Thần Thoại Quyển 3C

Tác giả : Doãn Quốc Sỹ
  • Lượt đọc : 396
  • Kích thước : 1.09 MB
  • Số trang : 252
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 179
  • Số lượt xem : 1.433
  • Đọc trên điện thoại :
Thần thoại là sáng tạo của trí tưởng tượng tập thể toàn dân, phản ánh khái quát hóa hiện thực dưới dạng những vị thần được nhân cách hóa hoặc những sinh thể có linh hồn, mà dù đặc biệt, phi thường đến mấy vẫn được đầu óc người nguyên thủy nghĩ và tin là hoàn toàn có thực.
LỜI CẢM TẠ
Soạn giả thành thực tri ân giáo sư Nguyễn Văn Nha và bác sĩ Trần Quý Nhu. Hai vị thân hữu này đã giúp soạn giả những ý kiến quý báu khi phối hợp tài liệu, tìm những từ ngữ Hán tương đương với từ ngữ Nhật, và đặc biệt việc sử dụng cuốn Thế Giới Đại Bách Khoa Sự Điển bằng tiếng Nhật trong việc truy tìm những nghi vấn, so sánh những nguồn gốc khác nhau về thần thoại Nhật.

Soạn giả thành thật cảm tạ ông Phạm Văn Bông cho thêm ý kiến và gửi thêm tài liệu, cuốn Contes et Légendes du Japon của Félicien Challaye (Fernand Nathan, 1955).

Về những từ ngữ Nhật xin độc giả dọc theo thông lệ sau đây : o = ô (tiếng Việt) ; e = ê ; d = đ ; u = ư ; g = ng.

***

Những truyện thần thoại Nhật thường rất tản mạn, khó sắp xếp thành hệ thống khít khao. Vào đầu thế kỷ thứ VIII xuất hiện hai cuốn : Kojiki (Cổ Sự Ký) và Nihongi (Nhật Bản kỷ). Hai cuốn này được coi như ghi lại những truyện đã có từ trước thế kỷ thứ VIII. Kojiki (Cổ Sự Ký) ra đời vào năm 712 ; còn cuốn Nihongi (Nhật Bản Kỷ), thì vào năm 720. Cả hai đều viết bằng chữ Hán dùng cốt để ghi âm tiếng Nhật và đều có chủ ỷ chứng tỏ rằng về mặt chính trị, văn hóa, những bộ tộc tự xưng là Yamata (Đại Hòa Quốc cư trú trong vùng Kyoto – Osaka hiện nay) hơn tất cả những bộ tộc ở nơi khác 1. Sách ghi chép mô phỏng theo phương pháp của Trung Quốc, rất nhiều sử liệu hay truyện tích cổ thời được phân tích, lý giải theo tư tưởng học thuật Trung Quốc. Gạt bỏ những thiên kiến của tác giả, hai cuốn sách này vẫn là tài liệu lịch sử cổ Nhật Bản và là nguồn chính yếu của thần thoại Nhật Bản.



KOJIKI (Cổ Sự Ký)
Còn gọi là Furu oto bumi (Những liên hệ với các sự kiện cổ) được viết vào cuối thế kỷ thứ VII nhưng mãi đến năm 712 mới xuất bản. Đây là tác phẩm cổ nhất hiện có tại Nhật. Công cuộc biên khảo được thực hiện dưới triều vua Temmu (672-686) do sáng kiến của nhà vua vào năm 681. Nhà vua đã ban lệnh sưu tập tài liệu lịch sử các thời trước, ghi chép lại cho khỏi thất lạc. Tương truyền có một nhân vật nhớ việc rất tài trong đoàn Kataribe (Đoàn xướng vịnh) được nhà vua giao phó công việc kể lại cho viên quan chép sử Ono Yasumaro (mất năm 723) ghi. Bài tựa phản ảnh rõ những ý tưởng chịu ảnh hưởng học thuật Trung Quốc đương thời, lấy lịch sử làm nền tảng luân lý soi sáng những hành động thường nhật. Kojiki (Cổ Sự Ký) quả đúng là một tập truyện cổ được lưu truyền hữu dụng cho đời.

3) NIHONGI (Nhật Bản Kỷ)
Cuốn này được xuất bản tám năm sau. Cũng như Cổ Sự Ký Kojiki, cuốn Nhật Bản Kỷ Nihongi này ghi chép lịch sử Nhật từ thời tiền sử cho đến năm 700 (riêng Cổ Sự Ký thì kết thúc vào năm 628). Nhật Bản Kỷ mô phỏng theo lối chép sử Trung Quốc nhiều hơn cuốn Cổ Sự Ký, từ quan niệm âm dương trong truyền kỳ khai thiên lập địa cho đến lối biên niên theo các triều vua Trung Quốc. Thêm nữa mỗi đoạn trong Nhật Bản Kỷ còn nhiều phần phụ đưa ra nhiều lối giải thích, thêu hoa dệt gấm cho câu chuyện thêm linh động và có ghi niên biểu rõ ràng cho đúng khuôn sáo của sử sách Trung Hoa. Thậm chí tác giả đã táo bạo sửa đổi niên biểu các triều vua đầu tiên, do đó chỉ có thể tin cậy vào niên biểu kể từ đầu thế kỷ thứ sáu trở đi.

Ngoài hai cuốn trên còn một số tác phẩm khác nữa cũng góp phần vào công cuộc tìm hiểu thần thoại Nhật, tuy không được dồi dào cho lắm.

4) THỜI HỒNG HOANG
Khởi thủy là một khối bầy nhầy, mờ mịt như một trái trứng khổng lồ chứa sẵn những mầm tự sinh. Rồi từ giữa khối hỗn độn mờ mịt ấy nẩy sinh ra một chồi lau sậy linh thiêng. Chồi lau sậy trở thành đấng thần thông biến hóa, các vị thần phụ thuộc khác cũng lần lượt xuất hiện để rồi cùng tan biến đi. Như thế trải bảy thế hệ thần kỳ, cứ từng đôi anh trai, em gái xuất hiện rồi biến diệt. Đến thế hệ thứ tám thế hệ ngắn ngủi mong manh, nhưng lại cực kỳ quan trọng, lần lượt nam thần anh Izanagi và nữ thần em Izanami ra đời.

5) THIÊN ĐỊA KHAI TỊCH
Theo lệnh truyền của các vị thiên thần kỳ cựu, Izanagi và Izanami cùng tiến qua chiếc cầu nổi nhà trời (ama no uki hashi – thiên phù kiều) lấy cây ngọc mâu linh thiêng khuấy động làn nước nhớt hỗn độn dưới cầu. Khi nước cô đọng dần rồi đặc lại, họ rút cây linh mâu lên, những giọt nước như chất tương muối rớt xuống mặt đại dương kết hợp thành hòn đảo Onogoro (có nghĩa là hòn đảo tự nó đọng lại mà thành). Những con chim hải âu bắt đầu bay lượn nhịp nhàng quanh đảo.