Tào tháo thánh nhân đê tiện - tập 1

Tác giả : Vương Hiểu Lỗi
  • Lượt đọc : 1.953
  • Kích thước : 2.07 MB
  • Số trang : 324
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 1.065
  • Số lượt xem : 6.294
  • Đọc trên điện thoại :
Mùa đông năm đầu niên hiệu Vĩnh Khang nhà Hán (năm 167) tiết trời giá lạnh khác thường, cả phương bắc tuyết phủ trắng xóa. Nhất là kinh đô Lạc Dương, đã hơn mười ngày liên tục không hôm nào nắng ráo, gió tây bắc rét buốt thổi điên cuồng, cuốn theo những bông tuyết lạnh thấu xương, khiến đô thành lớn bậc nhất thiên hạ này trông thật tiêu điều ảm đạm.
Trong hoàng cung ở Lạc Dương, vị hoàng đế ba mươi sáu tuổi Lưu Chí đang ngự trên long sàng. Bệnh tật đã giày vò ông ta quá lâu rồi. Trong bóng tối đặc quánh, ông nghe thấy tiếng gió rít gào bên ngoài, càng thấy người mình trở nên nhẹ bẫng, cảm giác như bản thân đã bị một cơn cuồng phong thổi bay tít tận chân trời nào.
Lưu Chí lên ngôi năm mười lăm tuổi, trong hai mươi mốt năm làm vua, mười ba năm đầu ông bị đại tướng quân Lương Ký bên họ ngoại coi như bù nhìn, thỏa sức thi hành bạo chính, tàn độc với bách tính trăm họ. Tám năm tiếp theo ông lại bị bọn hoạn quan đầu độc mê hoặc, cấm cố trung thần, ngăn lời can gián. Vì thế triều chính ngày một suy bại, tiểu nhân đắc thế, dân đen khổ sở, giặc ngoài xâm phạm, thiên hạ đã bị họa hại khôn cùng.
Nhưng trong khi nằm trị bệnh, ông lại không hề để tâm kiểm điểm những sai lầm trước đây, tuy vậy lại luôn bận lòng vì hai việc rất phiền phức. Thứ nhất, bản thân không có con nối dõi, nếu chẳng may nhắm mắt buông tay mà đi, tất nhiên bá quan văn võ trong triều sẽ phải tìm trong con em tôn thất khác để chọn ra một người kế vị, như thế nghĩa là sẽ bắt đầu một cuộc tranh giành mới giữa hoạn quan và ngoại thích. Thứ hai, lúc này không phải buổi thái bình, ở biên ải phía tây, đang xảy ra một cuộc đại chiến giữa nhà Hán với người Khương, tuy quân triều đình đã nắm thế thượng phong, nhưng kết quả cuối cùng thì chưa ai nói chắc...
Cuộc chiến kinh hoàng đó bắt đầu từ cuối xuân năm nay, khi mà dân chúng thành Vân Dương bận rộn tay cuốc tay cày, dắt trâu ra đồng, bắt đầu một vụ mùa mới. Nhờ tiết trời đã dần ấm lên, bọn trẻ cũng lon ton đi theo nô đùa chạy nhảy. Ai nấy đều hy vọng có một năm tốt đẹp, ngay đến ánh mặt trời cũng dường có ý quyến luyến mảnh đất đầy yên bình này. Nơi đó không có cảnh tranh giành chiếm đoạt của triều đình, không có sự điêu ngoa xảo trá của thói đời, tựa hồ là cảnh cực lạc giữa chốn nhân gian.
Bỗng nhiên, có đám người cưỡi trên lưng những con ngựa cao lớn phi tới, phá tan bầu không khí an lành của đồng quê.
Hầu hết mọi người chẳng hề bận tâm, cứ cho rằng họ chỉ là đám thợ săn. Nhưng có mấy bô lão, nét mặt bỗng lộ vẻ bất an, họ nhìn thấy rõ mồn một đám người cưỡi ngựa ấy vạt áo đều vắt bên trái – Người Khương!
Lập tức ngay sau đó, thành Vân Dương phát sinh hàng loạt đổi thay: đầu tiên là cổng thành mở muộn và đóng sớm hơn, đồng thời được tuần tra nghiêm ngặt. Rồi số quan binh canh giữ trên lầu thành tăng thêm nhiều lần, sắc mặt ai nấy đều căng thẳng nghiêm cẩn. Đầu

đường cuối ngõ, ai ai cũng truyền tai nhau, người Khương đã đánh chiếm Lương Châu rồi, chẳng bao lâu nữa sẽ đến đánh nơi này.
Chiều ngày thứ ba, quân lính trấn giữ thành Vân Dương phát hiện phía xa xa trên bình nguyên bao la sát chân trời, thấp thoáng xuất hiện rất nhiều những chấm đen nhỏ, không lâu sau dần hiện rõ là một đoàn kỵ binh. Lính canh lập tức cấp báo lên tướng giữ thành. Trong khi tướng giữ thành vội vã thượng lầu và sợ hãi sững người: đội quân binh mã đen xì đã tràn đến chân thành như một cơn sóng.
Hơn ngàn người còn nhìn chẳng thấy hết, hơn vạn người thì chật đất liền trời! Mà đám quân lính này đều ăn mặc trang bị như nhau – không đội nón giáp, chỉ mặc áo lông thú, cưỡi trên lưng ngựa khỏe, vạt áo vắt bên trái!
Tuy nói là triều đình đã có sự chuẩn bị, nhưng binh lực quân Khương vây đánh Vân Dương từ ba mặt, điều đó hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Mặc dù quân trấn thủ đã ra sức chống chọi, nhưng mạnh yếu không cân sức, tám trăm người cả tướng lẫn lính run rẩy chống đỡ sao nổi hơn ba vạn quân Khương dũng mãnh thiện chiến?
Sau một hồi tử thủ, thành Vân Dương cuối cùng bị công phá, tướng giữ thành và quan huyện lệnh chết trận, tám trăm binh lính đều bị giết sạch, rồi người Khương bắt đầu thả sức tranh cướp và giết chóc không còn kiêng sợ gì nữa. Chúng điên cuồng chiếm đoạt lương thực, tiền của và phụ nữ, nhà cửa của dân chúng quá nửa cũng bị chúng đốt rụi bằng một mồi lửa, chỉ cần ai đó hơi có chút chống cự, liền bị chúng đạp lăn quay vào đống lửa, rồi bồi thêm cho một nhát dao tàn bạo... Tiếng kêu gào than khóc vang vọng khắp trong thành, thảm thiết đễn nỗi khiến người ta phải sởn da dựng tóc. Trong khói lửa nghi ngút, mùi da thịt cháy khét lẹt khiến ai ai cũng buồn nôn, tòa thành cổ phút chốc trở thành địa ngục giữa trần gian.

Thuộc bộ sách