Tiếng Hú Trên Đỉnh Non Chà Hóc

Tác giả : Vũ Hạnh
  • Lượt đọc : 320
  • Kích thước : 3.71 MB
  • Số trang : 1143
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 71
  • Số lượt xem : 1.173
  • Đọc trên điện thoại :
Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nho học.

Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình, từ tháng 3-1945 học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An.

Vũ Hạnh là cán bộ văn hoá Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Trong hoàn cảnh viết trên sách báo công khai dưới chế độ ở miền Nam, ông đã có cách viết khéo léo để vẫn đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị kẻ thù đàn áp.

Sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên ban chấp hành Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh."
***
Tác phẩm chính;

Các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995),...

Tiểu thuyết: Lửa rừng (1972)

Hồi ký: Cái tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000)

Tiểu luận: Người Việt cao quý (1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970),...
***
Tiếng hú kéo dài rền rĩ, rồi biến thành một tiếng rống ghê rợn bao trùm những dãy nhà sàn cheo leo ngủ yên ở trên sườn núi Ca-Tha.

Ông chúa làng Bu-Then chống tay run rẩy ngồi dậy, chong tai ngồi nghe giữa khoảng tối dày. Từ khi bắt đầu bập bẹ những tiếng đầu tiên cho đến bây giờ, mái tóc bạc phau và lưng còng lại như cây gáo già ở trước cổng buôn, ông chưa bao giờ nghe một tiếng hú lạ lùng như thế.

Cố gắng chống lại một cơn cảm sốt làm ông rũ liệt đã nhiều ngày rồi, ông choàng tấm "dồ" lên mình, sờ soạng bước ra đầu nhà.

Tiếng hú vẫn cứ vang dài như chạy lông lốc trên đầu các ngọn cây cao, rồi tỏa tứ bề, lẫn lộn những lời khóc than kể lể và khi dịu lại nghe như tiếng rên của một người sắp xuống mồ. Ông Bu-Then quờ quạng bám tay vào tấm phên che, chỗ lối xuống lên, ngồi nhẹ xuống sàn như sợ ngôi nhà sụp đổ, giương đôi mắt đã đục lờ, hõm sâu, thảng thốt nhìn về một hướng núi xa.

Có lẽ tiếng hú xuất phát từ đỉnh Chà Hóc cao nghệu, hoang vu, dân làng chưa ai bén mảng đến đấy bao giờ. Những câu chuyện về ma quỉ, về thần núi do lão phù thủy Sa-Keo kể lể khiến họ sợ hãi, chỉ đứng xa nhìn đỉnh núi như ngắm nhìn con quái vật linh thiêng.

Gió khuya ướt đẫm mùi sương khua động rạt rào cây lá, bốc thổi từng luồng lạnh ngắt, khiến ông chúa làng co rút mình lại, kéo tấm "dồ" lên phủ kín đôi vai. Mặt trăng đã chìm sau núi, chỉ còn le lói đôi vệt sáng mờ sau rặng cây xa, đẩy vùng bóng tối đen dày của ngọn Ca-Tha phủ kín lấy buôn Nước Ràng.

Ông Bu-Then nhướng mắt nhìn quanh, không một bóng người thấp thoáng, không tiếng động nào vang lên giữa cảnh âm thầm. Dân làng có lẽ bị chôn vùi trong giấc ngủ nặng nề sau ngày làm việc nhọc mệt trong rẫy, trên nương, hoặc đang co rúm trên các sàn nhà, nín thở lắng nghe tiếng hú kỳ quái bất thần nổi dậy giữa đêm lạnh lẽo tối tăm.

Ông chúa làng nhớ mấy ngày trước đây, khói đen bốc tỏa mờ mịt về phía Chà Hóc như báo một điềm chẳng lành. Tai họa sẽ giáng xuống dân Nước Ràng hay sao? Ông thấy xúc động nghẹn ngào và buông một tiếng thở dài.

Tiếng hú, sau hồi thét vang rùng rợn, bỗng như khàn hơi ngừng bặt. Cả vùng núi rừng bao la chìm đắm trong sự câm lặng nặng nề. Tất cả sinh hoạt về đêm thường khi cựa quậy rộn ràng, bây giờ nén lại trong sự chờ đợi hồi hộp. Ông chúa làng nghe rõ tim đập dồn dập trong lồng ngực mình. Lâu lắm ông mới nhận được từ xa tiếng suối Nậm Nui rì rầm luồn qua khe đá. Và chim cheo-meo chiêm chiếp thảm thiết ở trong bụi rậm sau buôn.

Khi ông lấy lại được sự bình tĩnh, chống tay lom khom đứng dậy thì tiếng hú lại bắt đầu vang lên. Đó là những tiếng gào khan như thoát ra từ cổ họng của một con người to lớn dị thường, và con người ấy tưởng có thể nuốt dễ dàng được cả cây rừng, đá núi. Rồi tiếng gào ấy chuyển sang tiếng thét dữ dội như muốn phá tung lòng núi thẳm sâu để trút hết nỗi căm hờn chất chứa đời đời kiếp kiếp. Lúc tiếng thét đã dịu lại, trở thành tiếng hú, máu trong người ông Bu-Then như ngừng chảy hẳn. Ông ngã khuỵu xuống sàn nhà, tê lạnh người đi vì nỗi hãi hùng. Tiếng hú thê thảm quái gở như tụ hội hết hồn ma, vía quỉ lạc loài trong chốn rừng hoang. Tiếng hú ghê rợn độc ác như cào cấu trên da thịt con người, xuyên thủng màng tai, xoắn lấy não tủy.

Như cây gáo già sống trước cổng buôn gặp cơn bão rừng thổi mẹp vẫn luôn cố gắng chống lại mưa gió phũ phàng, ông đã từng đem sinh lực cường tráng giúp cho dân làng xua rạt bao loài thú dữ để rời lũng sâu ẩm thấp mà về bám trên sườn núi Ca-Tha đất rẫy phì nhiêu. Khi sinh lực ấy mỏi mòn, ông đã đem sự khôn ngoan của kẻ trải nhiều bất trắc gian lao giúp cho dân làng trồng trọt, dạy cho dân làng thuận hòa, biết thương rẫy lúa, nương ngô, suối nước, cây rừng. Bây giờ chúa làng Bu-Then lại để tiếng hú ma quái xô ngã như cành củi mục hay sao? Chúa làng Bu-Then để mặc cho bao nhiêu người run rẩy trong cơn khiếp đảm hãi hùng hay sao?

Ông già Bu-Then loạng choạng đứng lên, cố chống lại sự hoảng hốt xáo trộn lòng mình. Bám chặt bàn tay gầy gò vào khung cửa liếp, ông lần mò leo xuống chiếc thang gỗ làm bằng thân cây cốc rừng được đẽo hõm vào nhiều nấc để đặt bàn chân. Gió núi thổi tạt từng luồng lạnh buốt, bật tung tấm "dồ" khỏi cái thân hình xương xẩu, muốn kéo ngã ông xuống dưới sân buôn. Ông đi sờ soạng, nghe chân tê nhức ở trên nền đất khô cằn. Trăng đã chìm hẳn, chút sáng nhợt nhạt trên vùng cây xa cũng tắt từ lâu.

Ông già Bu-Then tìm về cuối buôn, chỗ nhà phù thủy Sa-Keo. Phải đi hỏi lão, vì chỉ có lão là biết ý định của loài ma quỉ.

Lên đến nấc cuối của cây thang gỗ, ông chúa làng thấy qua tấm liếp che trống trải, Sa-Keo đang ngồi im lặng trước một bếp lửa đã tàn, chỉ còn âm ỉ một ít than hồng đỏ rực. Đầu lão to lớn quấn vành khăn rộng xồ xề, trông như một chiếc cối giã lắc lư nhè nhẹ, trong khi hai cánh tay dài loeo ngoeo quấn chặt lấy cặp đầu gối xương xẩu nhô lên đụng tới chân cằm.

Ông già đưa tay đẩy mạnh tấm liếp. Sa-Keo như chợt bừng tỉnh, mở rộng đôi mắt ốc nhồi thao láo nhìn về phía cửa, cất giọng khàn khàn:

- Ai đó?

Mời các bạn đón đọc Tiếng Hú Trên Đỉnh Non Chà Hóc của tác giả Vũ Hạnh.