Thi Văn Quốc Cấm Thời Pháp Thuộc

Tác giả : Thái Bạch
  • Lượt đọc : 287
  • Kích thước : 1.81 MB
  • Số trang : 836
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 204
  • Số lượt xem : 1.502
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Thi Văn Quốc Cấm Thời Pháp Thuộc trên điện thoại
Từ ngày dân tộc ta thu hồi chủ quyền và lãnh thổ đến nay, riêng tôi, tôi vẫn ước mong có một tập sách ghi lại những thi văn bị cấm trong thời thuộc Pháp qua, vì đó là những di sản tinh thần vô cùng quý giá của tiền nhân để lại. Những thi văn ấy phải nói là những bài có tác dụng hun đúc rất mạnh ý chí quật khởi của dân tộc, và đó cũng chính là những sử liệu xương máu mà những người dân Việt Nam sống thác vì Tổ quốc Việt Nam không thể bỏ qua được.

Giữa lúc tôi đang băn khoăn vì câu chuyện trên đây thì quyển « THI VĂN QUỐC CẤM – THỜI PHÁP THUỘC » của bạn Thái Bạch đưa lại cho tôi được cái hân hạnh để xem trước, và xin thêm ý kiến. Như trút được gánh nặng trong lòng, tôi lật từng trang xem, xem đến đâu như thấy thêm bốc dậy tinh thần dân tộc đến đó, và rất lấy làm mừng cho quốc dân trong lúc « chống văn hóa nô dịch » này có một sử liệu quý ra đời. Tập này tuy chưa đầy đủ, nhưng phải nhận đây là một bước đi trước và là cả một công trình của một người biên soạn và sưu tầm.

Vì thế, tôi viết mấy hàng này để tán thưởng công việc làm của một văn hữu, và xin trân trọng giới thiệu soạn phẩm « THI VĂN QUỐC CẤM – THỜI PHÁP THUỘC » này với quý vị độc giả.

Sài thành Xuân Canh Tý – 1960

NGUYỄN VĨNH ĐĂNG

***
Lịch sử dân tộc Việt Nam ta trong 80 năm qua là lịch sử 80 năm chiến đấu không ngừng để giải phóng dân tộc.

Công cuộc chiến đấu này, khi công khai, khi bí mật và phải dùng đủ mọi mặt, mọi hình thức, mọi phương tiện mới đem lại kết quả ngày nay. Trong đó, chúng ta phải nói quân sự và văn nghệ đã đóng những vai trò có tính chất quyết định hơn hết. Vì quân sự là hình thức chiến đấu cao nhất mà trước khi dùng đến phải nhờ văn nghệ để nung tinh thần quật khởi, để sôi men chiến đấu trong khắp các từng lớp nhân dân.

Một nhà cách mạng nói :

Có tư tưởng cách mạng rồi mới có phong trào cách mạng. Muốn có tư tưởng này, không thể không cần tới văn nghệ, vì chỉ có hình thức này, mới truyền cảm được tinh thần ấy vào tâm não con người, và mới có thể phát động, lôi cuốn được phong trào.

Thực tế của các cuộc cách mạng Đông, Tây nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng minh lời nói ấy là đúng.



Tuy nhiên nhắc đến công cuộc chiến đấu giành độc lập của dân tộc mình, kiểm điểm lại, chúng ta thấy còn một sơ sót, trong việc ghi chép những trang sử oai hùng vừa qua đã gần như xem nhẹ những thành tích chiến đấu trên địa hạt văn nghệ mà không đề cập đến. Chính đó là những hồi kèn rung trống giục lòng yêu nước của nhân dân đứng dậy ; là những tài liệu giáo dục lịch sử vô cùng quý giá để cho đời đời truyền tụng, học tập và rút tỉa kinh nghiệm…

Thế nên, trong thời Pháp thuộc những tài liệu ấy đã bị những kẻ đàn áp nhân dân ta xem là những thứ quốc cấm. Trong số các tác giả có người đã bị tù đày, bị giết, bị thủ tiêu, hoặc phải bôn ba nơi hải ngoại. Cả đến gia đình và những người tích trữ cũng phải liên can. Như vậy chúng ta đủ biết tác dụng của những tài liệu văn nghệ ấy thế nào. Có khác chi đâu những phát thần công đại bác bắn vào thành trì tư tưởng của những kẻ chỉ biết có tiền bạc, địa vị… chuyên sống bằng nghề cướp nước và bán nước !

Ngày nay nước ta đã độc lập. Những tài liệu ấy không còn ở trong giam cầm nữa.

Chúng tôi thiết nghĩ hơn lúc nào hết, lúc này tự mình có nhiệm vụ phải sưu tầm lại để thưa với quốc dân và trình cho lịch sử. Không thì, những tài liệu ấy đã bị thất lạc đi rất nhiều trong thời gian qua, rồi đấy sẽ bị thất lạc thêm nữa.

Vì vậy, chỉ mới có được một số rất ít thôi, chúng tôi cũng xin gom lại trong tập này, lấy tên là « THI VĂN QUỐC CẤM THỜI THUỘC PHÁP » cho đúng với tính chất và giá trị của nó là những bài thơ, bài văn đã bị người Pháp nghiêm cấm không cho lưu hành trong khi họ có mặt trên đài chính trị ở xứ này.

Chúng tôi cố gắng sưu tầm nữa, và mong các bạn gần xa giúp thêm cho những tài liệu để bổ túc.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Ăn cơm nhớ kẻ cấy cày ruộng sâu.

Trước linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã hết mình vì dân vì nước, đã lấy cả lời văn ngọn bút làm gươm làm súng chống kẻ thù chung của dân tộc, hôm nay, chép lại tập tài liệu này, chúng tôi nguyện nuôi tinh thần ấy, ý chí ấy mãi mãi trong lòng để xứng đáng làm người Việt Nam ở trước thế hệ mới.

Sài thành mùa mưa năm Kỷ Hợi – 1959

THÁI BẠCH

Thuộc bộ sách