Trang chủ
Cạm bẫy người

Cạm bẫy người

Tác giả : Vũ Trọng Phụng

Thể loại : Văn Học

Đã xem : 637

Số Chương / Tập : 14

Cập nhật lần cuối : 1 năm trước

Đọc trên điện thoại

Giới thiệu

Phóng sự “Cạm bẫy người” viết về nạn cờ bạc bịp ở đất Hà thành những năm 1930, vạch rõ bộ mặt của một tệ đoan xã hội đồng thời nêu ra những bi kịch của nó cho bọn tín đồ “tôn giáo đỏ đen”.
Nhiều thông tin ghi rằng “Cạm bẫy người” là phóng sự đầu tay của văn sĩ tả chân họ Vũ. Tuy nhiên, năm 1992, GS Trần Hữu Tá biên soạn cuốn “Vũ Trọng Phụng hôm qua và hôm nay” (NXB TPHCM), đến tháng 10/1999, thầy Tá cho tái bản có chỉnh lý và tăng bổ cuốn sách thành “Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta” (NXB TPHCM), kê danh mục phóng sự có thêm “Đời cạo giấy” được đăng báo năm 1932. Nhờ sự nỗ lực và tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu, các tác phẩm của nhà văn kiệt xuất Vũ Trọng Phụng đã và đang được tìm kiếm và bổ sung vào gia tài văn học nước nhà.
Như vậy, tính đến hiện tại trong danh sách các tác phẩm đã được tìm thấy, “Cạm bẫy người” là phóng sự thứ hai của Vũ Trọng Phụng, được ký bút danh Thiên Hư, đăng lần đầu trên báo Nhật Tân, xuất bản tại Hà Nội, từ số 1 (02/08/1933) đến số 14 (01/11/1933).

Kỹ nghệ cờ bạc bịp.
Tác phẩm gồm 14 chương, tố cáo tệ nạn cờ bạc bịp ở Hà Nội. Vũ Trọng Phụng đã gián tiếp điều tra cái làng bịp, vạch ra tổ chức, phác họa chân dung, mô tả chân tướng của dân làng bịp, tường thuật cách hành nghề của họ một cách rõ ràng, sinh động…

Ông dùng cái tầm của người làm báo để cho độc giả thấy cái tệ nạn cờ bạc rộng lớn và tai hại đến đâu. Ông dùng cái tâm của nhà văn hiện thực để tỏ rõ những bi kịch do những tay săn mòng gây ra cho gia đình bọn ham mê cờ bạc, xoáy vào vấn đề gai góc, nóng bỏng mà nhức nhối đó…

Vũ Trọng Phụng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho người đời, buộc họ phải nhìn thẳng vào thực trạng tệ nạn cờ bạc, khơi gợi suy nghĩ và thái độ người đọc, ở cái thời buổi mà vật chất kim tiền làm nhiễu loạn tất cả lúc bấy giờ.

“Cạm bẫy người” có lối viết chuyên nghiệp của người làm báo chuyên nghiệp, tác phẩm như một phòng triển lãm ngôn từ có thể khiến người đọc như được khai sáng một trường từ vựng mới, để rồi phải gật gù cảm thán về sự phong phú đa dạng của tiếng Việt.

Nhà báo, nhà phê bình văn học Lê Tràng Kiều đăng trên Văn học tạp chí số 4/1935 với tiêu đề: “Một trong những nhà văn hiện thực mở đầu cho nghề phóng sự ở nước ta”, ông đã đánh giá rất cao phóng sự “Cạm bẫy người” của Vũ Trọng Phụng:

“… “Cạm bẫy người” vừa ra đời đã được ngay báo chí khắp ba miền cực lực hoan nghênh. Nó làm cho tài Vũ Trọng Phụng không còn ai ngờ được nữa.”

Bình luận