Bộ sách Tào tháo thánh nhân đê tiện

 Bộ sách Tào tháo thánh nhân đê tiện

Tào Tháo (chữ Hán: 曹操; 155 – 220), biểu tự Mạnh Đức (孟德), tiểu tự A Man (阿瞞) là một nhà chính trị, nhà quân sự và còn là một nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc. Ông được con trai truy tôn là Thái Tổ Võ Hoàng đế (太祖武皇帝).

Tào Tháo là người đã có công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng và Đổng Trác, đánh bại lần lượt các chư hầu như Lữ Bố, Viên Thiệu để thống nhất phương bắc nhưng lại thất bại khi tiến xuống phía nam vì gặp phải sự kháng cự của liên minh Tôn - Lưu, chấm dứt khả năng thống nhất đất nước khi ông còn sống. Tuy nhiên, hình ảnh về ông không được các nhà nho học ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ. Ông còn là một nhà thơ xuất sắc. Ông và hai con trai Tào Phi, Tào Thực được đời sau gọi là Tam Tào, cùng với nhóm Kiến An thất tử và nữ sĩ Thái Diễm hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là Kiến An phong cốt.

Hành động "Phụng thiên tử để lệnh chư hầu", "quyền thần đoạt ngôi" của ông đã tạo ra một tiền lệ mới cho hàng loạt những đế vương khai quốc đời sau học theo, điển hình và thành công nhất là cha con Tư Mã Ý, Lưu Tống Vũ Đế Lưu Dụ, Tùy Văn Đế Dương Kiên... Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc phong kiến tương lai mà còn ảnh hưởng đến các nước đồng văn như Việt Nam hay Nhật Bản. Vì vương triều Tào Ngụy của Tào Tháo vẫn chưa hoàn thành được đại nghiệp thống nhất nên trong mắt Nho giáo truyền thống ông chỉ là kẻ gian tặc thoán nghịch.

Trong gần 2000 năm qua, hình tượng Tào Tháo là một chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hầu hết đánh giá của dân gian thời phong kiến về Tào Tháo là tiêu cực, một phần là do ảnh hưởng từ tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" vốn có xu hướng thiên vị nhà Thục Hán, phần khác là do chính những hành vi tàn nhẫn mà Tào Tháo gây ra (tiêu biểu là vụ thảm sát hơn 10 vạn dân thường ở Tứ Thuỷ, tự tay giết oan cả nhà Lã Bá Sa, hại chết thần y Hoa Đà). Tuy nhiên kể từ thế kỷ 20, các học giả đã có nhìn nhận công bằng hơn về Tào Tháo, cả về những thành tựu lẫn khuyết điểm của ông.