Tào tháo thánh nhân đê tiện - tập 2

Tác giả : Vương Hiểu Lỗi
  • Lượt đọc : 1.088
  • Kích thước : 2.13 MB
  • Số trang : 330
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 619
  • Số lượt xem : 2.979
  • Đọc trên điện thoại :
Thời tiết nóng bức khiến tâm tình con người ta cũng càng thêm buồn bực, đặc biệt là với các quan viên ở kinh sư mà nói lại càng khó chịu hơn. Quan lại nhà Hán rất coi trọng nghi lễ, bất kể thời tiết nóng thế nào, cũng nhất định vẫn phải ăn mặc nghiêm trang chỉnh tề, đi những bước đĩnh đạc từ tốn, trong thời tiết nóng bức thế này há chẳng phải là hành tội ư?
Tào Tháo và Trần Ôn sánh vai đi đến mé ngoài Đông Quán, hai người không bảo nhau mà cùng thở dài.
Ngày đêm suy nghĩ, cuối cùng nay đã được về kinh làm quan, nhưng chức nghị lang trong triều nhiều không đếm xuể, những người thực sự có công việc để làm chỉ chưa đến mười người, còn đại đa số là chỉ là ăn không ngồi rỗi, chẳng có công việc gì cả.
Tào Tháo và Trần Ôn tuy là được Kiều Huyền tiến cử, hoàng đế đích thân hạ chiếu cho vời, nhưng đều không có chức phận gì giống một quan viên dự bị. Trên danh nghĩa họ phụ trách việc ứng đối thánh ngôn trả lời những câu hỏi của vua, nhưng hoàng thượng ngày ngày đều nghỉ mát ở Tây viên, ngay đến gặp mặt còn chẳng được.
Thời gian ngày qua ngày trôi đi, bọn họ cũng chỉ còn biết nghĩ cách tự mình tìm việc giải sầu. Vừa vặn Đông Quán học sĩ trong cung đang soạn bộ quốc sử Hán kỷ, họ liền theo đó sao sao chép chép tìm tòi sách vở. Tóm lại, nhìn thì thấy cả ngày bận rộn vất vả, nhưng thực tế chẳng qua là giết thời gian mà thôi.
Ánh nắng rải vàng trên mặt đất, bốn bề im ắng không gợn gió, trong sân lá ngô đồng im phăng phắc không hề lay động. Trong sảnh đường Đông Quán im ắng tĩnh mịch, lúc này ngài chủ biên Mã Mật Đê đang nghỉ ngơi trên gác nhỏ phía sau, chỉ có mấy thư lại đang sắp xếp sách vở. Nói thêm cho rõ, tu biên bộ Đông Quán Hán kỷ này còn phải tìm tòi đến bộ tư sử của Ban Cố soạn. Khi xưa Hiếu Minh hoàng đế sau khi xem đã vô cùng khen ngợi, và rất coi trọng bộ sử này, bèn hạ lệnh đem nó liệt vào quốc sử bản triều phải được viết tiếp không ngừng nghỉ. Do vậy mà các đại nho Trần Tông, Doãn Mẫn lũ lượt gia nhập, sau đó lại có các cây bút lớn Lưu Trân, Phục Vô Kỵ, Thôi Thực, Tào Thọ... kế thừa tiền bối tiếp tục biên tu. Từ khi Lưu Hoành kế vị đến nay, Mã Mật Đê, Đường Khê Điển, Sái Ung, Lư Thực, Dương Bưu cũng đều lần lượt vất vả khó nhọc vì bộ sách này. Nhưng nay Đường Khê Điển bệnh nặng cáo lão, Sái Ung trốn quan ẩn cư, không biết đi đâu, Lư Thực lại được điều sang nhậm chức thượng thư, Dương Bưu cũng có công việc khác. Công việc biên tu sử sách nặng nề như thế tất cả đều dồn lên vai một mình người tổng biên tu là Mã Mật Đê.
Mã công tuổi tác đã cao, tinh lực không còn được như trước đây nữa, nhưng thi thoảng hoàng thượng vẫn sai người đến hỏi tiến độ biên chép sử sách khiến ông già ấy chẳng được nhàn hạ chút nào. Kỳ thực tấm lòng của ông lão ấy đúng là như gương sáng, tất cả mọi việc

trước mắt đều do tên hoạn quan thổ phỉ Trương Nhượng bày ra, cố ý bắt ông lão già nua ấy phải chết vì mệt ở Đông Quán. Nhưng ông vẫn chẳng bỏ được công việc ấy, Đông Quán Hán kỷ là tâm huyết của bao danh nho văn sĩ trong suốt hơn một trăm năm. Ông dù có chết vì mệt mỏi cũng không muốn đem biết bao cố gắng của mấy đời người thả xuôi theo dòng nước. Vả lại triều đình đã hủ bại đến mức này, một lão già nhỏ như hạt tấm làm sao đủ sức vãn hồi lại được, vậy thì có việc gì khả dĩ hơn việc dồn hết tâm huyết tinh thần vào soạn sử chứ? Bất kể là đối với Mã Mật Đê, hay đối với những người như Tào Tháo, bận rộn là một thứ hạnh phúc, bởi một khi đã bận rộn sẽ chẳng còn sức đâu mà cảm thán nỗi thống khổ của hiện thực nữa.

Thuộc bộ sách