Trí Khôn Các Bác Để Đâu

Tác giả : Nhật Tuấn
  • Lượt đọc : 519
  • Kích thước : 1.97 MB
  • Số trang : 265
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 448
  • Số lượt xem : 2.576
  • Đọc trên điện thoại :
Đấy là nhan đề cuốn tiểu luận văn học của Nhật Tuấn. Nói trước là tôi không hề biết anh, thậm chí tên của anh cũng lần đầu nghe thấy. Với gần 450 trang sách anh đã đưa người đọc vào một cuộc lội ngược dòng lịch sử văn học cách mạng. Những cái tên mà anh nhắc tới trong cuốn sách này đã được người đọc một thời mặc nhiên công nhận là “cây đa, cây đề”, là những cái đinh của nền văn học cách mạng. Những tác phẩm được anh phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng cũng được giới phê bình cách mạng một thời tung hô ầm ĩ. Và, theo anh, chúng không đáng được như vậy. Thực ra chúng chỉ là sách “Người tốt, việc tốt”, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền chính trị một thời. Những cái được phản ánh trong các tác phẩm của những cây đa, cây đề ấy phần nhiều méo mó, tô hồng là chính. Nhà văn thực chất là những kẻ viết thuê. Anh ta viết không phải cái anh ta nhìn thấy và cảm nhận được, mà là viết lấy được để được tin dùng. Nhà văn sẵn sàng mượn mồm những đứa trẻ, những con người thuần phác để rao giảng “đấu tranh giai cấp” một mất một còn. Rằng kẻ thù của giai cấp, nói kiểu gì cũng xấu xa, cũng độc ác, chỉ có chế độ ta là ưu việt, là tốt đẹp...
Thực ra mà nói, chả cần Nhật Tuấn với 450 trang viết, nhiều người đọc cũng biết, nhất là thế hệ người đọc hôm nay, khi mà sự tẩy não có phần lỏng lẻo bởi cơn bão thông tin trên mạng, rằng thứ ấy không phải văn học, hay nói cho đúng ra là sẽ nhanh rơi vào sự quên lãng.
Cũng chả cần nhiều lời về một cuốn sách đã có quá nhiều vấn đề cần xem lại mà người đọc hôm nay phải được biết.
Tuy vậy, bạn không cần phải đồng ý hết những ý kiến của Nhật Tuấn trong cuốn sách. Nó chỉ có chức năng gợi mở cho bạn một cách nhìn khác, cách nhìn ngoài luồng về những vấn đề của văn chương từ khi có nhà nước cách mạng và từ khi có cái phương pháp gọi là “Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa”.
Nếu bạn đã sẵn sàng. Chúng ta sẽ cùng xem nhé!
15/9/2020
LÊ THANH MINH​
****
Khoảng dăm bảy năm trước, có lần nhà văn Nhật Tuấn gửi cho tôi “đọc chơi” cả một file tài liệu đánh máy đến vài trăm trang, nhan đề TRÍ KHÔN CÁC BÁC ĐỂ ĐÂU? gồm 8 bài tiểu luận, mỗi bài viết về sáng tác của một trong số những nhà văn được coi là “gạo cội”, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi đến Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc.
Gần đây, qua Facebook hỏi tác giả cái chùm tiểu luận kia đã công bố ở đâu chưa, thì được biết: chưa ở đâu cả. Và Nhật Tuấn cho tôi toàn quyền sử dụng!
Tôi nghĩ thật là uổng nếu chùm tiểu luận này chưa đưa ra cho công chúng, trong đó có giới nhà văn bây giờ đọc! Bởi rất ít khi có ai giúp chúng ta “đọc lại” văn chương các bậc đàn anh, sáng tác trong những năm cách mạng và kháng chiến, viết dưới những nguyên tắc mà ngày nay tuy có người còn tuân thủ, nhưng nhiều người đã từ bỏ, để thử đo xem những trang văn ấy có giá trị đến đâu, sức sống đến đâu?
Bởi vậy, tôi đã giành ra đến vài ba tuần biên tập lại cả chùm bài viết này, để có thể giới thiệu lại với bạn đọc.
Quả thật không thể không “biên tập” chùm bài này! Là vì bản đánh máy mà Nhật Tuấn gửi cho tôi, muốn đưa lại cho bạn khác đọc, trước tiên ít ra cần được đổi sang font chữ Unicode. Rồi nữa, kiểu viết như viết blog, viết nháp này – có hậu quả là khá nhiều lỗi đánh máy chưa sửa! Rồi nữa, tôi nhận ra cả những lầm lẫn chỗ này chỗ kia, nhất là tên các tác giả phê bình. Rõ nhất là chỗ nói lúc quyển “Cha và Con, và…” của Nguyễn Khải vừa in ra, Nhật Tuấn bảo trên báo “Văn Nghệ” có bài khen inh ỏi, nhưng anh lại gắn bài ấy với tên một nhà phê bình khác, trong khi ấy tôi nhớ chắc chắn đó là bài của tôi! Vậy là tôi phải giúp Nhật Tuấn chuyển địa chỉ lời trách mắng kia của anh sang cho tôi mới là chính xác và công bằng chứ! Hoặc nói về truyện dài “Vỡ bờ”, Nhật Tuấn nói đến chỗ nữ nhân vật Phượng tự tử, rồi cho là Phượng chết, và luận bàn về cái chết của người gái đẹp Hà thành ấy. Nhưng những ai đọc truyện dài này đều biết, tuy Phượng tự tử, nhưng người nhà đưa đến nhà thương cứu sống; đoạn cuối “Vỡ bờ” còn thấy chi tiết Phượng cùng em gái may cờ, rồi chi tiết Phượng đi tiễn đoàn quân Nam tiến ở ga Hàng Cỏ. Cái lầm này thì không sửa được; tôi chỉ đưa ra một ghi chú trong ngoặc vuông [] cạnh đó mà thôi.
Đại loại những vết sứt sẹo nhỏ nhỏ kể trên, bao giờ ta cũng gặp ở các bản thảo; những người đã từng qua nghề biên tập sách, như tôi và Nhật Tuấn đã từng qua, bao giờ cũng phải động bút tới mỗi khi muốn đưa nó lại cho bạn đọc.
Nhưng quả thật, có lẽ chưa chắc tôi đã ngồi lại với mấy trăm trang này liền vài tuần, nếu không có cái sức hấp dẫn của những phát hiện trong những trang này! Mà những phát hiện này lại là thấy ra những lỗi không hề nhỏ, đúng ra là khá lớn, khá cơ bản trong văn chương của những tác giả mà đến giờ người ta vẫn còn tôn vinh là nhà văn tiêu biểu, mẫu mực của “văn học cách mạng”!
Không phải là những ác cảm về những cây đa cây đề trùm rợp hết không gian chung, đây rõ ràng là việc sờ đến tận từng trang văn, từng câu chữ của từng đoạn ký sự, từng đoạn truyện ngắn truyện dài những tác phẩm hiện đã được đưa vào hết tuyển tập này, tổng tập khác! Những phát hiện này có thể sẽ gây ngạc nhiên, nhưng nghe ra rồi, hiểu ra rồi, bạn sẽ thấy thực chất “sức sống” những văn phẩm kia.
Còn những ai thấy ngờ vực, họ có thể tìm lại những văn phẩm ấy, hiện vẫn không thiếu trong các thư viện, các kho sách trong nước.
25/5/2015
LẠI NGUYÊN ÂN​