Thánh Đường

Thể loại: Truyện Ngắn ;Truyện
Tác giả : Raymond Carver
  • Lượt đọc : 318
  • Kích thước : 1.08 MB
  • Số trang : 255
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 99
  • Số lượt xem : 1.172
  • Đọc trên điện thoại :
Raymond Carver từng nói luôn có thể “viết về những đồ vật, đồ đạc bằng thứ ngôn ngữ bình thường nhưng chính xác và bằng cách ấy ban cho chúng - một cái ghế, một tấm rèm cửa sổ, một cái nĩa, một hòn đá, một chiếc khuyên tai - sức mạnh to lớn, thậm chí gây sửng sốt.” Raymond Carver chưa bao giờ cố kể về cuộc phiêu lưu nào ly kỳ hay xây dựng nhân vật nào phức tạp. Nhiều nhân vật của ông còn không có họ, thậm chí không có tên. Nhưng khó lòng tìm được ở đâu những câu chuyện ấn tượng hơn thế, bởi như tờ Washington Post từng nhận định, “Carver là nhà văn của lòng trắc ẩn và sự chân thành, tình yêu thương và không hề giả dối, mắt ông chỉ chú tâm vào miêu tả và tái hiện thế giới như ông trông thấy. Đôi mắt ông trong sáng, và điều đó làm tan nát trái tim ta”.

Nhận định

“Thánh đường đã xây dựng danh tiếng cho tác giả của nó như một trong những giọng văn mới độc đáo nhất của thể loại hư cấu từng xuất hiện trên nước Mỹ trong suốt nhiều năm qua.” - Bill Buford, Times Literary Supplement

“Một tác phẩm quan trọng của một sự nghiệp độc nhất vô song.” - New York Review of Books

***

Thánh đường là tập truyện ngắn thứ ba của Raymond Carver (1938-1988) được dịch và xuất bản ở Việt Nam (sau hai tập truyện: Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình và Em làm ơn im đi được không?) (*).
Có thể nói, với một nhà văn kiệt xuất của nền văn học Hoa Kỳ như Raymond Carver, chừng ấy tác phẩm cũng là đủ để độc giả Việt Nam hình dung được phong cách, nắm bắt được lối viết của một trong những bậc thầy truyện ngắn thế giới.

Tên tuổi của Carver gắn liền với khuynh hướng cực hạn (minimalism) mà theo nhiều nhà nghiên cứu, có khởi nguyên từ lối viết tối giản của E. Hemingway - nhà văn ảnh hưởng lớn đến phong cách của Carver.

Tuy nhiên, Carver là người luôn biết vượt thoát những ảnh hưởng đó để vươn lên trong hành trình sáng tạo và lặng lẽ đóng góp cho truyện ngắn thế giới một giọng điệu riêng, một lối viết độc sáng, một cách thức mới để kể lại một câu chuyện từ những gì ông đã cảm nghiệm.

Trong nhiều tiểu luận và những bài trả lời phỏng vấn, Carver thường nói ông muốn “viết về những đồ vật, đồ đạc bằng thứ ngôn ngữ bình thường nhưng chính xác và bằng cách ấy ban cho chúng - một cái ghế, tấm rèm cửa sổ, một cái nĩa, một hòn đá, một chiếc khuyên tai - sức mạnh to lớn, thậm chí gây sửng sốt”.

Cái bình thường là những đối tượng của đời sống thường nhật, nhưng đã mang một sắc thái mới, sống một đời sống mới trong nhiều truyện ngắn của Carver.

Đặc biệt, ở 12 truyện ngắn trong tập Thánh đường, những đồ vật bình thường ấy đóng vai trò như một hạt nhân thu hút quanh nó toàn bộ kết cấu truyện. Nhà văn chỉ việc xây dựng, mô tả những đồ vật ấy một cách thật chính xác, lập tức những sự kiện, hồi ức, tưởng tượng lập tức hiện ra xung quanh chúng.

Đó có thể là chiếc tủ lạnh bị hỏng làm sống dậy không khí bất an của đôi vợ chồng nghèo khổ, tội nghiệp khi không biết xoay trở ra sao (truyện Bảo quản).

Đó có thể là chiếc bánh sinh nhật cho cậu bé Scotty trong ngày cậu qua đời vì tai nạn giao thông (Một điều tốt đẹp nho nhỏ), hay là chiếc tivi luôn hiện diện trong nhiều truyện ngắn của tập truyện (Những chiếc lông chim, Thánh đường... ) biểu thị cho tình trạng mất khả năng diễn đạt bằng lời nói và giao tiếp giữa người với người trong thời đại kỹ trị...

Những đồ vật ấy cứ lặng lẽ xâu chuỗi những sự kiện, qua những câu chuyện mà hình bóng của người trần thuật cứ ẩn khuất với một giọng văn sắc lạnh, xóa nhòa mọi sắc thái chủ quan.

Và nhờ thế các truyện ngắn luôn mở ra với bao diễn giải. Carver chỉ đơn thuần kiến tạo một mô hình, kể một câu chuyện - như cuộc sống vốn thế. Nhưng sự chân thực trong các chi tiết, kỳ lạ thay, lại ám gợi những cái mơ hồ: nỗi hoang mang trước đời sống, sự suy sụp và tuyệt vọng, niềm tin và tình yêu giữa người với người... trong một xã hội ngày càng thiếu vắng các giá trị.

Có lẽ vì thế mà tờ Washington Post khi nói về truyện ngắn của Carver đã nhận định: “Carver là nhà văn của lòng trắc ẩn và sự chân thành, tình yêu thương và không hề giả dối, mắt ông chỉ chú tâm vào miêu tả và tái hiện thế giới như ông trông thấy. Đôi mắt ông trong sáng và điều đó làm tan nát trái tim ta”.

3. Năm 2013, giải Nobel văn chương trao cho Alice Munro là một sự tôn vinh, cho dẫu muộn mằn, với thể loại truyện ngắn. Giữa Alice Munro - nữ sĩ người Canada và Raymond Carver - nhà văn người Mỹ, có nhiều điểm tương đồng, gặp gỡ trong cách kể một câu chuyện: cả hai đều chú trọng đến những cái bình thường, đều gắn bó với chủ nghĩa hiện thực và đề cao sức ám thị của những hình ảnh...

Nhưng nếu Munro thiên về chủ nghĩa hiện thực tâm lý quen thuộc với khả năng phân tích tỉ mỉ những rung động của hồn người thì Carver lại hướng đến sức nén, “độ không” cực hạn của cảm xúc trong lối viết và nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Nếu mỗi nhà văn lớn đều có khả năng kể câu chuyện theo cách của mình thì có lẽ đọc Raymond Carver nghĩa là thâu nhận cho mình thêm một giọng điệu, một cách kể chuyện mới, về những cảm nghiệm quen mà lạ giữa cuộc đời. Dĩ nhiên, đó là những câu chuyện được kể từ đôi mắt quan sát tinh tế và một tấm lòng nhân hậu sâu xa.