Quốc Gia Học Tập: Học Tập Công Nghệ, Chính Sách Công Nghiệp Và Bắt Kịp Thành Công

Thể loại: Kinh Tế – Quản Lý
Tác giả : Arkebe Oqubay
  • Lượt đọc : 90
  • Kích thước : 10.66 MB
  • Số trang : 546
  • Đăng lúc : 11 tháng trước
  • Số lượt tải : 122
  • Số lượt xem : 839
  • Đọc trên điện thoại :
Bước vào thế kỷ XXI, nền kinh tế toàn cầu đứng trước thời cơ mới, nhân loại đang từng bước sử dụng tri thức cho phát triển và đang hình thành nền kinh tế dựa vào tri thức, sử dụng nhanh và gần như trực tiếp các thành tựu của khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng thành công trong việc sử dụng tri thức từ quá trình học tập để bắt kịp xu hướng phát triển chung, vẫn còn những quốc gia bị tụt lại phía sau. Sự thay đổi về kinh tế, xã hội và chính trị trong bối cảnh toàn cầu của thế kỷ XXI đã làm cho quá trình học tập và bắt kịp công nghệ, chính sách công nghiệp của các quốc gia diễn ra phức tạp hơn, đặc biệt đối với các quốc gia đi sau trong quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Nhằm mang đến cho các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học nói riêng và bạn đọc nói chung có cái nhìn bao quát, toàn diện về quá trình học tập và bắt kịp thành công của một số nền kinh tế trên thế giới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quốc gia học tập: Học tập công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp thành công (How Nations Learn: Technological Learning, Industrial Policy, and Catch-up). Cuốn sách do TS. Hà Minh Hiệp, chuyên gia nghiên cứu một số dự án, chương trình năng suất và sản xuất thông minh của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), dịch từ nguyên bản tiếng Anh của tác giả Arkebe Oqubay và Kenichi Ohno, được Nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành năm 2019.

Bên cạnh bài giới thiệu và kết luận, cuốn sách gồm 3 phần chính với 12 bài nghiên cứu ở một số quốc gia, khu vực, ngành, lĩnh vực riêng. Phần I đề cập bối cảnh chung, các xu hướng phát triển trên thế giới, tác động của các quan điểm, tư tưởng về kinh tế đối với việc bắt kịp trong 7 thập kỷ qua; đánh giá bản chất đối với việc học tập và bắt kịp công nghệ ở các quốc gia Đông Á và bài học cho các quốc gia đi sau. Phần II giới thiệu kinh nghiệm học tập thành công ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ với các đặc điểm địa lý, vùng miền, cách thức học tập, bắt kịp riêng như: Nhật Bản dưới thời Minh Trị, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Phần III tổng quan kinh nghiệm của các quốc gia bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình dù đã nỗ lực thực hiện giai đoạn công nghiệp hóa ban đầu, cũng như các quốc gia đi sau bị tụt hậu về việc học tập và bắt kịp công nghệ (như các quốc gia kém phát triển ở châu Phi, Mỹ Latinh) và các chính sách, chiến lược thúc đẩy học tập ở một số quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam); đồng thời, xem xét một số trường hợp học tập và bắt kịp ở cấp độ doanh nghiệp như Hãng hàng không Ethiopia, ở cấp độ ngành, lĩnh vực, tiêu biểu như ngành trồng hoa và xi măng của Ethiopia...

Qua kinh nghiệm của từng quốc gia, khu vực, các tác giả nhấn mạnh rằng: không có một công thức chung để học tập và phát triển cho tất cả các quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ tìm ra các giải pháp khác nhau, trong những thời điểm khác nhau, cho cùng một vấn đề. Sử dụng dẫn chứng và kinh nghiệm lịch sử cũng như từ các doanh nghiệp, ngành và cấp quốc gia để xác định cơ sở và quá trình điều khiển của việc học tập và bắt kịp thành công là bài học cho các quốc gia đi sau. Sự kết hợp của đa dạng các trường hợp và kinh nghiệm quốc gia, cùng chuyên môn của các nhà nghiên cứu sẽ là những đóng góp độc đáo, tiêu biểu về động lực học tập và bắt kịp của cuốn sách này.

Cuốn sách được biên soạn, tổng hợp từ các công trình nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực và nhiều quốc gia khác nhau, do đó khó tránh khỏi việc tồn tại những ý kiến, quan điểm khác nhau của các học giả. Mặc dù người biên dịch và hiệu đính cùng với Ban biên tập đã hết sức cố gắng trong quá trình biên dịch, hiệu đính, biên tập, song khó tránh khỏi còn hạn chế, thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.

Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 11 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT