đó cũng là yếu tố định hình nên “tầm nhìn trong đường hầm” của bạn.

Khi nói đến việc “làm thế nào để suy nghĩ chín chắn hơn”, tôi thật sự không có ý áp dụng một mô hình tư duy hoàn toàn mới. Tôi muốn nghiên cứu cách theo dõi và kiểm soát những gì bạn nghĩ. Ý thức về điều làm bạn chú ý và những ý nghĩa bạn quan tâm. Tập trung vào quá nhiều thứ, mâu thuẫn về cách giải thích, không nhận thức kiểu tư duy của bản thân sẽ khiến cuộc sống khi trưởng thành của bạn trở nên quay cuồng bận rộn.

Đó chính là ý nghĩa thật sự của việc đổi mới thói quen tư duy. Làm thế nào để chuyển đổi nhận thức mặc định, cố chấp, vị kỉ về thế giới của bạn sang ý thức phổ quát cởi mở hơn, ít vị kỉ hơn.

Nhận thức phổ quát ấy bắt đầu từ chỗ bạn chấp nhận rằng bản thân mình thật sự không phải là “cái rốn” của vũ trụ và bạn không hiểu biết nhiều như bạn nghĩ. Tôi xin hứa, những khẳng định táo bạo này sẽ trở nên dễ hiểu cho đến lúc bạn đọc xong cuốn sách.

Còn bây giờ, hãy xem xét cuộc đời bình thường của một người trưởng thành, biết rằng cuộc sống này không phải được dệt nên từ những ý tưởng táo bạo, cuộc phiêu lưu dữ dội và những đỉnh cao bất ngờ, mà đa phần là bằng lề thói hằng ngày, nỗi buồn tẻ chán ngắt lẫn những điều có thể biết trước được.

Bất kể bạn đang làm nghề gì, rốt cuộc nó cũng sẽ trở nên nhàm chán đơn điệu. Một nhân viên kế toán hay người hướng dẫn chèo thuyền băng ghềnh vượt thác trên sông đều có thể trải qua cảm giác “thế tục” như nhau. Thức dậy vào buổi sáng, đều đặn đi qua ngày làm việc dài từ 8 đến 10 tiếng. Không quan trọng họ nhận được bao nhiêu tiếng cổ vũ reo hò, có những khoảnh khắc cực kì ngoạn mục cùng đội nhóm xuôi theo dòng nước dữ dội, hay ngoan ngoãn gõ những con số trên máy tính với nửa tiếng nghỉ trưa; họ vẫn sẽ cảm thấy căng thẳng hoặc/và nhẹ nhõm hơn khi hoàn thành những việc lặt vặt. Công việc có thể khác nhau, nhưng trải nghiệm khi có việc làm thì giống nhau. Một người nhảy lên chiếc xe Volkswagen đậm chất hippie trong khi người khác leo lên chiếc xe Volvo an toàn, thiết thực và có động cơ nhiên liệu kép. Họ đều trở về nhà để thưởng thức bữa tối ngon miệng, giết thời gian bằng những chương trình ti vi vô nghĩa trong vài tiếng đồng hồ, rồi đi ngủ sớm bởi vì… vâng, vì họ thừa biết ngày mai sẽ có những sự kiện gì liên quan đến mình.

Trong lúc lái xe về nhà, họ nghe vài bản nhạc hot trên radio, đều đều bắt nhịp với giai điệu của tay lái thì lại sực nhớ ra là chẳng còn tí thức ăn nào kể từ khi vợ mình về thăm mẹ. Lầm bầm bực dọc về nỗi mệt mỏi của bản thân và sự thiếu chu đáo của người vợ, hai nhân vật chính trong câu chuyện đổi đường đi đến một tiệm thức ăn nhanh. Đường sá thật kinh khủng vì đang giờ cao điểm. “Tại sao mấy cái người này không tìm được việc nào tử tế hơn việc ngáng đường mình đến Taco-Bell tìm cái gì bỏ bụng?”. Cả người nhân viên kế toán lẫn anh hướng dẫn chèo thuyền vượt thác của chúng ta đều nghĩ thế.

Cuối cùng, họ đến được nhà hàng thức ăn nhanh chỉ để nhìn thấy cảnh tượng chen chúc còn hơn trên đường phố, bởi vì hết thảy những con người bận rộn với công việc và có vợ đang về thăm mẹ đều đang cố gắng kiếm cái gì đó để xoa dịu cơn đói. “Tại sao? Tại sao lại lúc này, tại sao lại là lúc mình đang muốn ăn?” – hai nhân vật chính trong câu chuyện cằn nhằn.

Nhà hàng ồn ào kinh khủng và họ thuê những nhân viên chậm chạp hơn rùa bò. Thực đơn giờ có vẻ lộn xộn, và thật không may, bạn không phải là người duy nhất bị nhầm lẫn. Nhiều người xếp hàng đứng trước bạn cũng đang bàn cãi nên chọn món gì: gà kiểu châu Á với nửa giá, hay sườn heo nguyên giá nhưng khẩu phần gấp đôi?

Tại sao bạn lại phải xếp hàng chung với những người mỏi mệt và lộn xộn khác? Hàng người xếp hàng đợi dài dằng dặc đến phát điên lên. Chắc là nên đi đến chỗ khác. Nhưng ai dám đảm bảo hàng chờ ở nơi đó sẽ ngắn hơn ở đây? Còn nữa, có thể họ không có món gà châu Á giảm giá một nửa. Do đó bạn quyết định chờ đợi, suy nghĩ xem mình nên trút cơn giận này lên ai: nhân viên thu ngân – người làm việc quá tải hơn bạn và có công việc vô nghĩa mà bạn thậm chí không thể hình dung nổi; hay cái người đang ngập ngừng chỉ ngón tay múp míp của mình vào món thịt heo trong khi lại gọi món gà cứ như thể nó bổ dưỡng hơn vậy?

Bạn bắt đầu có những suy nghĩ tồi tệ để làm khuây khỏa nỗi chán chường của mình.

Vài phút sau đó dài như cả đời người trên trái đất thì đến lượt bạn gọi thức ăn – gà nướng kiểu châu Á. Bạn lựa chọn nhanh chóng hơn bạn tưởng vì năng lượng đã tụt dốc trầm trọng, rồi thờ ơ nói với người tính tiền: “Cảm ơn, ngày tốt lành nhé”. Người đó ném cho bạn cái nhìn mang ý hỏi: “Ông đang giỡn tôi đó hả?” làm bạn hối hận vì đã cố ép mình lịch sự nhã nhặn và vội vội vàng vàng đi ra bãi giữ xe dơ bẩn. Việc quay lại với luồng giao thông giờ cao điểm khiến bạn thầm hi vọng mình tan biến ngay lúc này vì đã phí cả cuộc đời trong cái nhà hàng thức ăn nhanh đó. “Không, mình không ăn may như thế… Không phải trong cái thành phố chết tiệt này. Không phải ở đây”.

Bạn về nhà. Ngôi nhà trống không và bát đĩa chưa rửa. Bạn lầm bầm lấy một chiếc nĩa và ăn luôn món gà trong hộp trong lúc xem vài chương trình ti vi ầm ĩ. Có vài lúc hài hước nhưng đa phần là chán ngắt và ngớ ngẩn. Và thức ăn cũng không ngon. Giờ đã trễ rồi. Bạn đi đánh răng, ngẫm nghĩ xem ngày hôm nay vô nghĩa như thế nào rồi leo lên giường chỉ để thức giấc vào sáu giờ sáng hôm sau và lại lặp lại một ngày vô vị y như thế.

Chao ôi, viết về một ngày thường nhật còn tồi tệ hơn việc sống cái ngày ấy. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, người ta vượt qua chướng ngại này. Tất cả chúng ta đều như thế. Mọi thứ rốt cuộc sẽ trở thành thói quen. Bất kể là diễn viên hạng A hay người trông nom nhà cửa, sự buồn tẻ đơn điệu của hành động lặp đi lặp lại rồi sẽ đến với bạn. Các lề thói đơn điệu sẽ xâm nhập vào cuộc sống của bạn khi bạn già đi. Bất kì ai từng có một công việc đều thấu hiểu điều tôi đang nói.

Tôi biết bạn đang ao ước được nghe nói là những giây phút ấy không nhất thiết phải tẻ ngắt như thế và có một giải pháp thần kì để giảm bớt sự đều đều đơn điệu của chúng. Không. Thành thật xin lỗi. Tôi sẽ không nói dối – nhiều phần việc trong cuộc sống của chúng ta vốn đã được định sẵn là ngớ ngẩn và nhàm chán. Tôi biết các phương tiện truyền thông xã hội muốn thuyết phục bạn về sự thật hoàn toàn khác. Đừng tin nó. Cuộc sống của chúng ta không phải chỉ được xây dựng bằng những đỉnh cao vô hạn. Nhưng điểm mấu chốt trong bài trình bày của tôi về sự đơn điệu thường nhật là cho bạn thấy một cách tiếp cận khác đi hơn là con đường thoát li chúng. Giải pháp sau gần như bất khả thi, bởi vì ngay cả công việc lí thú nhất trên đời cũng trở nên nhàm chán sau một thời gian. Người xinh đẹp nhất trên Trái Đất này cũng thế…

Bạn không thể thay đổi dòng chảy tự nhiên của cuộc sống nhưng có thể thay đổi cách bạn lí giải chúng.

Những lúc xếp hàng dài lê thê vào giờ cao điểm là lúc bạn phải ý thức rất rõ về suy nghĩ của mình. Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh nhưng có thể thay đổi suy nghĩ về nó. Bạn nên làm như vậy bởi các sự kiện này đầu độc bạn qua từng ngày đúng theo nghĩa đen nếu bạn để mặc chúng làm vậy. Bạn có thể nghĩ mỗi lần tắc đường, mỗi lần nhồi nhét xếp hàng là một âm mưu mà cả thế giới đang quấy rầy bạn. Bạn có thể vận những sự việc thường ngày vào bản thân mình. Thật dễ dàng để làm như vậy bởi vì có một lực hút suy nghĩ “thâm căn cố đế” rằng bạn là trung tâm của vũ trụ. Bạn có thể cho rằng các sự kiện kia đơn thuần đang cản trở bạn nhanh chóng mua thức ăn ở cửa hàng, thậm chí khiến bạn càng mệt mỏi và ngăn không cho bạn về nhà sớm hơn. Bạn có quyền nghĩ là người ta biết rằng họ đang ngáng đường của bạn và cố tình làm thế. Họ la hét và chọn món một cách chậm chạp chỉ để trêu tức bạn mà thôi.

Bạn có thể phẫn nộ trước miếng sườn heo to tướng mà anh chàng kia đang “xơi tái”, thọc những ngón tay bóng dầu mỡ vào sâu trong thịt, xé ra đến tận xương và nhai nhóp nhép rõ to, trong lúc hoàn toàn không đếm xỉa đến bạn vẫn đang đứng xếp hàng với cái bụng đói meo. “Làm sao hắn dám ăn trước mặt mình với vẻ thỏa mãn trong khi mình còn đang đói? Chắc chắn hắn cố tình làm thế để khoe mẽ. Cái đồ tham ăn.” Khi anh ta ăn xong, bạn nhìn anh ta lặc lè đi ra ngoài, leo lên chiếc mô tô quá khổ và xì khói khi khởi động động cơ. Bạn nhìn theo anh ta rời khỏi, lắc đầu phản đối thói quen tiêu xài đó. Đúng là cái xe đáng ghét của một gã ích kỉ nhất, vô tâm nhất với môi trường. Thật là kiểu sống vô dụng, thiếu suy nghĩ…

Nhân tiện, hai đoạn văn cuối cùng chính là ví dụ về cách suy nghĩ chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy đau khổ và đáng thương hơn nữa. Kiểu suy nghĩ vị kỉ ấy làm cho nhiều người thất vọng và hoàn toàn chán ghét cuộc đời. Tuy nhiên, mỗi ngày bạn có thể chọn suy nghĩ theo hướng đó trong hàng người đợi mua thức ăn nhanh hay bất cứ nơi nào khác. Đó là quyết định của bạn.

Nhưng bạn cũng có thể chọn cách suy nghĩ khác đi.

Nếu bạn vừa mới nhận ra bản thân mình trong đoạn giới thiệu này, đừng lo lắng. Mỗi người trong chúng ta thỉnh thoảng đều suy nghĩ như vậy. Đó là dạng suy nghĩ vô thức. Đó là biểu hiện của nhận thức về sự buồn chán, thất vọng và cảm giác vô nghĩa. Những ý nghĩ hung hăng như những người ở trên làm dịu bớt chút ít sự thất vọng của chúng ta. Nhưng chúng lại tạo ra một loại thất vọng khác. Đó là nỗi bực dọc khi cuộc sống không tuân theo yêu cầu vị kỉ của bản thân chúng ta.

Vậy, giải pháp là gì?

Thay đổi quan điểm. Bạn có thể suy nghĩ giống như tôi đã miêu tả ở trên. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chọn cách nhìn nhận khác đi. Trước hết, bạn phải chấp nhận rằng bạn thật sự cảm thấy bản thân mình là “cái rốn” của vũ trụ, nhưng lựa chọn nhìn nhận điều đó không đúng. Việc này thật khó khăn và không phải lúc nào bạn cũng sẽ thành công trong việc chuyển đổi nhận thức, nhưng “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Chẳng hạn, bạn có thể chọn cách nghĩ rằng những người xếp hàng phía trước cố tình phá hỏng giờ phút “tự do” hiếm hoi của bạn. Hoặc bạn có thể chọn cách nghĩ là hầu hết những người kia chỉ vừa mới kết thúc một ngày làm việc dài lê thê và kiệt sức; họ xếp hàng mua thức ăn nhanh vì bắt buộc chứ không phải do chọn lựa. Họ không đủ tiền để mua ở một nơi đắt đỏ hơn. Bạn thì, mặt khác, đến đây bởi vì nó gần. Hay người đàn ông to béo đang nhai nhóp nhép miếng sườn heo ấy có lẽ đã không được ăn nó cả một năm rồi, và đó là món khoái khẩu đặc biệt của anh ta.

Bạn có thể chọn cách nhìn nhận rằng mọi người khác đang đứng đợi xếp hàng hoặc ùn tắc giao thông cảm thấy giống y như bạn. Họ cũng muốn nhanh chóng về nhà giống bạn. Người phụ nữ thu ngân kia bất lịch sự không phải để khiến cho một ngày của bạn thậm chí còn tồi tệ hơn; chỉ là cô ấy quá mệt nhọc sau ca làm 12 tiếng ở một nơi mà tất cả những gì cô phải làm là ứng phó với tiền bạc và sự thiếu kiên nhẫn của người khác.

Thay đổi sang cách nghĩ này không hề dễ dàng và chưa bao giờ dễ dàng. Bất kể bạn luyện tập cách suy nghĩ giàu lòng trắc ẩn hơn và không xem mình là trung tâm của vũ trụ nhiều bao nhiêu, thỉnh thoảng, bạn vẫn sẽ rơi vào tình trạng thiếu kiên nhẫn. Đừng chán ghét bản thân vì điều đó. Chỉ cần bạn chắc chắn ý thức được những lựa chọn tư duy của mình. Hãy biết rằng bạn có thể suy nghĩ theo hướng giàu lòng yêu thương hoặc tự cao tự đại. Cố gắng nhìn nhận một cách nhân ái thường xuyên nhất có thể. Có những ngày bạn không thể làm được, trong khi những ngày khác bạn lại không muốn nghĩ như thế.

Tuy nhiên, một khi bạn trải qua cảm giác có thể suy nghĩ một cách bao dung và tràn đầy yêu thương khi đối mặt với những khó khăn thường nhật như thế nào, bạn sẽ không muốn vướng vào những tư tưởng vô nghĩa kia chút nào nữa. Nó mang lại cho bạn cảm giác thân thuộc. Rằng bạn không hề cô đơn trong nỗi bất hạnh của mình. Những người khác cũng đang chịu đựng y như bạn – hay thậm chí còn tồi tệ hơn. Điều quan trọng không phải là tìm thấy sự dễ chịu trong nỗi đau của người khác mà là xoa dịu cảm giác khổ sở của bạn bằng cách nghĩ rằng bạn không đơn độc. Nếu dũng cảm, bạn cũng có thể thử an ủi sự bất hạnh của người khác. Việc đó thậm chí còn mang đến cho bạn cảm giác toại nguyện hơn. Nói điều gì đó vui vui trong lúc đang chờ đợi xếp hàng, tán thưởng nhân viên thu ngân, hay trò chuyện với một người lạ mà bạn hi vọng rằng họ sẽ ngon miệng với bữa ăn của mình. Đừng trông đợi hồi đáp điều gì. Đơn giản là hãy giải phóng nỗi thất vọng của bản thân theo một con đường tích cực và tạo dựng mối quan hệ với những người khác.

Có khi người đàn ông hối hả đứng trước bạn đang mang món ăn yêu thích về cho bà mẹ bị ốm rất nặng của mình. Có lẽ người phụ nữ thu ngân làm việc gấp đôi để nuôi nấng ba đứa con nhỏ của cô. Có thể bạn không bao giờ biết được động lực nào khiến cho những người ấy phải vội vàng đến vậy. Nhưng có một điều chắc chắn – họ không làm như thế để khiến bạn khó chịu. Nếu bạn cho rằng công bằng là chuyện hiển nhiên, trái tim bạn sẽ không còn chỗ cho lòng trắc ẩn.

Một vấn đề “quỷ quyệt” của nhận thức chính là bạn tập trung sức mạnh ở nơi nào thì nơi đó sẽ khiến bạn kém chắc chắn. Ví dụ, nếu bạn đặt quá nhiều suy nghĩ và những kì vọng tiêu cực, bạn sẽ không ngừng sợ hãi xảy ra bi kịch và hậu quả không may. Nếu dồn hết tâm trí vào tiền bạc, bạn sẽ không bao giờ thấy đủ. Nếu bạn khao khát có người yêu, ngày tháng dường như còn dằng dặc hơn khi bạn chẳng có một ai bên cạnh. Bất kể thứ gì làm bạn bận tâm quá nhiều cũng sẽ “ăn mòn” cuộc đời bạn.

Tôi biết rằng bạn biết chuyện này và tôi chẳng nói bất kì điều gì mới mẻ. Nhưng bạn có nhận thức về nó mỗi ngày không? Bạn có ý thức được tại sao mình sợ hãi, giả sử khi già đi? Hoặc vì sao bạn quá “thắt lưng buộc bụng” với tiền bạc? Hay căng thẳng khi ai đó cản bạn lại để hỏi một câu hỏi đơn giản? Hầu hết những lần đó bạn đều không ý thức được thứ gì điều khiển suy nghĩ của mình. Năng lực nhận thức của bạn trở thành thói quen nhận thức. Chúng trở thành một thiết lập mặc định trong suy nghĩ.

Ngày nay, những thiết lập ấy liên quan rất nhiều đến nỗi ám ảnh về sự tự nhận thức, tiền bạc, quan điểm và chủ nghĩa cá nhân. Chớ hiểu lầm ý tôi, đó là những thứ quan trọng nhưng chúng có thể giam cầm bạn trong lối suy nghĩ phiến diện, gây nản lòng và tự đầu độc chính mình.

Bạn không bắt buộc phải từ bỏ ước muốn có nhiều tiền hơn, xinh đẹp hơn hay có được những ngày suôn sẻ hơn để quan tâm đến người khác và các vấn đề bạn gặp khó khăn chung với họ. Bạn sẽ không trở nên xinh đẹp, khỏe mạnh hoặc nhanh nhẹn hơn nếu đồng tình với cảm giác tự thấy mình quan trọng của người khác chỉ để khẳng định tầm quan trọng của bản thân bạn.

Năng lực ý thức thật sự đến từ sự rèn luyện, quan tâm và lòng trắc ẩn. Khía cạnh đối lập lại với “sức mạnh nhận thức” của bạn là sự vô ý thức, tự yêu bản thân và niềm tin cố chấp rằng vũ trụ chỉ muốn làm tổn thương bạn.

Bạn có thể phản đối những gì tôi nói trong phần giới thiệu này hoặc chấp nhận chúng. Việc đó tùy thuộc vào bạn. Bạn có quyền chọn cách phớt lờ sự nhàm chán, vô vị của cuộc sống nhưng chúng sẽ ở xung quanh bạn cho dù bạn có lựa chọn chú ý đến chúng hay không. Nhận thức không làm bạn tốn kém điều gì cả nhưng đó có thể là câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống. Việc thay đổi thói quen tư duy của bạn sẽ không làm đổi thay thế giới nhưng dù sao đi nữa, tốt hơn là bạn nên chấp nhận và học cách cảm thấy dễ chịu về nó.