Tân Châu xưa

Thể loại: Địa lý
Tác giả : Nguyễn Văn Kiềm
  • Lượt đọc : 280
  • Kích thước : 2.93 MB
  • Số trang : 588
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 163
  • Số lượt xem : 1.472
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Tân Châu xưa trên điện thoại
Tân Châu ! Mảnh đất phì nhiêu, nhưng bé nhỏ, gần biên giới Việt Miên – chính là nơi tôi đã mở mắt ngỡ ngàng nhìn ánh sáng – chính là nơi tôi « oa oa » tiếng khóc đầu. Tôi lớn dần trong sự nghèo túng của gia đình tôi, dưới mái lá đơn sơ bên hữu ngạn sông Tiền.

Năm 1926, sau khi đỗ Văn Bằng Sơ Học (nay Tiểu Học) ở tỉnh nhà (Châu Đốc), vì đời sống, tôi xin gia nhập vào làng giáo huấn từ ngày ấy. Rồi trên đường công vụ, tôi đã thuyên chuyển ở nhiều nơi làng mạc hẻo lánh xa xôi.

Chiến tranh bùng nổ ! Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương, rồi Pháp trở lại tái chiếm nước ta. Loạn ly khắp nơi, sự an ninh không được bảo đảm, nhứt là tại vùng quê. Đồng bào đành lìa bỏ chỗ chôn nhau cắt rốn, bỏ mảnh đất nuôi sống gia đình họ từ bao nhiêu đời, ra thành thị lánh nạn. Chúng tôi, vì ảnh hưởng chiến tranh, tập trung về quận lỵ để tiếp tục nghề « gõ đầu trẻ » âu cũng là một dịp trở lại chốn cũ quê xưa.

Về nơi sanh trưởng trên 10 năm, tôi nhận thấy chốn quê hương yêu quí, tiềm tàng một kho tài liệu đặc biệt liên quan đến sử địa, danh nhân, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, canh nông, thủy lợi, giải trí. Vì thế tôi không nệ tài hèn, sức mọn cố gắng vừa dạy học, vừa sưu tầm để hoàn thành một quyển sách, hầu giúp các bạn đồng nghiệp tài liệu dạy trẻ em, nhứt là cho người địa phương chưa am hiểu quận nhà và các bạn bốn phương tìm hiểu thêm về xứ « TẰM DÂU VÀ TRẦU, NHÃN ».
Thiết nghĩ, người nay muốn tìm hiểu chuyện xưa khác nào mò kim đáy biển, khó mà đi đến chỗ kết quả mỹ mãn. Lại nữa, tôi là nhà giáo, chuyên dạy học hơn gọt đẽo văn chương, thế nên, không làm sao tránh khỏi những khuyết điểm từ sự sưu tầm đến cách hành văn. Vì đó, tôi chỉ xem quyển sách nầy như một nhịp cầu để liên lạc với thế hệ sau. Còn nói rõ thêm, nó là một tập bút ký ghi chép những sự kiện đã xảy ra từ trước đến nay của quận Tân Châu mà thôi.

Ước mong ý kiến của các bực cao minh và các bạn bốn phương chỉ giáo để tài liệu quận nhà được đầy đủ, và có gì sơ suất xin lượng thứ cho.
Tân Châu, ngày 31 tháng 12 năm 1964
NGUYỄN VĂN KIỀM
HUỲNH MINH